Thu phí nhạc số và quyền lợi ca sĩ
Một số trang mạng đã tiến hành thu phí tải nhạc từ đầu tháng 11-2012. Tuy nhiên, việc thu phí này vẫn đang làm dậy sóng giới sản xuất băng đĩa lẫn ca sĩ vì những bất cập xảy ra trên thực tế.
Việc các trang nhạc trực tuyến chỉ thu phí tải nhạc mà không thu phí nghe nhạc khiến nhiều ca sĩ chưa đồng tình
Việc các trang nhạc trực tuyến chỉ thu phí tải nhạc mà không thu phí nghe nhạc trên mạng đã tạo nên nhiều bức xúc, đặc biệt là từ phía những ca sĩ kiêm vai trò nhà đầu tư sản xuất băng đĩa nhạc.
Nghe miễn phí thì tải làm gì?
Đó là câu hỏi của nhiều người trong giới sản xuất băng đĩa và ca sĩ có quyền và lợi ích liên quan. Ca sĩ Ánh Tuyết bày tỏ quan điểm: “Nói gì nói, trong việc này các trang mạng là nhân tố hưởng lợi nhiều nhất. Trang web lấy đĩa nhạc của ca sĩ phát trên mạng thì trang web thu được tiền quảng cáo.
Hơn nữa, trong cách thực hiện chỉ việc tải nhạc mới phải trả phí là không logic. Ở nước ngoài, nhiều trang người ta cho nghe mẫu một đoạn, nếu anh thích, anh trả tiền mua cả bài. Trả tiền xong, anh được quyền tải bài hát dạng số (MP3). Nếu muốn mua đĩa, anh trả tiền. Các nhà xuất bản và phân phối đều tham gia công việc này một cách minh bạch”.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng nhấn mạnh: “Sản xuất một đĩa nhạc mất chi phí tối thiểu từ 50 triệu đồng nhưng khi đĩa đó được sao chép và phát, tải miễn phí trên mạng thì ca sĩ sẽ rất khó bán được đĩa, ấy là còn chưa kể đến nạn băng đĩa lậu. Biết là khó nhưng tôi nghĩ tất cả ca sĩ đều mong muốn nhà mạng phải thanh toán chi phí sử dụng đĩa nhạc khi sử dụng chúng trên mạng của họ để thu hút người nghe. Như vậy mới đảm bảo công bằng và làm ca sĩ có thêm động lực lẫn chi phí thu hồi để làm đĩa mới phục vụ công chúng”.
Gay gắt hơn, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng việc đề nghị thu phí tải nhạc nói trên chỉ là một cách để “hợp thức hóa, phù phép cho những trang web đó trở nên hợp pháp thôi”. Bởi vì nghe miễn phí đủ rồi, “cần gì phải tải về máy nữa cho thêm tốn bộ nhớ”.
Đường đến đích còn xa
Video đang HOT
Ca sĩ Lệ Quyên – một trong số hiếm hoi người tiên phong đòi quyền lợi chính đáng của mình khi “tấn công” và buộc chín trang mạng đăng tải 23 ca khúc trong hai đĩa Khúc tình xưa và Tình khúc yêu thương của cô phải bồi thường. Yêu cầu của Lệ Quyên là 1.000 đồng/phí tải nhạc một bài và 500 đồng/lượt nghe.
Cô cho biết: “Đến ngày 28-11-2012 có một số trang mạng đã thể hiện thái độ nhận lỗi và bồi thường, còn một số khác vẫn cương quyết không nhận sai. Chúng tôi đang chờ quản lý cấp sở xử phạt hành chính, sau đó tiếp tục khởi kiện họ ra tòa án vào tuần đầu hoặc giữa tháng 12-2012. Tôi muốn khẳng định rằng đây là một cuộc chiến vì danh dự và sự trân trọng đối với công sức hoạt động nghệ thuật của ca sĩ. Thật ra, với các trang mạng đã nhận lỗi và đàm phán, mức bồi thường được thỏa thuận theo tinh thần tình cảm là chính vì tôi nhận thấy sự chân thành của họ. Nhiều đồng nghiệp cũng đã gọi điện chia sẻ sự đồng tình với tôi nhưng có thể vì nhiều lý do – bận rộn, e ngại gì đó – mà họ không đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của mình”.
Chỉ còn một tháng nữa là đến thời điểm thu phí chính thức (1-1-2013) cho việc tải nhạc tại bảy website nhạc số lớn nhất VN (Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui, Keeng, Music, Go, Yeucahat) sau khi họ đã thử nghiệm mô hình thu phí tải nhạc số với mức giá khởi điểm 1.000 đồng mỗi bài hát từ ngày 1-11-2012.
Thế nhưng việc thí điểm thu phí tải nhạc hiện vẫn còn rất nhiều bối rối vì mỗi trang web có một kiểu thu khác nhau, chỉ có một số trang web tiến hành thu phí, còn nhiều trang vẫn “nhởn nhơ” miễn phí bất chấp quyền lợi của các bên có liên quan. Ca sĩ thì chẳng biết làm thế nào để liên kết, giám sát việc thu phí tải nhạc? Nơi nào sẽ là đơn vị thứ ba đứng ra giám sát, kiểm tra độ trung thực của các nhà mạng có kinh doanh nhạc số? Ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ thêm sự bức xúc: “Chúng tôi chẳng thể nào kiểm soát được số lượt tải thật sự. Ai sẽ kiểm soát sự trung thực của các trang nhạc số?”.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra mà chưa có câu trả lời thích đáng và cũng chẳng biết đơn vị nào hay cá nhân ai sẽ trả lời. Chính vì thế mà quyền lợi của ca sĩ trong vấn đề thu phí nhạc số vẫn còn là mớ bòng bong.
Theo Tuổi Trẻ
Ngày đầu thu phí tải nhạc: Vẫn đang thử nghiệm
Ngày 1/11, nhiều khán giả thở phào vì vẫn tải được nhạc online thoải mái. Đơn vị thực hiện cho biết việc thu phí chỉ thắt chặt từ ngày 1/1/2013.
Chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ không thể tải nhạc trực tuyến dễ dàng từ ngày 1/11, anh Nhật Huy, độc giả nhà ở quận 5, TP HCM, cảm thấy bất ngờ khi trong ngày này, dạo qua các trang nhạc yêu thích, anh vẫn có thể down nhạc như thường lệ. Nhiều khán giả khác cho biết họ chưa thấy có sự thay đổi rõ rệt về việc thu phí tải nhạc trực tuyến như thông báo mạnh mẽ của các nhà mạng nêu ra từ khoảng giữa tháng 8.
Các trang web như Zing đang chạy beta hệ thống thanh toán việc thu phí tải nhạc.
Trao đổi với VnExpress.net về điều này, ông Phùng Tiến Công, Phó tổng giám đốc MVCorp cho biết, từ 11h trưa 1/11, bảy website nhạc số lớn nhất tại Việt Nam đồng loạt đưa vào thử nghiệm mô hình thu phí tải nhạc số với mức giá khởi điểm 1.000 đồng mỗi bài hát. Các đơn vị này gồm có: Zing (VNG), Nhaccuatui (NCT), Nhac.vui (24h), Keeng (Viettel), Music (VDC), Go (VTC), Yeucahat. Hiện nay, Zing đã có thêm nút Store phía trên Zing MP3 hay nút "mua" ở dưới các file album. Còn trên nhaccuatui có các nút "Bấm vào Bài hát, bấm tải -> thu phí)...
"Hôm nay, việc thu phí chỉ mang tính chất thử nghiệm là chính. Bảy website nói trên vẫn đang chạy beta hệ thống thanh toán và quản lý nội dung chứ chưa có động thái quảng bá mạnh mẽ việc thu tiền người tải nhạc. Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định việc này cần phải làm từng bước, làm từ từ chứ không thể đùng một cái là thu tiền ngay. Làm như thế chỉ tội cho các website cũng như người tiêu dùng mà thôi!", ông Phùng Tiến Công nói.
"Cuối ngày 1/11 các đối tác sẽ gửi báo cáo về cho MVCorp nhưng có lẽ họ cũng chưa muốn công bố vì số tiền còn khiêm tốn quá. Dù vậy, những đồng tiền khiêm tốn đầu tiên này là tín hiệu vui, chứng tỏ có một bộ phận khán giả sẵn sàng ủng hộ những cách làm ăn nghiêm túc", đại diện MVCorp cho biết.
Theo đơn vị thực hiện, ngày 1/1/2013 mới là thời điểm chính thức để các trang web thực hiện đồng bộ, triệt để việc thu phí tải nhạc.
Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối 2012, mục tiêu của các bên vẫn là chạy thử nghiệm hệ thống thanh toán, quản lý, đối soát và thăm dò thị trường cũng như tạo khoảng thời gian để khán giả Việt làm quen và thay đổi dần ý thức với bản quyền nhạc trực tuyến.
Trong quá trình thử nghiệm, các websites chọn cách tiếp cận người tiêu dùng khá thận trọng, mang tính thăm dò, bằng cách thay thế dần các album miễn phí hiện nay bằng các album thu phí chất lượng cao (nghe vẫn hoàn toàn miễn phí và các album khác ngoài danh sách thử nghiệm vẫn tải được bình thường).
Nhà mạng và đơn vị thực hiện thể hiện quyết tâm tại buổi tọa đàm về nhạc số Việt Nam vào ngày 15/8. Tuy vậy, họ đều hiểu rõ đây là một lộ trình dài cần đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Quá trình khởi động từ ngày 1/11 được thực hiện trên 100 album chọn lọc đầu tiên do MVCorp và Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) cung cấp. Các bài hát trong đợt thu phí thử nghiệm này đều được chuẩn hóa 320kbps stereo, đầy đủ ảnh bìa album, ID3 tags (thông tin bài hát, ca sĩ, hãng sản xuất, năm phát hành ...). Theo ông Công, hơn 1.000 album chất lượng cao khác đang được đóng gói và đưa vào hệ thống trong 2 tuần tới.
"Chúng tôi đang nắm trong tay xấp xỉ 4.000 đĩa nhạc. Chúng tôi phải tiến hành chọn lọc, nhập đĩa gốc lên mạng, chuyển định dạng theo đúng chuẩn 320kbs, scan bìa đĩa, nhập lại hình ảnh, làm lại thông tin chi tiết cho từng ca khúc. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian và sẽ được thực hiện cuốn chiếu. Làm được đến đâu, chúng tôi sẽ thay thế dần các bài cũ trên các web tới đó. Hiện tại, khán giả vẫn có thể tải miễn phí các bài nhạc có chất lượng thấp (128kbs) nhưng khi chúng tôi đã nhập lại các file nhạc đúng chuẩn có thu phí thì file nhạc miễn phí sẽ bị tháo gỡ hoàn toàn", đại diện MVCorp cho biết.
Ngoài bảy website kể trên, hiện tại có thêm 11 đơn vị khác đã ký hợp đồng hợp tác với MVCorp và RIAV (Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam) để tham gia vào lộ trình này. Trước mắt, 11 đơn vị này đang trong quá trình chuẩn bị về mọi mặt để có thể cùng triển khai thu phí đồng bộ trong thời gian tới. Và trong khi chờ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, họ khóa chức năng download nhạc với các bài hát trong danh sách thử nghiệm cho đến khi tiến hành thu phí.
Ông Nguyễn Minh Kha, Phó tổng giám đốc Nhaccuatui, phát biểu: "Chúng tôi tin rằng đây là hành động đúng đắn giúp xây dựng thị trường âm nhạc trong nước hoạt động chuyên nghiệp và nâng tầm hơn. Chúng tôi mong đợi những hưởng ứng tích cực từ người dùng".
Ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện trang 24h, cho rằng: "Chúng tôi vui mừng được trở thành một phần trong làn sóng tiến bộ mới của thị trường nhạc số. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục cam kết hành động cùng các đối tác vì một nền âm nhạc phát triển lành mạnh, văn minh và công bằng".
Từ trái qua, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung, ca sĩ Mỹ Tâm và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đều thể hiện sự ủng hộ bảo vệ bản quyền nhạc số qua chiến dịch "Nghe có ý thức".
Hầu hết website đều chia sẻ quan điểm: Chuyển đổi hoàn toàn từ mô hình miễn phí sang mô hình trả phí là một việc rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất là về mặt kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. Thứ hai là người tiêu dùng sẽ sử dụng hình thức thanh toán phí như thế nào. Để giải quyết vấn đề này, sắp tới, các bên sẽ ngồi lại để tính toán và triển khai tiếp hình thức thanh toán, có thể là cho thuê bao theo từng tháng nhất định, kiểu như trả gói cước ADSL. Người dùng có thể chỉ cần nhắn một tin nhắn, trả một lần tiền là được tải nhạc thoải mái trong một khoảng thời gian.
Trước những hoài nghi cho rằng, đến đầu năm 2013, lộ trình của việc thu phí nhạc trực tuyến trong nước cũng vẫn chưa thể nào đồng bộ, triệt để như mong muốn của các nhà mạng, ông Phùng Tiến Công cho rằng: "Sự nghi ngại là hoàn toàn có cơ sở vì chúng tôi đang thực hiện một việc chưa ai từng làm trong nước. Nhưng những nước đi trước về vấn đề bản quyền nhạc số cũng đều phải mất từ 2 đến 3 năm kể từ khi họ khởi động đến khi đến đích. Không ai có thể làm việc này trong ngày một ngày hai. Ngay từ đầu chúng tôi cũng đã xác định là không thể có một sự thay đổi đột biến mà phải nhích từng bước đi lên trong quá trình kéo dài. Các nước khác họ đã làm và đã thành công thì nước ta không có lý do gì để không thành công cả. Vấn đề là bao giờ thành công và mức độ như thế nào thì phải chờ thời gian".
Phần đông giới nghệ sĩ Việt Nam nhìn nhận, đến lúc này mới thu phí tải nhạc là đã muộn. Trên trang cá nhân sáng 1/11, nhạc sĩ Huy Tuấn kêu gọi: "Công cuộc Nghe có ý thức (Nói không với nghe và tài nhạc free) giờ mới là bắt đầu. Chuẩn bị tinh thần chiến đấu tiếp nhé!".
Thoại Hà
Theo VNE
Thu phí nhạc số: Những 'phát súng' mào đầu Cùng với việc 5 website nhạc số lớn ở Việt Nam sẽ triển khai thu phí tải nhạc từ 1.11 tới, những ngày qua, các nhạc sĩ Huy Tuấn, Quốc Trung, Anh Quân... cũng đang tích cực lan truyền thông điệp "nghe nhạc có ý thức" đến khán giả. Bắt đầu với "Nghe nhạc có ý thức" "Nghe nhạc có ý thức" là...