Thu phí sử dụng đường bộ: Kiểu gì cũng “lọt”
Thu phí qua xăng dầu sẽ tiết kiệm nhiều công sức hơn biện pháp để các phường, xã trực tiếp thu.
Theo Nghị định 18/2012, từ ngày 1-6 sẽ bắt đầu thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô, xe máy để lập quỹ bảo trì đường bộ. Dự thảo thông tư của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện nghị định này (đang được lấy ý kiến hoàn chỉnh) nêu rõ: Với ô tô, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới sẽ thu phí trực tiếp khi đăng kiểm. Riêng xe máy, việc thu phí sẽ do UBND cấp xã, phường đảm nhiệm.
Nhìn đâu cũng thấy khó
Thời gian từ nay đến 1-6 không còn nhiều (có thông tin cho rằng Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ lùi thời hạn bắt đầu thu phí đến ngày 1-1-2013) nhưng đến nay người dân và các phường, xã vẫn hoàn toàn mù tịt thông tin. Rất nhiều thắc mắc được nêu ra: Thu người trực tiếp sử dụng hay người đứng tên trên cà vẹt? Chủ xe tránh mặt thì phải xử lý thế nào? Xe ngoại tỉnh có thu không?…
“Đa phần người dân trong phường đi làm cả ngày, tối mới về nhà nên không thể thu phí vào ban ngày. Nhưng thu ban đêm, nhiều khả năng người dân sẽ không tiếp hoặc mức độ hợp tác không cao” – ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND phường 12, quận 3, nêu thực tế.
Video đang HOT
Chủ tịch UBND một phường của quận Thủ Đức thông tin thêm: “Chúng tôi có thể nắm được số lượng xe máy trên địa bàn nhờ thông tin từ phía CSGT. Nhưng chỉ dựa vào danh sách này để thu thì có nhiều trường hợp thu không đúng đối tượng, bởi nhiều người đã bán xe nhưng người mua không chịu sang tên. Còn nếu đến từng hộ dân để thống kê và thu cho đúng thì dễ bị sót lọt”.
Người ở trọ thay đổi chỗ ở thường xuyên nên việc thu phí gặp nhiều khó khăn nếu giao việc cho cấp phường, xã. Ảnh: HTD
Ông Tô Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, lại băn khoăn: Xã hiện có khoảng 14.000 xe máy. Để thu đúng và đủ số này là không đơn giản, bởi chắc chắn nhiều người sẽ tìm cách né tránh (không kê khai, đóng cửa không tiếp nhân viên thu phí…). Ngoài ra còn nhiều khó khăn khác như người ở trọ thay đổi chỗ ở thường xuyên, rồi xe ngoại tỉnh thì thu hay không thu?…
“Đẻ” thêm việc cho phường, xã
Ngoài những vướng mắc kể trên, các phường, xã còn gặp khó về nhân sự. Ông Tô Thanh Tùng dự tính: “Có thể chúng tôi sẽ giao thanh tra xây dựng phối hợp với công an phường và các tổ dân phố thu. Nhưng nhiều việc quá, không biết họ làm có xuể”. Còn ông Nguyễn Phương Nam cho hay hiện phường có khoảng 30 người phụ trách từ lĩnh vực văn hóa- xã hội đến an ninh, trật tự đô thị. Công việc hiện tại đã quá tải, nếu sắp tới phải “ôm” thêm việc thu phí sử dụng đường bộ thì sẽ khó kham nổi.
“Cần tính toán lại việc giao cho phường, xã thu phí bảo trì đường bộ. Nên chăng sẽ thu phí khi người dân đi đăng ký xe mới hoặc cho phép CSGT kiểm tra, xử phạt và yêu cầu đóng phí nếu người đi đường chưa nộp phí bảo trì đường bộ (hình thức đang áp dụng với việc mua bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc của xe cơ giới)” – ông Nam kiến nghị.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia hành chính Diệp Văn Sơn bày tỏ quan điểm: Cấp phường, xã hiện đã “ôm” trăm công nghìn việc, đừng dồn việc xuống cho họ nữa. Nếu phường, xã được giao thu phí, họ phải huy động cả ban bệ như cảnh sát khu vực, tổ dân phố, nhân viên phường, xã… để thực hiện. Điều này sẽ dẫn đến quá tải, họ sẽ không đảm đương, giải quyết tốt các công việc khác.
Nên thu qua xăng dầu
Theo ông Sơn, việc thu phí qua đầu phương tiện bộc lộ nhiều bất cập. Chẳng hạn, trường hợp người dân di chuyển chỗ ở, mua bán xe nhiều lần nhưng không sang tên… sẽ được kiểm soát, thu phí như thế nào cho ổn thỏa, vừa không nhầm đối tượng lại không sót lọt. Thay vào đó, thu phí qua xăng dầu sẽ công bằng hơn và tiết kiệm được nhiều công sức, đồng thời đảm bảo giữ lại nguồn thu cao hơn so với thu qua đầu phương tiện (phải trích nộp lại một tỉ lệ nhất định cho các xã, phường trực tiếp thu).
“Tất nhiên phương án nào cũng có hai mặt nhưng phải lựa chọn cách nào ít nhược điểm nhất để thực hiện. Thu phí qua xăng dầu có thể thu “nhầm” đối tượng, như những người đi ghe tàu, máy nổ phục vụ sản xuất, nông nghiệp… Nhưng điều này dễ dàng khắc phục bởi những người này có thể khai báo để xã, phường xác minh và được hoàn lại phí” – ông Sơn phân tích.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, bộ này cơ bản thống nhất với phương án thu phí do Bộ GTVT đưa ra. Tuy nhiên, đối với thu phí xe máy cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc xác định cơ quan thu phí, quy trình thu phí, thủ tục thu-nộp phí. Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất Bộ GTVT có phương án rõ ràng cho lộ trình xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách để tránh tình trạng phí chồng phí.
Theo PLTP