Thu nhập cao từ nuôi trồng “hàng độc”: Sống khỏe với con đặc sản
Chăn nuôi lợn, gà công nghiệp hay trồng lúa, rau màu… thường bấp bênh, rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Do đó, thời gian gần đây, một bộ phận nông dân đã chuyển hướng sang đầu tư chăn nuôi các loại con đặc sản, nhờ đó luôn giữ được giá bán cao, thu nhập ổn định. Đáng chú ý, việc chăn nuôi con đặc sản đã thu hút một số doanh nghiệp tham gia, biến những vật nuôi đặc sản trở thành hàng hoá có giá trị cao.
Trong lúc ngành chăn nuôi lợn công nghiệp đang rơi vào “tâm bão” giảm giá, nhiều người bị thua lỗ nặng thì những người nuôi lợn Mông, lợn rừng, hay nuôi gà đặc sản như gà Hồ, gà Đông Tảo… vẫn sống khoẻ.
Nhu cầu cao, nguồn cung còn ít
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhờ phát triển những giống gà đặc sản mà nhiều vùng chăn nuôi đã khởi sắc nhanh chóng về kinh tế, điển hình như tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có phong trào nuôi gà Đông Tảo; thị trấn Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) với việc bảo tồn và phát triển giống gà Hồ; xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) với con gà Móng; hay giống gà mía ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)… Những con gà đặc sản có giá trị lên tới vài triệu đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trong số những vật nuôi truyền thống, bản địa của Việt Nam thì thành công nhất chính là con gà lông màu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện tổng đàn gia cầm của cả nước khoảng 300 triệu con, trong đó chiếm 20 – 25% là gà công nghiệp lông trắng; 15 – 20% là gà đẻ trứng, còn lại chiếm khoảng 50 – 60% là gà lông màu mang gen bản địa.
Anh Nguyễn Văn Trường cho đàn gà Hồ ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). ảnh: Trần Quang
Các giống gà lông màu đang thống trị thị trường Việt Nam đều có nguồn gốc từ giống gà bản địa của nước ta như: Gà mía, gà ri, gà chọi, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà tre… trên cơ sở kết hợp ưu thế lai với giống gà mái nền Lương Phượng nhập ngoại. Ông Nguyễn Quý Khiêm – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) chia sẻ, đa phần các giống gà bản địa của Việt Nam đẻ kém, tốc độ sinh trưởng chậm, dài ngày nên giá thành cao, nhưng đổi lại khả năng chống chịu, thích nghi với thời tiết tốt, thịt thơm ngon hợp khẩu vị người Việt. Do đó, để phát huy tối đa lợi thế của các giống gà bản địa, chúng ta phải tận dụng thế mạnh của ưu thế lai.
TS Võ Văn Sự – Chi hội động vật quý hiếm (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cũng nhận định, do dễ nuôi và ít vốn hơn để nuôi so với các loài vật nuôi khác, nên việc chăn nuôi gà đặc sản trong giai đoạn vừa qua khá phát triển. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của gà đặc sản hiện nay vẫn khá hạn hẹp, phần lớn chỉ tiêu thụ trong các dịp lễ, tết hoặc chỉ bán được cho các nhà hàng, khách sạn; người tiêu dùng bình thường rất ít mua cho bữa ăn hàng ngày do giá bán còn tương đối cao. Đó là lý do khiến các mô hình nuôi gà Hồ, gà Đông Tảo… còn quá ít và nhỏ bé, không thấm thía so với nhu cầu ăn ngon của người tiêu dùng hiện nay.
Video đang HOT
Cần doanh nghiệp khai phá
Hiện bình quân mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cung cấp ra thị trường cho các doanh nghiệp, người dân khoảng 500.000 gà bố mẹ, đồng nghĩa với việc tạo ra khoảng 60 triệu gà thương phẩm, trong đó hầu hết gà giống có sử dụng mái nền là gà Lương Phượng. Gà mái Lương Phượng đẻ tốt, tốc độ sinh trưởng nhanh nên khi lai tạo với trống các giống gà bản địa như gà mía, gà Hồ, Đông Tảo, gà chọi sẽ cho ra con lai F1 có ưu điểm cả về hình thức, chất lượng thịt cũng như tốc độ sinh trưởng.
Để phát huy tốt tiềm năng vật nuôi đặc sản nói chung, cũng như những giống gà bản địa nói riêng, các chuyên gia ngành chăn nuôi đều cho rằng người nuôi cần chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách nuôi theo quy trình VietGAP; quay trở lại nuôi theo kiểu truyền thống (tức không kháng sinh, không cám tăng trọng, cho ăn nhiều rau xanh, lúa ngô…). Đặc biệt là cần phát triển với quy mô lớn hơn nhằm đảm bảo sự đồng đều, nhiều mẫu mã, nhất là giảm giá thành sản phẩm và tăng cường các mặt hàng chế biến.
Ông Nguyễn Đăng Chung – Giám đốc HTX Chăn nuôi gà Hồ, thị trấn Lạc Thổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết ông rất tin tưởng vào tương lai sáng của con gà Hồ. Sau thời gian vất vả giữ gìn giống gà Hồ quý khỏi nguy cơ tuyệt chủng, hiện trên địa bàn đã có khoảng 100 hộ nuôi gà Hồ, với tổng đàn gà gần 3.000 con.
Cũng gắn bó với vật nuôi đặc sản, từ nhiều năm nay chị Lê Thị Thuý Dung (Công ty Nông lâm ngư Quảng Ninh, đơn vị sở hữu trang trại lợn Móng Cái lớn nhất Quảng Ninh) đã nhận thấy tiềm năng kinh tế rất lớn từ giống lợn Móng Cái so với các giống lợn ngoại. Sau 5 năm gây dựng, hiện trang trại của chị Dung sở hữu trên 500 con lợn Móng Cái bố mẹ thuần chủng, mỗi năm cung cấp cho người dân khoảng 8.000 con lợn giống.
Chị Dung cho biết, ngoài những ưu điểm nổi trội, lợn Móng Cái có hai nhược điểm liên quan tới khả năng sinh sản và thịt hơi mỡ. Để khắc phục hạn chế này, chị Dung đã sàng lọc, tuyển chọn được những con nái Móng Cái có thể đẻ tới 15 – 18 con/lứa, còn lại đại đa số bình quân 12 – 14 con/lứa. Để giảm tỷ lệ mỡ, trang trại của chị sử dụng 100% thức ăn tự phối trộn từ ngô, sắn, cám gạo, rau xanh… và tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp, nhờ đó tỷ lệ nạc của con lợn tăng lên đáng kể, phù hợp với đa số đối tượng người tiêu dùng. Nhờ kết hợp với xây dựng thương hiệu, tích cực quảng bá nên sản phẩm tại trang trại của chị Dung hiện tiêu thụ rất thuận lợi, giá bán ổn định.
Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, hiện các công ty cung cấp giống gia cầm lớn cũng chủ yếu tập trung vào giống gà lông màu có sử dụng nguồn gen từ giống gà đặc sản bản địa trên cơ sở kết hợp ưu thế lai với giống gà mái nền Lương Phượng nhập ngoại.
Điển hình như Công ty Giống gia cầm Lượng Huệ mỗi năm sản xuất gần 20 triệu gà giống với tỷ lệ thuần chủng khoảng 70%. Còn Công ty Dabaco (Bắc Ninh) từ năm 2008 đến nay đã tập trung phát triển các giống gà lông màu, và gần đây còn nghiên cứu, phát triển giống gà 9 cựa đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để tung ra thị trường. /.
Theo Danviet
"Săn" trứng kiến, đãi nhà giàu
Những ngày nắng đầu hè là thời điểm dân chuyên đi "săn" trứng kiến ở Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc. Giá trứng kiến không hề rẻ, nhưng để "săn" được sản vật này không phải là dễ...
Sau nhiều lần lỡ hẹn vì trời mưa, cuối cùng chúng tôi cũng thỏa nguyện được theo chân anh Thành, huyện Bảo Thắng( Lào Cai) đi "săn" trứng kiến.
Theo anh Thành, tìm được tổ kiến không khó, cái khó là lấy tổ kiến xuống và làm sao để kiến bò ra ngoài còn để trứng ở lại. Ảnh: Thành Nam.
"Đặc sản" treo ngược cành tre
Hôm nay, trời nắng từ sớm, anh Thành cầm theo dao, túi ni lông chở tôi đi dọc đường Võ Nguyên Giáp. Thấy tôi thắc mắc, anh giải thích: Dọc tuyến đường này có nhiều bụi tre, nên có nhiều tổ kiến, không phải mất công tìm. Chỉ tay về phía xa, anh Thành nói với tôi: Chú có nhìn thấy tổ kiến trên ngọn tre kia không? Dựng xe sát đường, anh đi trước, tôi theo sau, leo con dốc đến bở hơi tai, chúng tôi đến được nơi có tổ kiến. Tổ kiến to, đen sì, vắt trên ngọn tre. Anh Thành cho biết, theo kinh nghiệm của tôi, tổ này nhiều trứng lắm, bởi tổ nào nhìn có màu đen bạc, thớ tổ to, cành cây hơi trĩu, y như rằng tổ kiến mẩy. Trước khi "săn" trứng kiến, anh đi lấy bó hoa lau. Tôi có hỏi, thì anh bảo tý nữa chú sẽ biết.
Anh Thành bảo tôi đứng ra xa, rồi thoăn thoắt leo, một đường dao sắc lẹm, đoạn ngọn tre có tổ kiến rơi xuống đất. Chọn nơi đất bằng, quang, anh vội vàng rải hoa lau xung quanh, rồi chặt đôi tổ kiến. Cả đàn kiến tràn ra, chạy toán loạn, gặp phải hoa lau, chúng bám chặt lấy. Thì ra là vậy, đó là mẹo để kiến không lao vào người. Cầm sống dao, gõ vào tổ kiến đã chặt đôi, từng hạt trứng trắng muốt như hạt gạo, căng mọng rơi xuống túi ni lông. Thỉnh thoảng, anh Thành phải thò tay vào trong người bắt những chú kiến "lọt" qua hoa lau, chui vào người. Nhấc túi ni lông đựng trứng kiến, thỏa mãn với thành quả đạt được.
Trứng kiến "săn" được mang về nhà có thể chế biến thành nhiều món ăn cực ngon, giàu chất dinh dưỡng, trong đó có bánh nhân trứng kiến. Ảnh: Thành Nam.
Trước khi "săn" trứng kiến, anh "ước chừng tổ này được nửa kg trứng đấy, ít có tổ nào được nhiều như vậy".
Nghề "săn" cũng lắm công phu
Nghỉ ngơi sau "trận ra quân thắng lợi", anh Thành dành thời gian kể cho tôi nghe chuyện "săn" trứng kiến. Anh theo bố đi lấy trứng kiến từ khi mới 10 - 12 tuổi. Cứ vào đầu tháng 3 âm lịch, là đến mùa lấy trứng kiến, anh lại theo bố leo đồi, leo rừng tìm tổ kiến. Được bố hướng dẫn tỉ mỉ, nên anh có nhiều kinh nghiệm "săn" trứng kiến. Anh Thành cho hay, chỉ khi trời nắng mới đi lấy trứng kiến, vì khi hạ tổ kiến xuống mà gặp nắng to, kiến sẽ tản ra ngoài, nên dễ dàng để lấy trứng. Còn nếu mưa, kiến "nằm lỳ" bên trong, rất khó lấy trứng.
Tuy nhiên, không phải loài kiến nào cũng có thể thấy trứng, mà phải loại kiến vàng, hoặc kiến nâu thì trứng mới thơm và ngậy. Lấy trứng cũng là một nghệ thuật, khi hạ tổ xuống, phải gõ thật nhanh, tránh kiến tấn công người và không để chúng kịp ăn trứng. Để lấy được trứng kiến, anh Thành cũng phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt. Bị muỗi, kiến cắn là chuyện thường tình. Thậm chí, nếu không cẩn thận, còn bị ngã khi chặt tổ kiến. Đã có lần anh bị ngã, nhưng rất may không nguy hiểm đến tính mạng.
Trứng kiến sau khi làm sạch giá bán không hề rẻ, từ 150-200.000 đồng/kg. Ảnh: Thành Nam
Tạm dừng câu chuyện, anh Thành giục tôi tiếp tục lên đường tìm trứng kiến. Ngày hôm ấy, anh lấy được gần 3 kg trứng kiến. Anh bảo: Đó là "lộc rừng" đấy. Mang "chiến lợi phẩm" về nhà sau một ngày đi rừng vất vả, anh Thành cẩn thận sàng sẩy sạch sẽ tạp chất và những chú kiến già lẫn trong đó, chuẩn bị làm món xôi trứng kiến thết đãi tôi. Qua tìm hiểu, tôi được biết, trứng kiến là sản vật ngon, lạ, bổ dưỡng. Hiện, trứng kiến được bán với giá 150.000 - 200.000 đồng/kg, nhưng không có để mua. Chỉ người có tiền mới dám mua ăn. Vì vậy, trứng kiến còn được gọi là "lộc rừng" để đãi nhà giàu.
Ngoài xôi trứng kiến, còn có nem trứng kiến, bánh bột nếp nhân trứng kiến, hoặc trộn lẫn trứng kiến với trứng gà, thịt băm để rán...Thế mới biết, trứng kiến là món ăn ngon, quý, đâu phải món ăn dân dã. Điều đó lý giải tại sao, nhiều người đi đường hỏi mua, nhưng anh Thành không bán mà để thết đãi tôi.
Theo Thành Nam (Báo Lào Cai)
Giải cứu người nuôi lợn: Bộ trưởng Bộ NNPTNT sẽ họp gấp với các DN Trả lời PV Dân Việt sáng nay (20.4), lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, ngay sau khi có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp giải cứu đàn lợn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã sắp xếp cuộc họp với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn...