Thứ trưởng Bộ GTVT nói gì về thông tin “thiên vị Grab”?
Trao đổi với PV Dân trí sáng nay 13/2, ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) – khẳng định, không có chuyện thiên vị Grab hay cấm Uber. Bộ GTVT chưa chấp thuận Đề án của Uber Việt Nam vì Đề án chưa đúng quy định. Đặc biệt, Uber chưa có giấy phép kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại Việt Nam.
Nói về việc Grab “thuận chèo mát mái” với Đề án thí điểm, còn Uber bị từ chối, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: Đề án thí điểm của Grab là do Chính phủ đồng ý, thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh thành phố là Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, hiện chưa có đánh giá sau 1 năm triển khai thí điểm.
Về phía Công ty TNHH Uber Việt Nam, đơn vị này trình Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng Đề án chưa phù hợp với các quy định nên Bộ GTVT gửi lại.
Uber bị từ chối Đề án thí điểm vì chưa đáp ứng được các quy định của pháp luật Việt Nam
Video đang HOT
“Bộ GTVT phản hồi chưa chấp thuận Đề án của Uber và đề nghị Uber bổ sung các giấy phép và làm rõ các nghĩa vụ, trách nhiệm của Uber trước pháp luật nếu xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm hoạt động tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.
Nếu xây dựng và thực hiện đề án thí điểm này, Uber Việt Nam cần đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động, đồng thời ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh với đơn vị kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại Việt Nam. Uber Việt Nam cũng phải bổ sung nội dung mô tả và phân tích chi tiết nội dung, quy trình giao kết hợp đồng vận tải qua ứng dụng Uber” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, hiện Uber chưa có giấy phép nhưng vẫn cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải là vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, một lí do không thể chấp nhận Đề án của Uber vì Công ty TNHH Uber Việt Nam là đơn vị xây dựng và đề xuất phê duyệt đề án thí điểm dựa trên ủy quyền của Công ty Uber BV không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Công ty Uber BV trong việc thực hiện Đề án. Việc ủy quyền cho Uber Việt Nam thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh tại Việt Nam sẽ không giàng buộc, không xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.
Ghi nhận thực tế sáng 13/2, các hoạt động kết nối dịch vụ kinh doanh vận tải của Uber vẫn hoạt động bình thường, hành khách vẫn có thể gọi xe theo dịch vụ của Uber để sử dụng.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Uber bị “trả lại” Đề án, lí do vẫn là chưa đầy đủ các giấy phép kinh doanh vận tải và chưa đúng quy định pháp lý khi Uber Việt Nam đứng ra đại diện cho Uber BV – Hà Lan.
Để trao đổi thêm thông tin về vấn đề này, PV Dân trí đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công ty TNHH Uber Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hà Nội ra "tối hậu thư" xử lý nhà xe không chịu vào bến
Sau ngày 10/2/2017, nếu các đơn vị vận tải (thuộc diện di dời khỏi bến Mỹ Đình) không đưa xe khách vào bến hoạt động, Sở GTVT Hà Nội sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hà Huy Quang - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sở này vừa có văn bản thông báo đến các Sở GTVT và doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định về việc chấp hành nghiêm điều chuyển luồng tuyến.
Hà Nội điều chuyển hàng loạt xe khách từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện các nốt giờ theo đúng quy định, khẩn trương phối hợp với các bến xe mới chuyển đến để hoàn thiện các thủ tục sớm đưa xe vào hoạt động. Sau ngày 10/2, nếu các đơn vị vận tải không đưa xe vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội sẽ xử lý theo quy định hiện hành.
Tính đến ngày 6/2/2017, còn 11 doanh nghiệp có xe vận tải khách tuyến cố định không đưa phương tiện về các bến xe khai thác theo phương án sắp xếp, điều chuyển của UBND TP Hà Nội. Các doanh nghiệp này gồm: Công ty Thương mại và vận tải Hoàng Sơn (có 1 xe chạy tuyến Quán Lào-Yên Nghĩa); Công ty Tuấn Thành (có 1 xe chạy tuyến Quán Lào-Yên Nghĩa); Công ty Việt Tân (có 1 xe chạy tuyến Kon Tum-Yên Nghĩa); Doanh nghiệp tư nhân ăn uống Tâm Lương (có 1 xe chạy tuyến Nước Ngầm-Hà Tĩnh); Công ty Dũng Minh (có 1 xe chạy tuyến Nước Ngầm-Hà Tĩnh); Công ty Thương mại dịch vụ xây dựng Hoàng Yến (có 1 xe chạy tuyến Nước Ngầm-Nam Định); Doanh nghiệp tư nhân Huyên Hồng (có 1 xe chạy tuyến Nước Ngầm-Huyên Hồng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa); Công ty Dịch vụ vận tải Trường Hằng (có 1 xe chạy tuyến Nước Ngầm-Nghi Sơn); Công ty Vận tải du lịch thương mại Hải Hiền (có 1 xe chạy tuyến Nước Ngầm-Phía Nam Thanh Hóa); Công ty Thương mại dịch vụ Thuận Ý Gia Lai (có 1 xe chạy tuyến Nước Ngầm-Đức Long, Gia Lai) và HTX Vận tải Thăng Long (có 1 xe chạy tuyến Nước Ngầm-Hà Tĩnh).
Quang Phong
Theo Dantri
TPHCM: Đi xe khách để... sở hữu "xế hộp" Hiện nay, 4 bến xe khách hoạt động trên địa bàn TPHCM với 370 tuyến liên tỉnh cố định vận chuyển bình quân 61.000 lượt hành khách mỗi ngày. Riêng TPHCM có 57 đơn vị tham gia vận tải hành khách với hơn 2.000 xe hoạt động trên 200 tuyến. Theo đánh giá của UBND TPHCM, lực lượng vận tải bằng ô tô...