Thu nhập đi theo đường “cặp táp” thì kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng thế nào?
“Các khoản thu nhập không minh bạch, không đi qua ngân hàng mà đi qua đường “cặp táp”, của chìm của nổi, nên không ai biết những người đó có bao nhiêu tiền để kê biên. Thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến trong đời sống xã hội, làm cho công tác nhận diện tài sản tham nhũng là rất khó khăn…”- TS. Dương Thanh Biểu đặt vấn đề.
TS. Dương Thanh Biểu- nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao.
Trao đổi với PV Dân trí, TS. Dương Thanh Biểu – nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá, dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, công cuộc đấu tranh đối với các loại tội tham nhũng đã thu được những kết quả quan trọng. Nhiều vụ đại án đã được đưa ra xét xử, đáp ứng mong muốn của nhân dân, thể hiện tinh thần đấu tranh “không có vùng cấm”. Tuy nhiên việc thu hồi tài sản sau các đại án vẫn để lại những dấu hỏi đáng lo.
- Cụ thể là gì, thưa ông?
- Theo số liệu vừa qua, các vụ án tham nhũng đã gây thiệt hại 1.521 tỷ đồng và 77.057 m2 đất, nhưng mới thu hồi được 329 tỷ, 314.000 USD và 3700 m2 đất (về tiền thì đã thu hồi đạt 22%, về đất đạt khoảng 4,8%).
Báo cáo 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng cũng cho thấy, hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát, thu hồi được.
Chúng ta đã từng nghe báo chí nêu nhiều vụ án tham nhũng, nhất là các vụ đại án vừa qua, Tòa án tuyên buộc bị cáo phải bồi thường rất lớn nhưng chẳng thu hồi được bao nhiêu.
Vụ án Vinashin trước đây, tòa án tuyên các bị cáo phải bồi thường 1.000 tỷ, trong đó Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch Vinashin) phải bồi thường thiệt hại cho Vinashin hơn 500 tỷ đồng, nhưng đến nay thi hành được rất ít ỏi.
Toà cũng từng tuyên Dương Chí Dũng – nguyên Chủ tịch Vinalines phải bồi thường cho Vinalines 110 tỷ đồng và lãi trả chậm, nhưng đến nay mới thi hành được trên 21 tỷ đồng. Cách đây không lâu cơ quan thi hành án dân sự Hà Nội còn ra quyết định chưa thu hồi được số tiền trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng vì “đã hết tài sản”.
Trong đại án liên quan đến “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như – nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM có khoảng 9.000 tỷ đồng không có khả năng thi hành án…
Và gần nhất, trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vừa kết thúc xét xử sơ thẩm cách đây ít ngày, bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN bị TAND Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù và buộc bồi thường 600 tỷ đồng; 6 bị cáo khác liên đới bồi thường 200 tỷ đồng cũng chắc chắn sẽ khiến cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Ông Đinh La Thăng tại một phiên toà (Ảnh: TTXVN).
- Trả lời báo chí, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) nhiều lần nhấn mạnh rằng các vụ án đó không có tài sản bị kê biên, phong toả trong quá trình điều tra, truy tố. Vì thế khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án dân sự rất vất vả để xác minh, thu hồi tài sản; nhiều vụ án phải thu hồi số tiền rất lớn nhưng không có tài sản đảm bảo, hoặc có rất ít ỏi. Còn theo ông, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất?
- Theo tôi tình trạng trên đây có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất: Việc quản lý tài sản của cán bộ, công chức còn bất cập. Số liệu của năm 2017 cho thấy tới trên 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ xác minh đối với 78 người (giảm 81,4% so với năm 2016). Kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, phản ánh của báo chí cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý.
Với số liệu này nhiều người chưa thật sự hài lòng về kết quả kê khai tài sản đối với tài sản của cán bộ, công chức. Chính vì vậy, chúng ta phải định hướng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần minh bạch hóa các giao dịch kinh tế và phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, việc quản lý đồng tiền của chúng ta còn lỏng lẻo, các khoản thu nhập không minh bạch, không đi qua ngân hàng mà đi qua đường “cặp táp”, của chìm của nổi, nên không ai biết những người đó có bao nhiêu tiền để kê biên. Thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến trong đời sống xã hội, làm cho công tác nhận diện tài sản tham nhũng là rất khó khăn…
Thứ ba, việc kê biên tài sản của bị can, bị cáo trong các vụ án gây thiệt hại lớn đến tài sản nhà nước. Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự quy định về kê biên tài sản chưa phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể tại Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chỉ mới quy định về điều kiện kê biên, thẩm quyền và các giai đoạn kê biện. Trong lúc đó, luật không quy định nghĩa vụ, trách nhiệm kê biện và những điều kiện bắt buộc phải kê biên. Cho nên thực tiễn cho thấy còn rất nhiều trường hợp không được kê biên. Khi tòa án tuyên buộc bị cáo phải bồi thường tài sản, nhưng các cơ quan pháp luật không biết thi hành thế nào.
Các vụ án Vinashin, Vinalines,… trước đây không thu hồi được tài sản cũng có nguyên nhân là không kê biên, phong tỏa tài sản. Gần đây, TAND TP Hà Nội tuyên buộc ông Đinh La Thăng phải bồi thường 630 tỷ đồng trong hai vụ án nhưng Đinh La Thăng không bị kê biên tài sản thì không hiểu sau này, khi bản án có hiệu lực việc thu hồi tài sản số tiền rất lớn đó sẽ như thế nào!
Cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình phải thi hành án 500 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ nộp lại rất ít ỏi.
- Ông có kiến nghị giải pháp gì để khắc phục ngay tình trạng trên?
- Chúng ta cần coi trọng việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Nếu không thu hồi tài sản được thì công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không đạt yêu cầu như mong muốn.
Cho nên, tôi kiến nghị cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 với tinh thần: Vụ án nào gây thiệt hại về tài sản là bắt buộc phải kê biên, phong tỏa tài sản từ lúc khởi tố vụ án, thậm chí trước khi khởi tố mà có căn cứ tẩu tán tài sản thì phải tiến hành kê biên.
Ví dụ, khi có đơn tố cáo, người bị tố cáo gấp rút tẩu tán tài sản để chạy trốn thì phải tiến hành kê biên, phong tỏa tài sản. Nếu vì lý do không kê biên tài sản để bị can bị cáo tẩu tán tài sản thì cơ quan và người tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, cần hoàn thiện chính sách pháp hoàn thiện về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức theo hướng mở rộng đối tượng kê khai và phải thực hiện việc công khai, minh bạch cho nhân dân, nhất là nhân dân nơi cư trú của người bị kê biên tài sản. Đây là biện pháp góp phần giúp việc kê khai tài sản đúng thực chất và xử lý nghiêm túc những người không trung thực khi tiến hành kê khai tài sản.
Đồng thời cần nghiên cứu hoàn thiệt pháp luật, hạn chế sử dụng tiền mặt như hiện nay, nhằm phù hợp với định hướng của Nhà nước về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần minh bạch hóa các giao dịch kinh tế và phòng, chống tham nhũng.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha
Theo Dantri
Ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của đối tượng liên quan án tham nhũng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp kịp thời xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong các vụ án tham nhũng để đảm bảo tổ chức thi hành án có hiệu quả.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank) có số lượng tài sản phải thi hành án rất lớn đang khiến cơ quan thi hành án đau đầu.
Theo Chỉ thị 05/CT-TTg về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm qua (6/2), để phát huy kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự, Thủ tướng chỉ thị Bộ Tư pháp cần xác định rõ định hướng phát triển hoạt động thi hành án dân sự phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch vững mạnh, phù hợp với quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 về xây dựng Chính phủ "kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân".
Bộ Tư pháp kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng và các vụ án về tham nhũng. Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp kip thơi xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong các vụ án tham nhũng để đảm bảo tổ chức thi hành án có hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; phối hợp hiệu quả với các cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng và nghiên cứu cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua.
"Kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm"-Chỉ thị 05 nêu rõ.
Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác tổ chức cán bộ trong Hệ thống thi hành án dân sự; bố trí, sử dụng có hiệu quả biên chế được giao và đảm bảo biên chế hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, kịp thời chỉ đạo UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc phối hợp cũng như trong hoạt động tổ chức thi hành án trên địa bàn.
Tập trung chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người mua, người nhận tài sản để thi hành án; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, các vụ án về tham nhũng và các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án.
Đáng chú ý, các địa phương phải chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là các trường hợp tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc thi hành án; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất kịp thời cung cấp thông tin, thu hồi, hủy bỏ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất liên quan đến việc thi hành án dân sự. Các trường hợp vi phạm thì xử lý nghiêm.
Thu hồi tài sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết đến nay vu Huynh Thi Huyên Như (Vietinbank) đã thi hành đươc 261 ty 655 triêu đông; vu Công ty Tài chính II đã thi hành 29 ty 963 triêu đông; vu Nguyên Đưc Kiên (Bầu Kiên) đã thi hành đươc 74 ty 102 triêu đông; vu Vinalines đã thi hành hơn 38 tỷ 904 triêu đông; vu Ngân hàng phát triên Đăc Lăc đã thi hành đươc 605 ty 283 triêu.
Việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, án tham nhũng-kinh tế vẫn có kết quả còn thấp, quá trình tổ chức thi hành án một số việc còn kéo dài, số tiền chưa thi hành đươc chuyển kỳ còn nhiêu do những khó khăn, vướng mắc.
Rõ nhất là việc đa số các vụ án có số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Ví dụ như việc thi hành án đối với Dương Chí Dũng trong vụ Vinalines phải nộp 110 tỷ đồng nhưng đên nay mơi thi hành đươc hơn 22,5 ty đông, trong đó số tiền số tiền bán tài sản đã kê biên chỉ thu được 14 tỷ đồng.
"Năm nay chúng tôi sẽ chỉ đạo thành lâp và đi vào hoat đông có hiêu qua cua các Tô chi đao giai quyêt các vu án lơn, như tô chi đao giai quyêt vu Huynh Thi Huyền Như, Vu Công ty tài chính II, Vu Vinalines... Đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thu hôi tài san trong các vu án tham nhung - kinh tê"-ông Khôi nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Vụ 10 cán bộ Navibank hầu tòa: Không triệu tập Phó Chánh án TAND Cấp cao Luật sư của các bị cáo đề nghị triệu tập Phó chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM đến dự phiên tòa xét xử 10 bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Navibank. Tuy nhiên, HĐXX cho là không có căn cứ để chấp nhận kiến nghị của các luật sư. Sau 3 ngày tạm nghỉ, ngày 12/3, phiên xử ông Lê...