Thủ thuật “bỏ túi” hàng ngàn m2 đất của cựu Tổng giám đốc “Trung Lửa”
Bằng cách chỉ đạo cấp dưới để ngoài sổ sách cả trăm lô đất tại các dự án khi tiến hành cổ phần hóa, “Trung lửa” đã chiếm đoạt cả chục ngàn m2 đất của nhà nước trị giá gần 65 tỷ đồng.
Ngày 4/1, TAND TP Đà Nẵng đã kết thúc xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Quang Trung, biệt danh “Trung lửa” (SN 1960), nguyên TGĐ Công ty Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng và các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong quá trình cổ phần hóa Công ty Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng.
Theo cáo trạng, Công ty Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1992 với vốn điều lệ hơn 39 tỷ đồng, do UBND TP Đà Nẵng nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, xây dựng.
Các bị cáo tại phiên xét xử.
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa của nhà nước, năm 2009, Nguyễn Quang Trung đại diện công ty ký hợp đồng để Công ty CP chứng khoán An Bình xác định giá trị, tài sản doanh nghiệp. Công ty chứng khoán này ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam để triển khai công việc.
Sau đó, Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá trị công ty này là gần 226 tỉ đồng, trong đó vốn hóa nhà nước là hơn 52 tỉ đồng. Năm 2010, công ty hoàn thành cổ phần hóa với tên gọi Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán NDN), vốn điều lệ 90 tỉ đồng, trong đó nhà nước nắm 10% cổ phần.
Video đang HOT
Trong quá trình cổ phần hóa, Trung “lửa” chỉ đạo Lâm Phụng Tiên (SN 1966, kế toán công ty) và Nguyễn Văn Nam (SN 1962, Trưởng phòng Dự án) đưa hàng chục lô đất tại 3 dự án khu dân cư Bắc Phan Bá Phiến, Hòa Phát 3 mở rộng và chung cư số 6 Nguyễn Du ra khỏi sổ sách, gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Cụ thể, dự án khu dân cư Bắc Phan Bá Phiến có 523 lô đất và 3 rẻo đất. Trung “lửa” chỉ đạo Tiên và Nam không đưa vào hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp 2 lô đất 27-L4 và L7, chuyển 50 lô (6.383,74 m2) sang quỹ đất tái định cư để không đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất, làm giảm phần vốn nhà nước.
Theo xác định giá trị quyền sử dụng đất, dự án Bắc Phan Bá Phiến được đánh giá lại tăng thêm gần 9,2 tỉ đồng. Thế nhưng sau đó, 52 lô đất trên được NDN chuyển nhượng cho các cá nhân không thuộc diện tái định cư, thu về gần 56 tỉ đồng.
Tại dự án khu dân cư Hòa Phát 3 mở rộng có 207 lô đất, quá trình kiểm kê tài sản cổ phần hóa Trung “lửa” chỉ đạo Tiên, Nam bỏ ngoài 2 lô đất 1A – B4 và A2 không đưa vào hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp. Các bị cáo cũng không xây dựng phương án sử dụng đất, không đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất 33 lô đất chưa bố trí tại quỹ đất tái định cư, gây thiệt hại cho nhà nước. Sau khi cổ phần hóa, trong 35 lô đất trên, Trung “lửa” đã bán 34 lô, thu về hơn 20 tỉ đồng.
Dự án chung cư 6 Nguyễn Du rộng gần 3.300 m2, cao 18 tầng, Trung “lửa” đại diện Công ty Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (DHI) ký với Công ty CP Đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang (PUTA) góp vốn đầu tư khai thác chung cư với tổng mức 130 tỉ đồng.
DHI góp 30%, PUTA góp phần còn lại và trả cho DHI 5 tỉ đồng. PUTA lấy 115 căn hộ, DHI giữ 49 căn hộ, phần cho thuê 4 tầng (tầng hầm, phần trung tâm thương mại 3 tầng 1, 2, 3) chia theo tỷ lệ góp vốn.
Tuy nhiên, quá trình kiểm kê tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Trung “lửa” chỉ đạo Tiên chỉ thống kê diện tích được chia mà không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất đối với 30% khối các tầng cho thuê, làm giảm vốn nhà nước, gây thất thoát. Năm 2017, Nguyễn Quang Trung cho công ty chuyển nhượng khối trung tâm thương mại cho người khác với giá gần 62 tỉ đồng. Theo cáo trạng, số tiền các bị cáo gây thất thoát tại 3 dự án nói trên tổng cộng gần 65 tỉ đồng.
Đây là vụ án thứ 2 (giai đoạn 2) Nguyễn Quang Trung và đồng phạm bị điều tra và đưa ra xét xử liên quan đến các sai phạm về quản lý vốn nhà nước. Trước đó, ở giai đoạn 1, TAND cấp cao tại Đà Nẵng ở phiên phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Trung “lửa”, giảm còn 3 năm 6 tháng tù (TAND TP.Đà Nẵng ở phiên sơ thẩm tuyên 5 năm tù) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí…
Sau khi xem xét, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Nguyễn Quang Trung mức án 8 năm tù, Lâm Phụng Tiên 4 năm tù, Nguyễn Văn Nam 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã kê biên tài khoản ngân hàng và nhiều tài sản của công ty để khắc phục thiệt hại mà các bị cáo gây ra
Cựu Chủ tịch và cựu Tổng Giám đốc VEAM cùng nhận 5 năm tù vì gây thất thoát 165 tỷ đồng
Sau hai ngày xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gây thất thoát 165 tỷ đồng của Nhà nước, xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (viết tắt là VEAM), chiều 28/12, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với các bị cáo.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Giang (SN 1949, cựu Tổng Giám đốc giai đoạn 2000 - 2011) 5 năm tù; bị cáo Lâm Chí Quang (SN 1954, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị giai đoạn 2004 - 2011) 5 năm tù; Đào Huấn Ngữ (SN 1955, cựu Giám đốc Công ty Đúc số 1 giai đoạn 2002 - 2011) 33 tháng tù cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi (SN 1956, cựu Ủy viên Hội đồng quản trị, kiêm Trưởng Ban kiểm soát giai đoạn 2007 - 2010) bị tuyên phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng.
Theo bản án sơ thẩm, lợi dụng việc thực hiện đề án di dời Công ty Đúc số 1 (đơn vị hạch toán phụ thuộc VEAM, do Đào Huấn Ngữ làm Giám đốc) tại số 220 Bình Thới vào khu công nghiệp theo Quyết của UBND TP Hồ Chí Minh, các bị cáo đã bàn bạc thu lợi từ dự án xây dựng khu nhà ở và trung tâm thương mại, dịch vụ tại mặt bằng số 220 đường Bình Thới.
Từ năm 2006 đến năm 2008, Nguyễn Thanh Giang, khi đó là Tổng Giám đốc đại diện VEAM ký hợp đồng hợp tác với Công ty Phương Nam góp vốn thành lập Công ty liên doanh Đúc Phương Nam để hợp tác, đồng thời đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cấp "sổ đỏ"tại số 220 Bình Thới cho Công ty Đúc 1 và thỏa thuận, VEAM có trách nhiệm chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty liên doanh Đúc Phương Nam.
Sau khi Công ty liên doanh Đúc Phương Nam giải thể, Nguyễn Thanh Giang đã đề nghị và được Hội đồng quản trị của VEAM ban hành nghị quyết phê duyệt việc VEAM góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại số 220 Bình Thới trị giá 115 tỷ đồng và cử Đào Huấn Ngữ làm người đại diện phần vốn góp của VEAM và bàn giao đất cho Công ty Phú Vinh.
Ngày 24/10/2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần hai cho Công ty Phú Vinh. Theo đó, VEAM không còn là cổ đông của Công ty Phú Vinh và không còn quyền lợi liên quan đến khu đất 220 Bình Thới.
Bản án xác định, hành vi của Lâm Chí Quang, Nguyễn Thanh Giang và Đào Huấn Ngữ thực hiện thủ tục góp vốn, chuyển nhượng cổ phần là giá trị quyền sử dụng đất của VEAM tại số 220 Bình Thới nhưng không thực hiện định giá, đấu giá là vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 165 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Văn Khôi và các cựu thành viên Hội đồng quản trị của VEAM đã ký nghị quyết đồng ý để VEAM góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất tại 220 Bình Thới và đồng ý cho chuyển nhượng cổ phần bằng nguyên giá 115 tỷ đồng nhưng không thực hiện định giá, đấu giá là vi phạm các quy định của Nhà nước.
Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị tuyên phạt 5 năm tù Sau nhiều ngày nghị án, chiều 17/5, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và đồng phạm, trong vụ bán rẻ 3 lô đất trái quy định cho Công ty Tân Việt Phát, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 45 tỷ đồng. Hội đồng xét xử sơ...