Thứ trưởng Công an chỉ chiêu lừa đảo của Địa ốc Alibaba
Thu gom mua đất nông nghiệp và các loại đất khác của các cá nhân, Địa ốc Alibaba dựng các biển quảng cáo về các dự án bất động sản.
Ngày 21/9, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh thành và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03-Bộ Công an) tập trung xác minh những dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Địa ốc Alibaba.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cty Địa ốc Alibaba được cấp đăng ký kinh doanh từ năm 2016 và quá trình hoạt động đã vươn dài ra các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi trao khen thưởng. Ảnh: Công an TP.HCM
Tại các địa bàn này, bước đầu cơ quan công an xác định công ty này thu gom mua đất nông nghiệp và các loại đất khác của các cá nhân. Sau đó, công ty dựng các biển quảng cáo về các dự án bất động sản.
“Tuy nhiên, kiểm tra bước đầu, chúng ta đều biết rất nhiều mảnh đất (đó là đất nông nghiệp), đất không nằm trong quy hoạch phát triển đô thị. Bằng hình thức như vậy, công ty đã quảng cáo gây niềm tin cho người dân để góp tiền vào dự án để cùng phát triển dự án, cùng chia lợi. Nhưng bản chất thì không phải như vậy”, báo Tiền phong dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc được đưa ra tại buổi lễ do Bộ Công an và Công an TP.HCM tổ chức nhằm khen thưởng đột xuất các đơn vị tham gia điều tra, khám phá vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Chúc mừng thành tích của các đơn vị, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đồng thời yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tập trung lực lượng, khẩn trương thu thập tài liệu, chứng cứ và mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng có liên quan theo quy định pháp luật.
Ở một diễn biến khác, theo ghi nhận của báo Pháp luật TP.HCM, sáng 21/9, rất đông nhân viên của Công ty CP Địa ốc Alibaba đã đến trụ sở công ty tại đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) để dọn đồ ra khỏi trụ sở.
Video đang HOT
Hiện trang web của Địa ốc Alibaba đã bị khóa, khách hàng không thể đăng nhập được.
Hôm 13/9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, đồng thời ra Quyết định Khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngày 18/9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã thi hành các lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh tại trụ sở và các chi nhánh của Công ty Địa ốc Alibaba trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.
Kết quả điều tra ban đầu cũng đã xác định Nguyễn Thái Luyện (anh ruột Nguyễn Thái Lĩnh), với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba đã giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Do đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Luyện để phục vụ công tác điều tra.
Đồng thời thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại nơi ở và nơi làm việc đối với Nguyễn Thái Luyện. Kết quả khám xét Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng trong vụ án.
Minh Thái (Tổng hợp)
Theo baodatviet
Vụ Alibaba: Chân rết đa cấp huy động vốn thế nào?
Địa ốc Alibaba dùng tiền của người mua sau để trả lãi cho người mua trước, cứ như vậy một miếng đất có thể bán cho nhiều người.
Khách hàng đến trụ sở Công an TP.HCM trên đường 3 tháng 2, Q.10 để trình báo
Nhiều công ty, một người đứng
Theo hồ sơ, Công ty địa ốc Alibaba thành lập 22 pháp nhân, sử dụng người thân quen trong gia đình đứng tên đại diện pháp luật để kinh doanh bất động sản.
Khi khách hàng mua đất mà Công ty Alibaba rao bán, khách hàng sẽ được hướng dẫn ký Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công ty "chủ đầu tư dự án" (thực chất chỉ là công ty được cá nhân sử dụng đất ủy quyền làm các thủ tục liên quan đến việc phân lô tách thửa). Sau đó, khách hàng được tiếp tục hướng dẫn ký Hợp đồng quyền chọn, với phương án cơ bản là nhận lãi suất, không nhận đất.
Cả hai hợp đồng: "Hợp đồng thoả thuận" và "Hợp đồng quyền chọn" khách hàng ký với 2 công ty khác nhau, nhưng người đại diện của cả hai công ty này là một.
Khách hàng cho công ty thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng; công ty mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng hoặc mua lại chênh lệch 38% sau 15 tháng... Trong thời gian đó, công ty được toàn quyền sử dụng lô đất của khách cho mục đích kinh doanh.
Với những khách hàng mua đất chỉ nhận lãi, không nhận nền, công ty sẽ tiếp tục bán lần 2 cho khách hàng khác với giá bằng giá gốc cộng lãi suất phải trả cho khách hàng F1 và cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tương tự như vậy, khách hàng F2 sẽ chọn nhận lãi không nhận đất thì lại được Công ty này bán tiếp cho F3. Với hình thức lấy tiền của người sau trả cho người trước, và nếu "lỡ" chưa bán cho được người F4 thì người F3 đừng hòng nhận lãi. Cũng có những trường hợp khách hàng sau khi mua đất phát hiện ra những dấu hiệu không minh bạch, đến để đòi tiền... và sau nhiều tháng vẫn chưa thể lấy lại tiền của mình.
Lượng khách hàng mua đất của Công ty Alibaba đã lên tới 6.700 người
Cụ thể là trường hợp của bà Làm A Lìn (Đồng Nai) khi mua đất nền do Alibaba rao bán tại dự án Alibaba Center City 5 tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà được hướng dẫn ký một "Hợp đồng quyền chọn" với Công ty địa ốc Alibaba (được gọi là bên quyền chọn) do ông Trang Chí Linh, phó tổng pháp lý ký. Sau đó Công ty Alibaba tiếp tục hướng dẫn bà Lìn ký "Hợp đồng thoả thuận" chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Công ty ty CP địa ốc Chiến Thắng cũng do ông Trang Chí Linh phó tổng pháp lý ký.
Nghĩa là trong "Hợp đồng thoả thuận" và "Hợp đồng quyền chọn" với khách hàng đều do một mình ông Trang Chí Linh ký. Công ty Chiến Thắng và Công ty Alibaba cũng là hai trong một. Với hình thức trên, Công ty địa ốc Alibaba hình thành nhóm các công ty từ đó huy động vốn của khách hàng thông qua những cam kết ảo.
Thực chất đây là hình thức kinh doanh đa cấp thông qua các hợp đồng thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất... nhưng không có sản phẩm thực tế và theo các luật sư có dấu hiệu của các tội "Trốn thuế", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai".
Cố tình chiếm đoạt tài sản
Thực chất, hệ thống Công ty Alibaba biết rõ quy hoạch các khu đất này không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không được cơ quan có chức năng thẩm quyền thoả thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giao đất thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Công ty địa ốc Alibaba vẫn ngang nhiên ký kết Hợp đồng với khách hàng cam kết bàn giao nền đất khi đã hoàn tất thi công hạ tầng (điện, đèn đường) và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất thổ cư cho khách hàng với thời gian từ 6 đến 12 tháng đồng thời cam kết thu mua lại.
Khách hàng cung cấp toàn bộ giấy nộp tiền cho Alibaba và hồ sơ mua đất
Vậy Alibaba thực hiện việc này thế nào?
Theo luật sư Trần Minh Cường, đoàn luật sư TP.HCM, nhóm các công ty Alibaba không tuân theo bất kỳ quy định nào để thực hiện dự án... Như vậy có thể khẳng định các "dự án" của Công ty Alibaba chắc chắn không thể hoàn tất thủ tục để bàn giao nền đất (với hạ tầng hoàn thiện được cơ quan chức năng cấp phép) cũng như bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở - thổ cư cho khách hàng theo thoả thuận. Công ty Alibaba tạo thành một hệ thống chân rết bao quanh nhằm đưa khách hàng vào "tròng".
Với cam kết "ảo" về lợi nhuận khủng làm cho khách hàng tin rằng đây là "dự án" có thật, là đất thổ cư là dấu hiệu lửa đảo, nhằm "thuyết phục" khách hàng "xuống tiền".
Khi đến hạn trả gốc và lãi suất theo thỏa thuận, hệ thống các công ty Alibaba tiến hành chi trả lãi suất quyền chọn hoặc cố tình kéo dài không thanh toán, việc lấy lại số tiền gốc thực đóng của nhà đầu tư rất khó khăn và hướng khách hàng qua "tái đầu tư" dự án khác mà không cho khách hàng rút toàn bộ vốn ra. Điều đó cho thấy có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.
Công an TP.HCM kê sẵn bàn ghế cho khách hàng đến để phản ánh thông tin liên quan đến việc mua đất tại các dự án "ma" của Alibaba
Nhật Xuân
Theo baogiaothong
Nhiều khách hàng "sập bẫy" Công ty Alibaba phải đeo khẩu trang viết đơn tố cáo Cơ quan công an bước đầu xác định có hơn 6.700 người có thể là nạn nhân của Công ty địa ốc Alibaba, với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng tại 40 dự án. Nhiều nạn nhân phải "che mặt" vì sợ người thân biết chuyện, ảnh hưởng đến gia đình. Chiều 20/9, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh...