Thu Phương thử trang phục dự liveshow Phó Đức Phương
Nữ ca sĩ được nhà thiết kế Thủy Nguyễn chuẩn bị những bộ cánh độc đáo, chuẩn bị biểu diễn trong đêm nhạc ở Hà Nội.
Thu Phương từ Mỹ về Việt Nam tham gia liveshow kỷ niệm 50 năm hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Cô tới showroom của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, thử trang phục trước đêm diễn. Nữ ca sĩ rất thích những mẫu váy áo màu sắc rực rỡ, họa tiết ấn tượng.
Thu Phương trông lạ lẫm khi mặc váy yếm, vấn khăn như phụ nữ Việt Nam xưa nhưng lại đeo kính mát.
Cô ngẫu hứng cất giọng thể hiện một ca khúc trong buổi thử trang phục.
Saxophone Trần Mạnh Tuấn sẽ diện áo dài lên sân khấu. Con gái anh là An Trần cũng tham gia đêm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Video đang HOT
Nhạc sĩ Phó Đức Phương chuẩn bị kỹ lưỡng cho liveshow ‘Trên đỉnh Phù Vân’ vào tối 29/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội. Ông từng nổi tiếng với những ca khúc viết về sông, hồ như ‘Huyền thoại hồ Núi Cốc’, ‘Hồ trên núi’, ‘Chảy đi sông ơi’, ‘Một thoáng Tây Hồ’… và nhiều bài hát khác như ‘Trên đỉnh Phù Vân’, ‘Không thể và có thể’, ‘Về quê’…
Phó Đức Phương vui vẻ hội ngộ Trần Mạnh Tuấn tại showroom của nhà thiết kế Thủy Nguyễn.
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh và hai thành viên nhóm M4U lịch lãm, nổi bật với vest họa tiết ấn tượng.
Hương Giang
Theo VNE
NS Phó Đức Phương: "Tôi bị vùi dập ghê lắm"
"Tính tôi không màng khen chê, lại cứng rắn nên chịu được, nhưng người nhà, bạn bè không chịu nổi", Phó Đức Phương nói. Vị nhạc sĩ chia sẻ rằng, 14 năm gắn bó với công việc ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, ông bị vùi dập và mất mát quá lớn...
Các nhạc sĩ cùng thời với nhạc sĩ Phó Đức Phương như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ, Thanh Tùng... đều có hơn một những chương trình nghệ thuật lớn về các sáng tác của mình. Nhưng đến thời điểm này, ở cái tuổi thất thập, ông mới quyết định thực hiện liveshow lớn đầu tiên trong đời vào cuối năm nay, có sợ... muộn không?
- Tôi muốn làm liveshow phải hết sức kỹ càng với điều kiện tốt nhất có thể và bây giờ thì thời cơ mới đến. Tôi làm chương trình "Trên đỉnh Phù Vân" có lẽ cũng vì sự thúc bách của người thân, bạn bè và những người yêu nhạc của mình.
Vậy vấn đề trả tiền tác quyền trong chương trình này được ông tính toán thế nào?
- Tôi là người đi đầu trong công tác đòi quyền lợi cho các tác giả. Nhưng việc đòi tác quyền trong đêm nhạc này thực sự đã khiến tôi rất đau đầu. Bởi vì tôi là tác giả của tất cả các ca khúc được biểu diễn trong đêm nhạc, nếu đòi tác quyền thì chẳng qua là tôi... tự trả cho tôi.
Tuy nhiên, tôi vẫn hỏi các bạn ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xem mức tiền tác quyền cao nhất mà từ trước tới nay đơn vị nhận được từ một chương trình là bao nhiêu, các bạn ấy bảo khoảng 270 triệu đồng.
Tôi quyết định dù thế nào thì cũng nộp cho Trung tâm 270 triệu đồng tiền tác quyền để trung tâm giữ lại khoảng 20% theo quy định thông thường, còn bao nhiêu tôi nhận.
Không chỉ "đau đầu" vì vấn đề tác quyền đêm nhạc của mình, từ ngày đảm nhận vị trí Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bản thân ông cũng vật lộn với không ít thị phi?
- Tôi bị vùi dập ghê lắm. Tính mình không màng khen chê, lại cứng rắn nên chịu được, nhưng người nhà và cả ông bạn quá cố của tôi là nhà văn Nguyễn Khắc Phục thì không chịu nổi.
Có lần cả gia đình tôi họp lại để bảo tôi bỏ công việc tác quyền nhưng tôi cương quyết không nghe. Thậm chí, có lần tôi còn to tiếng đến mức "tóe lửa" với anh trai ruột của mình về vấn đề này.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cũng nằm trong số đó. Chúng tôi từng tranh luận với nhau nửa tiếng đồng hồ. Ông ấy bảo: "Ừ thì quyền tác giả quan trọng thật, nhưng hãy để cho người khác làm. Chúng tôi cần tác phẩm của ông hơn". Chỉ đến khi tôi bảo tử vi của tôi "chỉ định" đến lúc này phải dừng sự nghiệp sáng tác lại thì ông ấy mới cười, không tranh cãi nữa.
Nhưng phải nói thật là, không riêng gì người thân, bạn bè của ông mà nhiều ý kiến cũng cho rằng, kể từ ngày nhạc sĩ Phó Đức Phương làm công việc liên quan đến tác quyền âm nhạc, ông không chuyên tâm vào sáng tác và hầu như cũng không ra đời những tác phẩm hay. Ý kiến của ông thế nào?
- Điều đó có thể lắm! Tôi vẫn nhớ trong suốt 4-5 năm đầu khi tôi bắt đầu làm công việc bảo vệ quyền tác giả, rất nhiều đơn vị nghệ thuật thân thiết năm nào cũng đề nghị tôi viết nhạc, tôi đều phải cáo bận và hẹn sang năm, rồi sang năm lại lần khất xin lỗi.
Trong 14 năm, tôi biết mình mất quá nhiều cơ hội để có được những tác phẩm mới. Trước đấy, khi chưa lao vào tác quyền, tôi giống như người "trực chiến" trong âm nhạc, "bao sân" từ sân khấu đến phim ảnh rồi ca múa nhạc, mỗi năm lại viết khoảng 7-8 bài hát, chưa kể nhạc không lời.
Với sự cẩn thận của tôi thì tôi tin rằng sẽ có ít nhất một nửa trong số đó tồn tại được lâu bền, rồi 1-2 ca khúc có thể trở thành bài hát đi cùng năm tháng. Tôi nhẩm tính rồi, 14 năm theo việc tác quyền, tôi có thể đã mất đi 28 bài hát đi cùng năm tháng. Đấy là sự mất mát lớn chứ. (Cười)
Sao biết là khó khăn, mất mát, là bị vùi dập..., mà nhạc sĩ vẫn cứ "lao" vào công việc tác quyền?
- Mỗi người có một cái "mệnh", tôi cứ hay nói thế để bạn bè ít khuyên can tôi đừng dính dáng đến cái tác quyền âm nhạc. Cứ coi như "mệnh" chọn tôi làm cái việc khó khăn ấy như thể nếu không có tôi thì không ai làm...
Hơn nữa, ngoài những mất mát, tôi được về... tinh thần. Nhiều năm trước, vấn đề tác quyền âm nhạc bị xâm hại nghiêm trọng, đến nay tình trạng này đã giảm bớt và được ý thức nhiều hơn. Đó là những cái được cho cả một nền âm nhạc văn minh và ngày càng phát triển, thậm chí còn rất quan trọng cho sự đi lên của một đất nước. Nếu quyền tác giả mà làm không tốt thì nền âm nhạc của chúng ta sẽ mất mát rất nhiều tác phẩm hay.
Trở lại với những sáng tác một thời, ông được coi là nhạc sĩ có nhiều sáng tác về sông, hồ hay nhất như: "Huyền thoại Hồ Núi Cốc", "Hồ trên núi", "Chảy đi sông ơi", "Dòng sông ký ức", "Lội dòng sông quê", "Nao nao Thác Bà, "Một thoáng Tây Hồ"... Vì sao ông có nhiều cảm hứng về đề tài này đến thế?
- Tôi mệnh thủy nên hướng về sông hồ như một lẽ tự nhiên. Cứ nhìn thấy sông và cây cối là lòng dịu lại. Tuổi thơ của tôi cũng gắn với những dòng sông quê mẹ, nên khi ra Hà Nội rồi thì "dòng sông ký ức" ấy vẫn chảy trong tâm trí. Khi xa, tôi rất nhớ nhung, nuối tiếc, nhớ tuổi thơ ngụp lặn trên dòng sông...
Hơn nữa, nguồn gốc của người Việt là gắn với nền văn minh lúa nước, gắn với những dòng sông, nên trong ca khúc "Dòng sông ký ức" mới có: "Chảy mãi, chảy mãi trong lòng tôi/ Con sông xưa ngọt ngào đến thế/ Chảy mãi, chảy mãi trong lòng tôi/ Ơi con sông thương nhớ đầy vơi..."
Nhạc sĩ tự nhận mình là ngây thơ và vụng dại trong tình yêu, cho đến bây giờ vẫn vụng dại và ngơ ngác như vậy. Thế ông có thể chia sẻ về bài hát lấy cảm hứng từ tình yêu, từ bóng hồng cụ thể trong cuộc đời mình?
- Tôi không giống với nhiều người hay viết về một người phụ nữ nào đó, bởi tôi không tin vào những cảm xúc bất chợt. Tuy nhiên, tôi cũng viết tình ca như "Chảy đi sông ơi" hay "Trên đỉnh Phù Vân" đều là những bài hát tôi viết trong tâm trạng... thất tình. Có thể coi đó là những bản tình ca dữ dội nhất mà tôi từng viết...
Với bài hát "Chảy đi sông ơi", tôi thất tình đến mức muốn ra sông... tự tử. Nhưng trong lúc chạy từ triền đê xuống đến bờ sông, sự bao dung, độ lượng và hiền hòa của dòng sông khiến tôi từ bỏ ý định tự tử trước đó. Còn "Trên đỉnh Phù Vân", nó cũng là cảm xúc khi mình thất tình, muốn bỏ lên núi để quên đời...
Theo Nguyễn Hằng (Dân Trí)
Thu Phương: Hai lần đò và 9 lần nghĩ đến cái chết! Hơn 40 tuổi, ca sĩ Thu Phương chìm nổi với nhiều đắng cay của đời sống. Người đàn bà hai lần đò với 4 đứa con đã từng 9 lần nghĩ đến cái chết... Sau những thăng trầm của đời sống, điều gì khiến chị lo sợ nhất lúc này? Giọng hát, nhan sắc, gia đình, con cái? - Tất cả bạn ạ....