“Thủ lĩnh” đoàn xung kích, sáng tạo ở Điện Biên
Voòng Thái Triều là Bí thư đoàn trẻ, tiêu biểu người dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên được vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020 của Đoàn TNCSHCM
“Là cán bộ đoàn cần phải có máu xung kích, nhiệt huyết và không ngừng sáng tạo để lôi cuốn đoàn viên thanh niên tham gia vào các phong trào thi đua, hoạt động xã hội” – đó lời chia sẻ thể hiện tinh thần đầy trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của Bí thư đoàn Voòng Thái Triều, một cán bộ trẻ tiêu biểu, người dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên vinh dự được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
Voòng Thái Triều là Bí thư đoàn trẻ, tiêu biểu người dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên được vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
“Máu” xung kích và những ý tưởng sáng tạo
Dù là ngày nghỉ nhưng anh Voòng Thái Triều, dộc tộc Hoa – Bí thư đoàn Trường Trung học phổ thông xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) vẫn luôn có mặt tại trường để trau truốt cho những ý tưởng, phần việc triển khai trong Tháng Thanh niên. Những chủ đề hành động như “ Ngày thứ 7 tình nguyện” hay “ Chủ nhật xanh” của anh nêu ra được các đoàn viên, thanh niên trong trường hưởng ứng sôi nổi, với nhiều phần việc thiết thực như: làm cỏ, tỉa cành, tưới nước chăm sóc vườn cây ăn quả, lao động dọn vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng ngăn ngừa dịch Covid-19…
Chia sẻ về công trình vườn cây ăn quả thanh niên, anh Triều cho hay: Ý tưởng được xây dựng từ thực tế, tận dụng những diện tích đất bỏ không của nhà trường, để lôi cuốn học sinh tham gia vào các hoạt động tập thể. Qua đó, giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhân lên tình yêu lao động, biết quý trọng thành quả do bản thân làm ra. Sau 4 năm gây dựng và chăm sóc (2015-2019), vườn cây ăn quả của trường với thông điệp ý nghĩa “Bảo vệ vườn quả là bảo vệ thành quả của chính mình” phát triển xanh tốt, cây nào cũng đã đơm hoa, kết trái.
Một ý tưởng được Bí Thư đoàn trẻ này tâm đắc là việc tổ chức thành công chương trình giao lưu Thanh niên với vấn đề khởi nghiệp vào năm 2019. Chương trình với những định hướng, chia sẻ của các khách mời đến từ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và giảng viên một số trường chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn đã giúp các em có lựa chọn nghề học phù hợp với khả năng của bản thân và hoàn cảnh gia đình. Các em đã thay đổi quan niệm “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, mà học nghề cũng là cách để lập thân, lập nghiệp” – anh Triều cho biết.
Đều đặn những ngày cuối tuần, anh Triều cùng học sinh bán trú tham gia chăm sóc vườn cây ăn quả.
Trước thực trạng học sinh không mấy mặn mà học tập môn Ngữ văn tại nhà vì còn dành thời gian đi lao động phụ giúp bố mẹ, anh Triều đã nghiên cứu xây dựng hiệu quả mô hình sáng kiến kinh nghiệm “Biện pháp tăng cường hiệu quả học bài ở nhà môn Ngữ Văn” và chia sẻ rộng rãi cho các đồng nghiệp của mình.
Trong đó, có nhiều giải pháp đưa ra để áp dụng cho từng cá nhân học sinh, như: chia lớp thành những đôi bạn giúp nhau cùng tiến và hướng dẫn các em học tập nhóm; hình thức đôi bạn cùng tiến và học tập theo nhóm lớp; khối học có từ 3 người trở lên…
Video đang HOT
Các biện pháp này nhằm hướng đến việc giúp các em nắm chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện phương pháp học nhanh, học hiểu. Để tiết kiệm chi phí mua tài liệu, sách giáo khoa, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào học Ngữ văn cũng được khuyến khích, giúp học sinh học nhanh, hiệu quả ở mọi lúc, mọi nơi.
Với những thành tích sáng tạo của mình, Voòng Thái Triều đã nhận được nhiều Bằng khen của Đoàn các cấp như: Bằng khen của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học năm 2018-2019; Bằng khen Tỉnh đoàn Điện Biên về thành tích trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2019.
“Truyền lửa” bằng nhiệt huyết bản thân
Đề cập đến vấn đề làm gì để một Bí Thư đoàn có thể truyền lửa, truyền cảm hứng cho đoàn viên thanh niên tham gia vào các phòng trào đoàn và các hoạt động xã hội, Voòng Thái Triều luôn chia sẻ: “Nếu ý tưởng hay, nhưng không hành động thì cũng vô nghĩa”; là “Thủ lĩnh” một tổ chức thì nói phải đi đôi với làm. Với anh, mọi ý tưởng khi được xây dựng và phát động thì bản thân luôn là người hành động đầu tiên, sáng tạo ra những điều mới mẻ và kiên trì thực hiện mục tiêu đến cùng. Đồng thời, sẵn sàng làm cầu nối chia sẻ kiến thức và đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên mọi lúc, mọi nơi.
Đúng nghĩa “Trồng cây đến ngày ăn trái”, công trình thanh niên với vườn cây ăn quả hiện hữu trong khuôn viên rộng hơn 500m2 của trường anh giờ “mùa nào thức đó”. Nguồn thu từ bán các loại quả được dành vào việc lập quỹ học bổng của đoàn trường. Những suất quà có giá trị không lớn, nhưng được trao tặng mỗi dịp tết cổ truyền, hay dịp đầu năm học mới là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với các em học sinh, giúp các em có thêm điều kiện vươn lên trong học tập.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Triều cho biết đang triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng thanh niên và công trình ý nghĩa “thắp sáng đường quê” trên đoạn đường dài hơn 1km nối từ Quốc lộ 12 dẫn vào các thôn bản và trường học, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và giữ gìn an ninh trật tự.
Mình luôn nhớ lời Bác dặn “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Vì vậy, tuổi trẻ cứ phải xung kích hành động bằng tất cả năng lượng, nhiệt huyết của bản thân và khi trải nghiệm bằng những hoạt động thực tế đó mới là cách để hoàn thiện bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội, tạo sức lan tỏa đến mọi người” – anh Triều chia sẻ./.
CTV Nam Hương
Vào mặt trận chống dịch Kỳ 1: Nữ dân quân vào 'trận chiến' Trúc Bạch
Tháng 3 thanh niên chưa năm nào dừng hầu hết hoạt động chào mừng, tụ họp đông người như năm nay. Thay vào đó những người trẻ là các anh bộ đội, chị dân quân, các bạn đoàn viên thanh niên xung phong vào mặt trận dập dịch COVID-19.
Nữ dân quân Trần Hà Ly xung phong vào "trận chiến" Trúc Bạch giúp đỡ bà con - Ảnh: NAM TRẦN
Đêm 6-3 xác nhận có ca nhiễm thứ 17, một đoạn phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) là khu vực đầu tiên ở thủ đô nhận lệnh phong tỏa. Nhà nằm ngay cạnh con phố này, nữ dân quân Trần Hà Ly (28 tuổi) thao thức không chợp mắt nổi.
Lúc đầu mình cứ nghĩ chắc chỉ cách ly lúc ấy thôi, đến khi một người bạn túc trực đêm đó gọi điện báo về phải cách ly nhiều ngày lắm, ăn uống tại đây luôn. Giây phút ấy, mình quyết định xung phong vào vùng dịch hỗ trợ anh em.
TRẦN HÀ LY
Hễ dân cần là có mặt
Dịch bùng phát ngay chính nơi mình sinh sống, nữ dân quân có gương mặt xinh đẹp bộc bạch lúc đó cô chỉ suy nghĩ đơn giản là bản thân sinh ra và lớn lên ở địa bàn này, bà con đang cần mình nên chẳng nề hà khó khăn.
Nhận nhiệm vụ tại khu vực cách ly, đều đặn mỗi ngày từ 9h sáng, Ly cùng năm anh em dân quân trong tổ công tác đẩy chiếc xe chở đầy thức ăn, nhu yếu phẩm cần thiết gõ cửa từng nhà dân ở khu phố Trúc Bạch. Trên tay Ly cầm thêm cuốn sổ ghi chép ghi rõ suất ăn và chữ ký xác nhận của bà con.
Chiều bắt đầu từ 16h, anh em trong đội dân quân đều kịp thời giao tận tay từng suất cơm để bà con ăn cho đúng bữa. Thời gian còn lại, đội dân quân hỗ trợ trực chốt, tuyên truyền về cách phòng chống dịch COVID-19 và đặc biệt động viên tinh thần bà con ráng giữ sức khỏe thật tốt để sớm hoàn thành thời hạn cách ly tập trung.
Là nữ dân quân duy nhất xung phong vào khu vực phong tỏa, Ly cười hiền nói có lẽ là nữ nên... được ưu ái hơn một chút, được bà con và anh em đồng đội tạo điều kiện hết sức, bố trí nơi nghỉ riêng.
"Mình cũng vác được, cũng bê được đấy. Sức ít thì mình xách ít, miễn là làm việc gì dân cần - cô cười hiền lành - Nhưng đôi khi các anh nghĩ cho mình lắm nên bảo: "Để đấy anh làm cho". Trong lúc khó khăn, căng mình chống dịch như thế này, chỉ cần câu nói động viên thôi cũng thấy ấm lòng".
Ở khu phố Trúc Bạch có gần 70 hộ dân thực hiện lệnh cách ly tập trung, nhìn bà con sống trong "tâm dịch Hà Nội", Ly càng thấy thương và đồng cảm với họ nhiều hơn. Dù anh em có phải trực qua đêm đến tận sáng nhưng hễ người dân cần hỗ trợ gì là đội dân quân có mặt ngay lập tức.
Cô bộc bạch vào những đêm đầu tiên nhìn các anh chị trong ca trực không được ngủ, phải liên tục túc trực và báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Ly càng thấy thương và lấy đó là động lực để đảm đương nhiệm vụ, tình nguyện làm thêm những việc không tên khác, miễn là hỗ trợ được đồng đội, giúp đỡ được bà con đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống dịch
"Xung phong vào đây chị có lo sợ không?". Ly quả quyết: "Chưa bao giờ tôi lo sợ cả. Thực sự tôi đã tìm hiểu kỹ về dịch bệnh, biết cách phòng tránh cho bản thân mình. Cứ mười người hỏi tôi có sợ không, tôi đều trả lời là không thấy sợ gì cả".
Nữ dân quân xinh đẹp chia sẻ không thấy sợ là bởi hầu hết người dân thủ đô trong khu cách ly đều được trang bị đầy đủ kiến thức về phòng chống dịch COVID-19. Bản thân cô cũng tự trang bị kiến thức phòng tránh, do đó hai bên dân - quân có sự tương tác rất cao, không còn rào cản nào nữa mà cùng chung tay chống lại dịch bệnh.
Tại khu cách ly, nữ dân quân trẻ tuổi còn bật mí "bí kíp" tăng sức đề kháng tại chỗ như: cố gắng có cơm là ăn đúng bữa, có thời gian sẽ chợp mắt một chút xíu để lấy lại sức khỏe. Đặc biệt làm nhiệm vụ liên tục không có thời gian tập thể dục, Ly lựa chọn đi bộ mấy vòng liền quanh khu vực cách ly cũng là một cách giúp cô rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho bản thân.
Vừa đưa cơm xong mồ hôi nhễ nhại, cô xin phép được kéo chiếc khẩu trang đang đeo xuống một lúc. Liên tục làm việc với cường độ cao, dù là con gái nhưng Ly thừa nhận chẳng có thời gian để... tô son nữa. Cô dí dỏm: "Cũng may đeo khẩu trang, son có hết cũng không sao".
Trước khi xung phong vào đội dân quân phòng chống dịch, Ly khá "đa-zi-năng" vừa làm tổ chức sự kiện vừa làm công tác giáo dục mầm non. Cô còn năng nổ tham gia công tác Đoàn, Hội và từng đảm nhiệm vai trò là bí thư Đoàn phường nơi mình sinh sống. Dịch bùng phát, gác lại công việc thường nhật, Ly toàn tâm toàn ý xung phong vào đội dân quân.
Nhưng những ngày đầu tiên, khó nhất là làm sao thuyết phục được bố mẹ ủng hộ vào mặt trận này. Ly thừa nhận mới đầu mẹ là người lo lắng nhất, bố nửa muốn cho đi nửa muốn không cũng bởi tình hình dịch bệnh quá căng thẳng. Vừa vận động tư tưởng cho "các cụ", cô làm luôn công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại gia, tự mình cách ly với gia đình khi đảm nhiệm nhiệm vụ trực chiến tại khu vực Trúc Bạch.
"Bố mẹ dần ủng hộ, nay không còn gọi điện cho mình nhiều mà toàn gọi điện cho các anh chị đồng đội hỏi han tình hình. Bố mẹ hỏi xem đội mình ăn ngủ thế nào, có cần gì không để bố mẹ mang vào và lo lắng về nơi ăn chốn nghỉ của những anh em làm nhiệm vụ xa nhà. Thực sự cảm động lắm vì bố mẹ đã đồng lòng với mình" - cô gái Hà thành bộc bạch.
Hiện tại đội dân quân của Ly gồm 10 thành viên, hầu hết là người trẻ xung phong hỗ trợ ở "trận chiến" Trúc Bạch. Anh em thay phiên nhau trực ca, sẵn sàng giúp dân khi dân cần. Riêng nữ dân quân Trần Hà Ly được ưu tiên đảm nhiệm trực ca ngày chừng 8 giờ/ngày, những lúc cần tăng cường sẽ lên đến 12 giờ/ngày.
"Nghe đến vùng dịch ai cũng lo sợ lây nhiễm nhưng Ly rất dũng cảm ở lại với chúng tôi, động viên và giúp chúng tôi yên tâm hơn" - một người dân tại khu vực cách ly xúc động chia sẻ.
Với Ly, mỗi ngày ở Trúc Bạch là một kỷ niệm. Cô cho biết sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ trực chiến đến ngày khu phố Trúc Bạch hết thời hạn phong tỏa tập trung. "Một khi mình đi rồi thì sẽ đi đến tận cùng" - nữ dân quân Trần Hà Ly quả quyết.
Dân nhường nhà cho lực lượng trực chiến
Ngõ 165 Cầu Giấy là con phố thứ hai bị phong tỏa tại Hà Nội sau khi có thông tin về ca nhiễm COVID-19 thứ 39. Làm nhiệm vụ trực chiến từ đó đến nay, trung úy Nguyễn Trung Hiếu (27 tuổi, Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cùng anh em trong tổ công tác luân phiên nhau trực chốt sáu ca/ngày, nhắc nhở bà con tuân thủ cách ly, theo dõi lượng người ra vào khu vực bị phong tỏa.
Anh chia sẻ mới đầu bà con cũng lo sợ, nhưng nay ai cũng biết cách tự phòng tránh cho bản thân, chưa kể bà con xung quanh còn ủng hộ, bố trí chỗ ngồi, cho mượn nhà để anh em trực chiến có mệt thì thay phiên nhau ngả lưng một chút hay mưa gió có chỗ mà trú chân. "Chẳng có khó khăn gì đâu, mình là lính trẻ nên phải đi thôi" - trung úy Hiếu quả quyết.
Hà Nội đề nghị người trẻ cùng chính quyền thành phố kiểm soát tốt dịch Covid-19 Sáng nay, 17.3, tại chương trình Cầu truyền hình "Ngày đoàn viên - Theo dấu chân lịch sử", Thành đoàn Hà Nội đề nghị các đoàn viên thanh niên cùng với chính quyền thành phố kiểm soát tốt dịch Covid - 19. Các đại biểu tham gia chương trình thực hiện khử khuẩn toàn thân tại buồng khử khuẩn di động - Ảnh...