Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nói về vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra giải pháp mỗi quán karaoke, bar, vũ trường phải đảm bảo công tác cách âm, tiêu âm. Cơ quan chức năng sẽ nghiệm thu việc thực hiện.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/3, giới truyền thông đặt câu hỏi cho lãnh đạo các bộ, ngành tham dự về giải pháp để xử lý dứt điểm vấn nạn hát karaoke gây ồn trong khu dân cư.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành thừa nhận còn nhiều khó khăn trong việc quản lý lĩnh vực trên. Ông phân tích với đặc điểm “lời nói gió bay”, không dễ dàng để cơ quan chức năng thực hiện đo đạc, ghi nhận những vi phạm về tiếng ồn làm căn cứ xử phạt
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành. Ảnh: Sơn Hà.
Đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng công tác tuyên truyền, đưa quy định về tiếng ồn vào tiêu chí gia đình, khu phố văn hóa là những giải pháp trước mắt. Ngoài các giải pháp từng được áp dụng, các đơn vị cần áp dụng biện pháp giảm thiểu tiếng ồn với từng đối tượng cụ thể.
“Các quán karaoke, vũ trường, quán bar cần có biện pháp cách âm, tiêu âm. Cơ quan quản lý địa phương sẽ nghiệm thu và kiểm soát việc thực hiện các biện pháp này”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nêu giải pháp.
Video đang HOT
Ngoài ra, ông Thành đề xuất có quy định về thời gian sử dụng âm tham trong kinh doanh đối với các nhà hàng, quán ăn có loa âm thanh lớn. Bộ Tài nguyên Môi trường đang chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết việc triển khai Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
Các chuyên gia trong ngành tiếp tục nghiên cứu việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính để cụ thể hóa trong từng trường hợp.
TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong việc xử lý vấn nạn tiếng ồn tại khu dân cư thời gian qua. Từ ngày 25/3, cơ quan chức năng trên toàn địa bàn đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân tuân thủ quy định về tiếng ồn.
Theo kế hoạch, cao điểm thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm bắt đầu từ ngày 30/6.
Trong đợt cao điểm xử lý vi phạm tiếng ồn, chính quyền các cấp cùng sở, ngành liên quan sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành nhằm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất theo lĩnh vực phụ trách. Thời gian này, những khu vực thường xuyên bị phản ánh vi phạm tiếng ồn sẽ được khoanh vùng, kiểm tra thường xuyên.
Người đứng đầu mỗi địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tái vi phạm tại các địa điểm đã kiểm tra, xử lý.
Ô nhiễm tiếng ồn từ loa kẹo kéo chưa thể xử lý triệt để
Nhiều nơi, tiếng ồn từ dàn karaoke gia đình, hay từ những thùng "loa kẹo kéo" lưu động đã trở thành nỗi "cực hình" của những người hàng xóm.
Hát karaoke là loại hình văn hóa, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia hưởng thụ một hoạt động giải trí tiện dụng, lành mạnh, bổ ích. Đặc biệt là đối với giới trẻ. Tuy nhiên tiếng ồn từ dàn karaoke gia đình, hay từ những thùng "loa kẹo kéo" lưu động đã trở thành nỗi "cực hình" của những người hàng xóm.
Tiền Giang xử lý karaoke bằng loa kẹo kéo tại một gia đình.
Đi trên đường, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các quán nhậu, bia vỉa hè cũng rất phổ biến. Nhiều hàng quán còn mở nhạc âm lượng lớn, hết công suất để gây sự chú ý và thực trạng này cũng đang tồn tại ở các khu dân cư.
Không riêng Cần Thơ, người dân Vĩnh Long từ thành thị đến nông thôn cũng rất bức xúc về tình trạng loa kẹo kéo tạo tiếng ồn, nhất là những người bán dạo trên đường phố chở theo loa kẹo kéo công suất lớn, hát bán bán hàng từ khu phố này sang khu phố khác, gây khó chịu cho người dân địa phương. Đặc biệt, ở nông thôn thì phần lớn các hộ gia đình tự mua sắm loa kẹo kéo để hát tại nhà. Mỗi khi có bạn bè hoặc người thân đến chơi, có rượu bia vào thì lôi loa kẹo kéo ra hát, nhiều khi còn tranh nhau hát, rất mất trật tự. Khổ nhất vẫn là gia đình hàng xóm có người già và trẻ con cần có sự yên tĩnh để nghỉ ngơi.
Loa kẹo kéo xuất hiện nhiều tại các quán nhậu, quán ăn hè phố.
Anh Trần Ngọc Sang một người dân ở thành phố Vĩnh Long cho biết: "Loa kẹo kéo rất phiền hà cho bà con lối xóm, làm ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của bà con. Theo cá nhân tôi, những người hàng xóm có tuổi cao những hộ gia đình có trẻ con thì rất phiền phức làm cho người ta không ngủ được. Tôi mong có biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này trong giờ ba con nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả.
Đây là thực trạng chung của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.700 dịch vụ karaoke di động phục vụ nhu cầu "hát với nhau" của người dân.
Trong đó, các địa phương có mô hình hoạt động này nhiều nhất là huyện Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho, huyện Cái Bè, Châu Thành... Thời gian qua, có nhiều trường hợp "hát với nhau" bằng loại hình này quá giờ quy định, gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người dân. Nhất là các vùng nông thôn, khi cao hứng, nhiều người dân thuê dịch vụ karaoke di động đến ca hát quên cuộc sống, sinh hoạt của người dân lân cận.
Bà Nguyễn Ngọc Hoa, người dân xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết rất bức xúc khi nhiều tháng qua 1 hộ dân mua dàn máy karaoke và ca hát thường xuyên gây ồn cả khu vực: "Tôi thấy việc xử lý các trường hợp hoạt động karaoke hay các cơ sở gây tiếng ồn chưa kiên quyết, ý thức một bộ phận người dân chưa cao trong việc chấp hành pháp luật. Cụ thể như gần nhà tôi có hộ thường xuyên karaoke vào ban đêm âm thanh inh ỏi gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư, nhất là giấc ngủ nhưng chưa được kiểm tra xử lý. Tôi đề nghị chính quyền và ngành chức năng địa phương phải thường xuyên kiểm tra và xử lý mạnh tay các trường hợp này.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, các ngành chức năng đã thành lập các đoàn công tác liên ngành tổ chức thường xuyên các đợt kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm với mức xử phạt từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Tỉnh cũng đã mua phương tiện đo tiếng ồn và tập huấn cho cán bộ các cấp để có cơ sở xử lý các tụ điểm kinh doanh karaoke di động hay các hoạt động khác gây ra tiếng ồn. Tuy nhiên, sau các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý thì vẫn tái diễn tình trạng hoạt động karaoke gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người xung quanh.
Tại Cần Thơ, theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mặc dù Sở đã ban hành và triển khai các văn bản liên quan đến vấn đề quản lý karaoke di động như: Công văn 901 ngày 9/4/2020 về "Tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động hát karaoke gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người dân", Công văn số 1947 ngày 23/7/2020 về "Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động ca nhạc có sử dụng thiết bị khuếch đại âm thanh điện tử", nhưng tình hình "ô nhiễm tiếng ồn" vẫn chưa khả quan.
Theo bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, để có thể giải quyết triệt để hơn, cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên môi trường, Công an thành phố nhằm đảm bảo đủ thành phần, lực lượng, phương tiện, tính khách quan, kịp thời trong quá trình thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về tiếng ồn: "Chúng tôi kiến nghị với Bộ ban hành văn bản về quản lý tiếng ồn, làm sao phù hợp với thực tế, trong đó cần có quy định tăng mức xử phạt hành vi vi phạm ô nhiễm tiếng ồn, bổ sung thêm hình thức xử phạt và tịch thu tang vật. Làm sao tăng cường được công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân. Đưa quy định việc sử dụng karaoke di động, loa kẹo kéo vào bộ tiêu chí ứng xử văn hóa trong cộng đồng, tiêu chí văn hóa trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" như là danh hiệu công nhận gia đình văn hóa, ấp văn hóa, khu vực văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị".
Cũng như Cần Thơ, ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc xử lý các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn, từ trước đến nay, tỉnh chủ yếu nhờ lực lượng đoàn viên thanh niên và các tổ chức đoàn thể vận động người dân sử dụng loa kẹo kéo đúng mục đích, không làm ảnh hưởng đến gia đình khác. Hiện tỉnh cũng đang dự thảo quy chế phối hợp với các sở ngành liên quan khác để có biện pháp xử lý có hiệu quả các trường hợp này trong thời gian tới.
Hát karaoke là loại hình văn hóa, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia hưởng thụ một hoạt động giải trí hiện đại, lành mạnh, bổ ích sau một ngày lao động mệt nhọc. Tuy nhiên những loa kẹo kéo hoạt động trên đường phố, những loa kẹo kéo hát tại gia đình không có hệ thống cách âm đã gây ra không ít phiền hà cho người dân địa phương, đặc biệt là người già và trẻ em. Đã đến lúc phải có những quy định của pháp luật phân định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền địa phương, cũng như của những người có trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn. Cần hành động nhanh hơn, kịp thời hơn để người dân thấy được "hiệu quả" của công tác quản lý nhà nước; đồng thời, từng bước nâng cao ý thức người dân, xóa dần tình trạng hát hò sai chỗ, sai giờ, nhằm bảo vệ môi trường sống an lành cho mọi người.
Chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn gây ô nhiễm môi trường Năm 2021, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Lực lượng công an kiểm tra, xác minh số chất thải xuống khu vực bãi rác, thuộc Tiểu khu Vũ Yên,...