Thứ trưởng “giỏi ngoại ngữ”: Năm 2030 may ra mới khả thi!
“Để các Thứ trưởng đạt trình độ ngoại ngữ như vậy, tôi chắc có lẽ đến năm 2030 hoặc hơn nữa, may ra mới khả thi, nhất là khi việc dạy ngoại ngữ của Việt Nam, như hôm trước Bộ trưởng GD&ĐT nói trước Quốc hội là “không giống ai cả”".
Dự thảo Nghị định về tiêu chuẩn để bổ nhiệm các chức danh quản lý nhà nước do Bộ Nội vụ xây dựng, đang lấy ý kiến góp ý đang gây nhiều tranh luận, băn khoăn về tính khả thi với quy định Thứ trưởng phải sử dụng được ít nhất 1 ngoại ngữ thông dụng như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc đạt trình độ cao cấp bậc 6 (bậc cao nhất trong khung quy định của Việt Nam và tương đương bậc C2 theo khung chiếu Châu Âu mà ngay cả giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông hoặc đại học hiện nay phần lớn cũng chưa đạt). Dưới góc độ của người đứng đầu cơ quan làm nhiệm vụ “gác cửa”, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng đánh giá thế nào về nội dung này?
Đầu tiên phải nói, Bộ Nội vụ soạn thảo nghị định này căn cứ theo luật công chức, cũng là thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ nên việc đưa ra dự thảo Nghị định này tôi cho bình thường. Dự thảo Nghị định này cũng chưa có qua khâu thẩm định của Bộ Tư pháp nên khi công bố đã có rất nhiều ý kiến về vấn đề tiêu chuẩn của Thứ trưởng…
Nội dung yêu cầu dụng ngoại ngữ đạt trình độ cao cấp bậc 6 tôi cho là không cần thiết, khó khả thi vì tiêu chuẩn rất cao. Không chỉ báo chí trao đổi mà đại biểu Quốc hội gặp tôi cũng nói. Nhiều người đặt câu hỏi, khi cần luân chuyển cán bộ từ địa phương lên các bộ thì làm sao đủ trình độ ngoại ngữ như tiêu chuẩn đó.
Ngay cả ở cấp TƯ, để các Thứ trưởng phải đạt trình độ ngoại ngữ như vậy, tôi chắc có lẽ đến năm 2030 hoặc hơn nữa, may ra mới khả thi, nhất là khi việc dạy ngoại ngữ của Việt Nam, như hôm trước Bộ trưởng GD&ĐT nói trước Quốc hội trong phiên trả lời chất vấn là “không giống ai cả”.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (trái) trao đổi với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình bên hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Nói như Bộ trưởng, có thể hiểu, văn bản này nếu gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp chắc chắn sẽ bị tuýt còi?
Tôi khẳng định lại là dự thảo Nghị định này chưa qua thẩm định. Còn nếu qua khâu kiểm tra, thẩm định dứt khoát Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến. Mặc dù Thứ trưởng là công chức cao nhất nhưng có cần thiết quy định tiêu chuẩn này không bởi chúng ta đã có hàng loạt quy định của Đảng. Thứ trưởng là cán bộ cấp Ban Bí thư quản lý, quyết định cho nên càng đưa ra nhiều quy định, chúng ta càng bị bó buộc, có khi làm thui chột nhân tài của đất nước. Một người có thể quản lý rất giỏi nhưng thiếu cái ABC gì đó thì không khéo đất nước mất nhân tài.
Cũng có ý kiến cho rằng cần quy định Thứ trưởng hay cán bộ công chức cấp cao phải có một ngoại ngữ, không cần đạt cấp độ 6 nhưng nên biết đọc, viết vì trong quá trình đi công tác nước ngoài, Thứ trưởng không có phiên dịch, buộc phải biết 1 ngoại ngữ thông dụng?
Tiêu chuẩn đề ra đến cấp độ 6 thì chắc khó lắm. Thực ra hiện nay ta đã có quy định rồi nhưng chỉ là “cần biết ngoại ngữ” nhưng ở cấp độ nào cụ thể hiện tại ta đang để ở trình độ B thôi. Tôi còn chưa nhìn thấy cái bằng C ngoại ngữ thế nào.
Video đang HOT
Tôi nghĩ rằng, về tương lai, trong quá trình hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, đúng là cán bộ lãnh đạo của chúng ta cần biết ngoại ngữ, nhất là từ cấp Thứ trưởng trở xuống thì nên dùng trực tiếp ngoại ngữ thay vì phải có phiên dịch. Các nước khác đều như vậy. Nhưng Việt Nam có cả một quá khứvới cả những tồn tại trong công tác đào tạo như vậy thì còn rất khó khăn. Nếu chỉ để đáp ứng điều kiện kỹ thuật như thế này thì về mặt hình thức, có thể nhiều nhân tài không được phát hiện, trọng dụng.
Nếu làm khảo sát tại các Bộ vào lúc này theo tiêu chí của Bộ Nội vụ thì tỷ lệ Thứ trưởng đạt “chuẩn” sẽ ở mức nào, theo Bộ trưởng?
Kiểm tra ngược trở lại trong những người hiện nay thì có lẽ ít lắm, Bộ trưởng lại càng ít.
Dự thảo Nghị định này còn gây băn khoăn ở một số quy định khác như điều kiện tuyển dụng, bổ nhiệm chung cho nhiều chức danh từ Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng tới Giám đốc Sở, thành viên UBND tỉnh… phải có lòng yêu nước sâu sắc. Việc này đã có tiền lệ chưa, thưa Bộ trưởng?
Nội dung này lại càng mịt mờ, chưa hề có tiền lệ. Đây là lần đầu dự thảo Nghị định được xây dựng, chắc cơ quan soạn thảo muốn cụ thể hoá quy định của Đảng nhưng lại không có định lượng cụ thể (cười).
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
P.Thảo (ghi)
Theo Dantri
Học viện Hành chính Quốc gia đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Ngày 29-5, Học viện Hành chính Quốc gia đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm truyền thống Học viện Hành chính Quốc gia và vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các vị lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đến dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng mà tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia đã đạt được trong 55 năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh một số nhiệm vụ học viện cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, như tập trung đổi mới nâng cao nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, bồi dưỡng cán bộ công chức một cách toàn diện.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm
thành lập Học viện Hành chính quốc gia
Nội dung chương trình mang tính khoa học cao, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức theo ngạch bậc, chức danh; đào tạo cán bộ công chức trẻ có trình độ đại học, trên đại học đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của người học, vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn.
Cùng với đó, cần tăng cường và nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy có trình độ cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, mang tính kế thừa và phát huy truyền thống của tập thể cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ học viện thành một khối đoàn kết, thống nhất. Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương lên lá cờ truyền thống
Học viện Hành chính Quốc gia
Tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Đăng Thành, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện cũng đã ôn lại những mốc son quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển, tiền thân là Trường hành chính thuộc Bộ Nội vụ, được thành lập ngày 29-5-1959, theo Nghị quyết số 214-NV do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký, đến nay Học viện Hành chính Quốc gia đã đạt được nhiều thành tích sau 55 năm.
Trong 55 năm qua, học viện đã thực hiện nhiều khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho hàng trăm nghìn cán bộ công chức cơ quan TƯ và địa phương. Từ năm 2000 đến nay, học viện đã đào tạo 14 khóa đại học hành chính hệ chính quy với 13.447 sinh viên.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương lên lá cờ truyền thống tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Học viện Hành chính quốc gia và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Học viện cũng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, góp phần cung cấp lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học hành chính và quản lý nhà nước cho đất nước. Bên cạnh đó, học viện cũng là cơ sở đi đầu, có tính chiến lược trong đào tạo theo chức danh cho đội ngũ cán bộ công chức như trưởng phòng, vụ trưởng, chủ tịch ủy ban quận, huyện...
Những năm gần đây, học viện tổ chức đào tạo liên kết với một số trường đại học, học viện danh tiếng quốc tế như trường ENA (Pháp), Quesbec (Canada), Tempere (Phần Lan), Tokyo (Nhật Bản)
Học viện hiện là thành viên của 3 tổ chức quốc tế lớn về hành chính trên thế giới. Đó là: Hiệp hội quốc tế các trường và Học viện hành chính (IASIA), Tổ chức hành chính khu vực miền Đông thế giới (EROPA), Nhóm hành chính công châu Á (AGPA). Học viện có quan hệ với trên 50 cơ sở đào tạo và nghiên cứu hành chính các nước, trong đó ký thỏa thuận hợp tác với trên 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo hành chính thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới.
Hiện nay, Học viện Hành chính Quốc gia có 364 giảng viên, trong đó có 3 Giáo sư, 23 Phó Giáo sư, 54 Tiến sỹ, 305 Thạc sỹ, 24 giảng viên cao cấp, 95 giảng viên chính.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm
cùng các thế hệ lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia
Với nhiệm vụ thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước, ngoài cơ cở tại Hà Nội, Học viện còn có cơ sở phía Nam đặt tại TP.HCM, cơ sở miền Trung đặt tại Huế và phân viện Tây Nguyên đặt tại Buôn Ma Thuột.
Ghi nhận những thành tích to lớn của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, học viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Hồ Chi Minh.
Theo ANTD
Khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình vừa có báo cáo tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 69/QH13 của Quốc hội. Theo đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã báo cáo cấp có thẩm quyền về việc xây dựng nội dung cơ bản của Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công...