Thứ trưởng KH&CN trả lời hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung
Chiều 14/5/2016, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc đã trả lời phỏng vấn báo chí về hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt vừa qua tại 4 tỉnh miền Trung.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, những ngày qua, hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại miền Trung là vấn đề mà người dân tại các địa phương này cũng như cộng đồng xã hội trong và ngoài nước rất quan tâm, lo lắng.
Với trách nhiệm được giao chủ trì xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng nêu trên, ông có thể cho biết Bộ KH&CN đã thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ như thế nào?
Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Như nhà báo và cộng đồng xã hội đã biết, hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 6/4/2016 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng 04/5/2016.
Từ ngày 24-26/4/2016, cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại thì trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu; ngày 04/5/2016 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình.
Thứ trưởng Phạm Công Tác thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung. Ảnh Lê Sơn (chinhphu.vn).
Qua theo dõi của Tổ công tác hiện trường, từ ngày 04/5/2016 đến nay không còn phát hiện hiện tượng bất thường tại khu vực này nữa. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Môi trường Nông nghiệp là những tổ chức KH&CN đầu tiên tham gia tiếp cận thực địa hiện trường.
Tại thời điểm đó, quy mô và tính chất của hiện hiện tượng hải sản chết chưa thể hiện dấu hiệu đầy đủ của một sự cố thảm họa môi trường trên diện rộng. Sau đó, tất cả các Viện Nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các ngành NN&PTNT, TN&MT, Y tế, … cũng đã tổ chức lấy và phân tích mẫu hải sản chết tại 4 tỉnh miền Trung này.
Video đang HOT
Cho đến nay, các hiện tượng bất thường, từ góc độ khoa học đều đã được tiếp cận, duy trì cập nhật và xử lý làm cơ sở cho việc phân tích xác định nguyên nhân.
Ngay khi có thông tin và báo cáo, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã kịp thời, quyết liệt và thường xuyên chỉ đạo, giao nhiệm vụ theo đúng trách nhiệm và lĩnh vực quản lý của các Bộ ngành và yêu cầu báo cáo kịp thời.
Đặc biệt Bộ KH&CN nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hàng ngày với tinh thần xuyên suốt là đảm bảo khẩn trương, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, có kết luận độc lập, khách quan với đầy đủ căn cứ khoa học thuyết phục, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu vi phạm.
Bộ KH&CN đã phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức đoàn công tác liên ngành gồm các nhà khoa học của các Viện nghiên cứu liên quan đi khảo sát thực địa tại vùng biển 04 tỉnh miền Trung để tổng hợp thông tin, lấy mẫu và tiến hành phân tích mẫu để đánh giá hiện tượng và tìm hiểu nguyên nhân; đã chỉ đạo Sở KH&CN các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế phối hợp chặt chẽ với các Sở NN&PTNT, Sở TN&MT theo dõi diễn biến, lấy mẫu hiện trường để phục vụ cho công tác phân tích, xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết; báo cáo nhanh kết quả và các đề xuất, kiến nghị về Bộ.
Ngay khi các tổ chức KH&CN độc lập có được một số kết quả phân tích chỉ tiêu ban đầu, Bộ KH&CN đã chủ trì tổ chức cuộc họp với tất cả các tổ chức KH&CN, các Cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu độc lập, từ đó định hướng kịch bản và các phương án phối hợp nghiên cứu nhằm xác định nguyên nhân hải sản chết hàng loạt.
Với tính chất là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều ngành: hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái… việc xác định nguyên nhân thực sự là một vấn đề lớn, phức tạp và đặt ra yêu cầu tiếp cận, xử lý bài bản, khoa học, khách quan, chặt chẽ và đúng pháp luật. Các nhà khoa học đã được tạo mọi điều kiện để trả lời bằng luận cứ khoa học của mình một cách độc lập và khách quan nhất.
Phóng viên:Thưa ông, từ những chỉ đạo của Chính phủ, rồi sự vào cuộc của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ KH&CN như ông nói trên, đến nay chúng ta đã thu nhận được những kết quả gì? Ông có thể cung cấp để công đồng biết không?
Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Bộ KH&CN và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ý thức được trách nhiệm trước nhân dân và xã hội về việc nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt nêu trên để sớm báo cáo Chính phủ, công bố trước nhân dân.
Thực chất đến nay đã xác định đây là sự cố môi trường trên diện rộng, mà việc giải quyết về mặt khoa học vừa đòi hỏi huy động liên ngành vừa yêu cầu tính chuyên sâu cao trong từng xem xét phân tích khoa học.
Đó là chưa nói đến yêu cầu phân tích hồi tố về điều kiện thực địa ban đầu. Các kết quả phân tích riêng lẻ không đủ cơ sở để có câu trả lời đầy đủ căn cứ khoa học vững chắc. Khi làm việc với các nhà khoa học, có những thời điểm ban đầu, đôi khi có cảm nhận là thực sự khó khăn để có được một kết luận tổng hợp, toàn diện và thuyết phục.
Bằng sự nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm của các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học liên ngành như: hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái, viễn thám, kỹ thuật hạt nhân…, tính đến thời điểm ngày 26/4/2016 các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh… và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính độc tố học và tảo độc.
Thực chất đã có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác và tính khách quan.
Các nhà khoa học nước ngoài khi được trao đổi tham vấn với Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia đã khẳng định về việc tiếp cận và đi đúng hướng của các nhà khoa học trong nước để từng bước xác định nguyên nhân.
Như vậy có thể nói đã đủ cơ sở để khẳng định sẽ có được câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận. Bộ KH&CN đang nỗ lực cùng với Hội đồng chuyên gia KH&CN và các Bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhân dân.
Theo_Người Đưa Tin
Lập hội đồng khoa học quốc gia để tìm nguyên nhân cá chết
Tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 4/5 cho biết đã thành lập hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) làm chủ tịch để phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng cá chết tại miền Trung.
Người dân chứng kiến cơ quan chức năng, kiểm tra, chứng thực nguồn gốc hải sản. (Ảnh: Thành Thọ/Vietnam )
Cụ thể, Hội đồng này gồm ba tổ nghiên cứu mang tính liên ngành, tập hợp các nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau để tiếp tục phối hợp, đối chứng kết quả phân tích và tập trung đi sâu vào các hướng nghiên cứu về tác nhân hoá học, sinh học, khí tượng, thuỷ văn và động lực học biển.
Trước đó, ngày 2/5, thay mặt hội đồng, Giáo sư Châu Văn Minh đã gặp gỡ, làm việc với các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Israel để thảo luận kế hoạch phối hợp trong việc tìm ra nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường.
Cũng theo tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay đã có sự vào cuộc của gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: nuôi trồng thủy sản, môi trường, địa chất-địa vật lý biển, hóa học, cơ học, công nghệ vũ trụ, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa dầu, khai thác khoáng sản...
Các chuyên gia đã tiến hành lấy hàng trăm mẫu để phân tích ngay từ ngày 7/4 gồm mẫu cá chết trên biển, mẫu cá chết trong lồng, mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du... để phân tích độc tố, bệnh dịch thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số về môi trường nước; số liệu về động đất từ ngày 6/4 để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra; số liệu về viễn thám từ ngày 1/4 để phân tích dòng chảy, nhiệt độ, hàm lượng chlorophylla, sự hiện diện của dầu loang.
Các mẫu này được phân tích tại các phòng thí nghiệm với các hệ thống máy móc hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật, Thụy Sỹ. Các nhà khoa học đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện các nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng hải sản chết bất thường.
Kết quả bước đầu đã loại trừ một số nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra. Hai nguyên nhân đang được tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá bao gồm nguyên nhân sinh học và hóa học./.
Quỳnh Phạm
Theo_Hà Nội Mới
Hiện tượng cá chết hàng loạt có thể tái diễn Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng làm nhiệt độ nước biển gần bờ tăng cao, làm gia tăng tốc độ phân hủy chất hữu cơ có nguôn gốc từ nước thải, rác thải ... tất cả những điều này có thể tiếp tục gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Đó là...