Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Thành công nhờ dự báo đúng, chỉ đạo sớm
“Mùa hạn mặn 2019-2020 xảy ra tại ĐBSCL lớn nhất và kéo dài nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, do chúng ta dự báo sớm, đúng và chủ động các giải pháp nên thiệt hại đã giảm ở mức tốt nhất có thể”- Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời về công tác phòng chống thiên tai, hạn mặn.
Hoàn toàn chủ động
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.
Theo dự báo tới cuối tháng 4, hạn mặn tại ĐBSCL sẽ kết thúc, nhưng thực tế cho thấy đến nay vẫn còn hạn mặn. Thứ trưởng có thể cho biết sự bất thường này gây tác động như thế nào tới sản xuất nông nghiệp?
- Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy hạn mặn năm nay có 3 đặc điểm chính: Đến sớm so với trung bình nhiều năm hơn 1 tháng; vào rất sâu, trung bình tới 70km; rút chậm. Bình thường giữa tháng 4 là hết mặn nhưng năm nay, dự báo phải giữa tháng 5, khi có mưa thượng nguồn về mới giảm hạn mặn. Đây là những điểm bất thường.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đúc rút được trong mùa hạn mặn năm 2016, năm nay chúng ta hoàn toàn chủ động, dự báo đúng và sớm. Ngay từ tháng 9/2019 đã bắt đầu triển khai một loạt giải pháp phòng chống hạn mặn với sự chủ động cao nhất. Trong đó, ở 8 tỉnh ven biển đã đẩy vụ lúa đông xuân lên sớm từ nửa tháng tới 1 tháng, do đó thiệt hại đã giảm thấp nhất có thể.
Ước tính tổng diện tích lúa bị giảm năng suất từ 30-70% khoảng gần 60.000ha; trong đó một số diện tích mất 100% không cho thu hoạch. Riêng diện tích cây ăn trái gần như không bị ảnh hưởng. Có khoảng 60.000 hộ dân bị thiếu nước nhưng không đến mức không có nước sạch sử dụng. Nước cho sản xuất nông nghiệp có xáo trộn, nhưng do người dân đã chủ động tích nước nên thiệt hại không quá lớn.
Theo Bộ NNPTNT, thiệt hại do hạn mặn năm nay đã được giảm xuống đến mức thấp nhất nhờ dự báo và chỉ đạo sớm.
Mức độ thiệt hại của năm nay so với mùa hạn mặn 2015-2016 là rất thấp. Đó là do khách quan, hay do đã có giải pháp ứng phó tốt, thưa Thứ trưởng?
- Đúng vậy, đó là do chúng ta đã đúc kết được nhiều bài học quý khi xác định phải tìm cách thích ứng, sống chung với hạn mặn, biến đổi khí hậu (BĐKH). Thứ nhất là bài học chủ động. BĐKH và tính dị thường của thời tiết chắc chắn ngày càng khó dự báo, nếu không chủ động thì không thể ứng phó. Dự báo sớm thì mới có giải pháp hiệu quả.
Video đang HOT
Thứ 2, bên cạnh sự chủ động của người dân, chính quyền thì phải kết hợp nhiều giải pháp công trình, phi công trình; giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Đây là bài học lớn, thực tế từ hạn mặn năm nay có thể thấy nhờ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạn mặn, đưa vào sử dụng mà sự ảnh hưởng đã giảm rõ rệt.
Cùng với chủ động, có dự báo sớm, hiện nay hầu như tỉnh nào trong vùng cũng có đập tạm ngăn mặn, ví dụ như ở Kiên Giang đầu tư mấy chục tỷ đồng để làm 197 đập tạm. Trước khi nước mặn đến các đập tạm này đã tích được nước ngọt, do đó cơ bản Kiên Giang không có hộ dân bị thiếu nước ngọt.
Ông vừa nói chúng ta có cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn, vậy đến khi nào thì ĐBSCL kiểm soát được hạn mặn?
- Hiện Bộ NNPTNT đang đầu tư 11 công trình chống hạn mặn, trong đó 5 công trình đã đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến từ 5 – 14 tháng, còn lại giai đoạn 2 sẽ đẩy mạnh xây dựng các công trình còn lại, ưu tiên trước hệ thống công trình Cái Lớn, Cái Bé để điều tiết hạn mặn cho toàn bộ phần Hậu Giang, Tiền Giang, với khoảng 1 triệu ha cây ăn trái được bảo vệ.
Với những vùng cần mặn, chúng ta cũng có thể pha loãng để nuôi tôm, vì nước quá mặn tôm cũng không sống được, hết mùa mặn thì chúng ta lại trồng lúa. Riêng với bán đảo Cà Mau, bằng mọi giải pháp phải chuyển được nước ngọt cho vùng này. Hiện Cà Mau là nơi gặp nhiều khó khăn do chưa chủ động được nước ngọt.
Với các giải pháp điều tiết nguồn nước hợp lý, cố gắng năm 2025 sẽ khắc phục cơ bản tình trạng hạn mặn; phấn đấu đến năm 2030 giải quyết được vấn đề này.
Tinh thần 4 tại chỗ
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến hạn mặn ngày càng khốc liệt là do vùng thượng nguồn tích nước. Vậy theo Thứ trưởng, chiến lược sử dụng nước cho khu vực này cần ưu tiên giải pháp gì?
- Câu chuyện này chúng ta đã bàn đến từ lâu, và đã tới lúc phải đặt ra bài toán về an ninh nguồn nước. Đây là an ninh phi truyền thống, có không ít cuộc chiến xảy ra trên thế giới bắt nguồn từ nguồn nước.
Trong đó có 2 vấn đề, đó là chủ động đảm bảo cân đối và nước không bị ô nhiễm. Với ĐBSCL, 1 năm lượng nước về khoảng 350 tỷ m3, trong đó 2/3 từ sông Mekong, 1/3 từ nước mưa… Trong khi nhu cầu nước trong 1 năm của vùng này chỉ khoảng 20 tỷ m3, vậy tại sao lại để thiếu nước?
Chuyện tưởng như vô lý này có nguyên do từ hiện tượng thời tiết cực đoan. Ngay từ đầu nguồn sông Mekong năm nay cũng ít mưa, nước thượng nguồn cũng bị hạn chế; cộng với BĐKH, nước biển dâng cao khiến mặn vào sâu trong đất liền và không rút ra được.
Chúng ta có lo lắng về dòng chảy bởi các hồ thủy điện, nhưng đáng lo nhất chính là vấn đề chuyển nước. Các nước thượng nguồn sẽ tăng lấy nước về cho sản xuất. Khi đó, lượng nước về đồng bằng sẽ giảm. Nguy cơ lớn nhất chính là sạt lở, do lượng phù sa bị giữ lại ở thượng nguồn. Chưa kể, thuỷ điện tích nước sẽ giữ lại lượng thuỷ sản, thuỷ sinh, gây mất cân bằng sinh thái”.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp
Hiện đã vào mùa mưa bão, vậy trong những tháng còn lại của năm, Bộ NNPTNT đã có giải pháp gì chuẩn bị ứng phó với BĐKH, thiên tai có thể xảy ra?
- Từ 15-22/5, Bộ NNPTNT sẽ triển khai tuần lễ phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, do năm nay có dịch Covid-19 nên chúng tôi đã đề nghị các địa phương có hình thức tổ chức tuần lễ hiệu quả, thiết thực, với chủ đề: Phòng chống thiên tai chủ động từ cấp xã, trên tinh thần 4 tại chỗ là hiệu quả nhất, lấy lực lượng xung kích cơ sở làm mục tiêu chính.
Chứng kiến từ đầu năm 2020 đến nay thì các hiện tượng cực đoan còn dày đặc hơn năm 2019. Điều chúng tôi muốn nói, đó là yếu tố dị thường cực đoan của thời tiết ngày càng rõ. Đó chính là BĐKH.
Để phòng chống thiên tai trong bối cảnh BĐKH, thời tiết dị thường đó, chủ trương chung là đề nghị địa phương nâng cao tính chủ động thì sẽ thành công. Năm nay, cũng là lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành chỉ thị về phòng chống thiên tai, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tránh chủ quan lơ là lại xảy ra những chuyện giá như…
Chủ đề năm nay là nâng cao tinh thần xung kích ở địa phương, nhưng một số nơi chưa thống nhất mô hình, vậy Bộ điều hành phối hợp thế nào để phòng chống thiên tai hiệu quả?
- Lực lượng phòng chống thiên tai hiện chưa đồng đều, nhiều địa phương có tên nhưng không có người làm. Kể cả ở những chỗ có đủ lực lượng thì cũng chưa có đủ trang thiết bị, chưa được trang bị kỹ năng. Dù Luật Phòng chống thiên tai đã có, nhưng chúng tôi vẫn xác định chỉ đạo lực lượng tại chỗ là chính, kết hợp với lực lượng vũ trang. Đây chính là lực lượng xung kích, đảm bảo tiêu chí tức thời để thích ứng với các tình huống bất ngờ xảy ra.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Cà Mau: Hạn mặn trồng thứ rau nhà nào cũng ăn mà kiếm bộn tiền
Mặc dù kinh tế gia đình kinh tế gia đình khá ổn định nhưng với bản chất cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, bà Trần Thị Bé Ba, ở khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) vẫn tận dụng đất trống sân vườn để trồng hoa màu, trong đó có trồng hành vào mùa hạn.
Qua đó, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế gia đình. Nhờ mô hình này mà mỗi năm bà Bé Ba đã có thu nhập vài chục triệu đồng.
Gia đình bàTrần Thị Bé Ba, ở khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) có 4 nhân khẩu, đất sản xuất trên 10 công, mỗi năm nuôi tôm, nuôi cua thu nhập trên 100 triệu đồng.
So với nhiều hộ dân trong vùng, gia đình bác Bé Ba có kinh tế khá ổn định. Tuy nhiên, bác Bé Ba vẫn luôn cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất.
Bà Bé Ba, thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đang làm cỏ xung quanh các luống hành sắp đến ngày thu hoạch.
Ngoài trồng lúa, nuôi tôm, bà Bé Ba còn tận dụng khoảng 200 m2 đất trống phía trước nhà đang ở để cải tạo trồng hoa màu. Vào mùa mưa, bà Bé Ba trồng các loại hoa màu như cải xanh, rau thơm, cà phổi... Vào mùa hạn, bà Bé Ba không trồng những loại hoa màu này mà chỉ tập trung trồng hành lá.
Hành lá có thời gian trồng gần 2 tháng là thu hoạch, nên mỗi mùa hạn bà Bé Ba chỉ trồng được 3 vụ hành. Hiện nay, rẫy hành của bác Bé Ba trồng được hơn 1 tháng tuổi, đang phát triển tốt và còn khoảng 20 ngày nữa là đến thời kỳ thu hoạch.
Nếu từ nay đến ngày thu hoạch không có sâu rầy và côn trùng không cắn phá, khi thu hoạch bà cũng có thu nhập khoảng 7 triệu đồng mỗi vụ và mỗi năm cũng có thu nhập từ bán hành và các loại hoa màu khác cũng được vài chục triệu đồng.
Trên thị trường hiện nay, 1 kg hành có giá dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng. Nhờ vậy mà trong những năm qua, gia đình bà Bé Ba có nguồn thu nhập khá ổn định, các khoảng tiền chi tiêu hàng ngày trong gia đình không phải lo như trước đây nữa.
Bà Bé Ba cho biết: "Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa tôi trồng nhiều loại hoa màu, riêng mùa hạn tôi chỉ ưu tiên cho trồng hành. Hành lá trồng vào mùa hạn phát triển rất nhanh, không sợ mưa dập hoặc làm gãy lá. Hành là loại hoa màu trồng rất dễ, công chăm sóc không nhiều, chi phí đầu tư rất thấp, thu nhập tạm ổn định, đầu ra dễ...".
Phát triển kinh tế gia đình gồm nuôi tôm, nuôi cua, trồng màu, trong đó có trồng hành mùa nắng hạn giúp bà Bé Ba xây dựng được căn nhà khang trang trị giá 500 triệu đồng.
Theo bà Bé Ba, trước khi trồng hành, nên dọn sạch cỏ, xới đất tơi xốp và lên giồng cao từ 2 đến 2,5 tấc, tộng từ 1 đến 1,2 mét. Phía trên mặt giồng phủ một ít rơm cho để giữ độ ẩm cho đất. Khi làm đất xong, nên bón phân NPK cho giảm độ phèn và tiến hành xuống giống hành.
"Khi hành trồng được 15 đến 20 ngày tiến hành bón phân DAP để cho hành phát triển nhanh hơn. Hôm nào trời nắng, tưới nước 2 lần vào buổi sáng sớm và buổi chiều mát. Hành là loại cây ưa nước, nhưng lượng nước nhiều quá hành dễ bị thối rễ...", bà Bé Ba tiết lộ kinh nghiệm trồng hành.
Những năm qua, gia đình bà Bé Ba, ở khóm 2, thị trấn U Minh thực hiện mô hình sản xuất nuôi tôm, nuôi cua, trồng hoa màu đạt năng suất cao, kinh tế gia đình từng bước khấm khá hơn.
Năm 2017, gia đình bà xây dựng ngôi nhà ở trị giá gần 500 triệu đồng. Mong rằng trong thời gia tới, mô hình nuôi tôm, nuôi cua, trồng hoa màu, trồng hành lá mùa nắng hạn của bà Bé Ba nhân rộng ra cho nhiều chị em phụ nữ trong khóm học tập, làm theo để cải thiện cuộc sống gia đình, xóa nghèo bền vững ở địa phương.
Huỳnh Phước
Đồng Tháp: Khô hạn mà gieo thứ cây này đỡ phải tưới, cứ 1 ha lời 30-35 triệu Trước thời tiết nắng nóng, có nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là các khu vực gò cao, trong vụ Hè Thu, nông dân tỉnh Đồng Tháp đã chuyển sang trồng vừng thay vì trồng lúa như trước đây. Nông dân còn phấn khởi hơn khi vừng năm nay được mùa, được giá, thu nhập cao hơn gấp 2-3 lần...