Thử nghiệm thuốc sốt rét Quinine chữa Covid-19
Giới chức y tế Indonesia đang thử nghiệm Quinine, thuốc điều trị bệnh sốt rét, đồng thời đặt mua các loại thuốc được kỳ vọng trên thế giới để chữa Covid-19.
Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Bambang Brodjonegoro, sáng 17/5 cho biết đang thử nghiệm thuốc Quinine làm từ vỏ cây Cinchona, điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Quinine hiếm được sử dụng, cho đến khi các hãng dược phẩm phát triển thuốc tổng hợp Chloroquine điều trị sốt rét.
Bộ trưởng Bambang nhấn mạnh: “Chưa thể biết được Quinine có phải là một phương pháp điều trị hiệu quả chống Covid-19 hay không, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng với bất kỳ khả năng nào có thể chữa bệnh này”.
Cũng theo ông Bambang, Indonesia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng các phương pháp điều trị đã được áp dụng tại các quốc gia khác như thuốc Avigan và Hydroxychloroquine, đặt mua Remdesivir. Ngoài ra, nước này còn định tự phát triển các loại thuốc thảo dược chống Covid-19.
Video đang HOT
Nhân viên Viện Khoa học Indonesia nghiên cứu về thuốc thảo dược điều trị Covid-19 tại phòng thí nghiệm ngày 6/5. Ảnh: Antara / Muhammad Iqbal
Indonesia cũng đang phát triển vaccine Covid-19 với sự hỗ trợ của Viện Eijkman, ước tính mất khoảng một năm. Ông Bambang nói: “Nếu Indonesia hoặc các quốc gia khác tìm ra một loại vaccine khả thi, nhiệm vụ chính tiếp theo sẽ là sản xuất hàng loạt”.
Hiện các thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 chủ yếu trên thuốc cũ có công dụng khác nhau như thuốc kháng virus Remdesivir, thuốc chống sốt rét Chloroquine hoặc Hydroxychloroquine, thuốc ức chế HIV Ritonavir và Lopinavir, thuốc viêm khớp Interferon…
Trong đó, thuốc Remdesivir cho kết quả khả quan trong điều trị bệnh nhân Covid-19, được cấp phép sử dụng tại Mỹ và Nhật Bản.
Nguy cơ "kép"
Các chuyên gia y tế cảnh báo, châu Phi đang đối mặt nguy cơ "kép" về dịch bệnh, gồm dịch Covid-19 và bệnh sốt rét. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, với điều kiện y tế nghèo nàn, lạc hậu và nguồn lực tài chính như hiện nay, "lục địa Đen" sẽ là điểm nóng tiếp theo trên bản đồ dịch Covid-19 của thế giới.
Trong khi đó, theo kịch bản tồi tệ nhất, WHO dự tính số người chết do sốt rét tại khu vực hạ Xa-ha-ra ở châu Phi có thể lên tới 769.000 người trong năm nay.
Ảnh minh họa
Tính đến nay, châu Phi đã xác định hơn 30.300 người mắc Covid-19 và khoảng 1.400 người chết. So với các tâm dịch như Mỹ, các nước châu Âu hay Trung Quốc, thì hiện châu Phi vẫn được xem là khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh, những con số nêu trên không mô tả được hết nguy cơ tiềm ẩn của mối đe dọa Covid-19 ở "lục địa Đen", đồng thời cảnh báo sự bùng phát của dịch Covid-19 ẩn chứa nhiều nguy cơ nghiêm trọng và khó lường.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, châu lục với 1,3 tỷ dân này hiện cần tới 74 triệu bộ kit xét nghiệm Covid-19 và 30.000 máy thở chỉ trong năm nay để chống dịch. Tuy nhiên, 41 nước ở châu Phi hiện chỉ có gần 2.000 máy thở và có tới 10 nước hoàn toàn không có máy thở. Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế thiếu cả giường bệnh chuyên dụng với các thiết bị dùng cho người bệnh mắc Covid-19, cũng như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ cho đội ngũ y, bác sĩ... WHO cho biết, tỷ lệ giường bệnh ở châu Phi là gần 5 giường/triệu người, chênh lệch rất xa so với mức gần 4.000 giường bệnh/triệu người ở các nước châu Âu.
Lâu nay, châu Phi vẫn phải nhập khẩu hơn 90% các loại thuốc men và thiết bị y tế. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh hoành hành, hơn 70 nước trên thế giới đã hạn chế xuất khẩu vật tư, thiết bị y tế. Thêm vào đó, hiện nhiều nước đã đóng cửa biên giới hoặc tạm dừng hoạt động giao thông đường không. Thực trạng này đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến cơ hội tiếp cận và nhập khẩu thiết bị y tế trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí đối với nhiều nước châu Phi là "bất khả thi". Nhiều nước chỉ còn cách trông chờ vào sự giúp đỡ của WHO hay một số tổ chức cứu trợ quốc tế. Thêm vào đó, tại các nước nghèo và đang phát triển ở châu Phi, đội ngũ nhân viên y tế cũng thiếu hụt trầm trọng. Tỷ lệ bác sĩ ở châu Phi thuộc hàng thấp nhất thế giới, trung bình 1 bác sĩ/1.000 người dân, trong khi tỷ lệ này của Liên hiệp châu Âu (EU) là 37 bác sĩ/1.000 người dân.
Đối với châu Phi, tình trạng còn nghiêm trọng hơn nhiều ở những nơi mà giao tranh và xung đột vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ; những nơi mà tình trạng thiếu thốn lương thực và trẻ em suy dinh dưỡng là "căn bệnh kinh niên"; những nơi quanh năm cần cứu trợ khẩn cấp của quốc tế để ngăn chặn nạn đói; những nơi ngay cả khi không có đại dịch Covid-19 thì cũng vẫn phải chống chọi triền miên với nhiều loại dịch bệnh thông thường khác, trong đó có căn bệnh sốt rét.
WHO cảnh báo, theo kịch bản xấu nhất, số người chết do sốt rét ở châu Phi năm nay có nguy cơ tăng gấp hai lần so với năm ngoái và có thể lên tới 769.000 người chỉ riêng ở khu vực hạ Xa-ha-ra. Nguyên nhân là do hệ thống y tế tại các quốc gia nghèo khó ở khu vực này phải gồng mình đối phó với dịch Covid-19, giảm bớt sự tập trung vào những dịch bệnh cũ như sốt rét. WHO nêu rõ, nếu tất cả các chiến dịch phân phát màn chống muỗi bị đình trệ và nguồn cung các loại thuốc hiệu quả chống sốt rét giảm 75%, số người chết do bệnh sốt rét sẽ tăng lên mức cao nhất trong 20 năm, đảo ngược những thành tựu đạt được trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét toàn cầu suốt 10 năm qua.
Năm 2018, thế giới xác nhận thêm 228 triệu ca sốt rét tại 89 quốc gia và 405.000 người chết, không giảm kể từ năm 2015. Khu vực hạ Xa-ha-ra chiếm 93% số người mắc và 94% số người chết do bệnh sốt rét. Với tình hình này, hai mục tiêu cơ bản của Chiến lược toàn cầu chống sốt rét giai đoạn 2016-2030 do WHO đưa ra, là giảm ít nhất 40% tỷ lệ mắc và chết do sốt rét vào năm 2020, chắc chắn không thực hiện được, trong khi mục tiêu đến năm 2030 giảm 90% số người mắc mới và chết, cũng có nguy cơ cao bị bỏ lỡ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể gây ra cuộc khủng hoảng kép ở châu lục này, bao hàm cả lĩnh vực y tế, kinh tế cũng như an ninh. Theo ACDC, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có hành động đầy đủ như mong đợi để hỗ trợ các quốc gia châu Phi đối phó mối đe dọa của dịch bệnh. WHO ước tính nếu không sớm tìm mọi cách ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch Covid-19, số người nhiễm ở châu Phi có thể tăng vọt lên 10 triệu người trong vòng từ ba đến sáu tháng tới, và ít nhất 300.000 người sẽ chết vì dịch này. Thêm hàng chục triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, với những hậu quả thảm khốc kéo dài. Điều này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, hành động nhanh chóng của chính phủ các nước trước khi quá muộn. Bên cạnh đó, một lần nữa châu Phi lại cần đến sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để "lục địa Đen" không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại "kẻ thù vô hình" của cả thế giới.
ĐỨC ANH
Chó có thể đánh hơi phát hiện ra virus corona Các chú chó có thể tham gia vào lực lượng "chiến đấu" ngăn chặn sự lây lan của virus corona trên cơ thể người, nhất là những người không có triệu chứng bệnh. Trường đại học Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (LSHTM) cho biết do nhu cầu cấp thiết về xét nghiệm virus corona, trường đang chuẩn bị huấn luyện...