Thu nhập ngất ngưởng “triệu người mơ” tại các doanh nghiệp Nhà nước
Thu nhập của người lao động ở các doanh nghiệp Nhà nước quanh mức 20 triệu đồng, thậm chí vượt 30 triệu đồng/tháng không phải là hiếm có hiện nay.
Báo cáo chế độ, tiền lương, tiền thưởng của Công ty Hoa tiêu Hàng hải Khu vực I (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) vừa công bố mới đây cho thấy, mức thu nhập bình quân theo kế hoạch năm 2017 của khoảng 200 lao động tại doanh nghiệp này trong năm 2017 lên tới 32,8 triệu đồng/người/tháng.
Mức lương kế hoạch năm 2017 của Công ty Hoa tiêu Hàng hải Khu vực I dựa trên mức lương bình quân kế hoạch là 26,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lương, công ty này còn dành gần 16,4 tỷ đồng cho quỹ tiền thưởng, phúc lợi phân phối trực tiếp cho người lao động.
Người lao động tại nhiều công ty Nhà nước đang được hưởng mức lương, thưởng cao so với mặt bằng thu nhập chung
Công ty này được xếp hạng loại I trong hệ thống doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sau hai năm rưỡi kể từ ngày quy định về nghĩa vụ công bố thông tin của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu có hiệu lực thi hành từ 5/11/2015, doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ công bố.
Hiện tại, Công ty Hoa tiêu Hàng hải Khu vực I vẫn chưa công bố chế độ tiền lương và thu nhập thực hiện trong năm 2017, tuy nhiên, trong năm trước đó, công ty này đã chi trả mức lương thưởng cho người lao động vượt xa kế hoạch đặt ra.
Cụ thể, năm 2016, hơn 196 lao động của công ty này đã hưởng mức thu nhập bình quân lên tới 31,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn kế hoạch đặt ra 9,5%. Trong đó, mức tiền lương bình quân vượt kế hoạch 9,4% và quỹ thưởng, phúc lợi cũng vượt kế hoạch 4,7%.
Một điều hơi “ngược đời” ở công ty này đó là mức thu nhập bình quân của người quản lý doanh nghiệp tại đây lại thấp hơn nhân viên. Cụ thể, thu nhập bình quân của người quản lý chuyên trách chỉ là 27,18 triệu đồng/người/tháng và không chuyên trách là 6,45 triệu đồng/người/tháng trong năm 2016. Do đó, trong kế hoạch 2017, công ty này đã đẩy thu nhập bình quân của người quản lý chuyên trách lên 40,22 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ Công ty Hoa tiêu Hàng hải Khu vực I, năm vừa qua, không ít doanh nghiệp Nhà nước cũng đã công bố mức chi lương, thưởng cho người lao động ở mức cao khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Video đang HOT
Tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác hải sản Biển Đông (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), mức thu nhập bình quân của lao động công ích lên tới 31,28 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý chỉ ở mức 37,13 triệu đồng/người/tháng.
Tại lĩnh vực viễn thông, thu nhập bình quân của người lao động tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 18,88 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017 và dự kiến tăng lên 20,72 triệu đồng/người/tháng vào năm 2018 này.
Mức thu nhập tại VNPT nhìn chung khá cao nếu so với mặt bằng chung, song vẫn thấp hơn thu nhập của người lao động tại MobiFone. Năm 2017, mỗi lao động tại MobiFone hưởng mức thu nhập bình quân lên tới 24,68 triệu đồng/người/tháng, cao hơn kế hoạch và cao hơn thực hiện năm 2016 tới 7,4%.
Tổng công ty Dịch vụ Viễn Thông cũng không hề kém cạnh khi chi trả mức thu nhập bình quân cho người lao động ở đây trên 23,2 triệu đồng/người/tháng, vượt kế hoạch 2,7% và cao hơn thực hiện năm 2016 gần 15%.
Mức thu nhập bình quân cao ngất ngưởng tại Tổng công ty Truyền thông (thuộc VNPT) còn khiến nhiều người phải “choáng” với con số xấp xỉ 30 triệu đồng/người/tháng.
Và mới đây, một “siêu tổng công ty” là SCIC cũng vừa công bố lương, thưởng năm 2017, hé lộ thu nhập bình quân của người lao động tại đây năm qua là 36,7 triệu đồng/người/tháng, vượt kế hoạch 18%.
Như vậy có thể thấy, thu nhập của người lao động ở các doanh nghiệp Nhà nước quanh mức 20 triệu đồng, thậm chí vượt 30 triệu đồng/tháng không phải là hiếm có hiện nay.
Theo Bích Diệp (Dân Trí)
Tổ công tác của Thủ tướng sẽ kiểm tra 2-3 cơ quan mỗi tháng
Theo kế hoạch năm 2018, mỗi tháng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ kiểm tra từ 2 đến 3 bộ, cơ quan, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng.
Theo đó, trong năm nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ họp định kỳ mỗi tháng một lần để triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kiểm tra trong tháng; tiến hành kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương từ ngày 10 đến 22 hàng tháng.
Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra cũng như đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng những nội dung, vấn đề cần chỉ đạo những nơi được kiểm tra và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, gửi xin ý kiến các thành viên Tổ công tác, hoàn thiện báo cáo từ ngày 23 đến 28 hàng tháng; báo cáo kết quả kiểm tra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ của tháng.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về báo cáo kết quả kiểm tra của Tổ công tác, Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện. Những vấn đề lớn, Tổ công tác sẽ báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ để Chính phủ chỉ đạo trong Nghị quyết phiên họp.
Cũng theo kế hoạch, mỗi tháng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ kiểm tra từ 2 đến 3 bộ, cơ quan, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty.
Đối tượng kiểm tra là các bộ, cơ quan, địa phương có nhiều nợ đọng trong thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc có nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác cũng tái kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra nhưng vẫn còn tình trạng nhiệm vụ giao quá hạn chưa thực hiện.
Tổ công tác cũng sẽ kiểm tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ trong tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, phát triển sản xuất kinh doanh...
Tổ công tác sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng thể chế, xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018.
Tập trung đôn đốc, kiểm tra các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh (cắt giảm 50% so với hiện nay) theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các kết luận của Tổ công tác...
Tổ công tác cũng kiểm tra các bộ ngành, địa phương liên quan trong việc giải quyết các điểm nghẽn về logistics, như việc rà soát, cắt giảm chi phí logistics, nhất là chi phí liên quan trong lĩnh vực giao thông vận tải...
Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sẽ tập trung kiểm tra việc tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán; tập trung tìm kiếm các giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm.
Ngày 1/8/2016, trong phiên họp đầu tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ khóa mới ra mắt quốc dân đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu yêu cầu thành lập tổ công tác theo dõi việc thực hiện chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng.
Ngày 19/8/2017, Thủ tướng ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng.
Hơn một năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, Tổ đã tiến hành kiểm tra được 40 cuộc, trong đó 4 tháng cuối năm 2016 kiểm tra được 13 cuộc, năm 2017 đã kiểm tra được 27 cuộc.
Thông qua các buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao của bộ, cơ quan, địa phương để có biện pháp thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ.
Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, cơ quan, địa phương. Việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được các bộ, cơ quan, địa phương chú trọng, quan tâm hơn, kết quả chuyển biến rất tích cực, số nhiệm vụ quá hạn giảm nhiều so với thời điểm trước đó.
Từ 1.1.2017 đến 31.12.2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 21.914 nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan, địa phương. Nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành chỉ chiếm 1,38% (nhiệm vụ quá hạn năm 2014 là: 28,9%; năm 2015 là: 26,7%; năm 2016: Trước tháng 7/2016 thời điểm chưa có Tổ công tác của Thủ tướng là 25%, và đến 31/12/2016 còn 3,2%).
Theo Hà Chính (Báo Chính Phủ)
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Sáng 12.2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh...