Thu phí ATM: Liên minh độc quyền, nỗi lo nay đã thành hiện thực?
Theo chuyên gia kinh tế, nghịch lý ở chỗ, khi sáp nhập 2 liên minh thẻ lớn nhất lại với nhau để thành một liên minh thống nhất thì sẽ tiết kiệm chi phí hơn thì ở đây lại thành ra có dấu hiệu lũng đoạn khi phí ATM ngay lập tức tăng.
Hơn nửa năm sau khi sáp nhập 2 liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam, mức phí ATM dành cho khách hàng chẳng những không giảm như kỳ vọng mà còn tăng, gây nhiều bức xúc cho khách hàng.
“Về một nhà”
Cuối năm 2014, sau khoảng hơn 2 năm chuẩn bị, 2 đại gia thẻ lớn nhất Việt Nam là Công ty CP Dịch vụ thẻ Smartlink và Công ty CP Chuyển mạch Tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) chính thức “về một nhà”.
Theo kế hoạch sau khi sáp nhập, công ty mới sẽ sắp xếp lại hệ thống ATM, POS theo hướng nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng kết nối hệ thống thanh toán thẻ của Việt Nam với các tổ chức thẻ quốc tế; phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền hệ thống chuyển mạch thống nhất.
Vào thời điểm đó, trước lo ngại cho rằng sáp nhập 2 liên minh thẻ lớn nhất sẽ tạo ra sự độc quyền, ông Phạm Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Banknetvn khẳng định, việc sáp nhập 2 công ty phải đứng trên khía cạnh khách hàng. Riêng về chi phí, vị này khẳng định chắc chắn sẽ hợp lý hơn.
“Trước đây 2 công ty phải duy trì 2 hệ thống, 2 nguồn lực… nên chi phí bỏ ra là không nhỏ, thì bây giờ chúng ta chỉ phải bỏ 1 chi phí. Việc quản lý về phía tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc quản lý cạnh tranh phải xin phép Bộ Công thương. Cơ quan quản lý Nhà nước luôn giám sát hoạt động của chúng tôi để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng”, ông Dũng trả lời khi trao đổi với báo chí.
Tại thời điểm đó, Thủ tướng cũng ký Quyết định cho phép liên minh thẻ hợp nhất Smartlink và Banknet được hưởng miễn trừ tập trung kinh tế (miễn trừ độc quyền) 5 năm và tự động gia hạn nếu các bên không vi phạm. Quyết định miễn trừ độc quyền chỉ cấp cho các đơn vị có thị phần sau khi kết hợp chiếm trên 50% trên thị trường song được coi là không vi phạm luật cạnh tranh nếu việc này cần thiết để phát triển kinh tế – xã hội và vì lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, sau hơn nửa năm sáp nhập, trên thực tế, mức phí ATM dành cho khách hàng chẳng những không giảm mà còn tăng, thậm chí còn xuất hiện thêm nhiều loại phí và phụ phí. Trong khi đó, chất lượng và dịch vụ được khách hàng đánh giá là “chưa thấy cải thiện”, vẫn còn nhiều khách hàng gặp “trục trặc” khi đi rút tiền như bị nuốt thẻ, cây ATM báo lỗi, hết tiền…
Video đang HOT
… Vẫn vắt sữa bò
Theo TS Nguyễn Minh Phong, thời gian vừa qua ngân hàng đã qua giai đoạn khuyến mại và đến thời “vắt sữa bò”. Tuy nhiên, việc tăng phí diễn ra ngay sau khi liên minh thẻ được thành lập, ít nhiều cho thấy có sự thoả thuận ngầm ở đây.
“Bên cạnh đó, kỳ vọng của người dân cũng chưa được như ý khi dịch vụ chưa tốt, mức thu phí tăng nhanh hơn cả chất lượng dịch vụ, người dân không có quyền lựa chọn. Bất cập nhất có thể kể tới như giới hạn rút tiền thấp trong khi phí rút tiền ngày càng tăng, in một tờ sao kê bằng “mắt muỗi” cũng mất 550 đồng trong khi giá cả tờ giấy A4 chỉ 100-200 đồng”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho rằng, nghịch lý ở chỗ là đáng nhẽ, khi sáp nhập 2 liên minh thẻ lại với nhau để thành một liên minh thống nhất thì sẽ tiết kiệm chi phí hơn thì ở đây lại thành ra có dấu hiệu lũng đoạn.
“Không còn cạnh tranh nữa, tính thoả thuận cao cho nên rõ ràng không có lý do gì để giải thích việc tăng phí cả bởi đáng lẽ càng mở rộng thì chi phí phải càng thấp. Ở đây có 2 dấu hiệu, thứ nhất là sự thiếu trách nhiệm của liên minh này, và thứ hai là có dấu hiệu của sự thoả thuận, thống nhất về giá, giảm cạnh tranh và không vì lợi ích xã hội”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong nói thêm rằng, ở đây có thể có cả dấu hiệu cơ quan quản lý đã “hơi bị” buông lỏng về kiểm soát, thiếu kênh tiếp nhận thông tin.
Chia sẻ về quan điểm này, một vị chuyên gia trong ngành cũng từng cho rằng việc áp phí ATM vô hình chung là một hình thức gia tăng giá trị cho ngân hàng và thể hiện sự độc quyền của liên minh thẻ ở Việt Nam. Trong thị trường cạnh tranh thì mức phí này khó mà tồn tại được và xét theo lợi ích cụ thể từng ngân hàng thì có lẽ áp dụng phí ATM với chính khách hàng của mình sẽ lợi bất cập hại.
Phương Dung
Theo Dantri
Ngân hàng "tận thu" phí ATM: Không chấp nhận chỉ còn nước khoá thẻ!
Mặc dù nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc, thậm chí bất mãn với biểu phí "tận thu" từ dịch vụ ATM của khách hàng nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác, trừ khi khoá thẻ không dùng!
Theo thống kê, mỗi khách hàng sử dụng thẻ ATM đang phải chịu tới 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng.
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng công bố tăng phí ATM. Theo thống kê sơ bộ, mỗi khách hàng phải chịu tới 20 - 25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Trong đó có thể kể tới một số loại phí như: phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư... Có ngân hàng thậm chí còn thu cả phí báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp.
Người dùng bức xúc vì "oằn lưng" gánh phí
Anh Trương Công Khánh, một công chức nhà nước cho hay: "Theo quy định, lương công chức hiện phải trả qua ATM. Tôi thấy mức thu dịch vụ thẻ ATM quá cao và rất nhiều phí. Từ lâu nay, mỗi khi có lương, tôi thường rút hết để tiêu dần, chứ nhiều lúc rất cần tiền chạy đi rút lại bị nuốt thẻ, mấy hết tiền rồi hàng loại các chi phí từ phí rút tiền đến phí in sao kê".
Đồng tình ý kiến này, anh Đỗ Quốc Toàn (Hà Nội) cho rằng: "Không những phí cao, người dùng còn mất nhiều tiền bởi giới hạn rút của ngân hàng, nếu trong máy toàn tiền lẻ thì máy điều chỉnh giá trị tiền rút sẽ thấp đi. Thẻ của tôi rút được 5 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày thế nhưng nếu cây ATM chỉ toàn tờ 100.000 đồng thì chỉ còn rút được tối đa 3 triệu đồng, nếu đen đủi gặp ATM toàn 50.000 đồng thì tôi chỉ rút được 1 triệu đồng/lần. Như vậy nếu muốn rút 5 triệu, tôi phải rút tới 5 lần và ngân hàng thì cứ tính phí trên mỗi giao dịch thành công thôi".
Đối với những người sử dụng dịch vụ nhiều, mức phí ATM cũng trở thành một phần gánh nặng tài chính. Một người tiêu dùng chia sẻ: "Mỗi ngày tôi thực hiện từ 4-5 lần chuyển khoản qua internet - banking, phí mỗi lần 3.300 đồng cho 1 lần chuyển khoản, vị chi mỗi tháng tôi mất tiền triệu vào cái phí này. Khổ mà không kêu được".
Cũng có ý kiến người dùng đặt câu hỏi về việc thu phí ATM liệu có đang đi ngược lại chủ trương khuyến khích không dùng tiền mặt của Nhà nước? Trong khi đó, không ít ý kiến so sánh dịch vụ ATM trong nước với các nước khác trên thế giới khi dịch vụ ATM hầu hết không bị tính phí để khuyến khích người dùng sử dụng.
"ATM hiện nay chủ yếu là công cụ chính sách của Nhà nước nhằm hạn chế việc dùng tiền mặt, tạo thuận lợi trong quản lý, minh bạch dòng tiền. Với số tiền khách hàng để trong tài khoản chưa rút có thể coi như là nguồn huy động của ngân hàng với lãi suất thấp. Tuy nhiên, việc ngân hàng thu phí sử dụng như hiện tại đã khiến một số khách hàng phải rút hết 1 lần để giảm chi phí trên số tiền lương ít ỏi. Nên chăng Nhà nước cũng cần nghiên cứu lại cho phù hợp", một người dùng nhấn mạnh.
Không chấp nhận chỉ còn nước khoá thẻ!
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tại các nước tiên tiến, ATM chỉ có một số các loại phí cơ bản như phí duy trì thẻ mỗi năm, mỗi lần đổi mật khẩu hay cần sao kê, truy cập thông tin "đương nhiên" được miễn phí. Và người dân tại các nước đó cũng ít khi than phiền về các loại phí này.
"Nhìn từ phía khách hàng, trong thời gian vừa rồi, việc ngân hàng tăng phí và có nhiều phí khiến dân chúng bức xúc, thậm chí nhiều khách hàng cảm thấy bất mãn vì phí tăng mà dịch vụ không cải thiện được nhiều", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có quy định về bảng phí tối đa trong đó có những loại phí, phụ phí mà ngân hàng được phép thu. Tuy nhiên, không hề có quy định ngân hàng phải thương lượng với khách hàng khi đưa ra các loại phí vì rất "nhiêu khê".
"Họ đưa ra một biểu phí, khách hàng không chấp nhận thì tìm ngân hàng khác. Còn việc người dân sẽ quay trở lại với tiền mặt mà không sử dụng ATM nữa thì cũng chỉ là lo ngại bởi khi đã quen với dịch vụ tiên tiến rồi thì khó quay trở lại như trước lắm. Do đó, dù bức xúc với phí cao, có chỗ phản đối nhưng có lẽ không có sự lựa chọn nào khác", ông Hiếu nói thêm.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, về bản chất việc ngân hàng thu các loại phí ATM là đúng quy định và đều thể hiện ở hợp đồng.
"Tuy nhiên cũng không hoàn toàn minh bạch và tự nguyện bởi khi kí hợp đồng, ngân hàng quy định khi thay đổi phí sẽ thông báo bằng văn bản, thông báo trên web. Nếu khách hàng không phản hồi gì thì nghĩa là đồng ý, còn không đồng ý thì chỉ còn nước khoá thẻ, chuyển ngân hàng".
Ông Đức cũng cho rằng, để đòi quyền lợi, khách hàng có thể thông qua Hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc khi có nhiều người cắt thẻ ATM sẽ buộc ngân hàng phải xem xét lại. Tuy nhiên, trường hợp này cũng ít khả quan bởi cả hệ thống đều tăng phí. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng không thể không sử dụng thẻ bởi hiện quy định doanh nghiệp phải trả lương qua thẻ hoặc các tiện ích đang được hưởng từ việc sử dụng dịch vụ này.
Phương Dung
Theo Dantri
Phí ATM "móc túi" khách hàng ATM hiện chưa phải là dịch vụ thị trường đúng nghĩa và có nhiều biến tướng khiến người dùng bức xúc. Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng (NH) lại tăng phí ATM. Mới đây nhất, HDBank chính thức thu phí thường niên 60.000 đồng/năm, còn trước đây miễn phí. Chủ thẻ nội địa EximBank khi rút tiền cũng bị thu 1.100 đồng/giao...