Thu tiền triệu mỗi ngày từ nhặt đào, quất ven đường
Những ngày sau Tết nguyên đán những người chơi đào, quất ngày tết thường vứt bỏ những cây đào, quất khô héo ra đường. Ít ai biết được đây là thời điểm có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ đi nhặt rác…đào, quất.
Bỏ nghề xe ôm đi nhặt quất
Có mặt tại cầu Mai Động, mấy ngày qua nơi đây như một chợ đào, quất được những bác xe ôm trong quá trình chạy xe nhặt về bán, hàng chục cây đào quất đủ các thế, được bày bán nhộn nhịp như dịp trước tết nguyên đán.
Những cây đào ở đây được chủ nhân mới cắt bỏ những cành nhánh nhỏ, bầu đất được bọc lại để cây không bị chết khô. Còn cây quất thì quả cũng được cắt bỏ, hoặc bị rụng trong quá trình vận chuyển.
Được biết, những cây đào, quất được bày bán ở đây chủ yếu là những cây sau tết chúng bị khô héo, nên chủ nhà vứt ra ngoài đường để chị lao công dọn đưa về bãi rác. Ấy thế mà, đây lại là tiền của không ít người biết nắm bắt thời cơ.
Anh Nguyễn Văn Lỵ, quê gốc Hà Nam, hành nghề xe ôm cho biết: “Đây là năm thứ 3 tôi đi nhặt quất về bán, độ mùng 10 âm lịch đến rằm là quất, đào bị héo, hoa, quả đều rụng nên người ta vứt ra đường. Chúng tôi nhặt về bán cho các chủ trang trại trồng đào, quất là có tiền”.
Anh Lỵ cho biết thêm: “Mấy ngày qua dù nhu cầu đi lại nhiều những giờ bà con ta chuộng taxi hơn cánh xe ôm chúng tôi, vì thời tiết giá lạnh. Nếu không có mấy cây rác quất này thì cả ngày không kiếm nổi vài chục. Mỗi cây quất nhỏ nhặt về bán cũng tương đương cả quốc xe ôm, mỗi ngày nhặt độ chục cây cũng có cả triệu bạc đút túi”.
Được biết, mỗi cây đào cỡ nhỏ bằng cổ tay, ngón chân nhặt ở ngoài đường về bán cũng được từ 50 – 100.000đ. Quất thì rẻ hơn, trung bình mỗi cây nhỏ có giớ từ 30 – 70.000đ. Những cây lớn, thế đẹp thì hiếm vì chủ yếu là cây thuê nên chủ nhà không vứt bỏ mà trả lại cho chủ vườn.
Những cây quất lớn chủ yếu người chơi thuê nên các chủ vườn tự đi thu về vườn chăm sóc
Video đang HOT
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng khu vực cầu Mai Động đã có hàng chục người chạy xe ôm tạm thời bỏ nghề để tỏa đi các ngả đường tìm nhặt đào, quất đem bán kiếm lời.
Sinh viên đạp xe đi “nhặt”… tiền
Không chỉ cánh xe ôm chuyển nghề trong mấy ngày đầu xuân lạnh giá, em Trần Ngọc Tú, một sinh viên trường Bách khoa cũng ra nhập đội quân nhặt quất với phương tiện là chiếc xe đạp do em tự đạp từ Hưng Yên lên Hà Nội để đi học.
Tú cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên đến mùng 8 tết là xin bố mẹ cho ra Hà Nội sớm để kiếm tiền, mấy ngày qua, ngày nào Tú cũng đạp xe quanh các tuyến phố trong quận Hoàng Mai để nhặt quất đem bán. Địa điểm bán quất rác của Tú là các chủ vườn gần cầu Vĩnh Tuy.
“Mình cứ đạp xe trên đường, thấy nhà nào để quất ngoài vỉa hè là vào xin, nếu họ bán rẻ mình cũng mua. Có ngày mình chuyển được 5 chuyến, số tiền kiếm được ngày nhiều nhất lên đến hơn một triệu đồng” – Tú chia sẻ.
Theo kinh nghiệm 2 năm liên tiếp của Tú thì đi nhặt quất phải chọn thời điểm, phải đi vào sáng sớm hoặc chiều tối khi người dân đi làm về họ dọn nhà cửa mới để ra ngoài đường nhiều, thêm nữa cuối giờ chiều xe rác đi thu gom rác họ mới mang ra”.
Chính nhờ sự nhạy bén, chớp thời cơ mà Tú đã kiếm được một khoản kha khá để đóng học phí trước khi bước vào kỳ học mới, con những bác xe ôm cũng có nguồn thu khi những ngày giá lạnh nhu cầu đi lại của người dân đã chuyển dần sang đi taxi cho ấm.
Càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi có mặt tại điểm chung chuyển rác trên đường Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy) thấy chị lao công tên Nguyễn Thị Tính đang gắng sức đẩy xe rác toàn cây đào, quất cỡ nhỏ.
Theo chị Tính thì ba ngày trở lại đây sau mỗi lần thu gom rác trong các ngõ nhỏ chị đều nhặt cây đào, quất để riêng. Tối đến là ông xã đưa xe máy đến kéo đi bán tại làng đào Nhật Tân. Nhờ đó mà mỗi ngày chị có thêm vài trăm ngàn đồng từ nghề lao công.
Nhiều người khi nghe chúng tôi chia sẻ về những câu chuyện nhặt được ở phố phường Hà Nội sau Tết đều thốt lên rằng: “Đúng là ngày tết, ai cũng có thể kiếm tiền”.
Theo Hoàng Bảo Yên
Lao động
Hàng loạt cầu nghìn tỷ bị lún, nứt: Chuyên gia nói gì?
Chuyên gia lý giải nguyên nhân 3 cây cầu nghìn tỷ hiện đại bậc nhất Việt Nam bị lún, nứt, bong tróc.
Như chúng tôi đã phản ánh, gần đây 3 cây cầu nghìn tỷ hiện đại bậc nhất Việt Nam: Vĩnh Tuy, Nhật Tân, đường trên cao vành đai 3 đều bị lún, nứt, bong tróc khiến người dân không khỏi lo lắng về chất lượng của các công trình xây dựng.
Cụ thể, từ giữa tháng 5/2013, cây cầu rộng nhất Việt Nam - Vĩnh Tuy đã xuất hiện nhiều vết sụt, nứt ở phía đầu nam hướng về đường Minh Khai và Trần Nhật Duật (Hà Nội).
PGS.TS. Bùi Xuân Cậy - Trưởng bộ môn Đường Bộ - Đại học giao thông vận tải Hà Nội (Ảnh: TPO)
Sau đó không lâu, những đoạn này đã được khắc phục bằng một lớp nhựa mới, tuy nhiên, mặt cầu lại tiếp tục những vết sụt lún chằng chịt kéo dài tại khu vực đường dẫn phía nam, khiến phương tiện qua lại khó khăn.
Trong khi đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước phát hiện, cầu Nhật Tân tại đầu Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) xuất hiện một vị trí nứt nhỏ trên bản mặt cầu rộng khoảng 0,1 mm, dài khoảng 1 mét. Lớp nhựa bọc bảo vệ các bó cáp cầu dây văng đã bị cần cẩu làm hư hỏng.
Cùng chung số phận, vượt tiến độ tới 18 tháng nhưng đường trên cao vành đai 3 (Hà Nội) được đưa vào sử dụng chưa đầy một năm đã xuống cấp, xuất hiện nhiều vết vá, vết sụt lún sâu 2 - 3 cm, kéo dài hàng trăm mét.
Nguyên nhân chính khiến cầu có những vết nứt là do chất lượng lớp nhựa đường chưa tốt. Giờ mình nhập nhựa bồn, kiểm soát thương hiệu, chất lượng không tốt lắm nên mới dẫn tới chuyện này.
Tiến sỹ Bùi Xuân Cậy
Trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News về vấn đề này, PGS.TS. Bùi Xuân Cậy - Trưởng bộ môn Đường Bộ - Đại họcGiao thông Vận tải Hà Nội cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên.
Tiến sỹ Bùi Xuân Cậy nói: "Nguyên nhân đầu tiên là do tải trọng xe quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của cầu. Theo thiết kế, cầu chỉ chịu được tải trọng xe 2 bánh khoảng 10 tấn, nhưng giờ người ta đo thấy toàn xe có tải trọng gần 20 tấn đi qua. Như vậy là vượt quá khả năng chịu tải của lớp nhựa đó.
Thứ hai là do thời tiết. Do biến đổi khí hậu, nhiệt độ cao nên lớp nhựa trên bề mặt cũng chịu ảnh hưởng.
Còn một nguyên nhân nữa người ta đang nghi ngại là nhựa mình nhập không chuẩn lắm. Theo tôi, nguyên nhân chính khiến cầu có những vết nứt như thế là do chất lượng lớp nhựa đường chưa tốt. Giờ mình nhập nhựa bồn, kiểm soát thương hiệu, chất lượng không tốt lắm nên mới dẫn tới chuyện này".
Riêng với cầu Vĩnh Tuy, Tiến sỹ Cậy nhấn mạnh, ở đoạn đường dẫn lên cầu, nền đất yếu, người ta làm lún không đều giữa nền đất phía bên dưới với phần đường dẫn ở bên trên nên mới xuất hiện vết nứt.
Vết nứt ở cầu Vĩnh Tuy (Ảnh: Internet)
"Nói cách khác, họ xử lý phần nền đất yếu chưa tốt nên xảy ra lún. Tôi khẳng định mặt cầu bị nứt không gây ảnh hưởng gì tới cây cầu, phần bê tông bên dưới của cầu. Cầu thì không có vấn đề gì, chỉ có lớp bê tông nhựa ở phía trên có vấn đề thôi.
Vấn đề này không phải ở mỗi nước mình mà ở nước ngoài cũng xảy ra sự cố này. Người dân bức xúc, các nhà thầu cũng đau đầu tìm cách khắc phục. Họ đều muốn làm tốt chứ chẳng ai muốn xảy ra sự cố như thế", ông Cậy khẳng định.
Về vết nứt tại nút giao Vĩnh Ngọc, trao đổi với phóng viên VTC News, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc điều hành Dự án cầu Nhật Tân cho hay, vết nứt rất nhỏ và nằm trong phạm vi, giới hạn cho phép, hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết cấu công trình.
Tuy vậy, Tiến sỹ Cậy tiết lộ: "Gần đây, tại các cuộc họp của Tổng cục đường bộ, người ta cũng đã nhấn mạnh vấn đề này, làm sao để đảm bảo chất lượng lớp bê tông nhựa trên bề mặt cầu.
Thứ trưởng phụ trách xây dựng cơ bản của Bộ Giao thông vận tải cũng đã có nhiều cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục hiện tượng này".
Theo VTC
'Bức tử' sông Hồng: Hố 'tử thần' mọc quanh cầu nghìn tỷ Cát tặc gần chân cầu Nhật Tân đột nhiên "biến mất", nhưng "đại công trường" tạo ra những hố sâu như vực "tử thần" đang mọc quanh chân cầu Vĩnh Tuy. Như đã phản ánh, tại khúc sông chảy qua địa bàn phường Nhật Tân, Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), nạn cát tặc hoành hành công khai, khá "dữ dội". Hàng trăm...