‘Thủ lĩnh’ Trung… đồng nát và mục tiêu xóa toàn bộ trường tạm tại Việt Nam
Từ việc đi lượm ve chai bán lấy tiền làm thiện nguyện, Trung ‘đồng nát’ đã thành ‘thủ lĩnh’ của nhiều dự án tình nguyện với mục tiêu xóa toàn bộ trường tạm trên khắp Việt Nam và không để học sinh bỏ học vì đói.
Hoàng Hoa Trung với các trẻ em nghèo tại một trong những điểm trường được khảo sát để xây mới ở H.Mường Nhé, tỉnh Điện Biên – ẢNH: NVCC
Hoàng Hoa Trung (30 tuổi), Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin, đã có 11 năm hoạt động tình nguyện và làm được nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng. Anh Trung và nhóm Niềm Tin đang xây dựng 25 trường học cho trẻ em vùng cao; dự kiến năm 2025 xây được 100 điểm trường và mục tiêu xóa toàn bộ trường tạm tại Việt Nam vào năm 2040. Đặc biệt, từ 2014 đến nay, anh Trung còn thực hiện dự án nuôi 12.000 trẻ em nghèo.
Xóa trường tạm trên khắp Việt Nam
Trung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thời còn học phổ thông, Trung từng là học sinh giỏi nhưng năm lớp 11 phải vào học hệ B của một trường công lập vì bị “trù”. “Năm đó, tôi mất phương hướng và đã có ý định tự tử nhưng ở tận cùng của nỗi buồn, tôi lại tìm thấy niềm vui bằng việc giúp đỡ người khác làm động lực tồn tại”, Trung chia sẻ. Anh cũng theo học nghề 3 năm ở một trung tâm đào tạo của nước ngoài để trở thành lập trình viên quốc tế.
Hoàng Hoa Trung và nhóm Niềm Tin đã 3 lần được nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia của T.Ư Đoàn. Đầu năm 2020, Trung được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Trung là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019
19 tuổi, Trung theo đuổi hoạt động thiện nguyện. Dự án đầu tiên anh thực hiện là “Ve chai niềm tin” – một trong những dự án sớm nhất tại Hà Nội về gom ve chai gây quỹ. Chỉ trong 2 tuần triển khai thu gom đồng nát tại 10 ký túc xá sinh viên, anh có 10 triệu đồng để mua hơn 100 con gà và 4 con lợn giống tặng 10 hộ dân khó khăn “sống chung” với HIV tại H.Sóc Sơn, Hà Nội.
Sau đó là hàng loạt dự án bán bảo hiểm xe máy, bán nông sản cho bà con… được triển khai, gây quỹ gần 100 triệu đồng/năm. Cũng từ đó, Trung được gọi tên là Trung “đồng nát”.
Trung chia sẻ: “Điều thú vị nhất tôi từng làm đồng nát mà thành công rực rỡ là việc gom gốm hỏng, gốm lỗi tại Bát Tràng bán gây quỹ. Tôi đã đi xin từng nhà gốm, đào những khu vực bãi rác gốm để bán gây quỹ, được hơn 60 triệu đồng, trong hơn 3 năm để lấy tiền làm thiện nguyện”.
Với tư duy làm thiện nguyện bền vững, phải thực hiện các dự án có giá trị lâu dài, nên từ năm 2009, khi làm Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin, Trung đã thay đổi cách thực hiện tình nguyện bằng việc xây trường học và nuôi những trẻ em vùng cao. “Nhóm tình nguyện Niềm Tin thành lập từ năm 2003. Thời gian đầu, nhóm chủ yếu hoạt động tại Hà Nội, đến với các làng trẻ khuyết tật, mồ côi, lang thang, làng chài Long Biên. Từ năm 2009, khi Trung tiếp quản nhóm này, nhận thấy phong trào tình nguyện tại Hà Nội lan tỏa mạnh mẽ, có sự tham gia của rất nhiều thành phần, nhóm chuyển đối tượng là trẻ em vùng cao và thực hiện các dự án với tên gọi “Ánh sáng núi rừng” – chuyên xây trường học, thực hiện các dự án phụ trợ hỗ trợ điều kiện học tập, dạy học của thầy cô giáo, học sinh cùng dân bản”, Trung kể.
Từ 2012, dự án “Ánh sáng núi rừng” xây dựng thành công điểm trường đầu tiên tại Lai Châu. Từ đó tới nay, mỗi năm dự án xây trung bình 1 – 2 điểm trường. Năm 2018 có 4 điểm trường được xây dựng thành công; năm 2019 có 12 điểm trường đã và đang được xây dựng. Tính tới đầu năm 2020, có 25 điểm trường đã và đang xây dựng.
Video đang HOT
Hoàng Hoa Trung (thứ hai, từ trái qua) đại diện nhóm Niềm Tin nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019 của T.Ư Đoàn – ẢNH: ĐĂNG HẢI
Nuôi 12.000 trẻ em vùng cao
Một thành công lớn của Trung “đồng nát” trong 11 năm làm thiện nguyện là hình thành được một “hệ sinh thái” nuôi cơm trẻ em nghèo trên toàn quốc. Trung chia sẻ từ năm 2014, thấy một số trường học mới đã khang trang sạch sẽ hơn, nhưng trẻ vùng cao vẫn bỏ học vì đói.
“Buổi sáng có 20 em, chiều có khi chỉ còn 4 em. Khi theo các em sau giờ tan học mới biết là trẻ nhà xa, nghèo tới mức không có cơm ăn, chiều đến phải vào rừng nhặt hạt, đào măng, củ… về nhà tự luộc ăn nên các em không thể đi học buổi chiều”, Trung kể.
Dự án “Nuôi em” từ đó được phát động. Mô hình 1 người nuôi 1 em nhỏ bản cao, các nhà hảo tâm đều nắm được đầy đủ thông tin của học sinh mình nhận nuôi, biết mặt, địa chỉ, số điện thoại của thầy cô giáo, già làng, trưởng bản… Mỗi năm, người nuôi có thể chủ động lên thăm các bé hoặc đi theo chương trình chung của dự án.
Đến thời điểm này, anh Trung đã kết nối được 12.000 nhà hảo tâm nuôi cơm trưa cho 12.000 học sinh vùng cao. Nhờ dự án “Nuôi em”, có hàng vạn bữa ăn được triển khai, giúp các em có cơm ăn, giảm tỷ lệ bỏ học buổi chiều từ 80% xuống 5%. Không chỉ vậy, từ số tiền dư trong việc nuôi cơm trưa (do nghỉ lễ, tết…), dự án đủ tiền mua bình lọc nước sạch, áo ấm, chăn, chiếu hoặc nệm cho toàn bộ học sinh và hỗ trợ thầy cô trong dự án mỗi tháng 150.000 đồng…
Khi dự án “Nuôi em” lớn mạnh, Trung lại thực hiện dự án “Dũng sĩ bạt che phủ các điểm trường tạm chưa được xây mới”; tiến hành dự án “Được dạy – lắp năng lượng gió mặt trời” cho thầy cô cắm bản sâu chưa có điện.
Đặc biệt, Trung và nhóm tình nguyện Niềm Tin đã thực hiện dự án “Ra đi từ rừng”, nhằm tiêu thụ nông sản sạch cho phụ huynh học sinh và giáo viên của dự án “Nuôi em”. Số tiền này cũng giúp giáo viên có thêm thu nhập và cung cấp nông sản sạch cho những người nuôi, tạo thành một cộng đồng bền vững.
Ngoài ra, Trung “đồng nát” và cộng sự còn gây quỹ thực hiện các dự án như: Năng lượng gió mặt trời, Tủ sách vùng cao, Đồ chơi cũ… cho trẻ mầm non bản cao để điều kiện sống của giáo viên và học sinh những nơi này ngày một tốt hơn.
Nói về mong muốn của mình, Trung cho biết anh muốn tập hợp nguồn lực tình nguyện để làm được các dự án có giá trị bền vững và ý nghĩa lâu dài. “Chỉ cần 1 triệu đồng là đã có một hệ thống lọc nước dùng được 6 năm; hay chỉ cần 10 triệu đồng đã có một thiết bị ánh sáng dùng cho 30 hộ dân trong 10 năm…”, Trung cho hay.
Trung dự kiến tới năm 2025 sẽ gây quỹ, kết nối, và xây 100 điểm trường trên khắp Việt Nam. Từ đó kết nối hơn 30 đội nhóm thiện nguyện, tình nguyện, công ty thực hiện trách nhiệm xã hội với mục tiêu đến năm 2040 sẽ xóa toàn bộ trường tạm tại Việt Nam. “Từ những cái mù mờ nhất, tới giờ, sau 11 năm theo đuổi thiện nguyện, tôi càng vững tin mục tiêu đó sẽ đạt được vì Việt Nam có rất nhiều người giàu lòng nhân ái”, Trung kỳ vọng.
Đời vui vì có Phúc làm thiện nguyện
"Với em thiện nguyện là một trong những điều hiếm hoi không phân biệt tuổi tác, địa vị, tầng lớp, chỉ cần ta tình nguyện hướng tới và dám hành động vì cái thiện, cái tốt đẹp ở đời".
Cậu học trò 17 tuổi Lê Văn Phúc (học sinh lớp 12 trường chuyên Gia Lai, tỉnh Gia Lai) - điều phối viên của hơn 15 dự án vì cộng đồng, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một nhìn nhận sâu sắc như thế.
Lê Văn Phúc: Thiện nguyện không phân biệt tuổi tác, địa vị.
Lê Văn Phúc chia sẻ, ngay từ nhỏ em đã rất thích làm từ thiện nhưng khi ấy chưa có đủ điều kiện để làm nhiều việc có ích cho cộng đồng.
Tuy nhiên, suy nghĩ phải làm việc gì đó giúp đỡ người khác đã thôi thúc Phúc thành lập một hội, nhóm để quy tụ những bạn trẻ có cùng đam mê, nhiệt huyết cống hiến cho xã hội.
Ngày 2/9/2018, Phúc đứng ra thành lập CLB từ thiện Fly To Sky nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường. Lúc mới bắt đầu thành lập, CLB có 40 thành viên, chủ yếu là học sinh Trường chuyên Hùng Vương, TP Pleiku, Gia Lai.
Sau đó, thành viên của CLB cứ tăng dần lên đến con số 90, thành viên trẻ nhất mới 15 tuổi còn người lớn nhất gần 40 tuổi.
Dù bận rộn với việc học của một học sinh trường chuyên, là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, nhưng Phúc luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi của cá nhân cho công việc thiện nguyện, làm việc vì cộng đồng.
Các dự án cộng đồng do Phúc sáng lập đều hướng tới mục tiêu giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật ở các trung tâm bảo trợ xã hội và học sinh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Tiêu biểu như dự án "Đổi sách lấy cây" được tổ chức 4 đợt trong vòng hơn 1 tháng tại Pleiku, Gia Lai vào năm 2019 đã thu hút được đông đảo người tham gia. Các tình nguyện viên (TNV) đã tạo ra những điểm đổi cây lấy giấy, sách cũ từ người dân. Sau đó, giấy loại, giấy cũ được các bạn trẻ phân loại bán đồng nát, còn sách cũ được các TNV phân loại tặng cho học sinh nghèo.
"Khó nhất lúc của chúng em là niềm tin của Mạnh Thường Quân. Mỗi cây sen đá khi đó phải mua với giá 8.000 đồng/cây. Vốn không có, chúng em phải mua chịu và xin chủ vườn cho thanh toán sau khi thu tiền từ bán giấy lộn. Rất may, lòng tốt của chúng em đã lan sang cả các Mạnh Thường Quân. Dự án đó chúng em chỉ phải bỏ tiền mua 500 cây sen đá ban đầu, hơn 1.000 cây còn lại được các Mạnh Thường Quân tặng cho chương trình khi hiểu được ý nghĩa của dự án", Phúc hồ hởi kể lại.
Các tình nguyện viên (TNV) tham gia dự án "Đổi sách lấy cây" của Lê Văn Phúc.
Nói thêm về dự án này, Phúc cho biết: "Sau khi triển khai 4 đợt, nhóm đã thu được gần 10 tấn giấy, sách, phân loại được 500 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 tặng cho học sinh nghèo trong dự án "Cùng em tới trường" tại huyện nghèo Kong Chro (Gia Lai); hơn 2.000 đầu sách tham khảo, truyện các loại làm "tủ sách Bồ Câu Trắng" tại 2 trường nghèo cũng tại huyện này. Ngoài ra, dự án cũng thu được hơn 25 triệu đồng từ việc bán giấy vụn và sẽ được dành mua quà tết cho trẻ em nghèo nơi đây".
Không chỉ tham gia các dự án cho học sinh, nhóm thiện nguyện của Phúc cũng thực hiện thường xuyên những chương trình vì cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đơn cử cuối năm 2018, khi biết hoàn cảnh gia đình chị Ksor H'Bét (ở thôn Teng Nong, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) phải sống tạm bợ trong căn nhà chưa đầy 9m2, cuộc sống hết sức bấp bênh, Phúc đã cùng các bạn trong Câu lạc bộ Fly To Sky tổ chức đêm nhạc từ thiện, quyên góp tiền và nhu yếu phẩm hỗ trợ gia đình chị vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, Phúc "bật mí", em đang đầu tư thực hiện Dự án "Smile class"- dạy học tiếng Anh miễn phí giúp học sinh khuyết tật có cơ hội học ngoại ngữ.
Cụ thể, dự án của Phúc bao gồm dạy tiếng Anh, tiếng Việt và cả kỹ năng sống cho học sinh nghèo mồ côi khuyết tật - một mô hình dạy giao lưu, kết nối, trau dồi kỹ năng sống cho các em thông qua các bài học. Lớp tiếng Anh sẽ tổ chức mỗi tuần 2 buổi (Thứ 7 & CN); lớp tiếng Việt kỹ năng sống dạy 1 tháng 2 buổi (dạy về các kỹ năng cơ bản, học về cách bảo vệ môi trường, yêu động vật, trò chơi thể chất...), giúp các em có thể vừa học vừa chơi.
Ngoài ra, nhóm của Phúc cũng đang điều phối một loạt các dự án như: Lớp học tương lai - chia sẻ cách phòng chống xâm hại trẻ em (1 tháng 1 buổi được tài trợ bởi UNWOMEN); Dự án Cùng em tới trường - Trao tặng quà cho 500 em học sinh và học bổng cho gần 30 em học sinh đến trường, kết hợp tổ chức chương trình Gian hàng giá 0 đồng với tổng kinh phí gần 70 triệu đồng...
Trong các dự án thiện nguyện do Phúc sáng lập hoặc làm điều phối viên, em luôn sẵn lòng tham gia các hoạt động thiện nguyện với vai trò TNV, trực tiếp tham gia từ việc nhỏ nhất cho tới vai trò điều phối, dẫn dắt và tạo động lực cho các thành viên khác.
Trong năm 2019, nhóm của Phúc đã thực hiện thành công hơn 10 chương trình, dự án với tổng kinh phí tiền mặt (không tính hiện vật tài trợ) gần 200 triệu đồng; hỗ trợ được gần 2.000 trẻ em, hơn 2.000 phần quà, 50 suất học bổng tiền mặt, hỗ trợ được gần 50 em được tiếp cận về kỹ năng sống thông qua kiến thức.
Thông qua các hoạt động, Phúc đã kết nối 200 tình nguyện viên, chủ yếu là học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia hoạt động tình nguyện.
Về điều hài lòng nhất ở năm 2019, Phúc nói ngắn gọn: "Đó là tình cảm chân thành từ mọi người".
Theo Phúc, cuộc sống vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng có rất nhiều tấm lòng sẵn sàng sẻ chia, đùm bọc. "Em sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện này dù cho năm 2020 sẽ phải dành thời gian thi đại học. Em sẽ cân đối được và làm được, bởi khi mình đam mê thực sự, không có gì khó, từ thiện không dành riêng cho bất cứ độ tuổi nào"", Phúc quả quyết.
Trời thương mình, mình thương người Quận 8, TP.HCM có anh Lê Văn Lâu (48 tuổi, quê Tiền Giang) hơn 10 năm qua chắt chiu âm thầm xây nhiều cây cầu gần chục tỉ đồng, xây nhà tình thương, làm thiện nguyện, giúp đỡ những số phận khó khổ tại chính nơi mình lớn lên. Anh Lê Văn Lâu hướng dẫn con trai làm nghề thợ bạc - Ảnh:...