Thủ lĩnh tối cao bí ẩn của Taliban lần đầu xuất hiện
Thủ lĩnh “trong bóng tối” của Taliban, Haibatullah Akhundzada, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong cuộc họp với những người ủng hộ ở thành phố Kandahar, Afghanistan.
Thủ lĩnh tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada (Ảnh: AFP).
Theo các quan chức Taliban, thủ lĩnh Haibatullah Akhundzada đã “trao đổi với các binh sĩ dũng cảm và kỷ luật” tại cuộc gặp mặt ở thành phố Kandahar, Afghanistan hôm 30/10.
An ninh được thắt chặt tại sự kiện trên. Không có hình ảnh hoặc video nào được công bố, nhưng một đoạn ghi âm dài 10 phút đã được chia sẻ trên các tài khoản mạng xã hội của Taliban.
Ông Akhundzada, người được xem là thủ lĩnh tinh thần của Taliban, đã đưa ra một thông điệp tôn giáo. Bài phát biểu của ông không đề cập đến vấn đề chính trị.
Ông Akhundzada cũng cầu nguyện cho những người Taliban đã thiệt mạng, các chiến binh bị thương và cầu nguyện cho sự thành công của giới lãnh đạo Taliban trong “cuộc thử nghiệm lớn” này.
Video đang HOT
Ông Akhundzada trở thành thủ lĩnh của Taliban trong một cuộc chuyển giao quyền lực nhanh chóng, sau khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi năm 2016.
Mặc dù giữ vai trò thủ lĩnh tinh thần của Taliban, nhưng ông Akhundzada vẫn là một nhân vật sống ẩn dật, kể cả sau khi Taliban lật đổ chính quyền do phương Tây hậu thuẫn và lên nắm quyền tại Afghanistan hồi tháng 8.
Sự kín tiếng của Akhundzada đã làm dấy lên những đồn đoán về vai trò của ông trong chính phủ mới của Taliban, thậm chí từng có tin đồn về cái chết của thủ lĩnh này.
Vào thời điểm Taliban công bố chính phủ mới tại Afghanistan hồi tháng 9, ông Akhundzada vẫn giữ vai trò lãnh đạo tối cao, người có quyền tối thượng đối với các vấn đề chính trị, tôn giáo và quân sự của Taliban.
Trong tuyên bố đầu tiên sau khi Taliban lên nắm quyền, ông Akhundzada cho biết Taliban “sẽ xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá”. Ông Akhundzada tuyên bố Taliban cam kết tuân theo tất cả các luật, hiệp ước và cam kết quốc tế không mâu thuẫn với luật Hồi giáo, từ đó sẽ điều chỉnh mọi hoạt động điều hành đất nước ở Afghanistan.
Là giáo sĩ cứng rắn, ông Akhundzada dành phần lớn thời gian lãnh đạo Taliban trong bóng tối. Thay vì lộ diện, ông cũng để những người khác dẫn đầu trong các cuộc đàm phán cuối cùng trước khi Mỹ và các đồng minh rút khỏi Afghanistan sau 20 năm can thiệp quân sự.
Ngay cả những thông tin cơ bản như tuổi tác của ông Akhundzada cũng khó xác minh. Người ta cho rằng ông khoảng 60 tuổi.
Một số nhà phân tích nghiên cứu về Taliban nói rằng ông Akhundzada là người chỉ đạo, hàn gắn những chia rẽ trong tổ chức và quản lý việc đối phó với các đồng minh và đối thủ quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có những người nói rằng ông Akhundzada thực chất chỉ là “bù nhìn”, được chọn làm ứng cử viên thỏa hiệp trong thời điểm Taliban có nhiều biến động, trong khi quyền lực thực sự thuộc về các phe nhóm quân sự của Taliban.
Xuất thân từ một gia đình tôn giáo nghiêm khắc ở Kandahar, thành phố lớn thứ hai Afghanistan, ông Akhundzada là một trong những thành viên ban đầu của Taliban – một phong trào nổi lên ở tỉnh Helmand phía nam sau đống tro tàn của cuộc nội chiến Afghanistan.
Khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan từ năm 1996-2001 và thi hành luật Hồi giáo Sharia cùng chế độ hà khắc, ông Akhundzada giữ vai trò là người đứng đầu hệ thống tư pháp của Taliban.
Sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan và lật đổ Taliban sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, ông Akhundzada được cho là đã trốn sang Pakistan, nơi ông thuyết giảng tại một nhà thờ Hồi giáo trong 15 năm.
Những người làm việc cùng và các học viên tại nhà thờ Hồi giáo mô tả Akhundzada là một người kỷ luật và là nhà hùng biện quyết liệt.
Khác với các thủ lĩnh Taliban khác, ông Akhundzada không nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Theo một phát ngôn viên của Taliban, con trai ông là Abdur Rahman đã thiệt mạng khi thực hiện một vụ đánh bom liều chết tại một căn cứ quân sự của Afghanistan ở Helmand vào tháng 7/2017.
Taliban cam kết tăng cường an ninh sau vụ tấn công thánh đường Hồi giáo
Chính quyền Taliban cam kết tăng cường an ninh tại các thánh đường Hồi giáo theo dòng Shiite, sau vụ tấn công đẫm máu khiến trên 100 người thương vong tại một thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kandahar của Afghanistan ngày 15/10.
Người dân tập trung tại hiện trường vụ nổ tại Thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kandahar, Afghanistan. Ảnh: AA/TTXVN
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Kandahar cho biết các đơn vị an ninh sẽ được triển khai để bảo vệ các thánh đường Hồi giáo Shiite. Từ trước tới nay, các khu vực này thường do các lực lượng tình nguyện địa phương được cấp phép đặc biệt để mang theo vũ khí, bảo vệ.
Cam kết trên được đưa ra cùng ngày diễn ra lễ an táng các nạn nhân trong vụ đánh bom đẫm máu mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận là thủ phạm. Theo báo cáo mới nhất, đã có ít nhất 60 người thiệt mạng trong vụ đánh bom và hiện nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.
Tuần trước, một vụ tấn công tương tự cũng đã xảy ra tại một thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kunduz, cướp đi sinh mạng của 80 người.
Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi giữa tháng 8 vừa qua, các vụ tấn công vẫn tiếp tục xảy ra, làm lu mờ tuyên bố của Taliban về việc mang lại hòa bình cho Afghanistan sau khi nhiều thập kỷ chiến tranh.
Thêm nhiều nạn nhân trong vụ nổ tại thánh đường Hồi giáo ở Afghanistan Tiếp tục cập nhật thông tin về vụ nổ chiều 15/10 tại một thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kandahar của Afghanistan, số nạn nhân hiện đã lên tới ít nhất 85 người, trong đó có 32 người đã được xác định thiệt mạng. Người dân tập trung tại hiện trường vụ nổ tại Thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kandahar,...