Thu phí quốc lộ 5: Doanh nghiệp không thu thì nhà nước cũng thu?
Với 2 tỷ USD, Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là công trình giao thông có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, hiện nhiều người đang bày tỏ sự bức xúc về việc thu phí quốc lộ 5 để hoàn vốn cho tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Dự án thí điểm, cơ chế đặc thù
Năm 2002, Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Chính phủ chủ trương xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), khi đó Ban Quản lý dự án Biển Đông thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là đại diện chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau 5 năm khởi động dự án vẫn không tìm được nguồn vốn để triển khai. Năm 2007 Quốc lộ 5 đã quá tải, vì vậy Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – một định chế tài chính phát triển của Nhà nước huy động vốn để cho vay và triển khai Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được triển khai thí điểm, Chính phủ áp dụng một số chính sách đặc thù cho dự án này.
Tại thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho VDB góp vốn để thành lập Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) và giao làm chủ đầu tư dự án. Vidifi khẳng định: Dự án thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, không vì mục tiêu lợi nhuận, không làm BOT để lấy lãi như các dự án BOT thông thường khác, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm yêu cầu bảo toàn vốn của Nhà nước.
Với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD, Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án giao thông trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Đã có khoảng 43.000 hộ dân phải di dời, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ cho dự án.
Theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nhà nước phải đứng ra GPMB và bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng do chưa có vốn, nên 4.000 tỷ đồng tiền GPMB đã được Vidifi “ứng” trước. Sau đó, được Nhà nước cam kết hỗ trợ một số chính sách đặc thù cho dự án.
Tổng mức đầu tư tăng “đột biến”?
Năm 2007, Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được duyệt với tổng mức đầu tư (TMĐT) là 24.566 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2014 TMĐT dự án đã được chủ đầu tư điều chỉnh lên thành 44.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD), tăng hơn 20.000 tỷ đồng.
Giải thích về nguyên nhân Dự án bị tăng TMĐT, ông Đào Văn Chiến – Chủ tịch HĐQT Vidifi – nêu 2 nguyên nhân chính là do thay đổi thiết kế cơ sở và do trượt giá.
Video đang HOT
Trong quá trình triển khai, dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã tăng tổng mức đầu tư lên hơn 20.000 tỷ đồng, Vidifi giải thích nguyên dân do thay đổi thiết kế dự án và trượt giá
Theo Chủ tịch HĐQT Vifidi, giá trị xây lắp con đường thực chất là gần 30.000 tỷ đồng, nhưng TMĐT là 44.500 tỷ đồng bởi trong số này đã bao gồm tiền lãi phải trả trong thời gian xây dựng gần 8.000 tỷ, GPMB 4.000 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng khoảng 3.200 tỷ đồng.
Ông Chiến cho biết, việc điều chỉnh tăng TMĐT của dự án đã được chấp thuận về mặt chủ trương. Cụ thể: Ngày 29/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1621về một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý cho chủ đầu tư được điều chỉnh TMĐT trong trường hợp có thay đổi đột biến về giá, nguyên vật liệu, chế độ chính sách và do các nguyên nhân khách quan khác làm chi phí lớn hơn TMĐT được duyệt. Vidifi được miễn nghĩa vụ đảm bảo thực hiện hợp đồng BOT.
Về suất đầu tư của dự án là 10,6 triệu USD/km/4 làn xe được cho là quá cao, ông Chiến khẳng định: Suất đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chỉ tương đương với các dự án khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đã được Bộ Xây dựng, Bộ GTVT tổng hợp báo cáo thường trực Quốc hội và thường trực Chính phủ.
Vì sao thu phí quốc lộ 5?
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hoàn thành ngày 5/12/2015, đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán quyết toán các gói thầu. Theo đó, thời gian thu phí (cả đường cao tốc và quốc lộ 5) là 28 năm 8 tháng 27 ngày, sau đó sẽ bàn giao cả 2 đường cho Nhà nước.
Trước khi có cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, các phương tiện đi trên quốc lộ 5 phải nộp phí với mức 10.000 đồng/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn (mức thu từ năm 2003).
Theo chủ trương của Chính phủ, năm 2009 Bộ GTVT bàn giao nguyên trạng 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5 được giao cho Vidifi thu phí và coi đây là một chính sách đặc thù, là 1 khoản vốn góp của Nhà nước vào Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Việc thu phí quốc lộ 5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến các tài xế bất bình.
Theo Quyết định số 1621 của Thủ tướng, Vidifi được quản lý, thu phí trên quốc lộ 5 từ khi Bộ GTVT bàn giao cho đến hết thời gian kinh doanh BOT Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với mức thu theo quy định của Bộ Tài chính.
Đại diện Vidifi “than”: Sau 2 năm đưa cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vào khai thác, bình quân số tiền phí thu được là 5,5 tỷ đồng/ngày (gồm cả đường cao tốc và quốc lộ 5), trong khi tiền lãi phải trả là 8 tỷ đồng/ngày. “Nhà nước cam kết hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách 23% TMĐT, trong đó có 4.000 tỷ đồng tiền GPMB, nhưng sau 8 năm do khó khăn về ngân sách, Nhà nước vẫn chưa thực hiện được” – ông Chiến nói.
Theo Chủ tịch Vidifi, nếu ngân sách Nhà nước không góp thêm thì vẫn phải tiếp tục thu phí quốc lộ 5 theo Hợp đồng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ký với Vidifi từ năm 2008 (trước khi Quỹ bảo trì đường bộ được thành lập từ năm 2011) mới thu hồi được vốn đầu tư cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Ông Chiến khẳng định việc Vidifi thu phí trên quốc lộ 5 thực chất là phần vốn góp của Nhà nước vào dự án chứ không phải là thu phí BOT. Nếu không giao cho Vidifi thu thì Nhà nước sẽ thu phí quốc lộ 5 và lấy tiền đó góp cùng Vidifi làm cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Được biết Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Vidifi phải quản lý, sửa chữa quốc lộ 5 trong giai đoạn 2018 – 2020.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Dùng 4.500 tỷ đồng vốn vay ODA cấp cho 2 ngân hàng?
Chỉ còn 9 ngày nữa là kết thúc năm 2016 nhưng Chính phủ lại trình UB Thường vụ Quốc hội xin điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm nay. Trong số 14.000 tỷ đồng đề xuất bổ sung thêm, Chính phủ đề nghị dùng 4.500 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Sáng 22/12, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 do Chính phủ trình ra.
Tờ trình do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trình bày nêu rõ, tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng. Đến tháng 11 các bộ ngành địa phương mới giải ngân đạt 74,9% kế hoạch, nhiều nơi không có khả năng giải ngân.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong hoạt động điều hành khi nhiều năm qua việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước chậm, chưa sát thực tế vẫn chưa khắc phục được.
Chính phủ dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 5.800 tỷ đồng đồng thời đề xuất bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là trên 14.200 tỷ.
Trong đó kế hoạch đó, Chính phủ đề xuất dành khoản tiền để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trên 1.780 tỷ đồng) và Ngân hàng Chính sách xã hội (2.700 tỷ đồng).
Thẩm tra nội dung này, nhiều ý kiến trong Thường trực UB Tài chính - Ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho hai ngân hàng đã được đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Vì thế, việc bố trí cấp vốn điều lệ để hai ngân hàng này thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao là cần thiết.
Hơn nữa, phần vốn cấp cho hai ngân hàng cũng nằm trong hạn mức vốn dự kiến bố trí theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA để cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng chính sách có bảo đảm phù hợp với các hiệp định vay đã ký kết hay không hoặc có nằm trong các khoản vay của Chính phủ để xử lý cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí năm 2016 nhưng nay chưa sử dụng có thể cân đối cho việc bố trí vốn điều lệ cho hai ngân hàng hay không. Theo cơ quan thẩm tra, nếu đảm bảo điều kiện đó mới có thể trình để xử lý được.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, các hiệp định vay vốn nước ngoài năm 2016 đã được ký kết gắn với nhiệm vụ của từng chương trình, dự án cụ thể nên việc điều chỉnh này là chưa bảo đảm tuân thủ các hiệp định đã ký kết và các nguyên tắc bố trí vốn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Do đó, cần cân nhắc việc sử dụng nguồn vốn này để bổ sung vốn điều lệ cho hai ngân hàng chính sách. Đề nghị bố trí nguồn vốn này cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn. Việc cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng trên cần bố trí vào kế hoạch trung hạn đến 2020.
"Bổ sung vốn cho hai ngân hàng không có trong dự toán thì chi số tiền đó có hợp Hiến không? Nếu không có dự toán thì không được chi mà chỉ được ứng" - Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích.
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, với trên 44.000 tỷ đồng nguồn của các chương trình dự án, vốn của dự án nào thì giải ngân cho dự án đó, ghi thu ghi chi cho từng dự án thì không thể lấy để cấp cho hai ngân hàng chính sách.
Nguồn thứ hai của vốn nước ngoài là hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho ngân sách Nhà nước của chương trình biến đổi khí hậu và phát triển giáo dục đại học trên 5.000 tỷ. Nguồn này chỉ còn 1.300 tỷ của chương trình biến đổi khí hậu, nếu có sử dụng vốn hỗ trợ trực tiếp thì tối đa cũng chỉ được 1.300 tỷ chưa phân bổ này, nhưng khi chương trình này thực hiện thì lại phải bù.
Ông Hà cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng nguồn này đã được cân đối vào ngân sách năm 2017 và khó có thể rút vốn năm 2016.
Thứ trưởng Kế hoạch - Đầu tư đáp lại, dù số tiền chi cho hai ngân hàng chưa có trong dự toán. Tuy nhiên, nếu được UB Thường vụ Quốc hội cho phép, việc cấp vốn này vẫn là phù hợp vì khoản tài trợ nói trên của WB không ràng buộc chi cho khoản nào, mà Chính phủ được toàn quyền.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần lưu ý ý kiến của Bộ Tài chính để xử lý việc cấp vốn cho hai ngân hàng đúng luật. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, 9 ngày nữa là hết năm mà Chính phủ mới trình điều chỉnh vốn nước ngoài là chậm, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành.
P.Thảo
Theo Dantri
Thống đốc Lê Minh Hưng làm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách xã hội Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định về nhân sự tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCS&XH) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCS&XH...