Thủ lĩnh quân nổi dậy Libya
Đã vài tháng nay, Mustafa Abdel Jalil, cựu Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền Gaddafi là thủ lĩnh của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya. Ông là ai, con người mà giờ đây gắn chặt với tương lai của Libya ấy?
Ông Mustafa Abdel Jalil .
Cử nhân luật học, Tiến sĩ luật Hồi giáo Mustafa Abdel Jalil nhiều năm không hề được biết đến ở ngoài lãnh thổ Libya. Là thủ lĩnh Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp ở một nước đang diễn ra việc thay đổi chế độ, ông có thể trở thành nhân vật chính trị then chốt trong tương lai.
Sự nghiệp luật
Mustafa Abdel Jalil sinh năm 1952 ở thành phố Al Baida, miền đông Libya. Vào giữa những năm 70 thế kỷ trước, ông tốt nghiệp khoa Luật Đại học Tổng hợp Libya, được bổ nhiệm làm thư ký của ủy viên công tố tại thành phố quê hương. Sau đó, trong vòng 30 năm, ông làm quan tòa ở thành phố Al Baida và thủ đô Tripoli.
Tháng 1-2007, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Tư pháp Libya. Nhưng tại cương vị này, ông thể hiện mình không phải là một thủ hạ trung thành của ông Gaddafi, mà có quan điểm độc lập về pháp luật và lẽ công bằng.
Bộ trưởng khác thường
Năm 2009, Mustafa Abdel Jalil xác định là tại nhà tù Abu-Salima (nhà tù ở Tripoli nổi tiếng bởi những điều kiện giam giữ tù nhân khắc nghiệt) đang cầm giữ hơn 300 người mà không dựa trên cơ sở luật pháp nào. Đây được coi là một sự biểu thị thái độ rõ ràng với chính sách đối nội của ông Gaddafi.
Một năm sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Jalil lại một lần nữa đánh giá tình tình ở Abu-Salima, khẳng định rằng những người bị cầm giữ ở đây bị tước đoạt tự do một cách vô căn cứ và bởi vậy phải lập tức được thả. Phát biểu tại kỳ họp thường niên của nghị viện Libya được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia, ông Mustafa Abdel Jalil nói rằng việc giải phóng họ bị bộ máy nhà nước cản trở.
Video đang HOT
Vì vậy, năm 2010, Mustafa Abdel Jalil tuyên bố lập tức từ chức, nhưng không được ông Gaddafi chấp thuận. Ông trở nên nổi tiếng trên thế giới với tiếng thơm là người có chính kiến riêng và dám phát biểu công khai chính kiến đó. Tuy nhiên, ông khôn khéo để không có những đụng độ trực tiếp với ông Gaddafi.
Thủ lĩnh Hội đồng dân tộc chuyển tiếp
Mustafa Abdel Jalil dứt bỏ hoàn toàn quan hệ với chính quyền của ông Gaddafi vào tháng 2-2011, sau khi quân chính phủ bắn vào người biểu tình ở Benghazi – thành phố được coi là thành trì của những người chống chính phủ. Biểu thị sự phản đối, Mustafa Abdel Jalil rời bỏ chức vụ, gia nhập hàng ngũ những người nổi dậy và tham gia vào việc thành lập Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp.
Mustafa Abdel Jalil không phải là típ thủ lĩnh cách mạng xuất hiện trên các bức ảnh đang cầm AK nã đạn lên trời. Mấy tháng cuối đây, Mustafa Abdel Jalil trở thành nhân vật nổi bật trong hàng ngũ những người đối lập Libya và là người đại diện chính của họ trên trường quốc tế.
Vào tháng 3-2011, khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về việc lập vùng cấm bay ở Libya, thủ lĩnh phe đối lập Jalil đã yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ những người nổi dậy về quân sự. Vòng nguyệt quế cho những nỗ lực ngoại giao của Mustafa Abdel Jalil chính là chuyến thăm của ông tới Paris ngày 20-4. Tổng thống Pháp Sarkozy đã tiếp vị khách tại điện Élysée và tuyên bố công nhận Hội đồng chuyển tiếp dân tộc là chính quyền hợp pháp của Libya.
Chính quyền của ông Gaddafi treo giải tương đương 400.000 USD cho ai bắt được ông.
Cố gắng duy trì trật tự
Từ thời điểm quân nổi dậy tiến vào Tripoli, Mustafa Abdel Jalil cố gắng hết sức để duy trì trật tự xã hội ở thủ đô và yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc của một quốc gia có luật pháp sau khi lật đổ chính quyền của ông Gaddafi.
Chúng tôi hy vọng sẽ bắt được Gaddafi còn sống để có thể xét xử ông ta tại một phiên tòa công khai trước mặt cả thế giới” – Thủ lĩnh Jalil tuyên bố ngày 22-8. Sau đó ông lưu ý những người cùng phe với mình về việc không thể để xảy ra chuyện trả thù những người ủng hộ ông Gaddafi. Để lời cảnh báo của mình có sức nặng, ông tuyên bố rằng trong trường hợp ngược lại, ông sẽ từ chức.
Theo Tiền Phong
LHQ cho phép Anh giải tỏa 1,6 tỷ USD của Libya
Các nguồn tin ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 30/8 đã cho phép Anh giải tỏa khoản tiền trị giá 1,6 tỷ USD mà nước này phong tỏa của Libya để mua hàng cứu trợ cho quốc gia Bắc Phi này.
Tại Libya tình hình chiến sự vẫn rất căng thẳng. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, việc giải tỏa khoản tiền này là một bước tiến lớn trong việc hỗ trợ người dân Libya.
Ông cho biết, khoản tiền này sẽ được dùng để giải quyết các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp của người dân Libya, chi trả lương cho công nhân làm tại các khu vực chốt, giúp xây dựng lại lòng tin vào khu vực ngân hàng và tăng khả năng thanh toán cho nền kinh tế Libya.
Anh đã phong tỏa số tiền này theo lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Hiện Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đang xem xét đề nghị của Đức và Pháp về giải tỏa lần lượt các khoản tiền 1,4 tỷ USD và 7,2 tỷ USD của Libya đang bị hai nước này phong tỏa.
Các khoản tiền này dự kiến sẽ được dùng vào việc mua sắm hàng hóa nhân đạo và duy trì các dịch vụ cần thiết ở Libya.
Trong khi đó, Canađa cho biết, nước này cũng đang xem xét giải tỏa khoản tiền hơn 2 tỷ USD của Libya đang bị
phong tỏa
tại ngân hàng nước này nhằm thực hiện các hoạt động tái thiết Libya.
Người phát ngôn Thủ tướng Canada cho biết, Ottawa sẽ đánh giá các hành động của NTC và xem xét giải tỏa, đưa khoản tiền này vào sử dụng.
Tuần trước, Mỹ đã được phép giải tỏa khoản tiền 1,5 tỷ USD phong tỏa của Libya để gửi về quốc gia Bắc Phi này.
Một quan chức Liên hợp quốc cho biết, khoản tiền đầu tiên trị giá 110 triệu USD từ khoản này đã được giải ngân.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đề nghị Hội đồng Bảo an khẩn trương chấp thuận các yêu cầu tài chính của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) của Libya do tình trạng thiếu thốn các mặt hàng như y tế, thực phẩm gia tăng mạnh tại Libya đòi hỏi Liên hợp quốc cần có những hành động khẩn trương.
Trong một diễn biến khác, Đặc phái viên của Liên hợp quốc phụ trách kế hoạch hậu chiến ở Libya Ian Martin ngày 30/8 cho biết, lãnh đạo NTC đã từ chối đề nghị triển khai lực lượng quân sự cũng như quan sát viên quốc tế tới nước này.
Trả lời báo giới sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Martin cho biết NTC muốn tránh bất kỳ hoạt động triển khai quân sự nào của Liên hợp quốc.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 30/8, người phát ngôn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Oana Lungescu tuyên bố ,mặc dù chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đang sụp đổ, song sứ mệnh của NATO tại Libya sẽ vẫn tiếp tục và đóng vai trò quan trọng vì "các lực lượng trung thành với ông Gaddafi vẫn là mối đe dọa đối với dân thường."
Cùng ngày đã xuất hiện một số tin đồn rằng, ông Gaddafi có thể sẽ sống lưu vong ở Zimbabwe hoặc Angola sau khi có một thỏa thuận về vấn đề này ở Nam Phi.
Theo thông báo của NTC, khoảng 50.000 người ở Libya đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy nhằm lật đổ chế độ của ông Gaddafi sáu tháng trước./.
Theo TTXVN
"Cuộc chiến ở Libya còn lâu mới có thể kết thúc" Tham mưu trưởng quân đội các nước tham gia vào cuộc xung đột tại Libya ngày 29/8 nhất trí rằng cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi này còn lâu mới kết thúc. Máy bay liên quân được sử dụng để tấn công Libya AFP dẫn một tuyên bố ra sau cuộc họp tại Qatar cho biết để loại bỏ "những tàn dư"...