Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí: “Hồi còn làm Chủ tịch tỉnh, tôi vẫn đi xe máy, xe đạp”
Cho rằng việc nhận khoán xe công là bình thường, “không có vấn đề gì phải nề hà”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, thời còn là Chủ tịch tỉnh Tiền Giang, ông vẫn đi xe đạp, xe máy xuống cơ sở.
Trò chuyện với phóng viên tại phiên họp báo thường kỳ quý III/2016 diễn ra chiều nay (11/10), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí chia sẻ, bắt đầu từ tháng 10, ông cùng với các vị Thứ trưởng, các Tổng cục trưởng của bộ này đã bắt đầu nhận khoán xe công, tự túc đi làm.
“Từ nhà tôi đến cơ quan hết 10 km, nhân với 2 bận sáng chiều, 22 ngày làm việc và tính theo đơn giá 15.000 đồng/km. Mỗi tháng, tôi được khoảng 6,6 triệu đồng tiền khoán”, Thứ trưởng chia sẻ.
Tuy nhiên, trước việc dư luận đón nhận sự việc “bình thường” này như một điều “bất thường”, vị lãnh đạo Bộ Tài chính tỏ ra không được vui. Ông nói, ông cảm thấy “mắc cỡ” khi nhiều người liên tục gọi điện hỏi thăm. “Người ta hỏi tôi cảm thấy thế nào? Tôi thấy đây là chuyện rất bình thường chứ có gì đâu! Không đi xe này thì đi xe khác”.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cho rằng, nên coi việc Thứ trưởng đi làm bằng taxi là chuyện bình thường, “không đi xe này thì đi xe khác”
Rồi ông kể: “Hồi tôi còn làm Chủ tịch tỉnh Tiền Giang, tôi vẫn thường xuyên đi xe máy, đi xe đạp. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, chứ đâu phải mình làm cán bộ rồi cứ mỗi lần xuống cơ sở là lại đi ô tô con xuống”.
Ông Chí cũng cho biết, trong những ngày đầu nhận khoán xe công, ông bị nhiều người dò xét, liệu có phải là ông đang “PR” cho bản thân hay không? Rồi cũng có người nghi ngờ, liệu rằng việc ông bắt taxi đi làm có phải là hình thức.
Video đang HOT
“Hôm tôi xuống bắt taxi đi làm, mấy ông hỏi tôi đi thật à? Tôi bảo là tôi đi thật chứ đi giả hay sao. Tôi là người Nam Bộ nên nói là làm, chẳng việc gì phải gian dối bao giờ”, ông nói.
Tại phiên họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cũng cho biết, trên thực tế, mặc dù chủ trương khoán xe công là đúng đắn và đã có từ cách đây gần 10 năm về trước, tuy nhiên, do quy định khoán dựa trên tinh thần tự nguyện nên ít người nhận khoán.
“Sự đời có mấy ai tự nguyện đâu. Đó là tiêu chuẩn, định mức, quyền lợi gắn với chức danh”, vị Thứ trưởng Bộ Tài chính lý giải. “Nhiều anh nói, đi làm mang theo tài liệu quan trọng của quốc gia, nếu để mất thì sao? Tư thế này mà phải đi taxi, đi xe biển trắng? Đến các cơ quan, trụ sở Nhà nước thì có gặp phiền hà với bảo vệ hay không? Nhiều lý do lắm. Chỉ vì người ta không thích thì lấy lý do không làm thôi”.
Trên cương vị là một trong những Thứ trưởng đầu tiên nhận khoán xe, ông Chí khẳng định “không có vấn đề gì phải nề hà”, “làm sao đến nơi làm đúng giờ, còn đi bằng phương tiện gì là việc cá nhân”, ông Nguyễn Hữu Chí cũng cho biết, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ tổng kết thực tiễn, hiệu quả của cơ chế khoán xe và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, từ đó quyết định liệu có nhân rộng cơ chế này với các cơ quan khác hay không.
Trước đó, theo Quyết định số 1997/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ký, chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công được áp dụng đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.
Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được được xác định bằng đơn giá khoán (đồng/km) x số km khoán (km) x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng.
Trong đó, đơn giá khoán được xác định theo mức giá của các hãng xe taxi (loại 4 chỗ ngồi) phổ biến trên thị trường; số km khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc; số lượt đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày 2 lượt (đi và về); số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động (22 ngày).
Bích Diệp
Theo Dantri
Nhiều "sếp" sẽ buộc phải nhận khoán xe công!
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng.
Như tin đã đưa, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 yêu cầu Chính phủ thực hiện việc khoán xe công. Tuy nhiên, đây chỉ là một nội dung khá nhỏ trong bản Nghị quyết này, theo đó chỉ "từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh".
Nói về lộ trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính theo dõi, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015.
Ảnh minh họa: Việt Hưng
Quyết định này quy định rõ tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bộ trưởng Nên cho hay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Theo dự luật này, cơ chế quản lý xe ô tô công sẽ tiếp tục được đổi mới, hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng có đủ điều kiện nhận khoán mà không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào Dự án Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, việc khoán xe công có thể áp dụng với các chức danh được tiêu chuẩn xe đưa đón có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên.
Áp dụng quy định này, mỗi tỉnh sẽ chỉ có 3 chức danh là Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch tỉnh có tiêu chuẩn đưa đón, còn ở Trung ương thì thực hiện khoán với các chức danh tương đương Thứ trưởng trở xuống.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số lượng xe công của Việt Nam hiện lên tới 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Một xe công trung bình mỗi năm tiêu tốn khoảng 320 triệu đồng, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu... Như vậy, ước tính mỗi năm, 40.000 xe công sẽ tiêu tốn tới 12.800 tỷ đồng tiền ngân sách.
Trong khi đó, nếu thực hiện cơ chế khoán thì mỗi tháng, người nhận khoán được nhận khoảng 10 triệu đồng, mỗi năm khoảng 120 triệu đồng cho chi phí đi lại. Mức chênh lệch là khá lớn so với chi phí "nuôi" một xe công là 320 triệu đồng kể trên. Do đó, nếu cơ chế khoán xe công được thực hiện phổ biến sẽ tiết kiệm một khoản tiền lớn cho ngân sách nhà nước.
Được biết, trong cơ cấu các loại xe công, năm 2014 có 872 xe phục vụ chức danh, 24.460 xe phục vụ công việc chung và 11.565 xe chuyên dùng.
Số lượng xe phục vụ chức danh đã giảm từ 996 xe năm 2012 và 937 xe năm 2013. Tuy nhiên, giá xe trung bình lại tăng từ 850 triệu đồng năm 2012 lên 889 triệu đồng năm 2013 và 923 triệu đồng năm 2014.
Bích Diệp
Theo Dantri
Khoán kinh phí đi lại cho lãnh đạo: Hết đặc quyền xe công Bộ Tài chính vừa quyết định khoán kinh phí sử dụng ô tô cho các cấp lãnh đạo, thay vì đưa đón tận nhà. Chủ trương này nhận được đồng tình của cả người trong cuộc và các chuyên gia kinh tế, nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, cách tính định mức quá tỷ mỉ...