Thu nhập thấp khó đi du lịch
Nhiều quốc gia lần lượt tăng giá các dịch vụ trải nghiệm và cơ sở lưu trú khiến một số điểm đến trở nên khó tiếp cận với nhóm du khách có thu nhập thấp.
Tuần trước, giá vé để xem một con rồng Komodo trong tự nhiên là 11 bảng Anh. Tuy nhiên, chỉ 7 ngày sau, giá đã thay đổi thành 208 bảng Anh khi phí vào cửa của công viên quốc gia Komodo ở Indonesia tăng 1.791%.
Con số này chỉ theo sau mức 733% vé vào cổng tại đền Borobudur, kỳ quan Phật giáo lớn nhất thế giới, cách đó 1.046 km về phía tây.
Cuối tháng 6/2022, Hội đồng Du lịch Bhutan (TCB) thông báo mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ 23/9, sau gần 30 tháng phong tỏa để chống Covid-19. Du khách ghé thăm cần phải nộp phí phát triển bền vững là 200 USD/đêm, cao gấp 3 lần so với trước dịch.
Theo Chris Haslam, cây viết của tờ The Times, những đợt tăng giá gần đây ở những điểm đến nổi tiếng sẽ là bước mở đầu cho quá trình kết thúc thời kỳ vàng son của du lịch giá rẻ.
Chi phí cho các chuyến du lịch ngày càng tăng cao ở nhiều quốc gia. Ảnh: Bloomberg.
Giá cả ngày càng đắt đỏ
Ở xứ Chùa Vàng, tháng trước, Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul đã lưu ý các dịch vụ, cơ sở lưu trú không nên giảm giá để thu hút khách nước ngoài.
“Chúng tôi không thể để mọi người đến Thái Lan chỉ vì rẻ mà mong muốn họ sẽ chú ý đến hoạt động. Đó là cách để tăng giá trị cho ngành công nghiệp này. Càng đắt càng nhiều khách đến”, ông Anutin Charnvirakul phát biểu tại một sự kiện ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok).
Tại Galapagos, nằm phía nam Thái Bình Dương, cách trung tâm Ecuador 1.000 km về phía tây và được mệnh danh là quần đảo đẹp nhất hành tinh, kế hoạch tăng giá vé vào cổng lên 4 lần đang bị tạm dừng trong khi các nhà chức trách theo dõi số lượng du khách sau đại dịch.
Ở Ấn Độ, chi phí cho các cuộc săn hổ đã tăng đến 123% kể từ năm 2019.
“Không ai muốn một thế giới mà du lịch trở nên đặc quyền. Việc giá cả leo thang có thể ảnh hưởng đến tính hợp pháp của ngành này khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng hơn”, Jarrod Kyte, giám đốc kinh doanh tại Steppes Travel, nói.
Giá vé tham quan, trải nghiệm hoạt động ở các khu du lịch, công viên chủ đề tăng chóng mặt. Ảnh: Bangkok Post.
Châu Phi cung cấp một cái nhìn thoáng qua về hướng đi của ngành “công nghiệp không khói”. Botswana và Rwanda từ lâu đã theo đuổi mô hình chi phí cao và kiểm soát lượng khách bằng cách tính giá cao ngất ngưởng.
Năm 2017, giá vé cho một chuyến tham quan kéo dài 40 phút với khỉ đột núi ở vườn quốc gia Virunga (Rwanda) đã tăng gấp đôi lên 1.240 bảng Anh.
“Lục địa đen đang quay lại với mục tiêu trở thành địa điểm ít người có thể tiếp cận. Cách tốt nhất để bảo vệ vùng hoang dã là quản lý số lượng và hình thức khai phá, đồng thời đảm bảo những người trông coi, chính quyền địa phương được hưởng lợi đủ từ du lịch nhằm hỗ trợ, ưu tiên các sáng kiến bảo tồn.
Video đang HOT
Thế nhưng, cũng thật đáng tiếc nếu những người yêu thiên nhiên chân chính không thể tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của châu Phi vì chi phí đắt đỏ. Nhưng ai lại muốn điều hành một nhà nghỉ với giá 250 bảng Anh/đêm khi mọi người đang tính phí gấp 4 lần?”, Rob Slater, giám đốc của Safari Consultants, cho hay.
Thu hút giới nhà giàu
Theo Jonny Bealby, chủ của công ty điều hành tour Wild Frontiers, nhóm chịu thiệt thòi trong chính sách tăng giá là những người có ngân sách eo hẹp, thường là khách du lịch bụi, gia đình đông người hoặc các nhân viên cố gắng kiếm tiền cho một kỳ nghỉ dài ngày.
Điều này khiến các chuyến đi trở nên xa xỉ, mang tính đặc quyền và là mục tiêu theo đuổi của giới siêu giàu.
Còn theo Raki Phillips, người đại diện cơ quan phát triển du lịch của tiểu vương quốc Ras Al Khaimah Ras al Khaimah, giảm tác động đến môi trường phải là ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ điểm đến nào.
Những đợt tăng giá nhanh chóng sẽ không mang lại hiệu quả cao bằng việc phát triển một chiến lược dài hạn nhằm đem đến lợi ích cho cộng đồng.
Bên cạnh nhóm du khách giàu có, Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering cho biết khi tăng thuế môi trường, ông còn muốn thu hút những người có học vấn, hiểu biết về văn hóa, đặc điểm độc đáo của quốc gia này.
Nhiều đất nước tìm cách thu hút tệp khách giàu có, có học thức cao, hiểu biết. Ảnh: Insider.
Việc biến những địa điểm hoang sơ và đẹp nhất thế giới thành nơi dành riêng cho người giàu không chỉ loại trừ một bộ phận lớn nhóm đam mê xê dịch mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của hướng dẫn viên, chủ khách sạn, nhà hàng.
Delphine King, giám đốc điều hành của Long Run, một hiệp hội các doanh nghiệp du lịch tập trung vào tính bền vững, cho biết có cách toàn diện hơn để chống lại nạn du lịch quá mức.
“Tối ưu hóa tác động tích cực của ngành công nghiệp này bằng cách tạo ra các cơ hội sinh kế, doanh thu trong khi giảm thiểu khả năng tiếp cận là một sự cân bằng rất mong manh. Mọi người nên cân nhắc đến phương pháp giấy phép giá cố định”, bà King nói.
Tuy nhiên, việc giá cả du lịch tăng cao là điều không thể tránh khỏi khi các địa điểm ngày càng nổi tiếng trên mạng cộng với giá vé máy bay thay đổi liên tục. Những điều này có thể chuyến đi trong mơ với nhiều người tan thành mây khói.
Rạn san hô ở vịnh Thái Lan được 'yêu mến' tới chết
Quá tải du lịch từng phá hủy gần hết rạn san hô và hệ sinh thái của vịnh Maya, khiến điểm hút du khách nhất xứ Chùa vàng phải đóng cửa gần 4 năm để khôi phục.
Đó là một buổi sáng hồi tháng 2 tại vịnh Maya, một trong những điểm hút du khách nhất của Thái Lan. Giới chức mới mở trở lại vịnh vài tuần sau gần 4 năm đóng cửa kể từ tháng 6/2018 nhằm phục hồi hệ sinh thái, theo CNN.
Đồng hồ mới điểm qua 7h. Khung cảnh thật yên bình, với dãy núi đá vôi sừng sững trên mặt nước và những con cá mập đầu đen bơi qua vịnh.
Chỉ vài giờ sau, một làn sóng chậm rãi nhưng đều đặn những du khách đổ về nơi đây. Lần lượt hàng chục người lê bước trên lối đi lát ván mới được dựng lên, tìm đường đến bãi cát trắng nổi tiếng cùng với chiếc điện thoại luôn sẵn sàng ghi lại những tấm ảnh đẹp nhất.
Hiện các tàu thuyền không được vào vịnh, phải thả du khách tại cầu tàu nổi mới xây nằm ở phía sau của hòn đảo. Ảnh: Karla Cripps/CNN.
Khách du lịch không được phép bơi lội tại đây. Tuy nhiên, một số người dường như không thể cưỡng lại làn nước xanh như ngọc của vịnh Maya và vượt quá giới hạn. Một du khách người Pháp đã bị phạt 5.000 baht (khoảng 137 USD) vì nhiều lần phớt lờ quy định.
Bên cạnh đó, trên lối đi bộ lát ván, một phụ nữ lớn tuổi đang phì phèo điếu thuốc ở gần lối vào bãi biển - khu vực nghiêm cấm hút thuốc.
Những cảnh tượng này thật đáng buồn, nhưng đã là nỗ lực cải thiện rất lớn so với những gì du khách từng trải nghiệm trước đây.
Từ yêu mến tới phá hủy
Nằm trong Công viên Quốc gia Hat Noppharat Thara-mu Ko Phi Phi của Thái Lan, vịnh Maya là một phần của Phi Phi Leh, một trong hai hòn đảo chính của quần đảo Phi Phi.
"Khoảng 40 năm trước, vịnh Maya vốn là một điểm du lịch hấp dẫn nhưng thu hút chủ yếu là du khách nội địa. Hơn nữa, số lượng khách không nhiều vì chưa có tàu cao tốc ở thời điểm đó", Tiến sĩ Thon Thamrongnawasawat, nhà sinh học biển kiêm giáo sư, kể lại.
Bãi biển của vịnh Maya kín người và tàu thuyền vào năm 2018. Ảnh: Lillian Suwanrumpha/AFP.
Theo thời gian, số lượng khách du lịch tăng từ dưới 1.000 lên đến 7.000-8.000 người/ngày. Số thuyền cập bến vào vịnh cũng gia tăng, lên tới 100 con thuyền neo đậu cùng lúc.
Ông Thon cho biết khoảng 30 năm trước, ở lần đầu họ kiểm tra rạn san hô của vịnh, 70-80% còn nguyên vẹn. Nhiều năm sau, tỷ lệ chỉ còn dưới 8%.
Bên cạnh mối quan tâm về hệ sinh thái, trải nghiệm du lịch cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi vịnh đón quá nhiều khách cùng lúc. Toàn cảnh vịnh Maya bị chặn lại bởi hàng dài tàu neo đậu ven bờ.
Đối với chính quyền Thái Lan, cân bằng giữa nhu cầu du lịch, lĩnh vực đóng góp khoảng 20% GDP Thái Lan trước đại dịch, và lời kêu gọi bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của công viên là một thách thức lớn đang diễn ra.
"Giải pháp tốt nhất là không tiếp đón du khách nào. Nhưng chúng ta đều biết vịnh là một điểm du lịch lớn. Do đó, chúng ta phải thỏa hiệp", ông nói.
Ông Thon đã thuyết phục chính quyền đóng cửa vịnh vô thời hạn cách đây 4 năm, một quyết định gây tranh cãi vào thời điểm đó.
Ông dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về biển, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cùng với khu vực tư nhân về dự án tái sinh vịnh diễn ra trong cảnh vắng bóng du khách.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và trồng lại san hô nhằm cứu hệ sinh thái của vịnh Maya. Ảnh: CNN.
Kể từ khi vịnh đóng cửa vào tháng 6/2018, Tiến sĩ Thon và nhóm các chuyên gia cùng tình nguyện viên đã trồng lại hơn 30.000 mảnh san hô, phần lớn trong số đó mọc ở ngoài khơi của Koh Yung, một hòn đảo gần đó.
Khoảng 50% san hô được trồng lại vẫn sống sót, hiện bắt đầu phát triển và tự lan rộng. Nếu không có quá trình cấy ghép, ông Thon cho biết sẽ mất 30-50 năm để rạn san hô tái sinh tự nhiên.
Động vật biển hoang dã cũng trở lại vịnh và phát triển mạnh, bao gồm cá hề, tôm hùm và cá mập đầu đen.
Đóng cửa lần 2
Hiện nay, chỉ 7 tháng sau khi mở mở lại, chính quyền Thái Lan đang đóng cửa vịnh Maya lần nữa. Nhưng lần này, thời gian đóng cửa chỉ kéo dài 2 tháng, từ ngày 1/8 đến ngày 30/9, diễn ra trong mùa mưa.
Nói với CNN, các nhà chức trách cho biết họ muốn cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng của hòn đảo, đồng thời cho khu vực được bảo vệ tạm nghỉ khỏi lượng khách du lịch đông đúc.
Việc đóng cửa diễn ra như một lời nhắc nhở rằng rất nhiều nỗ lực phục hồi được thực hiện tại nơi đây, và giới chức không muốn chúng trở nên vô ích.
Bên cạnh đó, Bộ Công viên Quốc gia Thái Lan giới hạn số lượng du khách không quá 4.125 người/ngày, được phân bổ vào nhiều khung giờ bắt đầu từ 7h. Mỗi khung giờ không vượt quá 375 người.
Tàu thuyền không được phép vào vịnh nữa. Thay vào đó, họ đưa hành khách tới một cầu tàu mới xây dựng ở phía sau hòn đảo, nằm cách xa vịnh. Từ đó, khách du lịch sẽ đi bộ xuyên qua khu rừng bằng lối đi lát ván mới để đến bên kia hòn đảo trong vòng 5 phút.
Bến thuyền nổi được xây dựng phía sau hòn đảo. Ảnh: Karla Cripps/CNN.
Du khách cũng không được bơi lội trên đảo. Suthep Chaikaow, giám đốc công viên quốc gia, cho biết quy định nhằm tránh làm phiền những con cá mập và gây chết rạn san hô mà các nhà nghiên cứu đầy công trồng lại.
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan dự kiến đạt 24 triệu người vào năm 2024, tức khoảng 60% mức trước đại dịch.
Khi lượng khách du lịch toàn cầu quay trở lại mức trước đại dịch, cam kết về tính bền vững của vịnh Maya đến từ nhà chức trách công viên quốc gia sẽ được thử nghiệm.
Hiện mảnh ghép còn thiếu trong câu đố khôi phục nền du lịch xứ Chùa vàng là du khách Trung Quốc - quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế Covid-19 kéo dài.
Tiến sĩ Thon tự tin rằng sự thành công của vịnh Maya có thể trở thành hình mẫu cho các điểm du lịch khác đang gặp rủi ro.
"Nó sẽ thay đổi hình ảnh du lịch Thái Lan, rằng chúng tôi không chỉ là một quốc gia thèm khát tiền. Chúng tôi muốn cứu biển của mình, và chúng tôi có thể. Nếu chúng tôi thực hiện bảo tồn ở một trong những điểm thu hút du khách nhất Thái Lan, chúng tôi có thể làm được ở bất kỳ nơi nào", ông chia sẻ.
Giá đồng baht giảm, khách Việt chen chân đi Thái Lan Các công ty du lịch trong nước cho biết lượng khách đi Thái Lan hè này tăng cao. Khách Việt được lợi khi chi tiêu, mua sắm tại xứ chùa Vàng vì đồng baht xuống giá. Nguyễn Thúy Hằng (Hà Nội) vừa đáp chuyến bay đến Bangkok (Thái Lan) sau 2 năm lỡ hẹn du lịch tại xứ chùa Vàng. Hằng chia sẻ...