Thư nước Nhật: Tôi bất ngờ với cách mọi người đối diện vụ ám sát
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Nara ngày 8/7 có lẽ sẽ khiến nước Nhật thay đổi từ tận bên trong, từ cảm thức của người dân về sự bất ổn và bạo lực ngấm ngầm.
Một ngày sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng và không muốn tin đây là sự thật.
Tôi đã viết trên nhật kí công ty: “Lâu lắm tôi mới có một ngày buồn đến thế. Từ lúc nghe tin ông Abe bị bắn, tôi đã không ngừng cầu nguyện và hi vọng, hi vọng sẽ có phép màu xảy ra. Còn nước còn tát, các bác sĩ chạy chữa cho ông Abe hãy cố lên! Nhưng không, phép màu nhiệm đó đã không xảy ra…”.
Người phụ nữ nghẹn ngào cảm xúc trước đài tượng niệm tạm thời được dựng lên để người dân đặt hoa tại hiện trường bên ngoài ga Yamato-Saidaiji ở Nara, nơi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát hôm 8/7. Ảnh: AP.
Các đồng nghiệp người Nhật cũng vào chia sẻ cảm xúc đó với tôi, nhưng điều khiến tôi bất ngờ chính là cách họ đối diện với nỗi đau, không chỉ buồn và thương xót, mà còn là hành động.
Mỗi lá phiếu là một cơ hội thay đổi!
Chị Mustuki – đồng nghiệp của tôi – chia sẻ: “Các vấn đề về sự phân hóa xã hội, bạo lực gia tăng được đề cập rất nhiều trong những năm gần đây và sự việc ngày hôm nay phản ánh chính xác điều đó”.
“Tôi cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất. Nhưng bầu cử là bầu cử. Một lá phiếu không phải sự thương cảm hay một nén hương. Hãy bầu cử theo niềm tin của chính mình! Việc bỏ phiếu trắng đồng nghĩa với lá phiếu vô hiệu và tự mình từ bỏ quyền lợi của mình. Chính lúc này chúng ta cần phải mạnh mẽ lựa chọn và tôi sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 10/7, ngày bầu cử trên toàn nước Nhật”, Mustuki khẳng định.
Ngay bên dưới, chị Momoko cũng đưa ra ý kiến đồng tình, chị nói sẽ đi bầu cử và kêu gọi mọi người cùng hành động: “Tôi không nghĩ điều khủng khiếp như thế có thể xảy ra trên nước Nhật. Nhưng có lẽ sự kiện đau lòng đó là một phép thử với người dân cho cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 10/7.
“Vấn đề không phải là bầu cho ai, bầu vào đâu mà bản thân lá phiếu là cách chúng ta thể hiện, nói lên tiếng nói của chính mình. Hãy cùng đi bầu cử, mọi người nhé!”, Momoko nhấn mạnh.
Xe tang chở thi hài của ông Abe về tới tư gia ở Tokyo hôm 9/7. Ảnh: AP.
Ông Eguchi Natsuo – giám đốc công ty tôi – một doanh nghiệp chuyên về giáo dục và e-Learning có trụ sở ở Tokyo – cũng gửi mail đến toàn thể nhân viên vào ngày cuối tuần với lời nhắn gửi mọi người hãy đi bầu cử vào ngày 10/7.
“Tôi không phải là người hâm mộ Shinzo Abe nhưng cũng không thể phủ nhận những đóng góp của ông ấy cho nước Nhật suốt hơn 10 năm qua. Và hôm qua tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn chia buồn từ bạn bè quốc tế, tôi mới nhận ra rằng ông ấy thực sự có tầm ảnh hưởng lớn ở châu Âu hay Mỹ và chính trường quốc tế nói chung. Các bạn hãy đi bầu cử vào ngày mai, hãy biến nỗi buồn, sự phẫn nộ thành hành động cụ thể và tích cực, càng nhiều càng tốt!”, trích email của ông Eguchi Natsuro.
Tôi có cảm tình đặc biệt với nước Nhật, với cựu Thủ tướng Abe Shinzo và trong lúc còn chìm đắm trong những cảm xúc ngổn ngang thì những người đồng nghiệp của tôi đã lên tiếng và thể hiện bằng hành động, bình tĩnh và quyết đoán. Tôi có cảm giác, sự ra đi của ông Abe có thể rất đáng tiếc nhưng lại là hồi chuông cảnh tỉnh quan trọng vào chính thời điểm này.
Theo cảm nhận của cá nhân tôi, người Nhật khá thờ ơ với chính trị hay với những vấn đề nhen nhóm trong xã hội Nhật bởi công việc thường ngày và cuộc sống cá nhân của họ đã quá bận rộn.
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe ngày 8/7 vừa qua biết đâu là bước ngoặt để mọi người cùng nhìn nhận và thay đổi, hướng cái nhìn xa và rộng hơn vì cộng đồng và xã hội.
Một lá phiếu là một tiếng nói, một cơ hội để thay đổi, đảm bảo nền dân chủ tự do và công bằng, xã hội ngày càng phát triển toàn vẹn hơn.
Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida cũng đã huỷ lịch trình vận động bầu cử ở địa phương ngay sau khi nghe tin ông Abe bị bắn khi đang diễn thuyết trên đường phố ở thành phô Nara.
Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida khẳng định không được phép nhân nhượng bạo lực. Ảnh: AFP.
Ông Kishida bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của người lãnh đạo tiền nhiệm và đưa ra tuyên bố: “Không được phép nhân nhượng bạo lực. Vì với bất cứ lý do gì, dùng bạo lực để đàn áp và cướp đi quyền lên tiếng của người khác là không thể dung thứ. Và dù thế nào thì cuộc bầu cử vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch. Bầu cử tự do và công bằng chính là cơ sở của nền dân chủ và phải được tuyệt đối tuân thủ”.
Vụ ám sát ông Shinzo Abe sẽ thay đổi Nhật Bản, có thể là mãi mãi
Nghi phạm vụ ám sát đã bị bắt là Yamagami Testuya (41 tuổi), một cựu quân nhân, thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản năm 2002-2005.
Hung khí được cho là khẩu súng hai nòng tự chế, cuốn băng dính đen, nghi phạm trà trộn vào đám đông, tiếp cận ông Abe từ phía sau với khoảng cách tầm 5 m và nổ súng khi ông Abe vừa bắt đầu bài diễn thuyết được 2 phút.
Xem lại video hiện trường cho thấy, khi nghe thấy phát súng đầu tiên, ông Abe vẫn đứng trên bục và quay về phía sau, nơi phát ra tiếng nổ, cảnh vệ cho ông Abe thậm chí còn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Điều đó cho thấy hệ thống bảo vệ mục tiêu ở Nhật quá sơ hở và thiếu cảnh giác.
Một chuyên gia nhận định: “Lưới an ninh rõ ràng quá sơ hở. Vụ ám sát chắc chắn sẽ khiến giới chức Nhật Bản siết chặt an ninh hơn nữa, đặc biệt đối với những buổi diễn thuyết ngoài trời vì nước này đang trong mùa bầu cử”.
Điều này có lẽ xuất phát từ một thực tế là các vụ nổ súng cực kì hiếm xảy ra ở Nhật, Đạo luật về kiểm soát súng đạn có thể coi là nghiêm ngặt nhất trên toàn thế giới. Thống kê cho thấy đất nước 125 triệu dân này có khoảng 310.400 khẩu súng lưu hành, tỷ lệ sở hữu súng là 0,25%, mức thấp nhất trong các nước G7.
Khẩu súng tự chế được nghi phạm sử dụng để ám sát cựu Thủ tướng Abe. Ảnh: AP.
Điều thực sự khó tin là trong năm 2021, Nhật Bản chỉ ghi nhận 10 vụ án liên quan đến súng, trong đó có một người thiệt mạng. Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia, khu vực Tokyo không xảy ra bất kỳ vụ án nào liên quan đến súng trong năm qua. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, không cảnh giác và có cảm giác nguy hiểm trong đa số dân chúng và ngay cả các chính trị gia.
Bản thân tôi cũng có những trải nghiệm và suy nghĩ tương tự khi sống ở Nhật. Tôi thường xuyên bắt gặp cảnh các chính trị gia diễn thuyết ngoài trời, trước các nhà ga lớn như Shinkuku, Akabane, Shibuya ngay gần khu vực mình sinh sống.
Xe buýt mui trần, hệ thống an ninh lỏng lẻo, lực lượng cận vệ mỏng khiến tôi có cảm giác họ – những chính trị gia gần gũi như người bình thường, như tất cả chúng ta. Nó tạo nên cảm giác gần gũi, bình yên, an toàn và không bao giờ cảnh giác.
Nhưng tiếng súng nổ trên đường phố Nara ngày 8/7 có lẽ sẽ khiến nước Nhật thay đổi từ tận bên trong, trong cảm thức của người dân về sự bất ổn và bạo lực ngấm ngầm. Có thể các chính trị gia sẽ phải thay đổi cách thức vận động bầu cử, tạo dựng hệ thống an ninh và kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Nancy Snow, Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế Nhật Bản, nói với CNN rằng vụ ông Abe bị bắn “không chỉ hiếm mà còn thực sự khó hiểu về mặt văn hóa”.
“Đó là khoảnh khắc không nói nên lời. Chuyện này sẽ tác động thế nào đến tâm lý của những người dân Nhật Bản vốn không phải đề phòng gì và có giao ước xã hội với nhau rằng họ sẽ không sử dụng đến kiểu bạo lực này”, bà Snow nói.
Tôi nghĩ vụ xả súng hôm 8/7 sẽ thay đổi Nhật Bản, thật không may nó sẽ thay đổi đất nước này mãi mãi”, bà Snow nói thêm.
Đồng ý với quan điểm này, Gearoid Reidy, cây viết của Bloomberg nhận định: 8/7 là ngày sẽ để lại “vết sẹo” cho Nhật Bản mãi mãi.
Tổng thống Joe Biden gọi điện cho Thủ tướng Nhật Bản Kishida ngày 8/7 để “bày tỏ sự bàng hoàng, đau buồn và chia buồn sâu sắc” về việc Abe Shinzo từ trần, đồng thời gửi đến một thông điệp, sẽ sát cánh cùng người dân Nhật Bản, “đảm bảo an toàn toàn vẹn và an ninh xã hội”.
Người Việt ở Nhật sốc khi điều kỳ diệu không xảy ra với ông Abe.Anh Lê Hùng, sang Nhật từ 2008 và đang sinh sống ở Tokyo, nói anh và đồng nghiệp hụt hẫng và sốc khi nghe tin cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã không qua khỏi sau vụ ám sát.
Bầu cử Thượng viện Nhật Bản: Các ứng cử viên 'chạy nước rút' trong bối cảnh an ninh thắt chặt
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 9/7, ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử Thượng viện ở Nhật Bản, các ứng cử viên vẫn nỗ lực hết sức để thu hút thêm sự ủng hộ của các cử tri.
Lãnh đạo của nhiều chính đảng cũng có mặt ở các địa điểm vận động tranh cử để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho đảng của mình và cho các ứng cử viên của mình.
Toàn cảnh phiên họp Thượng viện Nhật Bản tại Tokyo ngày 8/6/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Các hoạt động vận động tranh cử vẫn diễn ra trong bối cảnh an ninh đã được thắt chặt sau vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Shinzo Abe, khiến chính trị gia này bị thiệt mạng một ngày trước đó. Vụ tấn công này xảy ra trong lúc ông Abe đang phát biểu vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, phía Tây Nhật Bản. Trong cuộc họp Nội các chiều 8/7, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định không bao giờ đầu hàng trước bạo lực và khủng bố, đồng thời chỉ thị tăng cường an ninh cho các bộ trưởng trong Nội các và các chính trị gia khác.
Tại các sự kiện vận động tranh cử ngày 9/7, lãnh đạo các chính đảng ở Nhật Bản đều bày tỏ quyết tâm không khuất phục trước bất cứ hành động bạo lực nào. Phát biểu ở tỉnh Yamanashi, Thủ tướng Kishida, người đang giữ chức Chủ tịch LDP, đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công hèn hạ nhằm vào ông Abe, đồng thời tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ trước bạo lực. Tôi sẽ đứng trước các bạn cho đến khi kết thúc (chiến dịch tranh cử này)". Ông cũng khẳng định cuộc bầu cử Thượng viện "sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch để đảm bảo tự do và công bằng".
Phát biểu tại tỉnh Fukushima, ông Kenta Izumi, Chủ tịch đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) - đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản - nhấn mạnh đáng ra vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Abe "không bao giờ nên xảy ra. Chúng tôi sẽ không khoan nhượng với khủng bố".
Về phần mình, phát biểu tại tỉnh Kanagawa, giáp thủ đô Tokyo, ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền, khẳng định "ông Abe đã đúng khi tìm cách vực dậy nền kinh tế Nhật Bản bằng gói chính sách kinh tế Abenomics". Ông nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến lên trên con đường này".
Thượng viện Nhật Bản có tổng cộng 248 ghế, trong đó 50% số ghế sẽ được bầu lại theo định kỳ 3 năm một lần. Trong cuộc bầu cử năm nay, có 125 trong số 248 ghế ở Thượng viện sẽ được bầu lại, trong đó có 74 ghế được bầu trực tiếp ở các khu vực bầu cử, 50 ghế được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ và 1 ghế được bầu bổ sung ở tỉnh Kanagawa. Theo dự kiến, các cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu để bầu Thượng viện vào ngày 10/7. Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo công bố hôm 6/7 cho thấy liên minh cầm quyền giữa LDP và đảng Công minh có thể giành hơn 50% trong tổng số 125 ghế sẽ được bầu lại trong cuộc bầu cử Thượng viện lần này. Theo Kyodo, riêng LDP có thể giành hơn 60 ghế, trong khi đảng Công minh có thể sẽ giữ nguyên 14 ghế.
Về phía phe đối lập, đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) có thể gặp khó khăn trong việc duy trì 23 ghế mà họ có trước bầu cử, trong khi đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) có thể sẽ giành một số lượng ghế đáng kể so với trước bầu cử. Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) có thể giành được 6 ghế, trong khi đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) có thể mất một nửa số ghế mà họ có trước bầu cử.
Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo, kết quả bầu cử thực tế có thể sẽ thay đổi bởi vì, có 39,6% người được hỏi chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai trong hình thức bầu cử trực tiếp ở các khu vực bầu cử, và 38,1% chưa quyết định bỏ phiếu cho đảng nào trong hình thức đại diện tỷ lệ. Bên cạnh đó, vẫn chưa rõ liệu vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe có ảnh hưởng như thế nào tới tâm lý của cử tri trong cuộc bầu cử này.
Cảnh sát trưởng tỉnh Nara nhận trách nhiệm vụ cựu Thủ tướng Abe bị ám sát Cảnh sát trưởng tỉnh Nara - nơi cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát cho biết ông sẽ chịu trách nhiệm vì để xảy ra sơ suất an ninh dẫn đến vụ việc này. Cảnh sát trưởng tỉnh Nara Tomoaki Onizuka nhận định trong cuộc họp báo ngày 9/7 rằng nhân viên an ninh của ông Abe tuân thủ kế...