Thu nhập bình quân đầu người Singapore gấp 30 lần Việt Nam
Mặc dù các nước đã nỗ lực để thúc đẩy thương mại và tự do hóa đầu tư, khoảng cách phát triển trong ASEAN trong những năm qua còn rất lớn. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Singapore gấp khoảng 50 lần Campuchia, 40 lần Lào, và 30 lần so với Việt Nam.
Trước thềm gia nhập AEC, Việt Nam vẫn nằm trong “Top” dưới của khu vực về trình độ phát triển – Ảnh minh họa
Trong năm 2015, Việt Nam sẽ đón nhận nhiều sự kiện quốc tế quan trọng. Đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nổi bật là kế hoạch gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Vietnam – EU FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó có thể nói kế hoạch gia nhập AEC có tầm quan trọng đặc biệt.
Trong thập kỷ qua, ASEAN đã và đang thành công trong việc thu hút đầu tư và tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do với một số đối tác thương mại lớn, hội nhập khu vực với nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều Hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các đối tác thương mại trong khu vực đã có hiệu lực nhằm khai thác tiềm năng to lớn về hợp tác và tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư giữa ASEAN với các đối tác, nhắm tới một khu vực ASEAN tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động có kỹ năng và tự do dịch chuyển dòng vốn.
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), với việc thành lập AEC, ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung, hướng tới sự phát triển năng động và cạnh tranh hơn; tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam như cơ hội về cắt giảm thuế quan, hưởng lợi ích từ việc áp dụng các thuận lợi hóa thương mại.
Dự kiến, AEC sẽ được hình thành vào cuối 2015, tạo ra thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất cho một khu vực rộng lớn với dân số lên tới 600 triệu người và GDP hàng năm gần 3.000 tỷ USD.
Video đang HOT
Tuy nhiên, báo cáo của CIEM cũng chỉ ra rằng, mặc dù các nước đã nỗ lực để thúc đẩy thương mại và tự do hóa đầu tư, khoảng cách phát triển trong ASEAN trong những năm qua còn rất lớn (đặc biệt là giữa các nước CLMV gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, và phần còn lại của ASEAN; giữa các nước Campuchia, Lào và Việt Nam (CLV) và ASEAN-6 về chỉ số phát triển con người – HDI).
Nếu lấy Việt Nam làm điểm mốc để so sánh thì khoảng cách thu nhập tính theo PPP trong ASEAN là rất đáng kể trong giai đoạn 2000-2012, trong đó, Lào và Campuchia có mức thu nhập thấp nhất, trong khi Singapore vẫn là nước giàu nhất .
Ví dụ như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Singapore gấp khoảng 50 lần so với Campuchia, 40 lần so với Lào, và 30 lần so với Việt Nam. So với Trung Quốc, khoảng cách giữa các nước CLV và Trung Quốc ngày càng doãng ra.
Các điểm số và xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) cũng chỉ ra sự khác biệt đáng kể về trình độ phát triển con người giữa các nước CLMV và phần còn lại của ASEAN (trừ Indonesia). Nhóm nước CLMV và Indonesia nói chung thường xếp hạng từ 100 trở lên. Các nước ASEAN khác có chỉ số HDI tốt hơn nhiều, đặc biệt là Singapore.
Ngoài ra, trừ Singapore và Brunei, xếp hạng chỉ số HDI của các nước ASEAN có chiều hướng đi xuống trong giai đoạn 2000-2013 và thực tế này phản ánh sự thiếu tiến triển trong lĩnh vực phát triển con người. Đặc biệt là Philippines thì chỉ số HDI đã tụt tới 40 bậc trong bảng xếp hạng từ thứ 77 xuống thứ 117 trong giai đoạn 2000-2013.
Xét chung cả giai đoạn 2001-2013, ASEAN là khu vực kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng, nhanh thứ nhì Châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2013, GDP của ASEAN đạt 2.400 tỷ USD, chiếm 3,3% GDP toàn cầu. Tính trung bình cả giai đoạn 2007-2013, GDP của các nền kinh tế ASEAN (trừ Brunei) tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới, điều này cho thấy các quốc gia ASEAN đã thể hiện khả năng chống chịu khá tốt với các cú sốc từ bên ngoài sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Năm 2013, tăng trưởng GDP của ASEAN là 4,9% trong khi tăng trưởng GDP của thế giới là khoảng 3%. Trong hơn một thập kỷ qua, nhóm các nước nghèo như Campuchia, Lào, Việt Nam nói chung có xu hướng tăng trưởng GDP nhanh hơn các nước giàu hơn (như ASEAN-6) mặc dù tỉ lệ tăng trưởng của tất cả các nước ASEAN đều có phần giảm sút ở giai đoạn sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên xét về khoảng cách thu nhập thì GDP bình quân đầu người giữa các nước còn rất lớn.
Bích Diệp
Theo Dantri
Tăng trưởng GDP cả năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ quý I/2015 tăng khả quan hơn cùng kỳ năm ngoái.
Giải thích cho nhận định này, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho hay: Tổng cầu cải thiện trước hết về cầu tiêu dùng. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2015 sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% so cùng kì năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của cùng kì 2014.
Mức tiêu thụ điện trong quý I/2015 cũng tăng nhanh hơn cùng kì năm ngoái, đạt mức 12,7% (cùng kì là 9,2%). Chỉ số niềm tin tiêu dùng (ANZ) cũng tăng, từ mức 135,4 điểm trong tháng 1 lên mức 142,3 điểm trong tháng 2. Điều này cho thấy người tiêu dùng lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Về cầu đầu tư cũng cải thiện khi dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng nhanh hơn cùng kì. Tính đến 20/3/2015 tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 1,25%, cao hơn nhiều so với mức giảm 0,57% của cùng kỳ năm 2014. Tình hình tín dụng cải thiện một phần do mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Tính đến 18/3 lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng ở mức 5,8%, giảm 0,2 điểm % so với đầu năm.
Trong khi đó, vốn FDI thực hiện trong quý I cũng tăng cao hơn cùng kì (7% so với 5,6%).
Tổng cung cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm. Điều tra PMI của HSBC cho thấy giá cả đầu vào đã liên tục giảm kể từ tháng 11/2014. Chi phí đầu vào giảm một mặt do giá hàng hóa thế giới giảm, nhất là giá năng lượng, một mặt do môi trường kinh doanh được cải thiện. Hệ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc, từ 70
(năm 2013) lên 68 (2014-2015), trong đó có sự đóng góp của những tiến bộ về thể chế và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, năng suất của nền kinh tế đã có sự chuyển biến và mức tăng trưởng dài hạn bắt đầu cải thiện từ quý 1/2014.
Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tích cực đến sản xuất kinh doanh
Bên cạnh đó, việc kinh tế tăng trưởng tốt cũng giúp bù đắp phần nào ảnh hưởng của việc giảm giá dầu đến thu ngân sách nhà nước. Lũy kế đến hết tháng 3/2015, mặc dù thu từ dầu thô giảm 35,9% so cùng kì thu nội địa tăng 19,6% so cùng kì. Nhờ đó, tổng thu NSNN lũy kế quý I đạt 226.000 tỷ đồng, vẫn tăng 10,3% so với cùng kỳ 2014.
Ủy ban này ước tính cho cả năm 2015, giá dầu bình quân 60 USD/thùng sẽ trực tiếp làm thu NSNN từ dầu thô giảm 37.000 tỷ đồng so với dự toán. Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua giảm chi phí sản xuất, nhờ đó thu NSNN từ khu vực sản xuất, kinh doanh có thể tăng khoảng 22.000 tỷ đồng so với dự toán (UBGSTCQG).
Ngoài ra, điều chỉnh phí và thuế nhập khẩu xăng dầu cũng như một số loại thuế khóa liên quan đến sử dụng xăng dầu có thể bù đắp giảm thu về dầu thô Với những yếu tố tích cực nêu trên, chưa tính đến khả năng giá dầu thế giới giảm xuống dưới 40 USD/thùng, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%./.
Theo VOV
HSBC: Tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn phải cẩn trọng Ngân hàng này nhận định sự suy giảm xuất khẩu của các công ty trong nước và ngành du lịch sẽ gây ra nhiều rủi ro suy thoái cho nền kinh tế. Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố GDP quý I/2015 tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2014. Theo HSBC, con số tăng trưởng...