Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Quan hệ Việt-Mỹ đang ở thế kiềng 3 chân
Quan hệ Việt-Mỹ đang ở thế kiềng 3 chân khi đã vượt qua khuôn khổ song phương để đi vào hợp tác sâu rộng hơn. Việc xử lý các vấn đề khu vực, trong đó có liên quan đến Biển Đông, là một trong những hợp tác quan trọng giữa hai nước.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc về ý nghĩa, một số kết quả nổi bật của chuyến thăm cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí
Chiến lược đối ngoại mới vững vàng của Việt Nam
Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ diễn ra vào dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ? Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của chuyến thăm trên chặng đường 20 năm phát triển quan hệ?
Với tiền đề được tạo ra và được xây dựng trong 20 năm qua có thể nói chuyến thăm lịch sử đầu tiên của Tổng Bí thư tới Hoa Kỳ đã đưa quan hệ hai nước vươn lên tầm cao mới với một tầm nhìn mới và mở ra một giai đoạn phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất giữa hai nước, tăng cường xây dựng lòng tin, dựa trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng một loạt hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của lãnh đạo cấp cao đã thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện thế chiến lược đối tác ngoại mới vững vàng hơn cho Việt Nam với các đối trong thế trận mới của khu vực đang chuyển biến phức tạp.
Qua các chuyến thăm này, các nước đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam vào duy trì hòa bình hợp tác phát triển ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Điều này rất có ý nghĩa vào thời điểm Việt Nam triển khai hội nhập sâu rộng, tích cực và chủ động, hợp tác cũng như xử lý các vấn đề của khu vực, toàn cầu, liên quan đến lợi ích sát sườn của Việt Nam.
Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đều đề cập đến hợp tác về quốc phòng, an ninh trong nỗ lực để góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực? Chuyến thăm của Tổng Bí thư sẽ tác động thế nào đến hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này? Thứ trưởng nghĩ thế nào về khả năng Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong năm nay?
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo động lực rất mạnh mẽ thúc đẩy triển khai tất cả các lĩnh vực trong 9 trụ cột của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó có quan hệ quốc phòng an ninh.
Ngay trước khi diễn ra chuyến thăm của Tổng Bí thư, Bộ Quốc phòng hai nước đã đạt được Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ, dựa trên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng được hai bên ký kết vào tháng 5/2011 với những nội dung chính: Tăng cường tham vấn về chính sách quốc phòng; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin; hợp tác liên quan đến lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; hợp tác về an ninh biển phù hợp luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên.
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, hai Bộ Quốc phòng cũng ký văn bản hợp tác liên quan đến lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Có thể nói với chuyến thăm này, quan hệ nói chung cũng như quan hệ hợp tác quốc phòng nói riêng sẽ được tiếp tục thúc đẩy và triển khai trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được với những tầm nhìn chung về hợp tác quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Đây cũng là một đóng góp quan trọng vào việc duy trì hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
Về vũ khí sát thương, tôi nghĩ rằng việc Hoa Kỳ còn duy trì lệnh cấm này là điều không bình thường nhất là trong bối cảnh mới của quan hệ. Tôi cho rằng việc Hoa Kỳ đi đến dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là điều tất yếu.
Trong chuyến thăm gần đây đến Việt Nam, Thượng nghị sĩ John McCain đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ sớm có bước đi tiếp theo để đạt được mục tiêu này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong cuộc hội đàm tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng (Ảnh: AFP)
Chia sẻ lập trường về vấn đề Biển Đông
Liên quan đến việc duy trì hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, ông có bình luận gì trước việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama thống nhất về việc giải quyết xung đột trên biển thông qua biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế?
Video đang HOT
Tôi nghĩ rằng đây là lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trong cuộc hội đàm lần này, một lần nữa Tổng Bí thư ta đã khẳng định lại điều này và phía Hoa Kỳ cũng đáp ứng tích cực, cho rằng lập trường của Việt Nam phù hợp với lợi ích chung của khu vực.
Đối với khu vực hiện nay, điều quan trọng nhất là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển làm sao để tránh xung đột, đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực. Các nước trong và ngoài khu vực đều mong muốn các đối tác liên quan đến tranh chấp Biển Đông hành xử một cách có trách nhiệm trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các tuyên bố ở khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tôi cho rằng, lập trường hai bên chia sẻ về vấn đề Biển Đông là nhân tố quan trọng, thúc đẩy quá trình giải quyết hòa bình tranh chấp hiện nay trên cơ sở luật pháp quốc tế và đảm bảo cho tự do an toàn hàng hải và hàng không.
Vậy nỗ lực đóng góp giúp duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, được đánh giá thế nào đối với việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và theo ông Hoa Kỳ đánh giá gì về vị trí của Việt Nam trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương?
Nếu chúng ta nhìn lại quá trình bình thường hóa 20 năm quan hệ vừa qua, cơ sở của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rất sâu và rộng. Tôi muốn dùng hình ảnh kiềng ba chân để nói về trạng thái của mối quan hệ này hiện nay, đó là hợp tác song phương, khu vực và các vấn đề toàn cầu.
Như vậy, có thể nói phạm vi quan hệ rất rộng, và tôi cũng muốn khẳng định rằng, việc hợp tác xử lý vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, là một trong những vấn đề hợp tác quan trọng giữa hai nước khi hai bên đều chia sẻ lập trường giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng, phạm vi của quan hệ rất rộng vì không chỉ gói trong một vấn đề mà đã ở một tầm rộng lớn hơn của song phương, khu vực và cả vấn đề toàn cầu. Hai nước đã hợp tác trong vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt, chống khủng bố, những vấn đề về bệnh dịch và đảm bảo an ninh an toàn lương thực, năng lượng, nguồn nước…
Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang biến động phức tạp, Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam như một nhân tố tích cực, một đối tác tích cực và xây dựng của họ ở khu vực, đóng góp vào hòa bình ổn định và phát triển ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Điều này một lần nữa được tái khẳng định trong bài phát biểu của Tổng thống Obama ở cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khả năng về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama năm nay
Tiến trình đàn phán TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một vấn đề nhận được sự quan tâm lớn trong quan hệ hai nước? Theo Thứ trưởng, hiện còn những rào cản gì trong tiến trình đàm phán này? Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tác động thế nào đến đàm phán TPP?
Đàm phán TPP liên quan đến 12 đối tác, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, và hiện nay đàm phán đang đi vào giai đoạn nước rút với sự nỗ lực rất lớn của các bên liên quan, đặc biệt là phía Hoa Kỳ. Gần đây, Tổng thống Obama đã vượt qua khó khăn nội bộ và được Quốc hội cấp quyền đàm phán nhanh. Theo tôi, đây là một động lực mới giúp đẩy nhanh hơn quá trình đàm phán.
Có thể nói chuyến thăm này có tác động tích cực đến đàm phán TPP nói chung cũng như đàm phán song phương Việt Nam-Hoa Kỳ nói riêng. Hoa Kỳ đánh giá cao quyết tâm chính trị, thiện chí, nỗ lực của Việt Nam và họ bày tỏ sự thông hiểu đối với khó khăn và thách thức Việt Nam gặp phải cũng như mong muốn hai bên sớm tìm được tiếng nói chung về các vấn đề còn tồn tại, phù hợp với lợi ích của mỗi bên.
Hiện nay, hai bên đang nỗ lực để giải quyết một số tồn tại liên quan đến đàm phán TPP như về dân chủ, nhân quyền và lao động. Trong thời gian qua, hai bên đã có những cuộc trao đổi rất nghiêm túc và xây dựng để tăng cường hiểu biết và giảm bất đồng và cũng hiểu hơn được những khó khăn, những giới hạn của mỗi bên.
Điều quan trọng là hai bên có cách đề cập xây dựng, thông hiểu được khó khăn của nhau, quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhau. Tôi tin rằng, trên đà thuận lợi này, đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, triển vọng đạt được TPP trong năm nay là rất khả quan.
Còn về khả năng Tổng thống Obama sẽ tới thăm Việt Nam trong năm nay khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng Bí thư vừa qua tới Hoa Kỳ, thưa Thứ trưởng?
Năm nay là năm đặc biệt trong quan hệ hai nước, kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, phía Hoa Kỳ đã nhiều lần trao đổi với chúng ta về khả năng Tổng thống Obama thăm Việt Nam là rất cao.
Tại cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định lời mời của lãnh đạo Việt Nam và Tổng thống Obama đã vui vẻ nhận lời. Tôi xin dẫn lời Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius rằng chúng ta có lý do để tin là Tổng thống Obama có thể sẽ thăm Việt Nam trong năm nay.
( Còn nữa)
Nam Hằng
(Thực hiện)
Theo Dantri
Hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ tiếp Tổng Bí thư tại phòng Bầu dục
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 7/7 đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục, với sự tham dự của đông đảo quan chức hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành vị khách đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng vào trưa ngày 7/7 giờ địa phương.
Hai nhà lãnh đạo bắt tay trước khi bước vào cuộc hội đàm tại phòng Bầu dục.
Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Obama đã nhiệt liệt hoan nghênh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ.
Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận cởi mở, thẳng thắn về một loạt vấn đề hai nước cùng quan tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước về kinh tế, khoa học, giáo dục, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh...
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoan nghênh những tiến triển tích cực đạt được trong đàm phán.
Hai bên cùng cho rằng chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam tới Hoa Kỳ.
Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước.
Đông đảo các cơ quan truyền thông đưa tin về cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Sau cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ tại Nhà Trắng, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Phó Tổng thống Biden...
... và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có các bài phát biểu ngắn tại tiệc chiêu đãi chính thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Joe Biden nâng cốc chúc mừng cho mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay một quan chức Hoa Kỳ tại bữa tiệc.
An Bình
Ảnh: AFP, AP
Theo dantri
Mổ xẻ chiến lược quân sự quốc gia của Mỹ năm 2015 Lầu Năm Góc ngày 1/7 đã cho công bố Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, với các định hướng, phương thức và giải pháp xây dựng quân đội để bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích, an ninh quốc gia Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Cách tiếp cận mới về nguy cơ, đồng minh, đối tác, đối tượng... của...