Thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên tấp nập xe tải “ăn” hàng, giá tăng cao
Dù đã vào cuối vụ thu hoạch nhãn,nhưng những ngày gần đây dọc các tuyến đường vào “thủ phủ” nhãn lồng Khoái Châu ( Hưng Yên) vẫn tấp nập xe ô tô tải “ăn hàng” để chuyển đi các tỉnh trong cả nước. Theo bà con ở đây, so với đầu vụ, hiện giá nhãn lồng đã tăng lên khá cao, đạt từ 10.000 – 25.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Cuối vụ, giá nhãn tăng từng ngày
Thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Văn Lìn ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, đang huy động các thành viên trong gia đình và thuê thêm hàng chục nhân công đến để thu hoạch nốt diện tích nhãn còn lại.
“Lái buôn đang đổ về nhiều, giá nhãn tăng hơn trước nên chúng tôi tranh thủ thuê người thu hái hết những cây còn lại để dọn vườn và chăm sóc cây cho kịp thời vụ” – ông Lìn nói.
Người dân xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) khẩn trương thu hoạch nhãn cuối vụ. Ảnh: Trần Quang
Ông Lìn cho biết, gia đình ông đang bán nhãn cho lái buôn với giá khoảng 13.000 đồng/kg (giống nhãn Miền Thiết), thấp hơn nhiều so với mọi năm nhưng khi hạch toán chi phí đầu vào, chủ vườn vẫn có lãi khoảng trên dưới 2.000 đồng/kg.
“Với 8 sào nhãn, gia đình tôi thu về gần chục tấn sản phẩm. Năm nay giá nhãn thấp nhưng được cái người mua nhiều, bà con có bao nhiêu sản phẩm cũng bán hết nên mọi người cũng phấn khởi” – ông Lìn chia sẻ.
Ông Vũ Duy Trúc – chủ vườn nhãn khá lớn ở thôn 3, xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, cho biết, vụ nhãn năm nay gia đình ông thu hoạch trên dưới 7 tấn quả, chủ yếu bán cho lái buôn đưa đi TP.HCM và Hà Nội với giá khoảng từ 10.000 – 12.000 đồng/kg.
“Càng về cuối vụ, số lượng nhãn ít dần, trong khi đó lượng lái buôn đổ về nhiều khiến giá sản phẩm tăng từng ngày” – ông Trúc chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Oai – Chủ tịch UBND xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, thông tin: Tính đến ngày 8.9, người dân toàn xã đã thu hoạch được trên 80% diện tích nhãn, số còn lại sẽ được thu hoạch hết trong khoảng 10 ngày tới.
“Hiện nhãn Miền Thiết quả to, đẹp được lái buôn thu mua với giá khoảng 13.000 đồng/kg, giống nhãn siêu ngọt có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. So với mọi năm, giá nhãn năm nay thấp hơn nhưng được mùa nên người dân vẫn có lãi khá” – ông Oai chia sẻ.
Video đang HOT
Tại vùng nhãn TP.Hưng Yên, sản lượng đạt khoảng hơn 15.000 tấn; trong đó, lượng nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 1.500 tấn đã được các hợp tác xã, nhà vườn ký hợp đồng tiêu thụ. Theo ông Đặng Văn Xây – Phó Giám đốc Hợp tác xã Nhãn lồng Hồng Nam, năm nay, nhiều nhà vườn đã kết nối tiêu thụ với các thương lái đến từ Bình Định, TP.HCM, giá bán trung bình đạt 30.000 đồng/kg, nhãn Hồng Nam được khách hàng đánh giá chất lượng tốt. Đây sẽ là bước khởi đầu tạo tiền đề để mở rộng thị trường tiêu thụ phía Nam cho các năm sau.
Tiếp tục mở rộng diện tích nhãn xuất khẩu
Năm nay, toàn tỉnh Hưng Yên được mùa nhãn, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 41.000 tấn nhãn, tăng hơn 20% so năm trước; trong đó nhãn trà sớm khoảng 2.700 tấn; trà chính vụ gần 23.000 tấn, trà muộn hơn 16.000 tấn.
Theo lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, hàng năm khi bước vào vụ thu hoạch nhãn lồng tại các địa điểm ở “thủ phủ” đặc sản “tiến vua” trên địa bàn luôn thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh đến làm, nhờ đó nhiều người đã có thu nhập cao nhờ nghề thời vụ này.
Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, với phương châm “không để một cân nhãn nào bị ế hoặc bán giá rẻ”, ngay từ đầu vụ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ hội nhãn lồng, Phiên chợ nhãn tại khu đô thị Ecopark, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội… Kết nối tiêu thụ, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đến ký kết sản xuất, chế biến và hợp đồng thu mua nhãn và các nông sản của Hưng Yên.
“Đến nay, nhãn Hưng Yên đã được nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị phân phối và tiêu thụ như Co.opmart, Big C, Fivi mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần Hapro; Công ty xuất nhập khẩu An Việt, Công ty Vinenco…” – ông Phóng nói.
Ông Nguyễn Văn Đạt – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu cho hay: Tổng sản lượng nhãn của Khoái Châu năm nay ước đạt khoảng 20.000 tấn. Phần lớn nhãn của bà con được các thương lái trong cả nước về thu mua tại vườn để tiêu thụ đi khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM và một phần được xuất sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Minh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đánh giá: Điểm nổi bật là vụ nhãn năm nay, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc đến đăng ký thu mua, bao tiêu sản phẩm. Mới đây gần 100 doanh nghiệp Trung Quốc đã cam kết tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên năm nay và các năm tới.
Cũng theo ông Quang, nhiều doanh nghiệp đã ký kết thu mua nhãn Hưng Yên xuất khẩu với nhiều hình thức đa dạng; trong đó, Công ty TNHH Degitech mua nhãn để xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Á; Hệ thống Saigon Co.op ngoài việc mở rộng thị trường trong nước, còn xúc tiến đưa nhãn lồng Hưng Yên xuất khẩu…
“Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Hưng Yên dự kiến mở rộng thêm 2.000ha diện tích trồng nhãn VietGAP. Đồng thời, nhân rộng diện tích trồng nhãn theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu” – ông Quang khẳng định.
Theo Danviet
Kiếm chục triệu/vụ nhờ nghề ăn theo mùa thu hoạch quả "tiến vua"
Nhờ làm những nghề ăn theo vụ thu hoạch nhãn lồng, hàng nghìn người ở trong và ngoài tỉnh Hưng Yên đã kiếm được cả chục triệu đồng/vụ, đặc biệt là những người làm nghề bẻ (trảy) nhãn và đóng hàng thuê cho các chủ vườn ở "thủ phủ" đặc sản "tiến vua" của miền Bắc.
Ông Bùi Việt Minh bẻ nhãn thuê cho một chủ vườn ở cùng địa phương thuộc xã Hàm Tử. "Nhờ đi bẻ nhãn thuê, mỗi vụ tôi cũng kiếm được khoảng 5 triệu đồng, thu nhập cao gấp nhiều lần so với nghề khác", ông Minh chia sẻ.
Dù đã bước vào cuối vụ thu hoạch nhãn lồng ở Khoái Châu, song những người làm thuê này vẫn không hết việc. Từ việc trèo cây bẻ (chảy) nhãn đến nhặt cành lá, phân loại, đóng hàng, họ làm rất chuyên nghiệp và thuần thục. Các chủ vườn cũng cảm thấy phấn khởi vì luôn có đủ và kịp hàng để cung cấp cho các lái buôn đưa đi tiêu thụ.
Dù đã bước vào cuối vụ thu hoạch nhãn, song "đội quân ăn theo" vẫn làm tất bật không hết việc.
"Vào vụ nhãn, gia đình tôi phải thuê tới 15 người mới bẻ đủ nhãn và đóng hàng cung cấp cho khách đưa đi Sài Gòn. Chi phí công bẻ nhãn là 400.000 đồng/người/ngày, 200.000 đồng cho lao động nhặt, phân loại hàng, tính ra chúng tôi cũng phải bỏ ra trên dưới 5 triệu đồng/ngày", bà Đỗ Thị Tỉnh, chủ vườn nhãn ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu chia sẻ.
"Hàng ngày, chúng tôi thường bẻ nhãn thuê trong giờ hành chính, nếu làm thêm giờ thì chủ vườn sẽ có bồi dưỡng thêm", ông Phương, một thợ bẻ nhãn thuê ở xã Ông Đình, huyện Khoái Châu nói.
Bà Tỉnh cho biết, dù giá nhân công khá cao, song các nhân công được thuê cũng làm rất chuyên nghiệp nên chủ vườn cũng cảm thấy vui. "Họ rất nhiệt tình và thân thiện, vui tính nên mọi việc đều diễn ra thuận lợi, khách mua hàng cũng thấy thoải mái", bà Tỉnh nói.
Công việc nhặt, phân loại, đóng hàng nhãn phần lớn dành cho phụ nữ, với thù lao khoảng 200.000 đồng/người/ngày. "Công việc của chúng tôi chủ yếu diễn ra ngay dưới gốc cây và được chủ nuôi cơm ngày đầy đủ nên cũng không vất vả lắm", bà Thương ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu chia sẻ.
Là người đi bẻ nhãn thuê lâu năm ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, mỗi ngày ông Bùi Viết Minh có thể bẻ được trên dưới 150kg nhãn. "Dù công việc khá vất vả nhưng được cái thu nhập cao hơn gấp đôi so với nghề đi xây và phụ hồ nên mọi người theo nghề này rất nhiều nhưng không ai lo thiếu việc đâu", ông Minh chia sẻ.
Từ khi bước vào vụ thu hoạch nhãn đến giờ đã hơn 1 tháng, song đến thời điểm này "đội quân ăn theo" của ông Minh vẫn tất bật với công việc. Ông Minh cho biết, công việc thời vụ này cũng đơn giản, chỉ cần khéo léo và có kinh nghiệm là có thể làm tốt.
Bà Nguyễn Thị Tứ (82 tuổi) ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu cho hay: So với các năm trước, năm nay nhãn được mùa, người mua cũng nhiều nên đội quân làm thuê có công việc đều và thu nhập cao hơn mọi năm.
"Khi bẻ nhãn, chúng tôi không cắt, bẻ trụi hết cành lá, vì nếu cắt cuống quá dài sẽ ảnh hưởng đến các mầm ngủ phía dưới chùm quả, làm mất khả năng nảy lộc cho vụ sau. Bên cạnh đó, khi thu hái các chùm quả chúng tôi sẽ chú ý không để cành bị xước. Đặc biệt, để đảm bảo cho sản phẩm không bị hỏng, sau khi bẻ mọi người sẽ bỏ các chùm nhãn cẩn thận vào các sọt có lót lá chuối rồi dùng dây thừng thả xuống gốc cho đội phụ nữ nhặt, phân loại và đóng hàng luôn", ông Minh tiết lộ.
Cũng theo ông Minh, nghề bẻ nhãn thuê cũng gặp khá nhiều rủi ro, những chuyện ngã cây, bọ xít đái vào mắt... cũng trở thành bình thường đối với "đội quân ăn theo". "Để hạn chế rủi ro, khi trèo cây bẻ nhãn mọi người thường phải buộc chắc thân mình vào dây thừng trên các cây cao, đeo kính để tránh bọ xít đái...", ông Minh chia sẻ.
Theo lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, hàng năm khi bước vào vụ thu hoạch nhãn lồng tại các địa điểm ở "thủ phủ" đặc sản "tiến vua" trên địa bàn luôn thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh đến làm, nhờ đó nhiều người đã có thu nhập cao nhờ nghề thời vụ này.
Ông Nguyễn Thanh Oai - Chủ tịch UBND xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu cho hay: Vụ thu hoạch nhãn hàng năm thường tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong ngoài địa phương với thu nhập khá cao, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/người/ngày, có hộ huy động nhiều thành viên trong gia đình cùng đi bẻ nhãn thuê, kiếm tới hàng chục triệu đồng/vụ.
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của đội quân ăn theo mùa vụ thu hoạch nhãn ở xã Hàm Tử.
Theo Danviet
Bí ẩn hàng loạt vụ trộm cổ vật ở đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung Lưu giữ nhiều cổ vật quý nên đền chính Đa Hòa (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) bị những kẻ trộm cắp nhòm ngó. Nhiều vụ đột nhập đánh cắp cổ vật đã xảy ra ở ngôi đền ven sông Hồng này. Theo văn bia dựng ở ngay lối vào đền chính Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), năm 1894,...