Thứ trưởng Bộ Tài chính: Sản phẩm của Bình Sơn cần được bình đẳng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa chính thức nêu quan điểm của Bộ này về đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu các sản phẩm của của lọc hoá dầu Bình Sơn.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Ạnh Tuấn biết, bắt đầu từ năm 2016, nhất là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Hàn Quốc (VN-HQ) có hiệu lực, mặt hàng xăng từ mức thuế suất 20% xuống 10% tạo nên sự chênh lệch lớn giữa thuế suất thuế nhập khẩu theo mức thông thường và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo mức ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định FTA.
Do vậy, việc đề xuất của Bình Sơn hoàn toàn cần thiết và hợp lý, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các sản phẩm từ cơ sở sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Điều này cũng đảm bảo được mức bảo hộ hợp lý theo đúng các cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại.
Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện các chính sách vừa qua đối với Bình Sơn hoàn toàn không phải ưu đãi mà là nghĩa vụ của Bình Sơn đối với NSNN. Do vậy để thực hiện nghĩa vụ này thì nhà sản xuất trong nước phải được bình đẳng với nhà nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Ông Tuấn khẳng định: Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa cơ chế tài chính phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay và đảm bảo bình đẳng giữa DN trong nước và ngoài nước. Cụ thể chúng tôi sẽ trình sửa theo hướng DN Bình Sơn thực hiện nghĩa vụ thuế hoàn toàn theo các Luật thuế, theo quy định của nhà nước hiện nay và bỏ cơ chế nếu thuế nhập khẩu hạ xuống dưới mức 7% thì nhà nước bù.
Trước đó, do giá dầu thế giới xuống thấp, việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm 2016 của Công ty Bình Sơn thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Bình Sơn đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu diesel, madút và JET-A1 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Danviet
Video đang HOT
Tầm nhìn từ 'ngọn lửa vĩnh cửu'
Dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất từng "bất động" trên hiện trường tới gần 7 năm, và bao đàn bò ở Bình Trị (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã lớn lên nhờ gặm "cỏ nhà máy lọc dầu"...
Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Hiển Cừ
Nhưng khi chính phủ quyết liệt vào cuộc từ năm 2004, thì NMLD Dung Quất đã tượng hình một cách bài bản, và sau 5 năm, tháng 9.2009 nhà máy đã chính thức vận hành cho ra dòng dầu đầu tiên. Từ đó tới nay, trừ thời gian bảo dưỡng định kỳ, NMLD Dung Quất đều chạy đúng chạy đủ 100% công suất, cho ra các dòng thành phẩm đủ cung cấp cho 30% nhu cầu tiêu thụ nội địa, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Tôi đã nhiều lần leo lên đỉnh đồi Cây Sấu, nơi tốt nhất quan sát toàn cảnh nhà máy từ trên cao, với hi vọng mở mang tầm nhìn. Có thể nói, cho tới bây giờ, khi NMLD Nghi Sơn chưa chính thức vận hành, Dung Quất vẫn là nhà máy đồ sộ nhất Việt Nam, với công suất "đầu vào" 6 triệu tấn dầu thô/năm, có cấu hình tổng thể và hệ thống điều hành hiện đại nhất Việt Nam. Và đặc biệt, có sức lan tỏa, có tầm ảnh hưởng khó nhà máy nào ở Việt Nam bì kịp.
Từ trên đồi Cây Sấu, độ "hoành tráng" của nhà máy có thể khiến ta choáng ngợp. Phía xa xa tỏa lên trời xanh làn khói trắng nhẹ và ngọn lửa khiêm nhường. Nhưng đó là "ngọn lửa vĩnh cửu", vì chừng nào nhà máy còn hoạt động, thì ngọn lửa ấy còn cháy sáng. Về ban đêm sẽ nhìn ngọn lửa rõ hơn, đẹp hơn. Nhưng đó vẫn là nhìn từ bên ngoài. NMLD Dung Quất vẫn có những vấn đề bên trong của nó cần giải quyết. Đầu tiên, là nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ được coi như nguồn duy nhất cung cấp "đầu vào" cho nhà máy. Dầu Bạch Hổ là "dầu ngọt" rất tốt, nên giá đắt, ít nhất là đắt hơn các dòng dầu "chua, nặng" khá phổ biến trên thế giới. Trữ lượng mỏ Bạch Hổ tuy lớn nhưng không phải là vô hạn. Sẽ tới một ngày không xa, mỏ Bạch Hổ cạn... dầu. Lúc bấy giờ, NMLD Dung Quất sẽ chạy bằng nguồn dầu nào?
Một số ý kiến phản biện cho rằng NMLD Dung Quất hiện nay lãi là nhờ... cơ chế. Nhưng nên nhớ, khi nhà nước quyết định thành lập nhà máy này, thì phải dựa trên một tư duy tổng hợp: không chỉ lợi ích kinh tế, mà còn là an ninh năng lượng. Muốn xây dựng công nghiệp nặng, thì bắt buộc phải có những "nhà máy cái". Từ NMLD Dung Quất, mới hình thành được một chuỗi những nhà máy hóa dầu, và đó sẽ là phần lãi của một tổ hợp lọc-hóa dầu. Chưa kể, khi bán dầu Bạch Hổ giá cao cho NMLD Dung Quất, thì nhà nước đã nhận được giá trị gia tăng từ dầu thô rồi, trong khi các nhà máy lọc dầu nước ngoài dùng dầu chua và nặng giá rẻ, dĩ nhiên giá thành sản phẩm của họ phải thấp hơn của NMLD Dung Quất.
Nhưng muốn NMLD Dung Quất chạy bằng các nguồn dầu chua, nặng, giá rẻ, mang tính cạnh tranh cao thì phải có thiết kế phù hợp. Và muốn đạt tới độ tối ưu về kinh doanh cũng như vận hành, thì cần phải nâng công suất của nhà máy lên một con số thích hợp. Con số đó là 8,5 triệu tấn/năm. Nó tương thích với số vốn bỏ ra nâng cấp và mở rộng cũng đạt tối ưu về hiệu quả là 1,8 tỉ USD. Như thế, với 3,4 tỉ USD đầu tư cho nhà máy cũ, thêm 1,8 tỉ USD nâng cấp mở rộng nhà máy, thì 5,2 tỉ USD là con số vốn bỏ ra để có một NMLD công suất 8,5 triệu tấn/năm, chuyên lọc các nguồn dầu chua và nặng phổ biến, cho ra thành phẩm đạt chuẩn môi trường Euro 5 (so với chuẩn Euro 2 mà nhà máy cũ đang có thì hơn quá nhiều).
Xăng dầu đạt Euro 5 là chuẩn hàng đầu thế giới hiện nay, nó bảo đảm cho mặt hàng này có thể bán được trên khắp thế giới. Chính từ những yêu cầu nội tại bức xúc của NMLD Dung Quất, dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy đã sớm được chính phủ phê duyệt. Sau rất nhiều đàm phán, tìm kiếm sự hợp tác từ nước ngoài, cuối cùng, vì sự sống bền vững và "sạch" của NMLD Dung Quất, chính phủ đã quyết định: Việt Nam tự đầu tư nâng cấp và mở rộng nhà máy. Đó là một quyết định không dễ dàng. Cũng như quyết định xây dựng NMLD Dung Quất là không dễ dàng. Nhưng trong tình hình phức tạp của thế giới hiện nay, đó là quyết định hợp lý nhất.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất "đầu vào" 6 triệu tấn dầu thô/năm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Lộ trình đi tới hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng này kéo dài tới cuối năm 2021, và khi đó, NMLD Dung Quất đã không còn "một mình một ngựa" nữa. Khi đó, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm lọc hóa dầu của Đông Nam Á. Và Dung Quất phải cạnh tranh mạnh mẽ với một số nhà máy lọc dầu mới ngay trong nước để tồn tại và phát triển. Nghi Sơn sẽ cho ra dòng dầu đầu tiên vào năm 2017, nhà máy lại được điều hành bởi công ty Nhật Bản, họ chuyên nghiệp hơn Việt Nam rất nhiều. Vì vậy sự cạnh tranh khốc liệt là không tránh khỏi.
Nói chuyện với tôi, anh Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty lọc dầu Bình Sơn (BSR), anh Đinh Văn Ngọc - Tổng giám đốc NMLD Dung Quất, anh Vũ Mạnh Tùng - Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, đều tự tin ở một lợi thế cạnh tranh lớn nhất của NMLD Dung Quất: đó là ưu thế con người. Đã trải qua nhiều năm xây dựng và vận hành, tới nay NMLD Dung Quất đã sở hữu một đội ngũ hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, cán bộ và công nhân kỹ thuật thạo việc, lành nghề, không chỉ có kỹ năng mà còn có kiến thức chuyên sâu, không chỉ có nhiệt huyết mà còn có kinh nghiệm, có khát vọng vươn tới. "Đó là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi", Nguyễn Hoài Giang tự tin.
Cũng xin nói thêm, NMLD Dung Quất hiện tại không chỉ là nhà máy lớn nhất, mà còn là nhà máy được điều hành bởi những người trẻ nhất, "có học" nhất. Ở đây, lớp lãnh đạo "già" nhất sinh năm 1968, còn tổng hay các phó tổng giám đốc thì trẻ hơn thế nhiều. "Trẻ người" ở đây, trái lại, không hề đồng nghĩa với "non dạ". Đó là những người đầy kinh nghiệm, hầu hết được đào tạo và đã từng công tác ở nước ngoài, trong các nhà máy lọc dầu lớn trên khắp thế giới. Họ là "thế hệ kỹ trị thứ ba" nếu ta tính các cụ Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa... là thế hệ thứ nhất.
Hiện tại, NMLD Dung Quất đang mở những lớp đào tạo cao cấp dành cho chuyên gia và kỹ sư, theo đơn đặt hàng của một nhà máy lọc dầu lớn trong nước. Tôi từng gặp đông đảo những chuyên gia mang rất nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới đã và đang làm việc tại NMLD Dung Quất. Đó là những "người làm thuê" cao cấp, họ có thể lang thang khắp thế giới, ở đâu có NMLD là có họ. Làm việc chuyên nghiệp ở trình độ cao, và lương cũng cao theo trình độ. Tại sao không thể nghĩ và tin, tới một ngày chúng ta cũng sẽ hình thành một đội ngũ chuyên gia lọc hóa dầu có thể lang thang đi làm thuê khắp thế giới? Dù "Mẹ ơi thế giới mênh mông/Mênh mông không bằng nhà mình" (nhạc Trần Tiến) thì những người làm kỹ thuật vẫn không thể "ở mãi trong lòng mẹ", vẫn rất cần đi khắp thế giới để làm việc và học hỏi.
NMLD Dung Quất sau khi nâng cấp và mở rộng sẽ không còn đơn độc. Một hệ thống nhà máy hóa dầu mới sẽ mọc lên để nối dài việc biến những hóa phẩm sau dầu thành chuỗi thành phẩm đa dạng của kinh tế thị trường. Và quan trọng hơn, như Đinh Văn Ngọc nói: "Không chỉ nâng cấp và mở rộng NMLD, chúng tôi còn chuẩn bị sẵn sàng chào đón "cá voi xanh". Tôi ngạc nhiên: "Đón cá voi ư? Chuyện gì vậy?". Anh Ngọc cười: "Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị nhấn mạnh tới việc tập trung phát triển khí hóa dầu. Bằng cách tích hợp lọc dầu khí hóa dầu, tạo năng lượng chạy các nhà máy điện với nguyên liệu khí, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng từ khí hóa dầu". Ngọc nói tiếp: "Cá Voi Xanh là tên mỏ khí khổng lồ thuộc vùng biển gần bờ của Việt Nam, chỉ cách NMLD Dung Quất chưa đầy 100 km. Với sự hợp tác tích cực của tập đoàn Exxon Mobil việc khai thác và đưa vào bờ dòng khí từ mỏ này là hoàn toàn khả thi. Đây là cơ hội rất lớn để xây dựng NMLD Dung Quất thành một liên hợp lọc hóa dầu - khí hóa dầu - điện khí lớn nhất khu vực".
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang sở hữu một đội ngũ hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, cán bộ và công nhân kỹ thuật thạo việc, lành nghề - Ảnh: Hiển Cừ
Tôi hình dung khi đó, cả vùng đất mênh mông của Bình Sơn - nơi quân sĩ của vua Lê Thánh Tông từng đồng loạt hô vang khi chủ soái của mình phát lệnh chiến đấu và xây dựng: "Vạn Tường! Vạn Tường! Vạn Tường!" - cả vùng đất ấy sẽ bừng lên trong nhịp điệu công nghiệp mới. Lần thứ hai, một "đại công trường" sẽ mở ra trên NMLD Dung Quất kể từ năm 2017 khi việc nâng cấp và mở rộng, việc kết nối nhà máy lọc dầu "cũ" với phần nhà máy "mới" thực sự bắt đầu.
Anh Nguyễn Hoài Giang hiện đã được Tập đoàn Dầu khí chỉ định kiêm nhiệm là Trưởng ban dự án nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất. Đã từng làm việc tại dự án NMLD từ những ngày đầu tiên, Giang và lãnh đạo NMLD Dung Quất đã "nằm gai nếm mật" với nhà máy này thuở nó còn là bãi đất hoang chăn thả trâu bò. Những trải nghiệm của các anh hoàn toàn không vô ích khi giờ đây họ được giao trọng trách nâng cấp và mở rộng nhà máy, rồi tiến tới đón dòng khí "Cá Voi Xanh" với những dự án còn lớn hơn.
Cách đây mười năm, nếu nói người Việt Nam có thể điều hành một nhà máy lọc dầu hiện đại, thật không ai dám tin. Chuyện ấy bây giờ đang diễn ra hằng ngày. Cũng như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào một liên hợp lọc hóa dầu - khí hóa dầu - điện khí sẽ vươn lên ngay trên mảnh đất Bình Sơn anh hùng trong quá khứ và tự tin hướng tương lai như một trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu - khí hóa dầu lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn ấy bắt đầu từ "ngọn lửa vĩnh cửu". Ngọn lửa của lòng yêu nước, của hào khí Việt Nam trước Lễ đài Độc lập đúng 70 năm trước.
Thanh Thảo
Theo Thanhnien
Đề xuất của PVN có thể tạo ra độc quyền cung cấp xăng dầu Đề xuất của PVN buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải mua hết sản phẩm trong nước mới được nhập khẩu có thể tạo vị thế độc quyền... Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nêu khả năng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ đóng cửa và đề xuất buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải mua hết...