“Thủ lĩnh” 31 tuổi đời, nhưng có 12 năm gắn bó với Hội Nông dân
Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã An Lục Long ( huyện Châu Thành, Long An) Huỳnh Thái Thanh luôn sẵn sàng khi bà con nông dân cần giúp đỡ.
19 tuổi vào Ban Khuyến nông
Về thủ phủ trồng thanh long của tỉnh Long An (huyện Châu Thành – PV), hỏi thăm “anh chủ tịch” Hội ND xã An Lục Long – Huỳnh Thái Thanh ai cũng biết. Không chỉ các cấp chính quyền đánh giá cao sự năng động, mà đặc biệt bà con nông dân trên địa bàn cũng rất tin tưởng sự nhiệt tình và sự hiểu biết về cây thanh long của nông dân trẻ này.
Không chỉ miệt mài với công tác Hội , anh Huỳnh Thái Thanh còn hăng say làm kinh tế gia đình. Ảnh: Quốc Hải
Sinh năm 1987, anh Huỳnh Thái Thanh tham gia vào Ban Khuyến nông xã An Lục Long từ năm 2006, khi anh chưa tròn 19 tuổi. Ở cái tuổi 19, biết mình còn “non” kinh nghiệm nên những lúc rảnh rỗi, anh Thanh thường lên mạng học tập về những kỹ thuật chăm sóc lúa, tránh sâu bệnh… từ các chuyên gia, diễn đàn nông nghiệp.
Nhờ đó, mùa lúa năm 2006, khi ruộng của nông dân cả xã An Lục Long đều bị “dính” dịch bệnh vàng lùn xoắn lá, Huỳnh Thái Thanh đã đưa ra nhiều giải pháp “cứu” lúa giúp bà con. Từ vụ lúa này, anh được bà con tin tưởng bầu luôn vào Ban Thường vụ Hội ND xã.
Năm 2008-2009, tỉnh Long An nói chung, huyện Châu Thành nói riêng bắt đầu chuyển sang tái cơ cấu trồng thanh long thay lúa. Cái khó mà UBND xã An Lục Long và cả UNBD huyện Châu Thành đặt ra với Thanh là làm sao thuyết phục bà con nông dân bỏ nghề truyền thống đã “thâm căn cố đế” hàng trăm năm tại vùng này (trồng lúa) để chuyển sang trồng cây thanh long.
Video đang HOT
“Tôi nhớ hồi đó cứ mỗi lần đến thuyết phục chuyển đổi sang trồng thanh long, bà con chỉ lắng nghe rồi để đó, chẳng ai dám làm vì không thực sự tin tưởng thanh long sẽ là loại cây vực dậy kinh tế vùng này. Tôi buồn lắm nhưng cũng biết mình chưa có kinh nghiệm, cũng chẳng có bằng cấp gì nên rất khó thuyết phục. Vì vậy, tôi quyết định vừa trồng thanh long ở trên đất nhà mình để chứng minh cho bà con thấy, vừa đi học để có trình độ…” – Thanh chia sẻ.
Giúp hội viên làm giàu
Vậy là, từ năm 2009-2014, song song với công việc hỗ trợ tư vấn kiến thức cho bà con nông dân có nhu cầu, Thanh vừa tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ của tỉnh Long An tổ chức, vừa đăng ký thi và học đại học ngành Sinh học nông nghiệp do Trường ĐH Kinh tế Long An liên kết với ĐH Đà Lạt tổ chức đào tạo.
Sau khi tốt nghiệp, Thanh được tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội ND xã An Lục Long khi vừa bước vào tuổi 29 (tháng 2.2016).
“Cái khó khi làm Chủ tịch Hội ND là đi thuyết phục bà con nông dân chuyển đổi giống cây trồng. Còn nhớ hồi 2012-2013, khi có phong trào chuyển đổi từ thanh long ruột trắng sang thanh long ruột đỏ, tôi phải đi khắp xã khuyến khích, động viên rồi hứa hẹn, rằng thanh long ruột đỏ sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn ruột trắng nhiều, rồi cả tập huấn kỹ thuật trồng… Sau đó, bà con tin tưởng chuyển đổi và đến nay đã có nhiều người thoát nghèo, thậm chí vươn lên thành tỷ phú, tôi rất mừng” – anh Thanh chia sẻ.
Cũng theo ông Huỳnh Thái Thanh, hiện trên địa bàn xã có khoảng 1.300ha trồng thanh long thì trong đó có khoảng 950ha thanh long ruột đỏ, sắp tới, Hội ND xã sẽ tiếp tục khuyến khích bà con chuyển đổi sang thanh long ruột đỏ để có thu nhập cao hơn.
Theo Danviet
Thu nửa tỷ đồng mỗi năm từ 1.600 trụ thanh long
Dù vợ chồng tuổi đã cao nhưng nhờ chịu khó học hỏi, tận dụng tốt đồng vốn vay, áp dụng tiến bộ khoa học, mỗi năm ông Phan Kim Truyết (ấp Song Tân, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) thu được nửa tỷ đồng trên 8.000m2 đất của gia đình mình.
Sớm chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả
Ông Truyết nhớ lại: "Gia đình vốn truyền thống làm nông, trước đây, khu vực này chủ yếu trồng lúa, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Vào khoảng năm 1995, tôi và một số ít hộ dân trong xã quyết định thôi không trồng lúa nữa, chuyển sang trồng thanh long".
Ông Phan Kim Truyết giới thiệu về hệ thống tưới nhỏ giọt theo chương trình ứng dụng công nghệ cao tại vườn thanh long của ông. Quốc Hải
Theo ông Truyết, ban đầu cả vùng chưa mấy ai trồng loại cây này nên chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc. Thay vì làm trụ cho thanh long leo như bây giờ, lúc đó toàn "bắt" cho nhánh thanh long leo cây me tây, cây tầm vông. Những lúc cắt tỉa cành, "rửa" cây hoặc thu hoạch đều phải bắc thang để trèo lên.
Tuy khó khăn nhưng vợ chồng ông vẫn không nản chí, hễ có chương trình hội thảo, tập huấn nào của Sở NNPTNT, Trung tâm khuyến nông hoặc của Viện Nghiên cứu cây ăn quả về kỹ thuật trồng cây ăn trái, nhất là các kỹ thuật liên quan đến thanh long ông đều nhiệt tình tham gia để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Cũng từ đó mà vườn thanh long của ông dần ổn định về năng suất, sản lượng và bắt đầu có lãi.
Cách đây 3 năm, nhận thấy vườn thanh long đã cỗi, năng suất và chất lượng không còn đáp ứng kịp với nhu cầu thị trường, ông quyết định phá bỏ và đầu tư trồng lại giống mới hiệu quả hơn. Đến nay, ngoài diện tích đất vườn nhà với hơn 1.600 trụ đã cho trái đem lại doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm, ông dự tính, chỉ cuối năm thứ 3, đầu năm thứ 4 nếu chăm sóc tốt thì khu vườn này thu nhập cũng khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Hiệu quả nhờ liên kết tam nông
Lão nông Phan Kim Truyết năm nay đã 61 tuổi nhưng cho rằng nghề trồng cây ăn trái không có tuổi hưu nên ông vẫn miệt mài với công việc. Hàng ngày ông đều đặn ra thăm vườn.
Ông Truyết cho biết, vì không có nhân công lao động, sức khỏe cũng hạn chế nên khi tham gia một hội thảo về công nghệ tưới nhỏ giọt do cơ quan nông nghiệp địa phương tổ chức, thấy được lợi ích từ hệ thống này, lại thêm có chính sách hỗ trợ đến 30% chi phí lắp đặt, ông đã bỏ thêm gần 60 triệu đồng để đầu tư toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cho vườn thanh long.
Ông Truyết nhận xét: "Nhờ hệ thống tưới này mà tôi tiết kiệm được rất nhiều công lao động, trước đây khi tưới thủ công phải mất đến 8 công lao động/ngày, giờ chỉ mất 2 giờ để hoàn thành công việc, lượng nước tưới cũng giảm đi nhiều, hiện chỉ tốn khoảng 15m3 nước cho 8.000m2 thay vì phải mất đến 35m3 như tưới thủ công trước đây".
Ngoài áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ông còn tiên phong trong việc thực hiện, tuân thủ theo các tiêu chuẩn sạch, an toàn nông sản trong sản xuất như tham gia hệ thống chứng nhận GlobalGAP. Hiện sản phẩm thanh long của ông đang liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic - đây là công ty 100% vốn của Hà Lan, chuyên xuất khẩu trái cây đạt chứng nhận GlobalGAP.
Chia sẻ về nghề trồng thanh long, ông Truyết cho biết, hiện nay theo xu hướng thị trường, khách hàng luôn yêu cầu không riêng gì thanh long mà tất cả các loại nông sản, không những đẹp về mẫu mã, ngon mà còn phải an toàn. Do đó, khi sản xuất phải dần thay đổi thói quen và hạn chế, tránh lạm dụng phân hóa học, nên thay bằng các loại phân hữu cơ, vừa làm đất tơi xốp, không bị thoái hóa, tránh bị tồn dư hóa chất.
Mặc dù bận rộn với công việc vườn tược nhưng ông Truyết vẫn nhiệt huyết với công tác xã hội. Hiện ông là Trưởng ban công tác mặt trận ấp và cũng là Chi hội trưởng Chi Hội nông dân ấp Song Tân. Với nhiệm vụ này, ông luôn nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên khác.
Ông cũng thường xuyên tham gia các chương trình, hoạt động do các đơn vị nông nghiệp, Hội Nông dân cấp trên tổ chức để kịp thời về tuyên truyền, phổ biến lại những kiến thức, chính sách mới về nông nghiệp, nông thôn cho hội viên nắm được và thực hiện.
Theo Danviet
Vụ điện giật chết 2 học sinh ở Long An: Nhà dân trước cổng trường cũng bị sét đánh Cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn về điện tại Long An, làm chết 2 học sinh (HS) và bị thương 4 HS khác. Bước đầu xác định khả năng lớn nhất là do sét đánh làm đứt đường dây điện. Cùng thời điểm xảy ra tai nạn, một nhà dân trước cổng trường...