Thu nhập người dân nông thôn đạt 33 triệu đồng/người/năm
Sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của thành phố Hà Nội đã có nhiều khởi sắc, kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng năm 2011 lên 28,6 triệu đồng năm 2014 và hết năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm.
Thành phố Hà Nội tự hào là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng NTM với 213/401 xã đạt chuẩn (đạt 53,12%). Đây là kết quả đáng phấn khởi, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn tới.
Trồng rau an toàn đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Tiên Dương, huyện Đông Anh(Hà Nội). Ảnh: Đăng Quang
Điều đáng mừng nhất ghi nhận được trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015 là chính quyền và nhân dân thành phố đã đạt được sự đồng thuận cao. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ. Thiết chế văn hóa ở nhiều nơi được quan tâm đầu tư…
Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn ngày một tăng, gấp gần 2 lần so với năm 2011. Tỷ lệ các hộ có nhà kiên cố và khang trang ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 lần so với năm 2011.
Video đang HOT
Với những kết quả đã đạt được, năm 2015 thành phố Hà Nội là một trong 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào xây dựng NTM; nhân dân và cán bộ của 56 xã và 17 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Phát huy những thành tích đã đạt được, chính quyền thành phố đã nhanh chóng đề ra các kế hoạch để xây dựng NTM tại địa phương nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa. Trong đó xác định mục tiêu giai 2016-2020 sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2020 thành phố có 80% số xã đạt chuẩn NTM trở lên, 100% số huyện, thị xã đạt NTM.
Theo danviet
Huy động nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), tỉnh Điện Biên đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành thêm 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong đó, riêng huyện Điện Biên đăng ký 15 xã.
Để bắt tay vào thực hiện mục tiêu này, ngay trong năm đầu tiên của giai đoạn, huyện Điện Biên đã quyết tâm phấn đấu hoàn thành NTM tại 2 xã: Thanh Xương và Noong Hẹt. Đây được xem là thách thức không nhỏ khi khối lượng công việc còn khá lớn.
Huy động sức dân làm giao thông nông thôn.
Hơn bao giờ hết, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên cần sự nỗ lực rất lớn và đang thể hiện quyết tâm cao độ, cùng với những bước đi mang tính chiến lược cho chặng đầu quan trọng.
Thanh Xương, 1 trong 5 xã điểm về xây dựng NTM và hiện cũng là 1 trong 2 xã được chọn phấn đấu hoàn thành chuẩn NTM trong năm 2016 của huyện Điện Biên. Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, cho đến nay địa phương này đã hoàn thành 15/19 tiêu chí.
Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, đại diện chính quyền địa phương khẳng định, việc hoàn thành NTM vào năm 2016 là nhiệm vụ khá nặng nề, bởi phần lớn việc còn lại đều là những nội dung khó. Song vì mục tiêu chung, đứng trước nhiệm vụ chính quyền cấp trên giao, Thanh Xương đã hoạch định cho mình hướng đi cũng như giải pháp cụ thể, với quyết tâm cao.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã Thanh Xương cho biết: "Từ những đánh giá, rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua chúng tôi xác định công tác tuyên truyền vẫn là nhiệm vụ tiên quyết và quan trọng nhất. Sức dân đóng vai trò rất lớn, không chỉ là việc hiến đất mà là đóng góp công sức, tham gia vào các phần việc; tiếp đến mới là nguồn lực đầu tư trên cơ sở ưu tiên tập trung toàn bộ cho hoàn thiện hệ thống giao thông và thủy lợi, sau là cơ sở vật chất văn hóa, môi trường".
Với xuất phát điểm thấp, sau 5 năm bắt tay triển khai, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Điện Biên, xã Thanh Xương gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Với phương pháp, chính quyền đề ra chủ trương, định hướng để nhân dân bàn bạc, thống nhất cách làm, phát huy tính dân chủ, tự chủ của người dân nên Thanh Xương đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân trong triển khai các phần việc.
Trong đó, địa phương ưu tiên tập trung vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, tạo việc làm, thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng. Đó là lý do tạo nên những con số "ấn tượng" cho đến thời điểm hiện tại, như: Tốc độ tăng trường kinh tế toàn xã đạt 5%/năm; 90,15% lao động có việc làm thường xuyên, thông qua đó nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên mức 16,65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,01% (chuẩn nghèo đa chiều). Có 6/26 thôn, bản không còn hộ nghèo.
Bằng những kết quả và sự đổi thay vượt bậc mà NTM mang lại, người dân nơi đây đã có thêm niềm tin đối với chương trình cũng như chính quyền địa phương. Những ngày này, khi biết tin xã phấn đấu hoàn thành NTM vào năm 2016, họ lại càng phấn khởi hơn. Không khí thi đua lao động sản xuất lan rộng khắp các vùng dân cư, với quyết tâm dốc sức, đồng lòng cho mục tiêu chung.
Tương tự Thanh Xương, hiện xã Noong Hẹt cũng cơ bản hoàn thành 15/19 tiêu chí về NTM. 4 tiêu chí mà cả 2 xã này cùng chưa hoàn thiện là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Bởi vậy, đây sẽ là những phần việc chính mà huyện Điện Biên, cũng như chính quyền 2 địa phương xác định tập trung thực hiện trong năm 2016.
Để làm được việc này, theo ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên thì trong năm 2016, địa phương sẽ tập trung ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho Thanh Xương và Noong Hẹt, trong đó các giải pháp tăng cường kêu gọi đầu tư sẽ được triển khai bên cạnh việc tranh thủ lồng ghép các nguồn lực đầu tư vào địa phương để hoàn thiện các tiêu chí còn lại tại 2 xã trọng điểm này.
Cùng với mục tiêu đã xác định cho mình trong năm 2016, huyện Điện Biên cũng sẽ đứng trước không ít thách thức khi dự ước nguồn vốn cần để đầu tư hoàn thiện các công trình, hạng mục còn lại lên tới con số khoảng 25 tỷ đồng; trong khi đó, nguồn lực địa phương lại có hạn.
Cũng trong năm 2016, 3 xã trên địa bàn huyện sẽ chính thức được đưa ra khỏi danh sách thụ hưởng Chương trình 135, đồng nghĩa với đó là sự giảm sút tương đối lớn (ước tính gần 5 tỷ đồng/năm) về nguồn lực đầu tư, ngân sách cũng như chế độ, chính sách đối với người dân. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm quý báu rút ra từ xã Thanh Chăn, sự quyết tâm, đồng lòng thể hiện rất rõ từ phía Đảng bộ, chính quyền, cũng như mỗi người dân địa phương, nếu biết phát huy tốt, biến thách thức thành động lực để phấn đấu, thì có thể tin tưởng rằng Điện Biên sẽ làm được, và đó sẽ là sự mở đầu đầy thuận lợi cho chặng đường dài 5 năm (2016 - 2020) nhiều thử thách nhưng cũng đầy hy vọng đang chờ đón phía trước.
Theo Hà Linh (Nông Nghiệp Việt Nam)
TP.HCM làm NTM: Hướng tới thu nhập 60 triệu đồng/năm TP.HCM đang xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có mục tiêu thu nhập phải đạt 60 triệu đồng/người/năm. Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho rằng, để đạt chỉ tiêu này huyện phải nỗ lực rất lớn, bởi hiện thu nhập bình quân đầu người ở...