Thứ nếp lạ lùng ở Phú Thọ: Càng nắm càng sướng, dẻo dí dẻo dì
Anh Nguyễn Văn Dung ở khu 6, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập (Phú Thọ) cười bảo: “Các thứ xôi khác muốn nắm được phải xoa mỡ chống dính còn nếp gà gáy thì để nguội là nắm vô tư.
Càng nắm càng sướng, dẻo dí dẻo dì, đem chấm muối vừng nhắm rượu vào lắm. Ở quê tôi từ già trẻ đến gái trai đều thích ăn kiểu đó”.
Nếp của nàng dâu…ngủ quên
Chuyện rằng, một gia đình nghèo nọ chẳng có gì cho cô con gái làm của hồi môn về nhà chồng ở Mỹ Lung ngoài đẫy thóc nếp giống. Trước đêm tân hôn, mẹ chồng bảo con dâu chuẩn bị đồ xôi cho ngày mai làm lễ xuống đồng xong mọi người cùng về ăn. Bình thường, gạo nếp đều phải ngâm trước khi nấu khoảng 6-8 tiếng nhưng cô gái nọ đã ngủ quên đến khi tiếng gà gáy canh năm lọt vào lỗ tai mới choàng tỉnh giấc.
Niềm vui ngày mùa.
Vội vàng cô chạy vào buồng lấy thóc nếp ra xay chẳng may lấy nhầm luôn thóc giống của đã mẹ cho. Xay xong trời đã sáng rõ nên cô chỉ ngâm qua loa một lúc rồi đổ vào chõ đồ. Khi xôi vừa chín tới cũng là lúc mà mọi người lục tục từ đồng trở về. Cầm bát xôi lên ăn ai cũng tấm tắc khen ngon ngay cả bà mẹ chồng khó tính cũng phải bảo: “Chưa bao giờ xôi nhà ta lại dẻo, lại ngon như thế này, con quả là khéo tay!”.
Giật mình, chột dạ, cô gái vội chạy vào trong buồng thì mới hay mình đã lấy nhầm đẫy lúa giống mẹ cho, chỉ còn sót lại có một nắm. Từ chút lúa giống đó những vụ sau cô nhân dần lên, phần dành cho nhà mình cấy, phần biếu hàng xóm, láng giềng. Cái tên giống nếp gà gáy trứ danh bắt nguồn từ đó.
Xôi nếp gà gáy khi gói bằng lá dong có thể để cả ngày ăn vẫn dẻo.
Tôi cùng anh Dung ra đồng, nơi chỉ còn sót lại duy nhất giống nếp gà gáy dài tới 155 ngày với kiểu hình vô cùng đặc biệt, thân cao gần lút đầu người, bông thưa lơ thơ, hạt màu hơi am ám.
Nhà anh có 6 sào đất, vụ này cấy 3 sào tẻ, 3 sào nếp. Năng suất trung bình của giống nếp gà gáy chỉ đạt 1,1-1,2 tạ/sào, vụ nào tốt mới được 1,3 tạ nhưng cũng đủ để cho anh lãi ròng được 1 triệu/sào bởi giá HTX nhập vào đạt 20.000đ/thóc khô. Bao giờ cũng thế, anh đều bớt lại chừng 30 kg để xát ăn những dịp lễ Tết hay đãi đằng bè bạn.
Khác với kiểu cấy hai vụ như của anh Dung, nhà chị Nguyễn Thị Hương ở khu 5 trồng 5 sào nếp theo cách của ông bà, tổ tiên để lại là một năm chỉ cấy 1 vụ còn 1 vụ bỏ hóa. Hễ trên rừng cây cỏng đỏ lá thì chị mới đem thóc giống ra ngâm. Nước hoàn toàn từ trên trời rơi xuống hay từ trên núi chảy về, mát lạnh quanh năm. Bón tới 4 tạ phân chuồng/sào chị chỉ rắc thêm tí đạm.
Nhờ thế mà ruộng ít sâu bệnh hơn, năng suất hơn, đạt 1,5 tạ/sào-một kỷ lục. Hạt thóc căng tròn, vàng ươm, đồ xôi lên ăn rất tốn: “Ở trong vùng tôi hễ đi ăn cỗ có xôi gà gáy họ mới chịu ăn, mâm nào thừa còn xin về ăn tiếp”, chị tự hào.
Video đang HOT
Gạo mới ra lò.
Với 3 mẫu nếp gà gáy anh Hà Văn Cường trở thành người cấy nhiều nhất xã. Cũng nhờ thứ giống tổ tiên ban cho mà cuộc đời anh sang trang tựa như cổ tích. Vợ anh Cường kể: “Hơn 10 năm trước khi tôi về làm dâu thì căn nhà chỉ có tường đất, mái cọ mục nát nhìn thấy cả sao trời. Cột kèo bé bằng cây bương lại mối ăn, mọt đục đến nỗi thợ đến mua lợn sơ ý dựa vào bỗng đổ gãy cả. Vợ chồng tôi mua chịu cái máy làm đất, phần đi làm thuê, phần làm cho chính nhà mình. Anh em họ hàng hễ ai không cấy là chúng tôi xin nhận lại ruộng.
Vụ xuân trồng lạc vụ mùa thì trồng nếp gà gáy. Xưa, không biết kỹ thuật cấy cả chục dảnh một khóm nhưng giờ chỉ 2-3 dảnh. Xưa hàng nào cũng cấy giờ cấy một hàng bỏ một hàng nên ruộng thoáng, cây to, năng suất khá. Không có giống lúa nào cho mức lãi 2 triệu/đồng trên sào như nếp gà gáy. Trước đây chúng tôi bán lẻ, có thời điểm giá thóc lên tới 30.000đ/kg, giờ bán thẳng cho HTX, tuy chỉ 20.000đ nhưng lại ổn định, nhận một cục tiền hơn 50 triệu, đếm rất thích. Có được nhà to, cửa rộng như ngày hôm nay là nhờ cả vào nó!”.
Ăn một lần nhớ một đời
Anh Khúc Ngọc Tung, Giám đốc HTX Nếp Gà gáy Mỹ Lung kể tuy nếp gà gáy là đặc sản nhưng trước đây do tự để giống lâu ngày nên thoái hóa, phân ly tứ tung cả.
Thế rồi cơn đói của cái dạ dày đã lấn át đi sự tinh túy của cái lưỡi, những giống nếp mới năng suất cao được đưa về khiến nếp gà gáy có nguy cơ tuyệt chủng.
Năm 2005 tỉnh Phú Thọ cho phục tráng giống nếp quý này với diện tích 5 ha nhưng chẳng may vụ đó lũ về, bùn cát lấp mất 3 ha. Cán bộ cùng nhân dân đi bới bùn, gạt cát tìm từng bông lúa một rồi gột sạch đem về phơi…
Bắt đầu từ năm 2015 HTX đứng ra thu mua, diện tích lúa nếp gà gáy từ 18 ha thành 30 ha rồi các vụ sau 40 ha, 57 ha…Giá thóc khô có lúc tới 25.000đ/kg đội giá gạo lên 45.000đ/kg nên năm 2018 dân đua nhau cấy tới 105 ha.
Kỹ thuật không đảm bảo, vùng đất không thích hợp, không biết cách phơi nên chất lượng gạo một số nhà bị kém bán lay bán lắt mãi mới xong.
Đến năm nay HTX rút kinh nghiệm, ký hợp đồng bao tiêu với từng hộ một với giá 20.000đ/kg thóc nên diện tích ổn định ở mức 82 ha…
Anh Tung đang nắm xôi gà gáy.
Mỹ Lung nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi núi cao, quanh năm suốt tháng có dòng nước mát từ thượng nguồn đổ về tưới tắm cho các cánh đồng. Dân nhiều xã giáp ranh cũng thử cấy nếp gà gáy nhưng lạ thay chỉ cách một ngọn núi, con khe thôi mà chất lượng đã nhiều phần sai khác.
Bởi thân nếp thơm từ lá thơm đi nên sâu rầy đua nhau xuống phá. Thủa đầu khi con sâu đục thân đầu tiên xuất hiện trên đất này, nông dân không biết nó là giống gì mà bóc cây lúa ra, thấy đầu con sâu chúc xuống nước mà lại không bị chết. Lúa “chào cờ” hàng loạt, đơm bông nhưng không kết hạt, mỗi sào chỉ thu được 5-7 kg. Về sau, khi có kinh nghiệm, người ta mới giăng đèn ra đồng, bên dưới để một chậu nước pha dầu để bẫy sâu bướm thì mới trị được.
Bông nếp gà gáy rất thưa lại cao nên dân phải cắt từng bông, phơi từng cum (bó), lúc ngửa, lúc sấp kiên nhẫn đợi đến khô kiệt mới treo lên cái sào trong nhà, ăn đến đến đâu, xát đến đến. Nhờ vậy mà hạt gạo óng ả như hạt ngà.
Thóc gặt về, nhà nhà làm lễ cơm mới với con gà, ván xôi dâng lên ban thờ tiên tổ. HTX của anh Tung cũng vừa làm một cái lễ như vậy. Hạt xôi đầu mùa lấp lánh như có một lớp quang dầu bao phủ. Tôi đến đúng dịp vợ anh vừa đồ xôi xong.
Một phụ nữ Mường đang gói xôi cho bữa ăn truyền thống
“Nhập gia tùy tục”, chẳng phải đợi mời đến lần thứ hai, tôi ngồi xuống và bắt đầu nắm. Chỉ mới vài lần đã quyện như bánh giày. Miếng xôi dẻo thơm dần tan trong miệng để lại dư vị ngọt hậu nơi gốc lưỡi, đầu môi mà cổ họng không hề thấy nóng như nhiều thứ của nếp khác. Xôi gà gáy đợi nguội rồi gói bằng lá dong để qua đêm trong tủ lạnh mà ăn vẫn dẻo như mới chứ không cần đồ lại. Ai đã chót một lần ăn thứ xôi thì kể cả là xôi nếp cái hoa vàng cũng thấy nhạt mồm, nhạt miệng.
Theo Dương Đình Tường (Nông nghiệp Việt Nam)
Kì lạ: Ở nơi dịch tả lợn châu Phi... chừa ra!
Dù cả xã Xuân Thủy (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) xảy ra dịch tả lợn Châu Phi nhưng kỳ diệu là dịch lại "chừa ra" Khu 3 ở xã này, dù đây là khu vực nuôi lợn tập trung, lớn nhất xã.
Thấy xe lạ là báo động!
Đó là những đàn lợn của các hộ dân tại khu 3, xã Xuân Thủy (huyện Yên Lập) sau dịch, chuồng trại người dân vẫn đầy lợn nái, lợn thịt, lợn con... sống khỏe mạnh, hồng hào.
Điển hình gia đình ông Lương Đắc Thực, ở khu 3 (xã Xuân Thủy). Gia đình ông Thực đang nuôi 300 con lợn, trong đó có 30 con lợn nái đến thời điểm này chưa bị chết một con nào vì dịch tả.
Đàn lợn hàng trăm con của ông Thực tại khu 3 (xã Xuân Thủy) an toàn giữa vùng dịch.
Ông Thực kể, khi chính quyền thông báo dịch xảy ra trên địa bàn, các hộ nuôi lợn lo tới mất ăn mất ngủ. Ông và các hộ nuôi trong khu đã thực hiện chính sách "nội bất xuất, ngoại bất nhập", không giao lưu với những người dân trong làng, không ai qua nhà ai, chỉ nói chuyện qua điện thoại, mục đích cũng giữ tài sản cho nhau.
Bên cạnh đó, từ đường vào ngõ, đến chuồng trại ông thường xuyên rắc vôi bột, hàng ngày dọn dẹp chuồng trại 2 lần, cấm người lạ ra vào khu vực chăn nuôi... Nhờ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, chuồng lợn không còn mùi hôi như trước, đồng thời ông thực hiện một số biện pháp phòng tránh ngay từ khi lợn còn nhỏ, tiêm đẩy đủ các vắc-xin truyền thống để tăng sức đề kháng.
Tuy kinh phí bỏ ra gấp nhiều lần, ngày thường khoảng 50.000 đồng/ngày/con, hiện giờ lên đến 200.000 đồng/ngày/con, song đàn lợn của ông Thực sống sót, khỏe mạnh là thành công ngoài mong đợi. Hiện ông xuất bán 60 con với giá 44-45 nghìn đồng/kg.
Cũng giống hộ ông Thực, gia đình anh Võ Văn Huy, khu 3 (xã Xuân Thủy) có tổng đàn lợn gần 200 con vẫn an toàn. Anh chia sẻ, ngoài thực hiện đầy đủ tiêm vắc-xin, phun thuốc khử trùng tiêu độc, anh còn quy định chặt chẽ khâu ra vào chuồng trại. Mỗi lần vệ sinh chuồng trại chỉ có một người vào, vệ sinh xong phải thay quần áo, dày dép, các trang thiết bị... Mỗi lần vào chuồng trại đều có quần áo riêng, cứ một lần vào chuồng thì phải thay quần áo một lần.
Đàn lợn được vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày.
Đàn lợn sống được qua dịch, anh Huy bảo có sự may mắn, nhưng để cả làng nuôi lợn đều sống sót thì phải có sự thực hiện phòng chống dịch nghiêm ngặt của đồng thời từng người dân, người chăn nuôi, thương lái...
"Chúng tôi có lệ của làng, khi có người lạ, xe lạ người đầu làng phát giác là báo ngay cho người trong làng. Trong thời gian cao điểm chống dịch, không cho thương lái, xe chở lợn vào ra làng; không xuất không bán trong đợt cao điểm dịch" - anh Huy hào hứng cho biết.
Mua bán lợn "online"
Theo bà Nguyễn Thị Ngọ, Trưởng khu 3 (xã Xuân Thủy), trong khu có gần 80 hộ dân thì hơn 40 hộ nuôi lợn với số lượng mỗi hộ lên tới hàng trăm con. Khu 3 là nơi chăn nuôi tập trung quy mô lớn nhất, số hộ nuôi nhiều nhất trong xã, may mắn đến thời điểm này cả làng không có hộ nào có lợn xảy ra dịch.
Lý giải về việc đàn lợn trong khu rất lớn, nhưng vẫn thoát dịch, bà Ngọ cho biết trong khu chỉ tuân thủ 3 "bí quyết: Một là hàng ngày, người dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng, tiêu độc thường xuyên. Hai là trong thời gian có dịch, các xe chở lợn không cho ra vào trong làng, và ba là hạn chế người dân qua lại với nhau ở mức tối đa...
Sau dịch, nếu người dân có nhu cầu bán lợn phải có giấy kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm, có sự giám sát của cơ quan thú y mới bắt lợn cho bán. Xe chở lợn chỉ được ở đầu ngõ, phun khử trùng mới được cho chở lợn đi. Đặc biệt không cho thương lái vào chuồng trại, chỉ cho xem "online" qua hình ảnh qua điện thoại. Thời gian qua, các thương lái trong làng cũng tạm nghỉ ở nhà, không đi buôn nữa.
Thời gian này, người chăn nuôi "cấm cửa" người lạ vào chuồng trại.
Bà Ngọ cho biết thêm: Chúng tôi tuyên truyền các hộ chăn nuôi không được đi mua thịt lợn ngoài chợ. Nếu muốn ăn thịt lợn, thì chỉ mổ lợn trong làng, đảm bảo an toàn thì mổ lợn ăn chung với nhau. Đặc biệt là hầu như không một hộ chăn nuôi lợn nào bước chân đi chợ, nếu đi cũng tránh hàng thịt lợn.
Ông Phùng Xuân Tỵ, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho rằng, ý thức người dân quyết định sự sống sót của đàn lợn. Hơn nữa, còn có sự chung tay, tinh thần tự giác cao của các đại lý cám. Theo đó trước khi đi giao cám, phun khử trùng xe, đến nơi giao thì tập trung ở một khu vực đầu làng tiếp tục phun thuốc khử trùng và nghiêm cấm xe chở cám đi vào trong làng. Điều này đã góp phần hạn chế tối đa nguy cơ "rắc dịch" do các xe chở cám từ trại này sang trại khác.
Ông Nguyễn Văn Huy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Lập cũng cho rằng, việc các hộ dân chăn nuôi lợn, cũng như cộng đồng dân cư trong thôn cùng nhau đưa ra được biện pháp phòng chống dịch, và đồng lòng thực hiện nghiêm chính là yếu tố giúp đàn lợn tránh được dịch.
"Ý thức người chăn nuôi là yếu tố quyết định đến hiệu quả chống dịch. Các hộ dân ở đây tuyệt đối không có tinh thần ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, hay coi việc chống dịch là của riêng chính quyền. Các hộ đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện cách ly và tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt" - ông Nguyễn Văn Huy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Lập.
Theo Trần Hồ (Nông nghiêp Viêt Nam)
Phú Thọ: Cố tình đi qua đập tràn, xe ô tô bị nước lũ cuốn trôi Dù thấy nước dâng cao, ngập đập tràn, nhưng chiếc xe ô tô của hãng Toyota mang nhãn hiệu Yaris với 4 người ngồi trong vẫn cố tình vượt qua, hậu quả, chiếc xe này đã bị dòng lũ cuốn trôi. Chiếc "xế hộp" trở theo 4 người bị mắc kẹt giữa dòng nước xiết. (Ảnh: I.T) Tối 4/8, chia sẻ với PV,...