Thu mớ tiền từ lúa… tái sinh
Với sức trẻ đầy nhiệt huyết, lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong trên con đường khởi nghiệp để làm giàu chính đáng bằng tài năng, trí tuệ của mình. Nổi bật trong số những đoàn viên thanh viên bước đầu khởi nghiệp bằng sản phẩm “gạo lúa chét Tràm Chim” mang lại hiệu quả thiết thực là anh Nguyễn Thanh Hiếu – Bí thư xã đoàn Tân Công Sính.
Trong một lần đến nhà bạn chơi, được bạn đãi cơm nấu từ gạo của hạt lúa chét rất thơm, ngon, anh Nguyễn Thanh Hiếu đã ấp ủ ý tưởng làm cho bằng được sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa chét trên đồng ruộng quê nhà.
Độc đáo “ gạo lúa chét Tràm Chim”
Nguyễn Thanh Hiếu với sản phẩm gạo lúa chét Tràm Chim. Ảnh: Trần Trọng Trung
Tôi đánh giá cao hiệu quả sản xuất gạo lúa chét Tràm Chim của anh Nguyễn Thanh Hiếu. Với góc độ là lãnh đạo UBND xã, tôi khuyến khích anh Hiếu mạnh dạn mở rộng mô hình này để các hộ dân tận dụng diện tích lúa sau thu hoạch vụ hè thu chăm sóc chét, tạo vùng nguyên liệu cung ứng cho anh Hiếu sản xuất gạo sạch…”. Ông Nguyễn Chí Khởi -
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Công Sính
Lúa chét còn được gọi là lúa rày, lúa tái sinh… Đây là loại lúa trổ từ gốc rạ sau khi nông dân thu hoạch lúa hè thu. Năng suất lúa chét đạt 5 – 7 giạ/công, nếu chăm sóc tốt có thể đạt hơn 10 giạ/công. Anh Nguyễn Thanh Hiếu cho biết: “Cây lúa này tự mọc lên từ gốc rạ sau khi bà con gặt lúa và nó tự sinh trưởng, nông dân không sử dụng bất cứ loại thuốc nào”.
Theo anh Hiếu, hầu như bà con đem lúa chét về cho vịt ăn. Do đã được dùng thử, thấy khá ngon, hơn nữa đây lại là lúa sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên anh muốn nâng sản phẩm phụ này lên một giá trị mới. Đó là một trong những xuất phát điểm khiến anh Hiếu quyết định làm một sản phẩm “gạo sạch” từ lúa chét…
Mùa nước nổi năm 2015, anh Hiếu nhờ một đoàn viên ở ấp mua giùm một bao lúa chét (khoảng 10kg) đem về xay thành gạo ăn. Sau khi nấu gạo lúa chét thành cơm, anh Hiếu và những người thân trong gia đình thấy cơm thơm, ngon và ngọt… Từ đó, anh Hiếu bắt tay vào làm ra sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa chét. Anh Hiếu mua lúa chét về xay xát ra gạo rồi đóng gói, đặt tên thành phẩm là “gạo lúa chét Tràm Chim” và đem ra giới thiệu trên thị trường… Sản phẩm được đóng 2 loại gói: một gói 2kg và một gói 5kg, giá bán 25.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Thanh Hiếu bày tỏ: “Đầu tiên, tôi cũng làm với sản lượng ít để đem bán thử ra thị trường. Bất ngờ lớn nhất của tôi là sau khi đóng gói bán, mặt hàng bán rất chạy, chúng tôi không đủ sản phẩm để cung cấp. Thấy vậy, tôi trực tiếp đến các hộ trong xã Tân Công Sính thu mua lượng lúa chét của bà con đang dự trữ trong nhà đem về xay ra gạo và đóng gói thành phẩm để bán…”.
Video đang HOT
Vụ lúa chét đầu tiên, anh Hiếu đã bán hết trên 400kg “gạo lúa chét Tràm Chim”. Điều đáng quan tâm là sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, đã có một công ty tại TP.HCM đặt hàng với số lượng lớn mà mùa nước nổi năm 2016, anh Hiếu chỉ cung cấp cho công ty được 2 tấn do cung không đủ cầu…
Đại diện công ty tại TP.HCM mua gạo lúa chét Tràm Chim của anh Hiếu bày tỏ: Người tiêu dùng ở Sài Gòn hiện rất ưa chuộng sử dụng gạo lúa chét Tràm Chim. Bởi, cơm nấu từ gạo lúa chét chẳng những thơm, ngon, giàu chất dinh dưỡng mà còn an toàn. Công ty đặt mua gạo lúa chét Tràm Chim với số lượng nhiều, nhưng anh Hiếu không đủ cung cấp do thiếu nguyên liệu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở thị trấn Tràm Chim đã mua và ăn cơm gạo lúa chét Tràm Chim cho biết: “Loại gạo này nấu cơm cũng nở, khô như gạo thường, ăn cơm có hương vị ngọt, thơm, ngon và hơi dẻo… Gia đình tôi rất thích ăn cơm nấu từ gạo lúa chét Tràm Chim, bởi loại lúa này không có dư lượng thuốc trừ sâu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình”.
Thành lập tổ hợp tác thanh niên thu hoạch lúa chét
Trầm người dưới nước gặt lúa chét. Ảnh: V.S
Trước những kết quả khả quan, anh Nguyễn Thanh Hiếu đang huy động thành lập Tổ hợp tác thanh niên thu hoạch lúa chét, vừa tạo việc làm lại giúp thanh niên có nguồn thu nhập ổn định trong mùa nước nổi. “Những thanh niên này sẽ đi ra những cánh đồng thu hoạch lúa chét đem về cho chúng tôi chế biến ra sản phẩm gạo sạch mang thương hiệu gạo lúa chét Tràm Chim để bán cho người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư thêm công cụ, máy móc hỗ trợ thêm trong việc thu gặt để đảm bảo cho hạt lúa sạch” – anh Hiếu cho biết.
Chỉ mới trên 30 tuổi, nhưng anh Nguyễn Thanh Hiếu đã có nhiều ý tưởng khởi nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp ở địa phương rất đáng tự hào. Trước đây, anh Hiếu là một trong những người sáng lập tổ hợp tác thực hiện thành công ý tưởng khởi nghiệp với nhiều sản phẩm đều do chính các đoàn viên tự tay nuôi trồng hoặc thu mua của nông dân rồi chế biến thành phẩm, như: Khô cá lóc, khô cá chạch, khô cá sặc rằn, củ kiệu làm dưa… lên quầy (ki-ốt) hàng đặc sản phục vụ du khách tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Từ quầy hàng đặc sản này, trung bình mỗi đoàn viên thu nhập thêm khoảng 1,2 – 2 triệu đồng/tháng, vừa trang trải được cuộc sống lại có thể mang những đặc sản quê nhà vươn xa nên ai cũng hăng hái… Hiện tại, anh Hiếu tiếp tục thực hiện hiệu quả ý tưởng độc đáo bằng sản phẩm “gạo lúa chét Tràm Chim”.
Theo kế hoạch, sắp tới, anh Hiếu sẽ mở rộng quy mô để tăng sản lượng sản phẩm gạo sạch từ lúa chét… Tuy nhiên, anh Hiếu vẫn còn băn khoăn về vùng nguyên liệu, vốn và công cụ máy móc… phục vụ cho việc làm ra sản phẩm gạo lúa chét.
Anh Nguyễn Thanh Hiếu chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là nguồn vốn để thu mua lúa chét và cần hỗ trợ về công cụ máy tuốt lúa phù hợp trên đồng. Khi dự án của tôi thành công, bà con nông dân cũng nên thay đổi tư duy làm lúa của mình. Thay vì bà con lên ô bao làm lúa 3 vụ thì chúng ta nên làm 2 vụ, hãy để cho đất nghỉ ngơi một thời gian, khi làm vụ sau sẽ trúng. Ngoài ra, bà con cũng có nguồn thu nhập phụ cao từ hạt lúa chét. Dù lúa chét cho sản lượng ít, nhưng bà con được lợi ích nâng lên tương đương với làm lúa vụ 3…”.
Anh Nguyễn Minh Thọ – Bí thư Huyện đoàn Tam Nông cho biết: “Tôi rất hoan nghênh Dự án khởi nghiệp từ thương hiệu “gạo lúa chét Tràm Chim” của anh Hiếu. Từ dự án này, không chỉ tạo việc làm và có nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân mà còn tận dụng những phế phẩm trong mùa nước nổi để tạo thành sản phẩm gạo ngon, an toàn và độc đáo”.
Theo Danviet
Thu nhập cao từ nuôi trồng "hàng độc": Sống khỏe với con đặc sản
Chăn nuôi lợn, gà công nghiệp hay trồng lúa, rau màu... thường bấp bênh, rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Do đó, thời gian gần đây, một bộ phận nông dân đã chuyển hướng sang đầu tư chăn nuôi các loại con đặc sản, nhờ đó luôn giữ được giá bán cao, thu nhập ổn định. Đáng chú ý, việc chăn nuôi con đặc sản đã thu hút một số doanh nghiệp tham gia, biến những vật nuôi đặc sản trở thành hàng hoá có giá trị cao.
Trong lúc ngành chăn nuôi lợn công nghiệp đang rơi vào "tâm bão" giảm giá, nhiều người bị thua lỗ nặng thì những người nuôi lợn Mông, lợn rừng, hay nuôi gà đặc sản như gà Hồ, gà Đông Tảo... vẫn sống khoẻ.
Nhu cầu cao, nguồn cung còn ít
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhờ phát triển những giống gà đặc sản mà nhiều vùng chăn nuôi đã khởi sắc nhanh chóng về kinh tế, điển hình như tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có phong trào nuôi gà Đông Tảo; thị trấn Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) với việc bảo tồn và phát triển giống gà Hồ; xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) với con gà Móng; hay giống gà mía ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)... Những con gà đặc sản có giá trị lên tới vài triệu đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trong số những vật nuôi truyền thống, bản địa của Việt Nam thì thành công nhất chính là con gà lông màu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện tổng đàn gia cầm của cả nước khoảng 300 triệu con, trong đó chiếm 20 - 25% là gà công nghiệp lông trắng; 15 - 20% là gà đẻ trứng, còn lại chiếm khoảng 50 - 60% là gà lông màu mang gen bản địa.
Anh Nguyễn Văn Trường cho đàn gà Hồ ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). ảnh: Trần Quang
Các giống gà lông màu đang thống trị thị trường Việt Nam đều có nguồn gốc từ giống gà bản địa của nước ta như: Gà mía, gà ri, gà chọi, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà tre... trên cơ sở kết hợp ưu thế lai với giống gà mái nền Lương Phượng nhập ngoại. Ông Nguyễn Quý Khiêm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) chia sẻ, đa phần các giống gà bản địa của Việt Nam đẻ kém, tốc độ sinh trưởng chậm, dài ngày nên giá thành cao, nhưng đổi lại khả năng chống chịu, thích nghi với thời tiết tốt, thịt thơm ngon hợp khẩu vị người Việt. Do đó, để phát huy tối đa lợi thế của các giống gà bản địa, chúng ta phải tận dụng thế mạnh của ưu thế lai.
TS Võ Văn Sự - Chi hội động vật quý hiếm (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cũng nhận định, do dễ nuôi và ít vốn hơn để nuôi so với các loài vật nuôi khác, nên việc chăn nuôi gà đặc sản trong giai đoạn vừa qua khá phát triển. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của gà đặc sản hiện nay vẫn khá hạn hẹp, phần lớn chỉ tiêu thụ trong các dịp lễ, tết hoặc chỉ bán được cho các nhà hàng, khách sạn; người tiêu dùng bình thường rất ít mua cho bữa ăn hàng ngày do giá bán còn tương đối cao. Đó là lý do khiến các mô hình nuôi gà Hồ, gà Đông Tảo... còn quá ít và nhỏ bé, không thấm thía so với nhu cầu ăn ngon của người tiêu dùng hiện nay.
Cần doanh nghiệp khai phá
Hiện bình quân mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cung cấp ra thị trường cho các doanh nghiệp, người dân khoảng 500.000 gà bố mẹ, đồng nghĩa với việc tạo ra khoảng 60 triệu gà thương phẩm, trong đó hầu hết gà giống có sử dụng mái nền là gà Lương Phượng. Gà mái Lương Phượng đẻ tốt, tốc độ sinh trưởng nhanh nên khi lai tạo với trống các giống gà bản địa như gà mía, gà Hồ, Đông Tảo, gà chọi sẽ cho ra con lai F1 có ưu điểm cả về hình thức, chất lượng thịt cũng như tốc độ sinh trưởng.
Để phát huy tốt tiềm năng vật nuôi đặc sản nói chung, cũng như những giống gà bản địa nói riêng, các chuyên gia ngành chăn nuôi đều cho rằng người nuôi cần chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách nuôi theo quy trình VietGAP; quay trở lại nuôi theo kiểu truyền thống (tức không kháng sinh, không cám tăng trọng, cho ăn nhiều rau xanh, lúa ngô...). Đặc biệt là cần phát triển với quy mô lớn hơn nhằm đảm bảo sự đồng đều, nhiều mẫu mã, nhất là giảm giá thành sản phẩm và tăng cường các mặt hàng chế biến.
Ông Nguyễn Đăng Chung - Giám đốc HTX Chăn nuôi gà Hồ, thị trấn Lạc Thổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết ông rất tin tưởng vào tương lai sáng của con gà Hồ. Sau thời gian vất vả giữ gìn giống gà Hồ quý khỏi nguy cơ tuyệt chủng, hiện trên địa bàn đã có khoảng 100 hộ nuôi gà Hồ, với tổng đàn gà gần 3.000 con.
Cũng gắn bó với vật nuôi đặc sản, từ nhiều năm nay chị Lê Thị Thuý Dung (Công ty Nông lâm ngư Quảng Ninh, đơn vị sở hữu trang trại lợn Móng Cái lớn nhất Quảng Ninh) đã nhận thấy tiềm năng kinh tế rất lớn từ giống lợn Móng Cái so với các giống lợn ngoại. Sau 5 năm gây dựng, hiện trang trại của chị Dung sở hữu trên 500 con lợn Móng Cái bố mẹ thuần chủng, mỗi năm cung cấp cho người dân khoảng 8.000 con lợn giống.
Chị Dung cho biết, ngoài những ưu điểm nổi trội, lợn Móng Cái có hai nhược điểm liên quan tới khả năng sinh sản và thịt hơi mỡ. Để khắc phục hạn chế này, chị Dung đã sàng lọc, tuyển chọn được những con nái Móng Cái có thể đẻ tới 15 - 18 con/lứa, còn lại đại đa số bình quân 12 - 14 con/lứa. Để giảm tỷ lệ mỡ, trang trại của chị sử dụng 100% thức ăn tự phối trộn từ ngô, sắn, cám gạo, rau xanh... và tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp, nhờ đó tỷ lệ nạc của con lợn tăng lên đáng kể, phù hợp với đa số đối tượng người tiêu dùng. Nhờ kết hợp với xây dựng thương hiệu, tích cực quảng bá nên sản phẩm tại trang trại của chị Dung hiện tiêu thụ rất thuận lợi, giá bán ổn định.
Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, hiện các công ty cung cấp giống gia cầm lớn cũng chủ yếu tập trung vào giống gà lông màu có sử dụng nguồn gen từ giống gà đặc sản bản địa trên cơ sở kết hợp ưu thế lai với giống gà mái nền Lương Phượng nhập ngoại.
Điển hình như Công ty Giống gia cầm Lượng Huệ mỗi năm sản xuất gần 20 triệu gà giống với tỷ lệ thuần chủng khoảng 70%. Còn Công ty Dabaco (Bắc Ninh) từ năm 2008 đến nay đã tập trung phát triển các giống gà lông màu, và gần đây còn nghiên cứu, phát triển giống gà 9 cựa đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để tung ra thị trường. /.
Theo Danviet
Khép lại Tự hào Nông dân VN 2016: Tạo động lực để ND tự tin hội nhập Khởi đầu là cuộc phát động thi viết "Tự hào Nông dân Việt Nam" (10.2015) và khép lại bằng Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016" (tối 14.10) cùng Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ nhất (16.10), Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" năm 2016 đã để lại âm vang tốt đẹp,...