Thủ môn Văn Công và ‘cuộc chiến’ với Hồng Sơn
Khi được hỏi cuộc cạnh tranh vị trí có làm ảnh hưởng tới tình cảm với người đàn anh, Văn Công bật cười.
Thủ thành Nguyễn Văn Công có lẽ là sản phẩm tiêu biểu nhất của lò đào tạo Hà Nội T&T đến nay. Chàng trai sinh năm 1992 chuyển từ lò VST Nghệ An lên thủ đô năm 2009. Gia nhập đội một năm 2010 lúc 18 tuổi, anh bắt đầu gây ấn tượng mạnh và trở thành lựa chọn thứ hai sau Dương Hồng Sơn ở mùa giải 2011.
Văn Công dần trưởng thành để thay thế xứng đáng cho đàn anh Hồng Sơn. Ảnh: TTVH.
Khi đối thủ là thủ môn xuất sắc Việt Nam, Văn Công hiểu rằng anh phải rất kiên nhẫn. “Các thầy động viên là em chơi tốt nhưng chưa đủ sức thay thế anh ấy. Em chỉ tạm thời thay thế chứ chưa lật đổ anh ấy được. Em phải cố gắng tập luyện, điều gì đến sẽ đến thôi”, Văn Công tâm sự.
Hồi đầu mùa, Văn Công được bắt chính khá nhiều nhưng mùa giải càng trôi đi, Dương Hồng Sơn càng khẳng định được vị trí của mình. Dù vậy, lịch thi đấu dày đặc của Hà Nội T&T giúp Văn Công được ra sân không ít.
Chàng thủ môn tài năng chia sẻ: “V-League áp lực rất nhiều. Áp lực thành tích, khán giả hoàn toàn khác. Đồng tiền cũng khác nhau. Các sếp bảo phải cố gắng tập luyện chứ đừng nản. Em mà càng nản thì em càng thiệt”.
Khi được hỏi cuộc cạnh tranh vị trí có làm ảnh hưởng tới tình cảm giữa anh với Hồng Sơn, Công bật cười: “Tính của hai anh em lại hợp nhau chứ. Anh Sơn bảo đã vào sân là không có anh em. Nhưng khi rời sân, hai anh em không bao giờ căng thẳng trong đời sống cả. Nhiều lúc, em có những quả bóng sai trong cầu môn, anh Sơn vẫn ra chỉ bảo. Anh bảo quả này phải thế này, quả kia phải thế nọ. Nhưng trong đời sống, anh ấy ít nói. Anh ấy chỉ làm thôi. Anh Sơn không thích nói nhiều. Anh ấy bảo nói nhiều không tốt”.
Một lợi thế khác cho Văn Công là anh nhận được sự chăm sóc và quan tâm rất lớn từ trợ lý, HLV thủ môn, cựu tuyển thủ Trần Tiến Anh. Anh kể lại kỷ niệm của mình: “Có lần, em bay người nhiều quá, mệt, không bắt được nữa. Thầy Tiến Anh hỏi mày muốn tập thành thủ môn hay thành cửu vạn, tập thành cửu vạn là tập tạ, tập thủ môn là tập bay. Thế là em lại tập tiếp”.
Văn Công chỉ là sản phẩm điển hình nhất. Bên cạnh anh, Ngọc Đức, Duy Khánh cũng đang thể hiện sự tiến bộ khi được dìu dắt. Duy Khánh đang dần đánh chiếm vị trí chính thức ở trung tâm hàng thủ Hà Nội T&T từ tay trung vệ ngoại binh Sam Gallagher.
Theo VNE
Số phận trớ trêu của những thủ môn Đà Nẵng
Các người nhện Ngọc Thế, Xuân Nam, Đức Nam, Thanh Bình tài năng nhưng kém duyên để tỏa sáng.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, bóng đá Đà Nẵng liên tục sản sinh nhiều người gác đền tài năng, có thể kể đến thủ môn Đỗ Ngọc Thế, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Xuân Nam và Nguyễn Thanh Bình. Nhưng mỗi người lại có một ngã rẽ định mệnh khiến nhiều họ phải bỏ nghề dù đang ở độ chín sự nghiệp.
Thủ môn Xuân Nam và đàn anh Ngọc Thế (ảnh nhỏ) đều không có duyên để tỏa sáng. Ảnh:PL.
Có chiều cao trên 1m80 cùng khả năng làm chủ vòng cấm địa, Ngọc Thế từng được HLV Riedl kỳ vọng là thủ môn số một tuyển Việt Nam trước SEA Games 2003. Nhưng trong một lần đi bar sau trận vào tháng 4/2003, chàng thủ môn họ Đỗ bị chủ quán café Wonder đâm vào bụng. Nhát dao chí tử khiến Ngọc Thế không thể tiếp tục bắt bóng và phải từ giã sự nghiệp thủ môn không lâu sau đó.
Sau khi trở thành tài xế rồi mở trường tư thục mầm non ở Đà Nẵng, cựu thủ môn này vẫn tiếc nuối giá không có phút nông nổi tuổi trẻ, hẳn anh đã không phải tháo găng khi đang ở độ chín của sự nghiệp. Còn HLV người Áo Riedl cũng tiếc nuối khi bóng đá Việt Nam mất đi thủ thành tiềm năng.
Không lâu sau đó, CLB Đà Nẵng tiếp tục sản sinh thêm hai thủ môn tài năng là Đức Nam và Xuân Nam. Cũng như đàn anh Ngọc Thế, Đức Nam nổi lên từ giải U21 toàn quốc và hai lần được bầu chọn là thủ môn xuất sắc giải năm 2001 và 2003. Chàng thủ môn này cũng vinh dự cùng U21 Đà Nẵng lần đầu tiên vô địch quốc gia tại An Giang vào năm 2003.
Đen đủi cho Đức Nam khi anh không thể chen chân bắt chính khi khung gỗ khi Đà Nẵng lúc đó có hai thủ môn tên tuổi là Văn Hạnh và Đức Cường. Lăn lộn vào Bình Định rồi Quảng Nam, Đức Nam bắt đầu đặt dấu ấn cùng CLB xứ Quảng vô địch giải hạng Nhất mùa 2013. Tuy nhiên, chấn thương đứt dây chằng chéo vai trái buộc Đức Nam phải bỏ nghề và trở thành ông chủ sân cỏ nhân tạo ở gần sân bay Đà Nẵng lúc này.
Cậu em Xuân Nam nổi lên trong hai chức vô địch U21 toàn quốc của đội trẻ sông Hàn mùa 2008 rồi 2009. Nhưng cuộc đào thải khắc nghiệt ở sân Chi Lăng khiến Xuân Nam khoác áo Quảng Nam theo bản hợp đồng cho mượn từ mùa 2010. Đầu mùa 2014, anh này bất ngờ bị thanh lý hợp đồng. Có năng lực và chuyên môn tốt nhưng khi mùa giải đã cận kề, Xuân Nam buộc phải đi đá phủi giữ nghề và hỗ trợ bạn gái kinh doanh shop thời trang để chờ cơ hội ở mùa sau.
Nổi lên chậm nhất nhưng nhờ may mắn và nỗ lực, thủ môn Thanh Bình bắt đầu bắt chính từ mùa 2011. Từ người gác đền số 4 ở sân Chi Lăng, Bình trở thành tuyển thủ chỉ một năm sau. Những pha cản phá không tưởng, nhất là các tình huống một đối một với tiền đạo đội bạn là điểm mạnh của thủ môn sinh năm 1989, đóng góp công lớn giúp Đà Nẵng vô địch V-League 2012. Nhưng sau khi lên tuyển, Bình bắt đầu đánh mất sự tập trung lẫn cả may mắn của mình. Tình huống để thủ lưới đơn giản sau cú sút của Sim Woo Sub (Ninh Bình) ở đầu mùa khiến Bình trở thành thủ môn số hai sau Lê Văn Hưng.
Điểm yếu tâm lý, phát bóng yếu khiến thủ môn người Đà Nẵng mất vị trí ở khung gỗ đội nhà lẫn trên tuyển Việt Nam. Đó là điều đáng tiếc cho chính Bình dù anh vẫn được HLV Lê Huỳnh Đức bố trí ra sân luân phiên cùng Văn Hưng. Nếu Thanh Bình không lấy lại được phong độ và trượt dài như thời gian qua, anh sẽ lại là một thủ môn tài năng nhưng kém duyên người Đà Nẵng.
Theo VNE
Bộ ảnh đáng yêu của thủ môn Đặng Văn Lâm và bạn gái Chàng thủ môn Việt kiều cùng người yêu Ngọc Tuyền nhỉ nhảnh, trẻ trung trong bộ ảnh chụp tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Thủ môn có tên tiếng Nga Đặng "Lev" Shonovich có bố người gốc Việt được đào tạo tại hai lò bóng đá nổi tiếng nhất là Spartak và Dinamo Moscow từ năm 8 tuổi đến khi trở về...