Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu tránh tình trạng “thiết bị mua về mà không ra lớp”
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu như vậy đối với ngành Giáo dục và đào tạo Phú Thọ trong chuyến công tác Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ
Ngày 03/03/2020, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, ông Hồ Đại Dũng, Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; kịp thời quyết định cho học sinh mầm non, trường tiểu học và THCS tạm thời nghỉ học. Riêng đối với khối THPT, GDTX đã đi học trở lại từ ngày 2/3.
Ngành giáo dục đã thực hiện 3 phương án trong phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế, đồng thời hướng dẫn học sinh ôn tập, tự học ở nhà trong thời gian tạm nghỉ học qua hình thức dạy học trực tuyến. Các trường đã thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, chuẩn bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt…
Đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT đã chủ động tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý, các chuyên gia, giáo viên cốt cán của tỉnh vào chương trình; hoàn thành việc sưu tầm tư liệu để biên soạn thành các chủ đề dạy học nội dung giáo dục địa phương.
Phú Thọ cũng hoàn thiện dự thảo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới để trình UBND tỉnh; hướng dẫn các trường tiểu học xây dựng kế hoạch chi tiết về lộ trình, tiến độ triển khai, kế hoạch dạy.
Bên cạnh việc rà soát, đào tạo, bồi dưỡng cho 600 giáo viên, ngành giáo dục cũng lồng ghép nguồn vốn của trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo tiêu chuẩn trường học đạt chuẩn Quốc gia.
Video đang HOT
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục tỉnh Phú Thọ
Trước những công việc ngành GD&ĐT Phú Thọ đã thực hiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu: Ngành giáo dục và mỗi cơ sở giáo dục trên địa bàn tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19.
Sở GD&ĐT phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn; chỉ đạo các trường làm tốt công tác vệ sinh trường lớp; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu lên mức cao nhất.
Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương phải quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực, tâm huyết, đủ số lượng và cơ cấu; chú trọng tới các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu, tránh tình trạng “thiết bị mua về mà không ra lớp”;
Triển khai đầy đủ công văn của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất đạo đức của học sinh./.
Hiền Anh
Theo baophapluat
Chuyện thầy giáo bán khẩu trang: Bài học không của riêng ai
Lo liệu để có biện pháp phù hợp, chống Covid-19 luôn đòi hỏi lãnh đạo các trường bình tĩnh, trách nhiệm, nắm chắc công việc nhưng nhân văn và không xử lý vụ việc cứng nhắc.
Học sinh THPT nhiều địa phương đã đi học lại từ hôm nay 2.3. Thầy giáo Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng) đề xuất 5 lưu ý về công tác vệ sinh trường, lớp và trang bị kỹ năng chủ động phòng dịch.
Thứ nhất, phòng chống dịch cũng cần phải nhân văn
Chẳng hạn, việc thầy giáo ở Đầm Dơi (Cà Mau) vừa bị kiểm điểm do bán khẩu trang y tế cho học sinh không đúng giá quy định vừa qua là một ví dụ.
Tôi và nhiều bạn đọc chưa đồng tình với cách xử lý vụ việc trên. Nếu cẩn trọng, có thể giải quyết vụ việc một cách nhân văn.
Trường nhận đơn tố cáo, xử lý theo luật định, nhưng khi xem xét vụ việc nếu đủ cơ sở kết luận việc thầy bán khẩu trang không có ý trục lợi, chỉ cần lãnh đạo nhà trường gặp riêng, trao đổi chân tình những được - mất, nên nhượng khẩu trang cho học sinh thế nào... thì chuyện bán khẩu trang 3.000 đồng/cái sẽ nhanh chóng khép lại.
Trường được tiếng, thầy giáo thoải mái, không khí trong trường đầm ấm biết bao. Xây dựng trường học hạnh phúc là thế đấy. Sau đó, hãy thông tin đầy đủ trong nội bộ trường, giúp thầy cô, nhân viên hiểu đúng bản chất vụ việc. Việc quản lý trường học nói riêng, khi đã trong ấm, ắt ngoài sẽ êm.
Tôi được biết, thầy giáo có một quán nhỏ để bán nước, đồ ăn cho học sinh. Bán hàng cho học sinh, lắm người để ý... (không chỉ trong và ngoài nhà trường), chuyện tế nhị mà! Thế nên, đã có trường hợp, mượn chuyện này để "đánh" chuyện kia. Nhà trường nhanh, nhạy sẽ giải quyết gọn mà sâu sắc.
Cùng với lãnh đạo trường, cần sự chung tay của các đoàn thể như Công đoàn, Đội thiếu niên tiền phong, Chi đoàn giáo viên - thấy việc đúng, cần lên tiếng bảo vệ cho thành viên của mình. Cẩn thận hơn, trường thông báo đến Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp (qua tin nhắn, mạng xã hội, website nhà trường...) giúp phụ huynh hiểu đủ, đúng, kịp thời. Cứ thẳng thắn, trung thực, trách nhiệm, tôi tin chắc trường nhận được sự đồng tình của giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh và lãnh đạo các cấp.
Quản lý trường học luôn đòi hỏi phẩm cách bản lĩnh trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của thầy và trò, chứ lãnh đạo mà lo sợ tổn thương "quan hệ" với cấp trên, trong không ít trường hợp, vô hình trung làm khó đồng nghiệp, mất nhiều hơn được đấy.
Phía thầy T., bán cantine sao tránh khỏi lời ra tiếng vào. Phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp số đông là tốt, nhưng một hai trường hợp lắm lúc cũng làm mình da diết... Thế nên, "cẩn tắc vô áy náy", cổ nhân dạy thật sâu sắc, càng giá trị hơn trong thời kỳ 4.0, khi chuyện bé càng dễ xé ra to trên mạng xã hội. Khi ấy, "chín người mười ý", việc dễ hóa khó giải quyết. Còn với lãnh đạo huyện Đầm Dơi, không nên giải quyết cứng nhắc vụ việc. "Quan phụ mẫu" lấy thương dân làm trọng, chuyện lớn thì định hướng để giảm quy mô, chuyện nhỏ ân cần xử lý rồi khép lại, "thảo dân" cảm phục lắm.
Xem ra chuyện thầy giáo ở Đầm Dơi bán khẩu trang 3.000đ/ cái không chỉ là bài học của riêng ai, mà thiết nghĩ, với quản lý nhà trường có thêm một trải nghiệm sâu sắc.
Chào cờ sáng thứ hai ngày 2.3 tại Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng
Thứ hai, bài học đầu tiên là hiểu biết cùng thực hành kỹ năng phòng dịch SARS-CoV-2.
Trường học phải sạch, an toàn đòi hỏi lãnh đạo các trường có kế hoạch, tính toán kinh phí thực hiện. Ngành giáo dục và chính quyền địa phương hỗ trợ giúp nhà trường đủ nguồn lực để phòng, chống dịch từ việc làm vệ sinh, mua sắm trang thiết bị đến in ấn tài liệu, panô hướng dẫn, nhắc nhở thầy trò thực hiện một cách hiệu quả.
Trừ trường chuyên biệt, các trường khác có số nhân viên tạp vụ chỉ 2, 3 người. Trong khi đó, việc lau nhà, mặt bàn, ghế, nắm tay cửa, tay vịn cầu thang sẽ phải làm thường xuyên. Với số nhân viên ít thì công việc này có khó khăn. Vì thế giáo viên, nhân viên khác và học sinh sẽ cùng phải lao động vệ sinh. Giáo viên mầm non, tiểu học giúp vệ sinh lớp mình phụ trách vài hôm thì được, nhưng về lâu dài sẽ nảy sinh bất cập.
Nhiều trường không có đủ bồn rửa tay và xà phòng để học sinh rửa tay thường xuyên. Đón học sinh trở lại, các trường phải tính toán kinh phí để thực hiện cho đến hết năm học này, với ngân sách thường xuyên được cấp eo hẹp. Khẩu trang y tế hiện nay, địa phương nào cũng kêu tìm mua khó.
Thứ ba, học sinh không lây nhiễm SARS-CoV-2 là niềm vui của nhà trường, phụ huynh. Trong điều kiện trường còn khó, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường sẽ giúp phòng, chống dịch bền vững, hiệu quả.
Đo thân nhiệt cho học sinh tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Ảnh: Lê Bằng
Thứ tư, học sinh mầm non, tiểu học, THCS đang được cho ở nhà, cần hướng dẫn các em vui chơi, tự học qua truyền hình, thiết bị công nghệ phù hợp với điều kiện từng địa phương và có sự chung tay giữa nhà trường, phụ huynh (nơi vùng khó, cô trò theo từng nhóm nhỏ).
Thứ năm, song song với phương án dạy học từ ngày 2/3, nên có phương án phòng diễn biến xấu nhất do dịch SARS-CoV-2.Đó là, sắp xếp nội dung dạy học, điều chỉnh số bài kiểm tra, tổ chức dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, giao việc xét công nhận THPT quốc gia về cho địa phương, tuyển sinh ĐH, CĐ lấy học bạ làm một căn cứ. Các ĐH, trường ĐH trọng điểm, chất lượng cao có thể cho học sinh dự tuyển làm thêm một bài kiểm tra năng lực hoặc bài viết dưới dạng một bài luận như một số quốc gia áp dụng.
TS Nguyễn Hoàng Chương
Theo vietnamnet
Chủ tịch Hà Nội: Học sinh THPT có thể đi học từ ngày 9-3, còn lại học từ 16-3 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định nếu tình hình dịch COVID-19 vẫn kiểm soát được như hiện nay, hoàn toàn có thể cho học sinh THPT đi học từ 9-3, học sinh các cấp còn lại đi học từ 16-3. Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết học sinh THPT có thể đi học từ 9-3,...