Thủ phạm đích thực trong những vụ cháy, tai nạn xe kinh hoàng
8 vụ cháy, ba vụ tai nạn thảm khốc (không kể những vụ tai nạn nhỏ khác) làm hàng chục người chết, gần 100 người bị thương. Thủ phạm của những vụ cháy nổ, tai nạn kinh hoàng này là ai?
Hiện trường vụ cháy cây xăng tại Hà Nội ngày 3/6
Choáng váng vì cháy…
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong vòng một tuần qua, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An, Long An liên tiếp xảy ra 8 vụ cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, Hà Nội xảy ra 4 vụ cháy nổ, thành phố Hồ Chí Minh 2 vụ, Nghệ An 1 vụ và Long An một vụ. Nguyên nhân của các vụ cháy nổ hầu hết do ý thức chấp hành luật phòng cháy chữa cháy của người dân chưa cao, sử dụng nguồn điện quá tải, thắp nến, sử dụng khí gas hóa lỏng còn bất cẩn, gây chập, cháy.
Tối 8/6, tại tỉnh Nghệ An xảy ra vụ cháy xưởng sản xuất giấy vệ sinh tại gia đình anh Nguyễn Gia Tuấn, ở khu đô thị mới Vinh Tân, thành phố Vinh. Địa điểm xảy ra cháy là nhà cấp 4 được xây kiên cố, chứa bột giấy nguyên liệu và thành phẩm nên dễ bắt lửa và bùng phát mạnh. Mặc dù vụ cháy diễn ra trên phạm vi nhỏ nhưng đã có 9 lượt phương tiện xe cứu hỏa cùng gần 100 cán bộ chiến sỹ công an, dân quân tự vệ được điều động cùng các phương tiện, thiết bị nhưng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ sau ngọn lửa mới được khống chế.
Tại Hà Nội, trong khi người dân Thủ đô chưa hết bàng hoàng sau vụ cháy gần cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm vào ngày 3/6, thì đến ngày 5/6, tại khu tập thể Bộ Giáo dục và Đạo tạo, quận Đống Đa lại xảy ra vụ cháy, thiêu rụi 40 xe máy.
Chưa hết, hai ngày sau, (7/6) tại Hà Nội lại xảy ra cháy lớn tại khu vui chơi, đối diện Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Và khoảng 15h chiều qua (8/6), Thủ đô Hà Nội lại “điểm” thêm một vụ cháy, xảy ra tại khu nhà để vật liệu xây dựng của đơn vị thi công trong khu vực Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ sau 1 ngày vụ nổ kinh hoàng tại một cửa hàng bơm vá xe ô tô nằm trên đường cao tốc Hồ Chí Minh, Trung Lương khiến một cháu bé 13 tuổi tử vong vào ngày 4/6, thì ngay ngày hôm sau (5/6), tại phường Hiệp Thành, Quận 12 lại xảy ra vụ cháy khác khiến 3 người trong một gia đình bị bỏng nặng.
Video đang HOT
Còn tại Long An, sáng 9/6, một ngọn lửa đã bùng cháy dữ dội tại xưởng sản xuất Công ty Trung Hòa Đông (huyện Đức Hòa, tinth Long An) khiến hàng nghìn công nhân hoảng loạn. Vào thời điểm trên, nhiều công nhân phát hiện xảy ra cháy bên trong xưởng sản xuất đế giày của Công ty Trung Hòa Đông sau đó đám cháy nhanh chóng bùng phát dữ dội.
Khi phát hiện cháy, nhiều công nhân đã dùng bình chữa lửa để chữa cháy nhưng do trong xưởng chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên mọi cố gắng dập lửa đều không thành công. Chỉ trong ít phút. ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ xưởng sản xuất khiến hàng nghìn công nhân phải bỏ chạy để thoát thân.
Không dừng ở đó, đám cháy tiếp tục cháy lan sang xưởng của Công ty TNHH TM & SK Hùng Nghiệp nằm kế bên.
Điều may mắn là không có mất mát nào về người. Tuy nhiên tại hiện trường toàn bộ nhà xưởng cùng nguyên vật liệu sản xuất của cả 2 công ty trên đều đã bị thiêu rụi.
Thảm khốc vì tai nạn thương tâm
Vụ lật xe khách Mai Linh tại đường tránh Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Trong khi chưa hết bàng hoàng vì những vụ cháy, dư luận lại được phen hoảng hốt bởi những vụ tai nạn thảm khốc.Hồi 9 giờ 50 ngày 7/6/2013, tại Km43 thuộc tuyến đường Nha Trang – Đà Lạt (xã Sơn Thái, H.Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: Xe khách 30 chỗ BKS 43S-6420 đâm vào vách núi. Hậu quả: 06 người chết và 22 người bị thương. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đang điều tra, giải quyết.
Dư âm của vụ tai nạn tại Khánh Hòa vẫn còn rõ nét thì vào hồi 07g15 phút ngày 9/6, xe ôtô mang biển số 30X – 8957 do lái xe Phan Lưu điều khiển lưu thông trên quốc lộ 1A, hướng từ Tam Kỳ về Đà Nẵng. Khi tới đường tránh Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thì gặp nạn. Vụ tai nạn nghiêm trọng đã khiến 3 người tử nạn, 30 người bị thương.
Theo dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, tốc độ lúc xảy ra tai nạn là 69 km /h. Trên xe chở 38 hành khách khởi hành lúc 17 giờ 00 ngày 8/6 từ bến xe Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk đi Đà Nẵng.
Trong khi dư luận vẫn đang bàng hoàng, ngơ ngác không hiểu nguyên nhân gì khiến các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra, thì tại Bà Rịa – Vũng Tàu vào 14h20 phút ngày 09/6/2013 tại Km 03 850 tỉnh lộ 44A xã An Ngãi, huyện Long Điền, xe ô tô tải 2,5 tấn BKS 72L-2354 do lái xe Nguyễn Văn Khoa 31 tuổi, HKTT: Gia Tân 1 – Thống Nhất – Đồng Nai điều khiển chạy theo hướng Bà Rịa đi Long Hải. Lái xe cho xe vượt xe khách, xe quay ngang và lao sang trái đường gây tai nạn với 02 xe mô tô đi ngược chiều BKS: 72N3-4680 và xe BKS 72S2-4286. Hậu quả 6 người trên 02 xe mô tô chết, 2 xe mô tô hư hỏng hoàn toàn.
Thủ phạm là ai?
Trong một vài năm gần đây tình trạng tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh của người dân, cơ quan chức năng. Các vụ cháy cũng tương tự. Khi bị bà hỏa viếng thăm, khi bị tai nạn trên đường, nạn nhân, người thân và cả dư luận mới giật mình phát hiện ra rằng công tác tự phòng vệ về giao thông và phòng cháy chữa cháy của người dân không hề cao.
Sau vụ cháy cây xăng tại Hà Nội, Đại úy Nguyễn Hải Hưng, đội phó Đội tuyên truyền- phòng hướng dẫn phòng cháy chữa cháy, Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho rằng: “Để giảm thiểu số vụ cháy, Sở tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là công tác kiểm tra về chuyên đề xăng dầu. Qua đây, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy để những người làm việc môi trường cháy nổ có những kiến thức cơ bản phòng cháy chữa cháy và có ý thức trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt là thực hiện các quy trình xuất nhập xăng dầu, kinh doanh hoạt động xăng dầu trên địa bàn thành phố”.
Đại tá Lê Quốc Báo, Trưởng phòng Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Sau mấy vụ cháy nguy hiểm ở Hà Nội và Bắc Ninh tôi có cảnh bảo ở trên truyền hình về thời điểm nắng nóng của Nghệ An nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất cao. Ủy ban nhân dân tỉnh cách đây 1 ngày cũng đã thành lập một đoàn liên ngành về công tác an toàn cho xăng dầu do Chủ tịch ký”.
Ấy vậy nhưng cháy vẫn cháy.
Tai nạn giao thông vẫn xảy ra.
Sau mỗi vụ việc, tìm kiếm ra nguyên nhân xảy ra sự việc là nhiệm vụ của ngành chức năng. Nhưng, có thể khẳng định được ngay rằng, thủ phạm xảy ra các vụ việc đau lòng nói trên là do ý thức của một số người về chính tính mạng, tài sản của mình còn kém. Và chính sự buông lỏng trong quản lý, phòng vệ của cơ quan chức năng chưa cao.
Một thống kê riêng về tai nạn giao thông trong 03 ngày 08, 09, 10/6/2013 vừa qua cũng đủ khiến nhiều người phải sốc, suy nghĩ lại: Xảy ra 139 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 75 người, bị thương 104 người (trong đó có 75 vụ va chạm, làm bị thương 43 người); Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 32.785 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; Kho bạc Nhà nước thu 14 tỷ 691,3 triệu đồng; tạm giữ 80 xe ôtô, 3.714 xe môtô.
Khi đọc, thấy được các vụ tai nạn, vụ xảy cháy liên tục, nhiều người nói từ sợ, nhưng sợ rồi sao? Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải vừa có buổi làm việc để chung tay thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Hàng năm chúng ta cũng đều đề ra mục tiêu giảm sự mất an toàn của giao thông. Nhưng, mọi việc chỉ là hô hào, nếu mỗi người không chung tay cùng ngành chức năng…
Theo vietbao
Chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013
Ngày 24/5/2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Chỉ thị số 22 /CT-BTTTT về công tác phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013 nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối thông tin liên lạc, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Theo đó Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng, triển khai phương án phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013 đáp ứng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BTTTT ngày 05/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai
- Tăng cường công tác phổ biến, quán triệt hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở tất cả các cấp đến toàn thể cán bộ, nhân viên ở tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành; tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 484/QĐ-BTTTT ngày 15/4/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020...
Cục Viễn thông - Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ là đơn vị chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, đảm bảo thông tin liên lạc và các nhiệm vụ được giao để phục vụ diễn tập ứng phó thiên tai khu vực ASEAN năm 2013 (ARDEX 13); tiếp tục tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên biển; tổng hợp báo cáo về tiến độ thực hiện Quyết định 137/2007/QĐ-TTg của các đơn vị có liên quan, trình Lãnh đạo Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tốt công tác trực ban chỉ đạo điều hành phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão theo quy định.
Theo vietbao