Thứ trưởng Bộ Nội vụ: “Cần phải quan tâm đến quyền lợi của giáo viên hợp đồng”
Ngày 23/10, sau khi nghe báo cáo về việc gần 200 giáo viên mầm non bị cắt hợp đồng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Dù huyện Sóc Sơn làm không trái với quy định pháp luật nhưng phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện về việc làm cho giáo viên.
Trước việc dư luận đang nóng bỏng câu chuyện 184 giáo viên mầm non ở huyện Sóc Sơn – Hà Nội bị cắt hợp đồng cùng với thông tin cho rằng việc làm này nhằm “dẹp đường” để tạo tiêu cực ở kì thi tuyển viên chức giáo dục nên ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ gồm 6 thành viên do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu đã về tận Sóc Sơn làm việc.
Một vấn đề liên quan đến quyền lợi của gần 200 con người nhưng tham dự buổi làm việc với phương hướng giải quyết vụ việc chỉ có mặt của Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và UBND huyện Sóc Sơn. Cấp có thể xử lý trực tiếp là lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội lại vắng mặt tại cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn làm việc với Hà Nội tại trụ sở UBND huyện Sóc Sơn về vụ viêc cắt hợp đồng 184 giáo viên
Huyện Sóc Sơn khẳng định cắt hợp đồng đúng quy định
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút tiếp tục khẳng định việc cắt hợp đồng đối với giáo viên mầm non đã được thưc hiện đúng quy định. Theo ông Bút, năm 2012, UBND huyện đã giao cho hiệu trưởng các nhà trường ký hợp đồng lao động với 260 giáo viên mầm non.
Trong hợp đồng này có yêu cầu số giáo viên này phải tham gia tuyển dụng tại kỳ tuyển dụng gần nhất. Nếu không trúng tuyển hoặc không tham gia tuyển dụng thì sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Thời điểm năm 2012 toàn huyện có 743 giáo viên mầm non diện lao động hợp đồng.
Ngay sau đó, năm 2013 UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức tuyển dụng giáo viên với 250 chỉ tiêu. Tuy nhiên số chỉ tiêu để tổ chức thi tuyển là hạn chế vì năm này có đến hơn 180 trường hợp được xét tuyển đặc cách nên tiêu chuẩn để được tham dự tuyển ở mức độ cao hơn đó là tốt nghiệp loại khá trở lên.
Chính vì thế sau kỳ tuyển dụng này, trên địa bàn huyện còn tồn tại 535 giáo viên hợp đồng nhưng số lao động hợp đồng này vẫn chưa vượt quá tổng định biên Thành phố giao cho huyện Sóc Sơn.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cùng với lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn báo cáo giải trình với Thứ trưởng Bộ Nội vụ về việc cắt hợp đồng đối với 184 giáo viên
Năm 2014 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên hợp đồng, Sóc Sơn đã báo cáo lên Thành phố xin tuyển dụng 550 chỉ tiêu (chỉ tiêu vượt tổng giáo viên hợp đồng của huyện). Sau kì thi này có 184 giáo viên hợp đồng không trúng tuyển.
Do sau khi tuyển dụng về cơ bản biên chế đã đủ nên huyện bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng. Trong quá trình đi đến chấm dứt hợp đồng với 184 giáo viên này, huyện đã làm việc 2 buổi với các giáo viên và giao các phòng chức năng phải quan tâm đảm bảo quyền lợi, chế độ của họ.
Video đang HOT
Năm 2015, do một số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu nên Sóc Sơn tiếp tục tuyển dụng 50 chỉ tiêu, 184 giáo viên hợp đồng có thể tham dự kì thi để trở thành viên chức giáo dục.
Tại buổi làm việc, được phép của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, phóng viên Dân trí đã đặt ra hai vấn đề với lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn: Thứ nhất, lý do vì sao Sóc Sơn lại ký hợp đồng lao động đối với giáo viên với số lượng lớn vào năm 2012 (thời điểm Luật viên chức có hiệu lực), Huyện có thể cung cấp số lượng ký hợp đồng từ năm 2009 đến năm 2012 được không? (năm 2009 là thời điểm Sóc Sơn chuyển đổi thành công trường mầm non bán công sang công lập -PV)
Thứ 2, đối với việc có chỉ tiêu để ký hợp đồng lao động thì huyện Sóc Sơn có công bố công khai, tiêu chí, cách thức lựa chọn người để ký hay không? Tuy nhiên lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn chỉ trả lời được một phần và xin cung cấp thông tin sau vì chưa có số liệu trong tay (hầu hết các lãnh đạo hiện nay đều mới được bổ nhiệm nên chưa nắm bắt hết -PV)
“Sở dĩ huyện phải hợp đồng lao động giáo viên là do thời điểm đó số trường mần non tăng cao và số trẻ nhiều nên số biên chế viên chức được giao không đáp ứng nhu cầu. Chính vì thế UBND huyện giao cho các trường ký thêm hợp đồng với các cô”, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thông tin.
Sóc Sơn cần lắng nghe để nắm tâm tư, nguyện vọng giáo viên
Sau khi kiểm tra và nghe báo cáo giải trình của lãnh đạo huyện UBND Sóc Sơn, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, huyện Sóc Sơn đã thực hiện tuyển dụng theo đúng thẩm quyền phân cấp và hướng dẫn của Sở Nội vụ, tổ chức thi tuyển theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Tuấn cho rằng, theo Luật viên chức khi người dự thi sau khi trúng tuyển thì sẽ được ký hợp đồng làm việc. Về nguyên tắc là không được phép ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn. Tuy nhiên, vào một thời điểm đặc biệt nào đó nhu cầu công việc cần phải giải quyết ngay thì có thể ký hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nhưng sau đó phải tổ chức tuyển dụng ngay.
“Cần phải quan tâm đến quyền lợi của giáo viên hợp đồng” – Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh
“Việc ký kết hợp đồng làm việc được thực hiện theo nhu cầu của người nào đã trúng tuyển kỳ tuyển dụng. Khi không còn nhu cầu tuyển, các cơ quan có quyền chấm dứt. Đây là câu chuyện hết sức bình thường.
Hiện nay, một số người vẫn còn tư duy là đã ký rồi là không được phép chấm dứt là không đúng quy định của pháp luật. Chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế mà cứ giữ cách tư duy như vậy thì không thể thực hiện được mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, mặc dù Sóc Sơn làm không trái với các quy định của pháp luật nhưng ngay sau đây UBND huyện cần tổ chức một cuộc họp để lắng nghe nguyện vọng của 184 giáo viên để đảm bảo tính dân chủ, qua đó đảm bảo quyền lợi cũng như tạo cơ hội giải quyết việc làm cho họ.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Hà Nội cần giúp huyện Sóc Sơn sớm triển khai xác định vị trí việc làm, trên cơ sở đó báo cáo lãnh đạo UBND Thành phố để cấp đủ biên chế cho huyện, tránh tình trạng như thời gian qua.
“Khi tổ chức tuyển dụng ở các đợt tiếp theo, huyện nên quan tâm đến đội ngũ giáo viên hợp đồng để tận dụng năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ giáo viên này vì họ đã có thâm niên đứng lớp. Bên cạnh đó khi họ trúng tuyển thì cần quan tâm đến chế độ chính sách để đảm bảo quyền lợi khi mà họ đã có thâm niên làm việc trước đó”, Thứ trưởng Tuấn đề nghị.
Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho hay, thời gian tới thành phố sẽ cho phép tuyển cô nuôi. Nếu các giáo viên hợp đồng có nguyện vọng thì huyện sẽ tạo điều kiện tối đa. Việc làm này nhằm giải quyết công việc trước mắt cho các cô còn nếu có đợt tuyển dụng tiếp theo thì vẫn có thể dự thi.
Gặp giáo viên để nắm bắt thêm thông tin
Với mong muốn không chỉ muốn nghe báo cáo một chiều từ UBND huyện Sóc Sơn mà cần phải có thêm thông tin từ phía giáo viên nên ngay sau khi kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã gặp gỡ một số giáo viên hợp đồng.
Cuộc gặp gỡ diễn ra ngay trước cổng UBND huyện Sóc Sơn với tinh thần cởi mở. Các giáo viên bày tỏ sự phấn khởi trước việc Bộ Nội vụ kịp thời vào cuộc. Song các giáo viên cũng đề nghị Bộ Nội vụ nên đến tận các trường để nắm bắt tình hình vì giáo viên hiện nay còn thiếu rất nhiều, trong khi họ lại không có việc làm.
Khi ký hợp đồng lao động thì vẫn có tình trạng giáo viên phải mất chi phí để “bôi trơn” cùng với lời hứa sẽ được ký dài hạn. Bên cạnh đó cũng cho rằng việc chạy viên chức giáo viên ở huyện Sóc Sơn là có thật và sẵn sàng cung cấp bằng chứng.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn gặp một số giáo viên vừa mới bị cắt hợp đồng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như nắm bắt thêm thông tin
Chia sẻ với các giáo viên, Thứ trưởng Tuấn cho hay: “Theo quy định hiện hành, để trở thành viên chức giáo dục thì phải tham dự kì tuyển dụng. Việc ký hợp đồng lao động với lời hứa dài hạn là không đúng.
Riêng vấn đề có tiêu cực trong tuyển dụng hay việc chạy viên mà có bằng chứng thì giáo viên gửi trực tiếp về Bộ Nội vụ. Bộ sẵn sàng làm việc với UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan nhằm làm sáng tỏ vấn đề, nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm”
Về đề xuất nên có chính sách cộng điểm cho giáo viên hợp đồng (tính theo số năm công tác) để có cơ hội trúng tuyển bởi hiện tại thì không thể cạnh tranh với đối tượng dự thi mới bởi phần lớn đều có bằng tốt nghiệp loại giỏi, Thứ trưởng Tuấn ghi nhận và sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT để rà soát lại các quy định, chính sách.
Thứ trưởng Tuấn cũng khẳng định sẽ có buổi làm việc lại với Hà Nội để làm rõ một số vấn đề mà giáo viên phản ánh nói trên.
Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho hay: Ngày 26/10 tới, đoàn công tác tiếp tục làm việc với Hà Tĩnh để làm rõ vụ việc ở huyện Kỳ Anh.
Nguyễn Hùng
Theo Dantri
Sẽ làm rõ thông tin Hà Nội và Hà Tĩnh cắt hợp đồng hàng loạt giáo viên
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ sáng nay (18/10), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Bộ đã thành lập tổ công tác để về trực tiếp Hà Tĩnh, Hà Nội kiểm tra thông tin báo chí nêu. Sau khi có kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, từ năm 2003 khi tách khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp thì hình thành hệ thống công chức, viên chức. Đối với viên chức thực hiện tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc. Ký hợp đồng làm việc trong viên chức có nghĩa là thỏa thuận giữa quyền và nghĩa vụ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Có hai hình thức: hợp đồng có thời hạn và hợp đồng không có thời hạn. Đây là quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc hàng trăm giáo viên ở Hà Tĩnh, Hà Nội bị cắt hợp đồng
Đến năm 2008 thì Chính phủ ban hành Luật Công chức và năm 2010 ban hành Luật Viên chức thì quy định những người được tuyển dụng trong các đơn vị sự nghiệp công lập được gọi là viên chức trừ một vài vị trí chủ chốt mà pháp luật quy định là công chức, nghĩa là đều thực hiện theo cơ chế ký hợp đồng làm việc.
"Khi ký hợp đồng thì cơ quan có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu thì quyền tổ chức tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc. Chính vì thế cơ quan có nhu cầu hoàn toàn có quyền được chấm dứt hợp đồng, đây là câu chuyện hết sức bình thường trong việc quản lý đội ngũ viên chức" - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng, khi thực hiện chấm dứt hợp đồng thì cần phải kiểm tra, xem xét một cách thận trọng để đảm bảo quyền lợi của đội ngũ giáo viên
"Đối với các vấn đề chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên của Hà Tĩnh và Hà Nội mà báo chí nêu, Bộ Nội vụ đã yêu cầu hai địa phương này có báo cáo. Vụ việc ở đây có rất nhiều điểm giống như câu chuyện ở Yên Phong - Bắc Ninh mà Bộ Nội vụ đã vào cuộc xử lý. Chính vì thế, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành kiểm tra đối với Hà Tĩnh và Hà Nội. Sau khi kiểm tra Bộ Nội vụ sẽ có kết luận cuối cùng về vụ việc" - Thứ trưởng Tuấn nói.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng khẳng định, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác để trực tiếp về Hà Tĩnh làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để nghe báo cáo, thậm chí kiểm tra quy trình, thủ tục, các quá trình ký kết hợp đồng, phân cấp của địa phương nhằm làm rõ trách nhiệm. Nếu để tình trạng ký hợp đồng lao động lâu thì cần phải kiểm tra lý do vì sao? Việc giáo viên gắn bó nhiều năm với địa phương giờ chấm dứt hợp đồng lao động là vì nguyên nhân gì?... Tất cả những câu hỏi này sẽ được trả lời sau khi đoàn công tác của Bộ Nội vụ đi kiểm tra xong.
Trao đổi thêm với báo chí về vụ việc cắt hợp đồng hơn 200 giáo viên ở Hà Tĩnh, bà Lê Minh Hương - Vụ phó Vụ Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ) khẳng định: Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã quy định thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Trong Nghị định này không có quy định này cho phép thực hiện ký hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những địa phương làm sai quy định và Bộ Nội vụ đã có văn bản chấn chỉnh.
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Luật Viên chức và Bộ Nội vụ đã có Thông tư 15 hướng dẫn thực hiện Luật này. Theo Luật thì nếu thiếu thì phải tổ chức tuyển dụng, nếu chưa tuyển dụng đã kí hợp đồng tuyển dụng là không đúng quy định. Trách nhiệm thuộc UBND huyện và Sở Nội vụ (đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh)
Theo nguồn thông tin riêng của Dân trí, trong tuần tới, Tổ công tác của Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Hà Tĩnh về vụ việc cắt hợp đồng 214 giáo viên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát diễn biến tiếp theo của vụ việc để sớm thông tin đến bạn đọc.
Nguyễn Hùng
Theo Dantri
Cỗ xe cầu hiền bị xí phần bên tả Tôi tin tưởng rằng, thông qua đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý sẽ góp phần lựa chọn được những người xứng đáng, có đức, có tài bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo trong nền công vụ, phòng chống được tiêu cực mà dư luận lo ngại lâu nay về "chạy chức chạy quyền", hay "sống lâu lên...