‘Thủ thuật’ của dân đua trong những trận bão đêm
Trong khi đua, “nài” (tay đua) còn cởi bỏ hết quần áo, chỉ mặc chiếc quần lót và nằm úp mình, duỗi chân trên xe; tay phải kéo ga, tay trái vào số. Một tay đua kì cựu giải thích: “Bởi vì nếu ngồi và mặc quần áo sẽ cản gió, xe không thể chạy nhanh…
Kỹ nghệ độ xe
Đối với dân đua xe ở Sài Gòn thì không gì quan trọng bằng tốc độ. Muốn chiếc xe đạt tốc độ cao, các quái xế luôn cất công tìm đến các lò độ xe danh tiếng để nhờ thay đổi kết cấu. Những kĩ thuật căn bản như đôn dên, xoáy nòng… giúp những con ngựa chiến đạt được những cứ bứt tốc khủng khiếp, có khi lên tới 200km/h.
Đường Nguyễn Chí Thanh, Ngô Quyền (quận 5 và quận 10), chợ Tân Thành (quận 5), Ký Con, Trần Quang Khải (quận 1), Nguyễn Thị Thập (quận 7)… được dân chơi xe tại TP.HCM biết đến nhiều nhất bởi tiếng tăm các lò độ đã có từ vài chục năm nay. Khu vực quận 10 có khoảng 40 tiệm sửa xe, trong đó có 8 tiệm chuyên đôn dên, xoáy nòng, móc pô… Tiệm B.L tại phường 1 chuyên làm về xe Suzuki; tiệm A.S chuyên làm xe tay ga; tiệm T. tại phường 14 chuyên làm xe 4 thì; tiệm T.T cũng tại phường 14 thì làm đa dạng về chủng loại xe…
M.S – một thợ độ xe chuyên nghiệp cho biết: Mỗi lò độ đều có những bí quyết riêng để nâng tốc độ xe, và những cuộc đua xe diễn ra trên đường phố cũng là sự thể hiện bản lĩnh tay nghề của các lò. Việc nâng tốc độ của xe phụ thuộc vào việc xoáy nòng piston, đôn dên, móc pô, thay bình xăng con, thay xú-páp (suppad), chỉnh lửa, thay bánh xe lớn… Ở mỗi đẳng cấp khác nhau, dân đua độ mỗi loại xe với nhiều mức giá khác nhau.
Quan trọng nhất là phải xoáy nòng, đôn dên để nâng dung tích, quãng đường và lực đẩy của piston. Theo M.S, kỹ thuật xoáy nòng, đôn dên phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề của thợ. Chỉ vào chiếc xe Wave, anh ta khẳng định: “Xe này còn zin, piston là 49 (piston được dân đua xe còn gọi là “trái” hay “quả”), tao xoáy đến 60, bảo đảm đạt đến tốc độ 140 km”. Giơ lên một cây dên (bộ phận trong xe máy biến chuyển động thẳng của piston thành chuyển động tròn), M.S nói thêm: “Kèm theo cây này, tao đôn tối đa lên được 17 ly (17 mm) thêm một số thay đổi nữa thì tốc độ 170km/h là khỏi phải bàn”.
Một piston xe Su-Sport đã được khoét từ 52 lên 59, có thể đạt tới tốc độ 180km/h
Việc xoáy nòng được các thợ độ xe dùng mũi khoan kim cương để gọt mở rộng lòng piston. Tay nghề của mình bảo đảm được đến đâu, người thợ sẽ nâng dung tích piston đến đó. Kèm theo đó, việc chèn các lá thép để đôn dên tăng đường đi và lực đẩy piston cũng góp phần không nhỏ cho việc đưa tốc độ tối đa của xe lên cao.
Các thợ độ có những bí quyết riêng trong việc điều chỉnh hệ thống lửa trong xe để khiến xe đua luôn vọt nhanh lúc xuất phát. “Đọc” màu bugi, thợ có thể biết được tình trạng vận hành của động cơ. Bugi sẽ ngả qua màu nâu vàng nhạt như gạch cua hay màu nâu đỏ sau một thời gian hoạt động là động cơ vận hành hoàn hảo; màu xám hoặc trắng là động cơ xe đang vận hành quá thiếu (dư gió, ít xăng); màu đen và dính dầu nhớt điều này có nghĩa là động cơ đang hoạt động ở trạng thái dư (nhiều xăng, ít gió) và không đốt cháy hết nhiên liệu.
Thợ độ “cao thủ” sẽ có bí quyết điều chỉnh mobin sườn và mâm lửa khiến lửa cháy hơi muộn một chút; khi đó, khí và nhiên liệu bị nén lại bị đốt cháy đột ngột khiến cho xe vọt lên rất nhanh… Tất cả các phụ tùng làm bằng nhựa như: mặt nạ, yếm xe… đều phải được gỡ bỏ vì sẽ gây lực cản gió và không khí khiến xe chạy không nhanh.
Một cây dên lớn của xe tay ga, có thể được đôn thêm đến 30-40mm để đạt tốc độ 200km/h
Một thợ độ xe cho biết: “Khi xe mà độ hết bài thì đê-pa sẽ rất “hỗn”, tiêu hao nhiên liệu khoảng 10km/lít xăng, nhưng bù lại nếu được gắn IC điện tử (tăng lượt tua máy từ 11.000 vòng lên khoảng 50.000 vòng) thì tốc độ có khi đạt tới 200km/h. Các xe này chắc chắn khi ra đường đua sẽ “trôi kim” (chạy vượt qua tốc độ giới hạn trên đồng hồ công-tơ-mét)”.
Theo các thợ làm xe, độ xe tay ga tốn kém hơn rất nhiều vì ngoài đôn dên, xoáy nòng thì những xe này còn phải gắn hộp số, bình xăng, làm pô, suppad… Nhưng bù lại là đạt được tốc độ cao hơn vì sẽ xoáy nòng lên tới trên 70. Xe tay ga Yamaha Mio hiện được dân đua ưa chuộng hơn cả vì giá rẻ, nhẹ, máy bốc và thân xe ngắn. Không loại trừ trường hợp các “quái xế” mang cả những loại xe đắt tiền như Dylan, @, SH… đi độ. Giá mỗi lần độ những chiếc xe này có khi lên tới gần 200 triệu đồng vì các tay đua yêu cầu thay thế các bộ phận bằng hàng từ nước ngoài gửi về, chủ yếu là từ Malaysia.
Thảm khốc giữa tâm “ bão đêm”
Video đang HOT
Đua xe trên đường phố Sài Gòn có những hình thức và thể lệ thi đấu cực kì khốc liệt mà chỉ có dân trong nghề mới biết. Các cuộc đua trái phép thường diễn ra bởi sự thách thức giữa các lò độ với nhau, lò nào chiến thắng trong các cuộc đua thì sẽ tạo được tiếng vang, khách ghé thăm nhiều và công việc “làm ăn” được hanh thông, suôn sẻ.
Thông thường, mỗi lò độ thường có “nài” của mình; nhưng nếu phát hiện đối phương sử dụng “nài” có tiếng tăm, họ sẽ không ngại thuê các “nài” từ các lò khác với mục đích cuối cùng là để xe của mình chiến thắng.
Những tay yêng hùng đang thể hiện bản lĩnh trên đường thử xe
Các cuộc đua diễn ra ở một địa điểm được hẹn trước, được quy định chặt chẽ về thể lệ, đường đua và dung tích piston. Hai bên thi đấu sẽ chọn ra trọng tài là một lò độ xe trung gian. Trọng tài sẽ có trách nhiệm lựa chọn và kiểm tra đường đua; trước mỗi cuộc đua, dùng thước để đo kết cấu, dung tích của piston, nếu xe của lò nào vượt quá thể tích được quy định từ trước đó thì đương nhiên bị loại mà không cần đua. Trọng tài sẽ nắm toàn bộ số tiền độ của hai lò cuộc đua đó, sau khi kết thúc trọng tài sẽ giao cho bên thắng cuộc. Thông thường, quãng đường đua thường là 1-7km (đa số là 1,2km – gọi là thể thức “cây hai”), piston cùng độ lớn, các lò có thể tự đôn dên theo ý mình. Số tiền cá cược mỗi trận đua như thế lên đến hàng trăm triệu đồng. Chính vì món lợi và danh tiếng đó mà tình trạng đua xe ăn tiền kiểu này đã tồn tại vài chục năm nay với nhiều tay đua tên tuổi khét tiếng Sài Gòn như: Mã Kim So, Quý Già, Sáu Dậu, Tám Giàu…
Để chiến thắng trong các cuộc đua, điều quan trọng không phải ở xe đua, mà là tay nghề và sự liều lĩnh của tay đua
Đua xe đường phố cũng đòi hỏi những kĩ thuật cao mà không phải ai cũng làm được. Kĩ thuật cơ bản nhất trong đua xe là “nằm xòe”. Trong khi đua, “nài” (tay đua) phải cởi bỏ hết quần áo, chỉ mặc một chiếc quần lót và nằm úp mình, duỗi chân trên xe; tay phải kéo ga, tay trái vào số. Một tay đua kì cựu giải thích: “Bởi vì nếu ngồi và mặc quần áo sẽ cản gió, xe không thể chạy nhanh… Nếu không “nằm xòe”, tốc độ sẽ bị giảm đáng kể khi “nài” ngồi trên xe là một cánh buồm hứng gió sẽ làm giảm tốc độ 15-20km/h. Khi “nằm xòe”, đầu “nài” không được ngóc lên khỏi xe để quan sát vì sẽ giảm tốc độ khoảng 5km/h.”.
Một pha “nằm xòe”
“Nài” theo sau sử dụng kỹ thuật “núp gió” khi bám đuôi theo sát “nài” chạy trước để hạn chế tối đa lực cản không khí, “nài” dẫn đầu và bị một “nài” khác theo sát muốn chiến thắng sẽ lao thẳng xe về một vật cản, sau đó đột ngột “chẻ gió”, lách sang một bên. “Nài” theo sau không nhìn thấy vật cản tông thẳng vào, hoặc là phải lao vào bên đường. Vì những khốc liệt kể trên, số lượng “nài’ chuyên nghiệp tại TP.HCM không nhiều và là “của hiếm” của các lò độ.
Một người Sài Gòn trên 40 tuổi kể lại: trước năm 1975, ở Sài Gòn có 2 “thú chơi” ghê rợn: trò giải quyết mâu thuẫn tình ái bằng súng lục ổ quay và trò chui gầm xe ben bằng xe Honda 67.
Khi tranh giành nhau một cô gái, 2 người đàn ông liều lĩnh thời đó dùng một khẩu súng lục ổ quay (loại ổ đạn 6 viên), lắp 1 viên đạn rồi cho ổ đoạn xoay tự do, sau đó dập nắp ổ đạn lại để không ai biết viên đạn đang nằm ở đâu. Sau đó, lần lượt từng người đàn ông kê súng lên đầu và … bóp cò (?!). Nếu một người chết, người đàn ông còn sống sẽ có được cô gái mình yêu, còn nếu may mắn cả hai người cùng còn sống, họ sẽ làm bạn và cùng từ bỏ cô gái (!). Trò chơi điên rồ này được khẳng định là có thật và đã có những người đàn ông chết vì nó.
Chui qua gầm xe thớt (xe ben) chuyên dùng chở gỗ đang chạy là “thú chơi” còn lại. Một tay đua kỳ cựu kể lại: ngày ấy, hai bên thường cá cược với nhau xem ai có đủ liều lĩnh hay không. Sau khi ngã giá, tay đua sẽ phóng xe lao xuống đường chạy song song và cùng tốc độ với chiếc xe tải. Vì gầm xe tải chỉ cao ngang tay lái nên tay đua phải “nằm xòe” rạp mình lên yên xe, nghiêng xe 45o rồi phóng vọt qua gầm xe. Một điều tối quan trọng là không được để cho tài xế xe tải nhìn thấy tay đua qua kính chiếu hậu, vì khi nhìn thấy chiếc xe không người lái, theo phản xạ tài xế xe tải sẽ đột ngột thắng gấp lại thì tay đua coi như cầm chắc cái chết.
Đặng Sinh
Theo Bưu Điện Việt Nam
Chuyện kể kinh hoàng của những tay đua giang hồ Sài Gòn
"Có lần, tôi xốc một thằng ngã ngựa vào viện. Nó to béo, tôi không nhấc nổi cái chân, đành để thõng quệt xuống đường, đến nơi chân nó chẳng còn tí móng nào", một "quái xế" đình đám kể.
Mã Kim So và những đau thương sau tay lái
Mã Kim So (tức So "gà") không biết chữ. Sinh năm 1963 tại Bạc Liêu, nhà nghèo nên từ nhỏ Mã Kim So không được đi học. Năm 9 tuổi, So đã theo học sửa xe máy tại tiệm Tân Hải của thầy Âu Lập Tân ở Bạc Liêu. Ngày ấy, phong trào đua xe tại Bạc Liêu rất rầm rộ khi các lò cạnh tranh nhau dữ dội và lò của ông Âu Lập Tân thường thua. So xuất hiện vào trường đua đường phố từ khi ngồi trên xe mà chân chưa chạm đất, So đã đem lại những chiến thắng đầu tiên cho tiệm Tân Hải và trở nên rất nổi tiếng ở Bạc Liêu khi tuổi đời còn rất nhỏ.
Những ngày tháng đua xe giang hồ của Mã Kim So là thời của những chiếc Honda 67. Vì lì lợm và khôn ngoan nên So chiến thắng hầu hết các trận đua xe mà anh tham gia. Hồi ấy, ngoài làm "nài" cho lò xe của mình, anh còn đi đua thuê cho nhiều lò khác. Tiếng tăm của So nổi như cồn đến nỗi ngay cả đêm hôm mưa gió cũng có người gõ cửa thuê làm nài cho lò của họ. So kể lại: Địa bàn đua xe ngày ấy cũng có nhiều, nhưng thường đua nhất là ở Đường Sơn Quán (Thủ Đức) hoặc Mai Sơn Lãnh (Bình Dương)... Đường đua xe giữa các lò xưa nay đều có quy chuẩn là "cây hai, bốn bẻ cua" (tức là dài khoảng 1,2km và 4 khúc bẻ cua).
Từ một tay đua giang hồ khét tiếng, Mã Kim So giờ đã là một ông thợ sửa xe có uy tín và trách nhiệm nghề nghiệp.
Theo thầy lên Sài Gòn lập nghiệp, từ những buổi chạy thử xe Honda 67 ngoài xa lộ, anh đã khiến các tay đua thời đó kinh ngạc vì kỹ thuật và sự liều lĩnh của mình trên đường đua. Và kể từ đó, dân đua xe, độ xe ở khắp cả nước không ai là không biết đến Mã Kim So. Đua xe đường phố cũng đòi hỏi những kỹ thuật cao mà không phải ai cũng làm được. Tuyệt chiêu của So được dân đua rỉ tai nhau là những pha "chẻ gió" cực kì nguy hiểm. Khi đang đua trong tư thế "nằm xòe" và bị đối phương theo sau núp gió, So thường cho xe lao thẳng vào một chiếc xe tải đang chạy rồi đột ngột lượn ra. Tay đua phía sau bất ngờ nhìn thấy chiếc xe tải sẽ cảm thấy cực kì kinh sợ, hoặc phải lao xuống ruộng, hoặc phải tìm mọi cách cho xe dừng lại.
Tôi gặp So ở một tiệm sửa xe khiêm tốn nằm trên ở số 151 Nguyễn Chí Thanh, quận 5, anh kể lại những năm tháng từ yêng hùng trên xa lộ đến khi anh tham gia đường đua chuyên nghiệp. Câu chuyện của So có những kỉ niệm đau thương trong cuộc đời gắn chặt với chiếc xe máy của mình. Hai lần anh đã mất mát trong cuộc đời đua xe giang hồ. Một đồng nghiệp đua với một lò khác và rủ So cùng ra Vũng Tàu để thử xe. Nhưng anh này đã tự đi một mình rồi tông thẳng vào kè đá trên đường, xương sườn cắm vào phổi và nứt đầu mà chết. Lần thứ hai, So và một người bạn khác cũng thử xe, người bạn thích thể hiện bản lĩnh đã lao lên đâm trúng một chiếc taxi ngã lăn xuống đường, một chiếc xe tải vừa lao tới, cán chết.
Những pha biểu diễn rợn người trong một trận thử xe
Trực tiếp chứng kiến cái chết thê thảm của hai người bạn, So từ giã đua xe giang hồ. Mã Kim So đã tham gia giải đua xe gắn máy chuyên nghiệp đầu tiên và đoạt giải nhì. Kể từ đó đến nay, anh đạt thêm gần 30 giải thưởng khác. Hiện nay, So đã bắt đầu trở lại đường đua và vừa trở về từ Giải đua xe mô tô các đội mạnh toàn quốc tại Đà Nẵng; nhưng anh hài lòng với cuộc sống của một anh thợ sửa xe có uy tín và lương tâm.
Những câu chuyện khủng khiếp về đua xe Sài Gòn
Không nhiều người biết được rằng từ vài chục năm trước, các tay đua đường phố đã bắt đầu các trận đua xe bằng loại xe Gobel, xe "Máy cày"... Đua xe đường phố ở Sài Gòn đã có một thời kì "hoàng kim" với loại xe Honda 67. Vì loại xe này chỉ có phân khối nhỏ nên đã được các tay đua xoáy nòng lên gần 50ml. Chiếc xe 50cc ban đầu được nâng lên hơn 80cc. Tuy tốc độ không thể so sánh được với những chiếc xe độ đời mới hiện nay nhưng sự "khô máu" của các tay đua như của Mã Kim So với loại xe này thì cao hơn một bậc.
Đầu trần, chân đất, quái xế biểu diễn một pha "nằm xòe"
Các loại xe đua theo từng thời kì cũng thay đổi theo từng thời kì, nhưng chủ yếu là do yêu cầu về tốc độ. Sau thời kì của Honda 67 là thời kì của Suzuki Sport 50cc 5 số, loại xe này nếu "núp gió" tốt sẽ đạt được khoảng tốc độ 120km/h. Sau đó là thời của Cosmo 105cc rồi Suzuki Crystal 110 màu bạc (ra đời khoảng năm 1990); loại xe này chở 2 người kéo hết ga, vào số 1 là tự động bốc đầu có thể làm rơi người ngồi sau.
Hai loại Nova, Crystal cũng được dân độ xe quan tâm, nhưng chủ yếu được các đối tượng lưu manh sử dụng để cướp giật, vì khi "núp gió" có thể đạt được tốc độ tối đa 150km/h. Dân đua xe chuyên nghiệp đặc biệt ưa chuộng loại xe "Su mặt qủy" xuất hiện khoảng năm 1995, vì tốc độ lúc xuất phát rất cao. Sau đó, Suzuki RG Sport 110 một thời hùng cứ xa lộ và Yamaha 110 SS cũng là đối thủ ngang ngửa. Riêng đối với loại xe Suzuki RGV 120, theo các dân chơi xe, nếu gặp thợ độ có kinh nghiệm, khi ra xa lộ có thể đạt tốc độ tối đa 180km/h. Ở loại xe khác, tốc độ còn thấp còn cảm nhận được tay lái, nhưng với các loại xe đời mới vì tốc độ quá cao rất dễ mất lái, dễ té ngã.
Có nhiều loại xe đua, nhưng quan trọng nhất là bản lĩnh của các nài
Trong thế giới của các quái xế, "nài" đua xe cũng được phân loại trình độ từ thấp đến cao. Để được gọi là nài đúng nghĩa và được kính nể thì phải tính đến chuyện: đã từng "núp gió" bao nhiêu giờ (như thể cách tính giờ bay của phi công) trên bao nhiêu loại xe khác nhau, cầm cờ bao nhiêu độ?
Thủ thuật gian lận trong đua xe của được dân đua rỉ tai nhau: Khi xuất phát, các nài thường có thủ thuật "đề điếm". Nghe tiếng đếm "một, hai, ba", các nài đếm thầm cùng nhịp với trọng tài, khi tiếng "ba" chỉ vừa thoát ra khỏ miệng trọng tài, nài "đề điếm" đã nhả côn và sẽ nhanh hơn đối thủ vài chục phần trăm giây, tạo nên một lợi thế lớn.
M., một tay nài từng chinh chiến nhiều năm, nay đã giải nghệ, kể lại: "Có lần, tao chứng kiến một tay đua bị xe tải cán. Về nhà, tao 2 ngày không ăn cơm nổi. Lần khác, tao và thằng bạn gặp một tay đua ngã ngựa, thấy nó nằm thương quá xốc nó vào bệnh viện. Nó khá to lớn, máu me be bét, đã thế nó còn tè ướt quần cả 2 thằng. Đến bệnh viện, nhìn chân trái nó không còn tí móng nào. Hóa ra, lúc chở nó nặng quá, bọn tao không nhấc chân nó lên nổi chỉ níu quần dài nên đường nó mài bay hết móng chân".
Cuộc chơi của các quái xế bao giờ cũng có rất nhiều thương đau
"Hãy đặt đam mê vào đúng chỗ"
Theo các tay đua lão làng, những năm trước giải phóng, sân vận động Thống Nhất (TP.HCM) hiện nay cũng đã từng được sử dụng để tổ chức đua xe máy. Năm 1989, giải đua xe máy đầu tiên do nhà nước tổ chức diễn ra ở trường đua Phú Thọ (TP.HCM). 50.000 khán giả vào sân làm cổng chính bị vỡ, khán giả tràn ra cả đường piste khiến cho cuộc đua ấy phải bị hủy bỏ. Cuộc đua trên sân Phan Thiết (Bình Thuận) sau đó cũng bị vỡ vì quá nhiều người muốn tận mắt chứng kiến những tay đua tranh tài. Thời gian đầu, xe đua cũng chỉ là Honda 67, sau đó chuyển sang xe "hai thì" 125 phân khối nên tốc độ xe được tăng lên cao hơn, hấp dẫn hơn.
Đường đua như sân Quân khu 5, Phú Thọ, Cần Thơ, Bình Phước... ngày xưa chỉ làm bằng đất cát. Khi sân vận động Cần Thơ chính thức trở thành lãnh địa của đua xe chuyên nghiệp, đường đua mới được trải nhựa cho các tay đua tranh tài. Các tên tuổi: Mã Kim So, Vũ Trọng Bằng, Nguyễn Văn Quý, Trần Ngọc Sang... cũng từ đó mới được người hâm mộ cả nước biết đến với vai trò vận động viên đua xe gắn máy chuyên nghiệp. Hiện nay, các giải đua xe vẫn thu hút được rất nhiều người xem, nhưng khi các nhà tài trợ không còn mặn mà thì chuyện cá độ, bắt tay nhau giữa các lò như trong bóng đá đã khiến môn thể thao này mất đi tính thượng võ ban đầu. Các tay đua vì thu nhập thấp nên nhiều người cũng bỏ nghề.
Một pha biểu diễn của quái xế
Đua xe chỉ hấp dẫn khi nó là một môn thể thao chuyên nghiệp và được những người chuyên nghiệp thực hiện. Những vận động viên đua xe đã được rèn luyện bài bản hoặc đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm. Các tay đua từng một thời đua xe ăn tiền cũng chia sẻ: ngày họ đua xe đường phố, họ cũng chọn những cung đường không có dân cư sinh sống để thử xe hoặc tổ chức đua xe chứ không phải tổ chức đua xe, lạng lách, đánh võng và tụ tập đến hàng ngàn người gây tắc nghẽn giao thông như các trận "bão đêm" bây giờ. Một số yêng hùng muốn trở thành vận động viên đua xe gắn máy chuyên nghiệp đã từng xin vào các đội để chạy thử; đến khi chạy và ngã vài lần thì sợ xanh mặt và xin bỏ cuộc luôn.
Đã từng trải qua những phút kinh hoàng và có rất nhiều bản lĩnh dày dặn trên đường đua nhưng khi ra đường thấy các tay "quái xế" chạy xe lạng lách, đánh võng nẹt pô, bốc đầu, Mã Kim So cũng cảm thấy kinh sợ. Anh bức xúc: "Dù những người mê tốc độ đang thiếu sân chơi, nhưng "bão đêm" chỉ là trò của những kẻ non nớt, vô công rồi nghề. Hãy biết đặt đam mê của mình đúng chỗ, đừng vì những ham muốn thích thể hiện mà làm ảnh hưởng đến sự bình yên của xã hội, sinh mạng của bản thân và những người vô tội".
Đặng Sinh
Theo Bưu Điện Việt Nam
Phía sau những trận 'bão đêm' ở Sài Gòn Quá nửa đêm, trong thành phố, một mớ âm thanh hỗn độn gầm rú rền vang cường độ lan tỏa lớn dần. "Cơn bão" hãi hùng kéo qua với hàng ngàn chiếc xe máy gầm rít. Đằng sau những trận càn quét khủng khiếp ấy là rất nhiều những bí ẩn trong "tâm bão". Mỗi rạng sáng Chủ Nhật, trên đường Xô Viết...