Thu nhập của nông dân tăng 3,22 lần nhờ nghị quyết tam nông
Ngày 7.9.2018, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Có thể khẳng định, trong 10 năm qua, Nghị quyết tam nông đã tạo ra nhiều đổi thay cho khu vực này, giúp nông nghiệp phát triển vượt bậc, nông thôn đổi mới, cuộc sống của nông dân ngày càng ấm no.
“Làn gió” tam nông
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 – 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ USD so với năm 2008 và 6,14 tỷ USD so với năm 2013. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (trái cây, hạt điều, cà phê; tôm; đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc. Ảnh: IT.
Công tác giảm nghèo tiếp tục đạt được nhiều kết quả mới; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn 8,0% của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới cho nhiều địa phương, chưa bao giờ sức dân được huy động mạnh mẽ đến thế, chưa bao giờ những đổi thay về kết cấu hạ tầng của nhiều vùng quê lại lớn đến thế. Đến hết năm 2017, cả nước có 3.069 xã (34,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 305 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (so với năm 2010 chưa có xã đạt chuẩn; đến hết năm 2013 có 75 xã được công nhận đạt chuẩn, bình quân đạt 7,87 tiêu chí/xã, chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới). Thu nhập của cư dân nông thôn tăng gấp 3,22 lần, điều kiện sống được cải thiện nhanh.
Video đang HOT
Dù vậy, báo cáo của Bộ NNPTNT cũng thừa nhận, quá trình phát triển ngành nông nghiệp vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, những yếu kém nội tại mặc dù đã được khắc phục nhiều từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường. Tiêu thụ nông sản có lúc, có nơi bị chậm, ảnh hưởng đến sản xuất.
Năng lực cạnh tranh quốc gia, của sản phẩm và doanh nghiệp bị hạn chế do vốn đầu tư thấp, thiếu khoa học công nghệ tiến bộ, thiếu nguồn nhân lực lao động và quản lý chất lượng cao, hạ tầng chưa đồng bộ, cho tới nay có rất ít thương hiệu và chỉ dẫn địa lý gắn với nông sản.
Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện, nhưng còn thấp, chênh lệch với khu vực đô thị có xu hướng doãng rộng ra. Nông thôn vẫn hàm chứa những thành tố phát triển chưa bền vững. Vấn đề về môi trường nông thôn đang ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý.
Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển
Về quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn tới, Bộ NNPTNT cho biết, cơ bản giữ nguyên so với Nghị quyết, chỉ bổ sung một số ý: Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, có vị thế chính trị công bằng và có quyền hưởng lợi chính đáng những thành quả chung của đất nước. Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cần có chương trình riêng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; coi đây là biện pháp cơ bản thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và là cơ sở để định hướng chức năng cho nông nghiệp thời gian tới.
Việt Nam trở thành 1 trong 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Ảnh: IT.
Về mục tiêu tổng quát, Bộ NNPTNT xác định, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới; sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, theo chiều sâu, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả; phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và đô thị nông thôn; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Về giải pháp, Bộ NNPTNT cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp. Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp/hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở những vùng sản xuất tập trung…
Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với chất lượng và quy mô ngày càng nâng cao hơn. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi sang nghề phi nông nghiệp hoặc trở thành những nhà nông chuyên nghiệp.
Đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt tối thiểu 3%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo trên 45%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 3%/năm; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 90%; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 3 lần năm 2017.
Theo Danviet
Ngắm chiếc xe "ô tô mui trần" do 1 nông dân Nam Định chế tạo
Sau nhiều ngày tìm tòi, anh Hoàng Anh Tuấn ở thôn Quang Điểm, xã Yên Phương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã chế tạo thành công chiếc xe ô tô mui trần. Anh dùng động cơ xe máy để lắp cho chiếc xe ô tô 4 bánh này.
Từ nhiều tháng này, bà con ở thôn Quang Điểm, xã Yên Phương đã dần quen với việc chiếc xe ô tô mui trần của anh Hoàng Anh Tuấn chạy khắp xóm làng. Điều kì diệu là chiếc xe này lại do chính anh Tuấn làm ra. Chiếc xe có thể chở được 4 người. Nó vận hành khá trơn tru.
Chiếc xe ô tô mui trần do anh Hoàng Anh Tuấn chế tạo, chạy bon bon trên đường làng.
Anh Tuấn vốn là thợ mộc. Bao năm đưa gỗ vào khuôn khổ để kiếm sống, anh đã trải qua nhiều gian nan. Nhà anh có xe máy, nhưng khi chở thóc lúa ngoài đồng về, không chở được nhiều lại gặp nhiều nguy hiểm. Anh cứ ước mơ có chiếc xe ô tô chở hàng thì tiện biết mấy.
Gia cảnh vốn khó, ước mơ có ô tô mãi vẫn chỉ là mong ước. Thế rồi đầu năm 2018, anh nảy ra ý định, sao mình không tự làm lấy 1 chiếc xe ô tô cho mình. Ý tưởng của anh đưa ra nhiều người cho rằng không hợp thời. Nghĩ là anh bắt tay vào làm, tự anh vẽ, đo, thiết kế bộ khung ô tô. Anh dùng động cơ xe máy làm máy đẩy.
Anh Tuấn vẫn đang trong quá trình hoàn thiện chiếc xe ô tô mui trần này.
Sau cả nghìn lần làm đi, làm lại không thành công, số bản vẽ bỏ đi chất thành bao lớn. Nhiều lúc anh cũng thấy chán nản và nghĩ, trên thế giới, người ta có cả tập đoàn mới chế tạo được chiếc xe ô tô. Nay có mình anh thiếu thốn trăm bề, lại là lần đầu tiên làm, nên đôi lúc anh cũng chán nản.
Giây phút nản chí đó qua nhanh, ngày đêm, anh hì hụi vẽ rồi xé và rồi lại vẽ. Cuối cùng anh cũng dần hình thành được bản vẽ cho chiếc xe ô tô mui trần của mình. Khung sắt được đặt đúng cỡ rồi lắp bánh, lắp trục, vô lăng và kết nối các bộ phận lại với nhau. Công đoạn nào anh cũng phải làm đim làm lại cả trăm lần mới xong.
Theo Danviet
Đại hội Hội ND TP.Cần Thơ: Đổi mới vì lợi ích thiết thực của ND Đại hội đại biểu Hội Nông dân (ND) TP.Cần Thơ lần thứ IX (nhiệm kỳ 2018-2023) sẽ diễn ra ngày 29 và 30.8, với tinh thần "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển". Nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành Hội ND TP.Cần Thơ đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trong xây dựng tổ chức...