Thứ trưởng Mỹ: Triều Tiên nên học Iran để thoát cấm vận
Sau thành công của đàm phán chương trình hạt nhân Iran, một thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kêu gọi Triều Tiên nên theo bước Iran vì đó là lối thoát tốt nhất cho Bình Nhưỡng khỏi sự cô lập và cấm vận.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman – Ảnh: Reuters
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 16.7 cho biết, bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã nói rằng Triều Tiên nên suy nghĩ những gì Iran đang làm để thay đổi, thay vì tự cô lập mình và hứng chịu cấm vận của cộng đồng thế giới.
“Tôi muốn nói với người dân Triều Tiên rằng, thỏa thuận này (về chương trình hạt nhân của Iran) giúp cho một quốc gia (Iran) thoát khỏi sự cô lập và sự cấm vận để trở thành hoặc có tiềm năng là một phần của cộng đồng thế giới. Hãy chấm dứt sự cô lập và làm như thế với cách thức ôn hòa”, bà Sherman phát biểu trong một buổi họp ngắn.
Hôm 14.7, Iran và sáu cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về việc cắt giảm chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy sự giảm nhẹ cấm vận kinh tế của Mỹ và phương Tây.
Video đang HOT
Thỏa thuận này được cộng đồng quốc tế nhìn nhận là một thành công không chỉ cho Iran cùng người dân nước này mà còn là bài học tốt cho những quốc gia khác với những vấn đề tương tự.
Bà Sherman cho rằng, ngoài chuyện đạt được thỏa thuận, cuộc đàm phán cho thấy chính sách đối ngoại đa phương là hoàn toàn khả thi đối với những vấn đề tưởng như phá sản, như vấn đề hạt nhân của Iran.
“Tôi tin rằng công việc mà chúng ta đang làm với nhau ở khu vực này để cùng hướng về phía trước trong một mặt trận thống nhất là rất quan trọng”, bà Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phát biểu khi được hỏi bà có tin tưởng cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, kéo dài nhiều năm nay, có thể thành công như của Iran hay không.
Cuộc đàm phán sáu bên với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc và Triều Tiên đã phải ngừng lại hồi 2008 vì bất đồng của Triều Tiên với những nước còn lại trong đàm phán. Triều Tiên muốn có cuộc đàm phán gần như vô điều kiện, trong khi Washington muốn Bình Nhưỡng phải nghiêm túc trong việc thực hiện những cam kết phi hạt nhân.
Trong khi cuộc đàm phán sáu bên chưa được khôi phục, Triều Tiên tiếp tục những cuộc thử nghiệm hạt nhân mới hồi năm 2009 và 2013, và giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng đang muốn phát triển 100 quả bom hạt nhân vào năm 2020.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Thỏa thuận hạt nhân của Iran gồm những điều khoản gì?
Iran và nhóm P5 1 đã đồng ý một thỏa thuận lịch sử về việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại các nước sẽ dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế, dầu mỏ đối với Tehran, The New York Times (Mỹ) cho biết hôm 14.7.
Cuộc đàm phán hạt nhân tại Iran được cho đã kết thúc sau 20 tháng ròng rã - Ảnh: Reuters
Phát ngôn viên Catherine Ray của Liên minh châu Âu (EU) cho biết cuộc họp của đại diện các nước trong nhóm P5 1 (gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Nga) và Iran diễn ra vào 10 giờ 30 (giờ địa phương) tại Vienna hôm nay 14.7. Một thông báo chính thức về kết quả đàm phán hạt nhân này dự kiến sẽ công bố cuối ngày 14.7 (giờ địa phương).
Trước đó, The New York Times dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây cho biết đã có kết quả khả quan về vấn đề hạt nhân của Iran sau 20 tháng đàm phán. Nhà ngoại giao giấu tên này cho rằng cuộc đàm phán bí mật kể trên đã giải quyết được các vấn đề chính, bao gồm cả thời hạn chấm dứt cấm vận buôn bán vũ khí cho Iran, dù đây là chuyện vẫn còn trong giai đoạn thỏa thuận.
Về phần Iran, các bên thống nhất lượng nhiên liệu hạt nhân Iran có thể giữ trong vòng 15 năm tiếp theo, những loại nghiên cứu và phát triển hạt nhân nào Tehran có thể thực hiện trên các máy ly tâm và thiết bị khác... Bên cạnh đó, việc thiết kế lại các lò phản ứng hạt nhân nằm sâu trong lòng đất để bảo đảm không bị bom đánh trúng cũng được thông qua.
Để thỏa thuận này thành công, các bên cũng muốn Iran công khai các chi tiết cơ bản về cơ sở hạ tầng và các điểm phát triển hạt nhân tại nước này, dù nó có khả năng không được công bố. Trong thời hạn 60 ngày để chấp nhận hoặc từ chối thỏa thuận, Iran phải chứng minh họ không hoặc không có khả năng chế tạo bom nguyên tử, The New York Times cho biết.
Nếu thỏa thuận thông qua, một số hạn chế trong chương trình hạt nhân của Iran sẽ được loại bỏ dần sau 10 năm. Và sau 15 năm, Tehran sẽ được quyền làm giàu uranium theo ý họ. Mặc dù vậy xét về lý thuyết, Hiệp ước về không phổ biến hạt nhân vẫn sẽ có điều khoản ngăn không để Iran hoàn tất những bước cuối cùng nếu họ muốn sản xuất vũ khí hạt nhân.
Về việc tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, Mỹ sẽ là mấu chốt quan trọng. Thỏa thuận đạt được về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ là thành tựu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, nhưng vẫn phải chờ sự thống nhất từ Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Theo nhận định của The New York Times, cơ hội thành công của ông Obama "khá cao".
Ngoài ra, việc tháo gỡ cấm vận vũ khí với Iran cũng là việc Tổng thống Obama cần tìm giải pháp với Israel, Ả Rập Xê Út và các nước Ả Rập khác, vốn là các quốc gia phản đối thỏa thuận này.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Thượng viện Mỹ cản trở Tổng thống Obama trong vấn đề hạt nhân Iran Thượng viện Mỹ vừa có thêm một động thái mới gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Barack Obama khi quyết định thông qua dự luật trao cho Quốc hội quyền được xem xét mọi thỏa thuận, nếu đạt được, về chương trình hạt nhân Iran. Thỏa thuận hạt nhân Iran đang có nguy cơ bị bóp nghẹt trong tay các...