Thử nghiệm thuốc viêm tụy chữa Covid-19
Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm đã phê duyệt một thử nghiệm lâm sàng đối với nafamuler – một loại thuốc chữa viêm tụy, để điều trị Covid-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết thuốc có thể ngăn chặn TMPRSS2, một loại enzyme trên bề mặt tế bào người, được nCoV sử dụng để tấn công cơ thể. Trước đó, nhóm chuyên gia từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard cũng phát hiện phân tử protein ACE2 với sự trợ giúp của enzyme TMPRSS2 có thể mở cánh cổng xâm nhập cho virus.
Khi đã tìm ra cơ chế hoạt động của mầm bệnh, các nhà khoa học tích cực thử nghiệm loại thuốc nhắm vào ACE2 hoặc TMPRSS2, trong đó có nafamuler.
Nghiên cứu được thực hiện tại 6 cơ sở y tế ở Hàn Quốc: Bệnh viện Đại học Quốc gia Gyeongsang, Bệnh viện Đại học Quốc gia Kyungpook, Trung tâm Y tế Seoul, Bệnh viện Đại học Dankook, Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan và Bệnh viện Yangsan trực thuộc Đại học Quốc gia Pusan.
Người đứng đầu thử nghiệm là giáo sư Bae In-gyu, Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đại học Quốc gia Gyeongsang.
Hàn Quốc phê duyệt thử nghiệm thuốc viêm tuỵ để điều trị Covid-19. Ảnh: AP
Đây là nghiên cứu “nhãn mở”, ngẫu nhiên có kiểm soát, tức là cả bác sĩ và tình nguyện viên đều biết mình đang cung cấp hoặc sử dụng loại thuốc nào.
Theo thông tin từ chính phủ, 84 bệnh nhân nhập viện trong vòng 72 giờ sẽ được chia thành hai nhóm. Nhóm đầu dùng nafamuler, số còn lại – nhóm đối chứng ngẫu nhiên, được điều trị bằng phương pháp tiêu chuẩn và hiệu quả nhất hiện tại. Các nhà khoa học sẽ tiến hành so sánh và đánh giá độ hiệu quả của thuốc trên các bệnh nhân Covid-19.
Các bệnh nhân đối chứng sẽ sử dụng thuốc kháng HIV Kaletra, thuốc sốt rét hydroxychloroquine, liệu pháp oxy, thở máy xâm lấn hoặc không xâm lấn, điều trị kháng sinh, lọc máu ngoài thận (CRRT), chạy thận, tim phổi nhân tạo (ECMO) khi cần thiết.
Mục tiêu là giảm thiểu các triệu chứng lâm sàng, được đo trên thang điểm 7 cấp độ, mức cao nhất là hồi phục hoàn toàn và có thể xuất viện.
Nafamuler vốn được cấp phép để điều trị bệnh viêm tụy hoặc chống đông máu. Gần đây, nhóm nghiên cứu tại Đại học Tokyo, Nhật Bản, cho biết thuốc hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19. Các nhà khoa học Đại học Yokohama và Đại học Zurich cũng đang tiến hành một thử nghiệm tương tự, được tài trợ bởi viện Đại học Padova, Italy. Thử nghiệm diễn ra ở Nhật Bản, Thụy Sĩ và Italy.
Nghiên cứu mới cho rằng virus Corona bay xa 8 mét
Một nghiên cứu gây tranh cãi của nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng mọi người cần giữ khoảng cách ít nhất 8 mét mới ngăn được virus Corona chủng mới lây lan.
Hành khách giữ khoảng cách an toàn ở sân bay tại Bangkok, Thái Lan . Ảnh AFP
Trong một nghiên cứu đăng trên chuyên san của Hiệp hội Y học Mỹ mới đây, phó giáo sư Lydia Bourouiba thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng việc ho hay hắt hơi có thể tạo ra các "đám mây thể khí" chứa virus Corona chủng mới bay xa tới 27 feet (hơn 8 mét).
Theo nghiên cứu của bà Bourouiba, "các đám mây thể khí" do con người ho hoặc hắt hơi ra chứa nhiều hạt dịch nhỏ mang mầm bệnh. Những hạt dịch này có thể làm nhiễm bẩn các bề mặt và tàn dư của nó có thể lơ lửng trong không khí trong vài giờ.
Bà Bourouiba trích dẫn một bài viết của Trung Quốc năm 2020 cho thấy phân tử virus Corona chủng mới đã được tìm thấy trong hệ thống thông gió trên trần phòng bệnh nhân Covid-19.
Vòng tròn phấn trắng giúp người Ấn Độ đứng giữ "khoảng cách xã hội" giữa dịch Covid-19
Theo bà Bourouiba, các biện pháp giữ khoảng cách xã hội hiện nay nhằm chống Covid-19 dựa trên mô hình truyền nhiễm bệnh dịch có từ những năm 1930 và có thể hạn chế về mặt hiệu quả, theo tờ USA Today.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ cần giữ khoảng cách 1 mét là đủ an toàn nhưng thông báo sẽ theo dõi kỹ những bằng chứng mới về chủ đề nói trên và cập nhật báo cáo khoa học này khi có đủ thông tin.
Hành khách giữ khoảng cách trên tàu ở Indonesia nhằm tránh lây nhiễm Covid-19 . Ảnh AFP
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và là thành viên tổ chuyên trách chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng, cho rằng nghiên cứu của bà Bourouiba là gây hiểu lầm, theo tờ New York Post.
Ông Fauci nói trong cuộc họp báo ngày 31.3 tại Nhà Trắng rằng phải hắt hơi rất mạnh thì các hạt dịch nhỏ mới bay xa được như bà Bourouiba nói. Vị chuyên gia này sau đó làm mẫu cho các phóng viên và cho rằng việc virus Corona mới bay xa 8 mét là điều phi thực tế.
Thuốc kháng HIV không chữa được Covid-19 nặng Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết thuốc kháng HIV Kaletra chưa đủ hiệu quả để điều trị Covid-19 ở bệnh nhân nặng. Nghiên cứu thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học Trung Quốc, công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 18/3. Kaletra là tổ hợp hai thuốc kháng virus lopinavir và ritonavir thường dùng trong điều trị...