“Thủ phủ” vải thiều tiêu thụ gần 113.000 tấn quả, bỏ túi 5.467 tỷ
Đến thời điểm này, tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ của toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 112.730 tấn, tổng giá trị thu từ vải thiều và các hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt 5.467 tỷ đồng.
Năm nay giá vải thiều tươi luôn ổn định ở mức cao, dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/kg. Ảnh tư liệu: T.Q
Theo báo cáo nhanh mới đây nhất của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang), tính đến ngày 18/6, tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ của toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 112.730 tấn. Trong đó, vải sớm 38.710 tấn (đã tiêu thụ gần hết), vải chính vụ 74.020 tấn.
Tổng giá trị thu được từ vải thiều và các hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt 5.467 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ quả vải thiều ước đạt 4.171 tỷ đồng; từ hoạt động dịch vụ phụ trợ (cung cấp đá cây, thùng xốp, tiêu dùng, công lao động, chuyển tiền ngân hàng, vận tải…) ước đạt 1.256 tỷ đồng.
Là một trong những cơ sở sản xuất đá cây lớn nhất tỉnh Bắc Giang, hiện trung bình mỗi ngày đơn vị của ông Giang Văn Triệu (Lục Ngạn) làm ra trên 4.000 cây đá. Trung bình mỗi một cây đá có trọng lượng khoảng trên dưới 50kg, với giá 30.000 đồng/cây, lúc cao điểm có thể lên tới 45.000 đồng/cây. Ảnh: Nguyễn Chương
Hiện nhu cầu thùng xốp, đá cây trên địa bàn rất cao, theo đó đá cây tại các xưởng có giá dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/cây; thùng xốp loại nhỏ giá từ 28.000 – 30.000 đồng/cái, loại to thì đắt hơn nhưng vẫn được các thương nhân thu mua hết.
Riêng đá lạnh, có những xưởng đã phải vận hành 24/24 giờ với hàng chục công nhân để sản xuất 4.000 – 5.000 cây đá/ngày để phục vụ nhu cầu ở các điểm cân vải. Các xưởng đá thậm chí đã đầu tư hệ thống máy móc làm đá hàng tỷ đồng mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, nhất là vào những ngày cao điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, quả vải thiều tươi của Bắc Giang đang được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
Video đang HOT
Thông qua các thương nhân phân phối, các chợ đầu mối (Thủ đức, Bình Điền, Hóc Môn – TP HCM, Dầu Giây – Đồng Nai…) và các trung tâm thương mại, siêu thị (Saigon Co.opMart, Big C, Happro…), một lượng lớn trái vải thiều tươi đã đến tay người tiêu dùng.
Đá nhỏ được đưa vào bể ngâm vải. Quả vải bình thường sẽ bị thâm đen chỉ một ngày sau khi được hái, nhưng có thể giữ tươi ngon tới vài ngày nếu được ướp lạnh cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Chương
Về xuất khẩu, hiện quả vải tươi vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua đường chính nghạch và sang một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapo, Thái Lan, Úc…
Được biết, hàng ngày tại “thủ phủ” vải thiều Bắc Giang, có khoảng gần 400 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc; tổng số điểm cân trên toàn tỉnh hiện có trên 500 điểm cân lớn nhỏ, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam.
Điều đặc biệt là năm nay giá vải thiều tươi luôn ổn định ở mức cao, dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/kg, cụ thể: giá vải thiều dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, giá vải sớm (vải lai Lục Ngạn) dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg; cao điểm giá vải sớm loại đẹp tại Lục Ngạn có lúc bán được trên 70.000 đồng/kg.
Tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với cùng kì
Vụ vải thiều năm ngoái, cùng thời điểm này toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ khoảng 125.630 tấn vải thiều, mang lại doanh thu 3.411,4 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ vải đạt 2.046,8 tỷ đồng và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 1.364,6 tỷ đồng.
Năm nay sản lượng vải đã tiêu thụ tuy thấp hơn,nhưng giá bán cao hơn gấp 2-3 lần nên doanh thu đạt tới 5.467 tỷ đồng, tức tăng tới hơn 2.000 tỷ đồng so với cùng kì.
Theo Danviet
Tư thương Trung Quốc lùng mua vải thiều, dân Bắc Giang thu tiền tỉ
Đến 13/6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hơn 66.100 tấn vải thiều, trong đó vải sớm đã bán gần hết, vải chính vụ gần 29.000 tấn. Hiện toàn tỉnh còn gần 70.000 tấn vải. Đáng chú ý, năm nay giá bán vải thiều cao gấp 2-3 lần so với năm ngoái nên bà con rất phấn khởi.
Trên 1.000 thương nhân thu mua vải
Những ngày này, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sôi động hơn bao giờ hết, nhất là quanh khu vực phố Kim, xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn) - "thủ phủ" vải thiều của tỉnh. Vào giờ cao điểm, tuyến Quốc lộ 31 đoạn từ huyện Lục Nam đi Lục Ngạn, Sơn Động thường xuyên lâm vào tình trạng tắc nghẽn vì người mua, người bán tấp nập, xe cộ nối đuôi nhau xếp hàng chờ cân vải.
Năm nay tuy vải thiều bị giảm sản lượng do thời tiết bất lợi, nhưng bù lại, giá bán cao gấp 2-3 lần nên nông dân trồng vải rất phấn khởi. Ảnh: T.L
Quệt vội những giọt mồ hôi trên gương mặt, anh Hoàng Văn Chương (thôn Áp, xã Tân Quang, Lục Ngạn) cho biết, anh vừa cân xong 6 tạ vải với giá 57.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Nếu giá cứ giữ được như này thì với 170 cây vải, sản lượng khoảng 7 tấn thì năm nay gia đình anh sẽ thu về gần 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang) thông tin: Tính đến ngày 13/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 66.100 tấn vải thiều, trong đó vải sớm đã tiêu thụ gần hết với trên 37.000 tấn, vải chính vụ gần 29.000 tấn. Trên địa bàn hiện có hơn 500 điểm cân vải, tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam.
Đặc biệt, với trên 1.000 thương nhân tham gia mua bán vải thiều, trong đó có khoảng 390 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân, việc tiêu thụ vải thiều hiện rất thuận lợi, nhanh chóng.
Giá vải đang ổn định ở mức cao, trong đó vải sớm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (vải lai Lục Ngạn) giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg; vải sớm loại đẹp có lúc cao điểm đạt trên 70.000 đồng/kg, các loại khác cũng dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Với giá bán như trên, ước tính doanh thu từ việc bán quả vải trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên 2.000 tỷ đồng.
Là người đã có hơn 15 năm cân vải xuất sang thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Văn Cánh - chủ điểm cân ngã ba Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, cho hay, năm nay sản lượng vải thiều tuy giảm hơn năm 2018, nhưng bù lại quả to, mẫu mã đẹp, lại không bị sâu cuống nên được thị trường Trung Quốc đánh giá cao. Hiện giá thu mua vải dao động từ 35.000 - 60.000 đồng/kg (tùy loại), cao gấp từ 2 - 3 lần so với năm ngoái.
Một lái buôn Trung Quốc (áo xanh) kiểm tra, lựa chọn vải trước khi đóng thùng xốp đưa về nước. Ảnh tư liệu: T.Q
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thọ, đến thời điểm này giá các loại phụ kiện như thùng xốp, đá cây, dịch vụ vận tải, nhân công tuy có tăng nhưng không đột biến. Hiện đá cây giá từ 35.000 - 50.000 đồng/cây; thùng xốp từ 28.000 - 42.000 đồng/chiếc (tùy loại to hay nhỏ). Ước tính các dịch vụ phụ trợ này cũng đem về giá trị hơn 350 tỷ đồng.
Rộng đường xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh năm nay đạt khoảng 150.000 tấn, giảm gần 50% sản lượng so với năm 2018 do thời tiết không thuận lợi, tuy nhiên mẫu mã quả lại đẹp hơn nên bà con bán được giá cao. Hiện 55% sản lượng vải tươi được tiêu thụ tại thị trường nội địa, 45% xuất khẩu (chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...).
"Để giúp bà con tiêu thụ vải thiều thuận lợi, mới đây nhất, tỉnh Bắc Giang đã có quyết định đầu tư xây dựng một con đường riêng cho Lục Ngạn theo hình thức BT, nhằm tạo giải pháp căn cơ, thuận lợi lâu dài cho trái vải thiều. Con đường sẽ kết nối với các tuyến đường quan trọng của tỉnh" - ông Tấn thông tin.
Cả người dân và thương lái đều tất bật chọn mua vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: T.Q
Về việc thu mua vải thiều của thương lái Trung Quốc, ông Tấn cũng cho biết đang diễn ra thuận lợi vì năm nay tỉnh Bắc Giang đã sớm tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại ở TP.Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc).
"Tại hội nghị này, những vấn đề chuẩn bị cho khâu thu mua, xuất khẩu vải thiều và những yêu cầu mới của Trung Quốc đã được 2 bên giải quyết. Từ đó, Bắc Giang nhận diện được diện tích, sản lượng vải thiều có chất lượng vượt trội, triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc... Khi vào vụ, 2 bên thống nhất bố trí thêm cán bộ, làm thêm giờ để giám định nhanh, thông quan các lô hàng kịp thời. Còn về phía tỉnh, chúng tôi tạo điều kiện tối đa về kho bãi, vốn, thủ tục xuất nhập cảnh... cũng như giám sát thường xuyên hoạt động thu mua của thương nhân Trung Quốc để tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều thuận lợi" - ông Tấn cho biết.
Đến nay, ngoài 18 mã vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp tại 7 xã, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng đã cấp 149 mã vùng trồng với tổng diện tích 16.000ha và 86 cơ sở đóng gói cho trái vải Bắc Giang (trong đó có 30 xã và 6 doanh nghiệp huyện Lục Ngạn). Đây cũng là diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Theo Danviet
Yên Châu phấn đấu xuất khẩu nông sản đạt hơn 6,5 triệu USD Ngày (16.3) huyện Yên Châu (Sơn La) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn năm 2019. Theo đó, huyện Yên Châu phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2019 tăng 30% so với năm 2018, với giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 6,509 triệu USD. Bà Quản Thị Dung - Bí...