Thủ khoa thạc sĩ ở tuổi 72, cụ ông truyền cảm hứng học tập cho giới trẻ
Ông Trịnh Đức Chinh (72 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vừa tốt nghiệp Thủ khoa Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Hơn 2 năm nay, hình ảnh một cụ ông với mái tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu, tinh anh luôn ngồi bàn đầu dần trở nên quen thuộc với các thành viên lớp MBA khóa 2020. Người đặc biệt này là ông Trịnh Đức Chinh – học viên lớn tuổi nhất lớp với tinh thần học tập đáng ngưỡng mộ.
Chưa từng bỏ học buổi nào…
Chia sẻ về hành trình học thạc sĩ, ông Chinh cho biết trường cách nhà gần 3km nên ông thường đi bộ. Những ngày mưa ngập, ông tự đi xe máy, đôi lúc vợ hoặc con gái cũng chở ông tới trường. Dù có chút khó khăn nhưng ông luôn là người tới lớp sớm nhất, cũng chưa từng bỏ buổi học nào.
Học viên Trịnh Đức Chinh bảo vệ luận văn thạc sĩ hôm 27/7. (Ảnh NVCC)
Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giống như bao học viên khác, ông Chinh chuyển sang học bằng hình thức trực tuyến. “Trước nửa tiếng tôi đã sẵn sàng để vào lớp. Kể cả học online, tôi luôn nhắc bản thân phải ăn mặc đàng hoàng, tác phong nghiêm chỉnh vì sau máy tính là thầy của mình”, ông Chinh tâm sự.
Vì từng làm kỹ sư điện tử nên suốt quá trình học trực tuyến, ông không gặp trở ngại gì khi sử dụng máy tính. Ông cũng thường xuyên chọn lọc thông tin, tìm kiếm những báo cáo chính thống để làm tư liệu. “Tôi thấy hình thức nào cũng có cái hay, học trực tuyến thì phải lọ mọ tìm tài liệu, nhưng mình được rèn luyện kỹ năng tra cứu và tư duy kiến thức”, ông nói.
Là học viên U80, việc nhớ nhớ, quên quên cũng ảnh hưởng đến quá trình học tập của ông. Thế nhưng, ông Chinh vẫn vượt qua nhiều trở ngại tuổi tác để hoàn thành thêm một cột mốc mới trên chặng đường học tập.
Ngày 27/7 vừa qua, ông Chinh đã bảo vệ thành công luận tốt nghiệp thạc sĩ với đề tài “Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hàng không chung ở Việt Nam”.
Để kết quả khảo sát của đề tài được chất lượng, ông đã tìm đến các khóa đào tạo liên quan để lấy ý kiến. “Dù ở Nha Trang hay Hà Nội tôi cũng bay ra và gửi bảng khảo sát tận tay từng người, ai chưa rõ thì tôi trao đổi và giải thích cặn kẽ mới thôi”, ông Chinh chia sẻ.
Bên cạnh “sự học suốt đời”, ông cũng là một người truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sau. Không chỉ có hơn 20 năm công tác tại Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, ông còn tham gia giảng dạy cho nhiều cán bộ, công nhân viên của nhiều doanh nghiệp.
Ở nhà ông Chinh còn là “thần tượng” của các cháu nội, cháu ngoại. Mỗi năm học mới, ông cũng mua thêm một bộ sách giáo khoa cho bản thân để tự nghiên cứu và giảng bài cho các cháu.
Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Học cùng lớp với những người “bạn” bằng tuổi con cháu mình, ông Chinh không những không gặp khó khăn về khoảng cách thế hệ. Ngược lại, nhờ kiến thức tích lũy qua hàng chục năm cùng tinh thần ham học hỏi, ông dần trở thành “đầu tàu” của lớp.
Ở tuổi 72, ông Chinh vừa tốt nghiệp Thủ khoa Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh khóa 2020 Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM. (Ảnh: Thùy Linh)
“Lớp cao học của tôi có nhiều bạn phải tất bật với gia đình, công việc, cuộc sống nên không thể tham gia đầy đủ các buổi. Tôi thì đã nghỉ hưu, khả năng nghe và tiếp thu tốt nên nắm vững bài giảng. Những hôm học nhóm hay sắp thi, nội dung nào các bạn chưa hiểu thì tôi truyền đạt, giải thích lại”, ông Chinh chia sẻ.
Ở độ tuổi mà mọi người chỉ mong an nhàn, vui vầy bên con cháu, ông lại lựa chọn theo đuổi con đường học vấn. Lý giải về điều này, ông Chinh cho hay hơn nửa cuộc đời ông học tập, công tác chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật, kiến thức xã hội còn nhiều thiếu sót. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, ông quyết định tiếp tục đi học để nâng cao trình độ, hiểu biết.
“Với tôi, học tập không phân biệt tuổi tác. Việc học là việc cần thiết suốt đời bởi tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú. Nếu chúng ta ngừng học tập thì sẽ bị lạc hậu, thụt lùi”, ông Chinh bày tỏ.
Vậy nên sau 2 năm nghỉ hưu, đầu năm 2012, ông quyết định nối lại con đường học vấn bằng việc theo học ngành Kế toán tài chính chương trình Đào tạo từ xa tại Đại học Trà Vinh. Thời gian này, con gái là người bạn cùng học, cùng tốt nghiệp với ông.
Kế đó, với mong muốn mở một văn phòng tư vấn luật miễn phí cho bà con, ông tiếp tục theo học ngành Luật chương trình Đào tạo từ xa tại Đại học Trà Vinh. Tuy nhiên, nguyện vọng này vẫn chưa thể hoàn thành vì thủ tục để mở văn phòng luật còn nhiều thủ tục khác nữa.
Tốt nghiệp Cử nhân Luật năm 2019, ông không cho phép bản thân nghỉ ngơi mà quyết định theo học chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh khóa 2020 của Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Video đang HOT
Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, ông xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra ngành Kế toán Tài chính, ngành Luật, và mới nhất là Thủ khoa Thạc sĩ Quản trị kinh doanh với điểm tổng kết 9.0.
Ông Chinh cũng thẳng thắn cho biết, đâu đó trong xã hội vẫn còn việc mua bán bằng cấp giả. Thế nhưng, cốt lõi của việc học là tri thức. Hành động “chạy” bằng, sử dụng bằng giả chính là “một con sâu làm rầu nồi canh”, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Với ông Chinh, học tập là để tích lũy kiến thức và không bao giờ muộn. (Ảnh: Thùy Linh)
Dù đã ở tuổi xế chiều, sức khỏe có phần giảm sút nhưng tinh thần ông Chinh vẫn trẻ trung với niềm đam mê học tập. Ông tâm đắc câu danh ngôn: ” Đường đời là một chiếc thang không có nấc chốt và việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng”. Có lẽ vì vậy nên tháng 10 tới, ông sẽ bắt đầu chương trình Tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Không chỉ là tấm gương cho con cháu trong gia đình, ông Chinh còn truyền cảm hứng, động lực học tập cho thế hệ trẻ ngày nay.
Ngắm ngôi nhà xinh xắn "lưng tựa núi, view đồng lúa xanh" của 9X xinh đẹp: Muốn bỏ phố về quê, có nhà trước 30 tuổi thì chuẩn bị tài chính là bước quan trọng nhất
"Các bạn phải chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất, là bạn phải thích nghi ở quê sau thời gian dài ở thành phố. Và đặc biệt, nếu bạn thiếu hụt mà không có sự hỗ trợ của gia đình thì bạn sẽ gặp áp lực rất lớn", Úc Trinh, sinh năm 1993, chia sẻ.
Hồ Trinh, hay còn gọi là Úc Trinh sinh năm 1993 tại Đắk Lắk. Cô tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại TP HCM. Sau khi ra trường, Trinh có 2 năm làm công việc văn phòng. Nhưng sau đó, cảm thấy bản thân không phù hợp với công việc 8 tiếng/ngày, Trinh quyết định đi học thêm về da và tự mở một spa nhỏ ở TPHCM vào năm 2019. Cuối năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, spa nhỏ của Trinh gặp nhiều khó khăn. Không thể gồng gánh nổi tiền mặt bằng, cô gái trẻ quyết định đóng cửa spa, tìm cách buôn bán đồ thời trang vintage. Cho tới tháng 6/2021, cô quyết định về quê.
"Trước khi về tôi cũng đắn đo lắm. Thứ nhất vì tình yêu với Sài Gòn, nơi đây như quê hương thứ 2 của tôi. Nhưng dịch ngày qua ngày càng khó khăn, bản thân thì thất nghiệp mà lại ở 1 mình tại Sài Gòn nên ba mẹ ở quê cũng lo lắng. Vì thế, tôi em gọi điện thoại về trao đổi tình hình hiện tại và xin phép ba cho về", Trinh nhớ lại.
Về quê, Trinh vẫn duy trì công việc bán hàng online đã làm nhiều năm. Ngoài ra, cô gái trẻ cũng phụ giúp gia đình việc thu hoạch cà phê, bắp ở ruộng nhà. Tuy nhiên, khi chung sống cùng ba mẹ, khoảng cách thế hệ và sự khác biệt về lối sống đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Trinh quyết định thuê nhà ở riêng và bán hàng online.
Sau một thời gian tìm kiếm nhà thuê, cân nhắc các chi phí, Trinh quyết định mua một mảnh đất và thực hiện ước mong "có một ngôi nhà của riêng mình trước khi 30 tuổi".
Trinh tâm sự, dù làm việc ở TPHCM nhiều năm nhưng cô không thích ở chung cư dù có nhiều tiện nghi và hiện đại. Từ bé cô đã luôn mong ước có một ngôi nhà ở quê.
Khi đi làm, Trinh may mắn gặp gỡ một sếp nữ có tâm. Cô học hỏi từ sếp rất nhiều điều về cách tiết kiệm và lập kế hoạch tài chính.
Ví dụ, với mức lương làm văn phòng 9 triệu/tháng, cô sẽ đăng ký dịch vụ tự động trích tiết tiền kiếm hàng tháng, Ngày 11 hàng tháng có lương thì ngày 12, ngân hàng sẽ tự động trích một khoản tiền tiết kiệm 5 triệu. Với 4 triệu còn lại, Trinh sẽ cân đối và chia cho các khoản chi tiêu khác như tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, tiền mua sắm...
Khi rời TPHCM về quê, Trinh cũng có một cuốn sổ tiết kiệm làm vốn. Sau hơn 1 tháng tìm mua đất, nhờ sự tư vấn của ba, cô gái trẻ quyết định lựa chọn một mảnh đất ở ngoại ô, diện tích 120x32m2, giáp ruộng, giáp núi...
"Sau khi ưng đất, tôi gom góp hết tiền tiết kiệm, bán số nữ trang và những thứ có giá trị đã tích cóp bấy lâu nay để mua. Sau khi chốt mua đất xong, tiền còn lại cũng không bao nhiêu nhưng ước mơ có nhà thôi thúc quá. Tôi cố gắng gom góp và vay mượn thêm, quyết định xây nhà", cô gái sinh năm 1993 tâm sự.
Khi bắt đầu xây nhà, mọi khó khăn mới bắt đầu xuất hiện. Từ việc tìm nhà thầu giữa mùa dịch cho đến thời tiết bất lợi. Mảnh đất mà Trinh mua ở vị trí khá trũng nên cứ mưa là ngập. Có những hôm, trời Đắk Lắk mưa nhiều khiến vật liệu xây dựng trôi hết sạch...
Trong thời điểm khó khăn như vậy, ba mẹ vẫn luôn ở bên cạnh, hỗ trợ Trinh hết sức mình.
Úc Trinh và ba trước cổng nhà.
"Thật sự kỉ niệm của mình thì nhiều lắm, khóc nhiều cười nhiều. Nhưng người mình muốn nhắc và nhớ đến nhiều là ba. Ba là người đồng hành cùng mình từ khi bé tới khi trưởng thành.
Nói đúng người làm mình giận ra ở riêng cũng là ba, và ba cũng là người hỗ trợ mình tất cả. Nếu không có ba mình không biết mảnh vườn và bản thân mình sẽ xoay sở thế nào", Trinh tâm sự.
Ba Trinh tới thăm con gái trong đêm giao thừa đầu tiên đón Tết ở nhà riêng.
Ngồi nhà là thành quả của 5 tháng cặm cụi lên ý tưởng và làm việc của Trinh với sự góp sức, góp công nhiệt tình của bố. Tính tới nay, chi phí để xây dựng ngôi nhà ước tính khoảng 650 -750 triệu. Trinh vẫn đang tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà của mình.
"Và 1 điều đáng mừng là ngôi nhà của mình được đông đảo giới trẻ địa phương thích thú. Nên tôi hiện tại đã đặt 1 góc làm quán cà phê để cho mọi người có thể tới tham quan và chụp hình. Rất vui là mỗi ngày tôi vẫn có rất nhiều các bạn trẻ tới thăm và chụp ảnh kỉ niệm", Trinh tự hào khoe ngôi nhà mong ước của mình.
Để xây dựng được ngôi nhà mong ước, Trinh cũng vay vốn ngân hàng. Và hiện tại cô gái trẻ cũng vẫn đang chạy deadline, tiếp khách tại cà phê tham quan rồi còn làm vườn để kiếm tiền hoàn thiện nốt ngôi nhà và trả nợ ngân hàng. Theo tính toán, mỗi tháng Trinh cần kiếm được trên 10 triệu để có thể trả nợ ngân hàng, chưa tính đến các chi phí khác cho cuộc sống.
Dưới đây là một số hình ảnh về ngôi nhà của cô gái sinh năm 1993:
Cổng vào được xây thô
Lối vào nhà nhiều cây xanh
Cô chủ nhà
Phía ngoài ngôi nhà của Úc Trinh
Ngôi nhà có view nhìn ra ruộng lúa xanh mát mắt.
Phòng khách trang trí theo phong cách vintage
Góc bàn xanh xinh xắn
Nhiều đồ đạc trong nhà, rèm, mành là do Úc Trinh gom góp lại từ đồ dùng cũ của spa. Cô tận dụng đồ cũ để tiết kiệm chi phí.
Một góc nhà ngập nắng.
Phòng ngủ có view nhìn ra cánh đồng xanh mát mắt.
Góc nhà tắm cũng khá chill.
Một góc vườn có hoa xinh xắn.
Chia sẻ về ý tưởng "bỏ phố về quê" đang thành trào lưu, Hồ Trinh thành thật nói: "Các bạn trẻ có ý tưởng và sở thích nhà vườn hoặc định về quê sống thì nên có mục tiêu và kế hoạch tài chính rõ ràng. Bỏ phố về quê rất khó khăn, không đơn giản chỉ là "về quê nuôi cá và trồng thêm rau" như anh Đen Vâu nói đâu...
Các bạn phải chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất, là bạn phải thích nghi ở quê sau thời gian dài ở thành phố. Và đặc biệt, nếu bạn thiếu hụt mà không có sự hỗ trợ của gia đình thì bạn sẽ gặp áp lực rất lớn".
Ngoài ra, Trinh cũng chia sẻ kinh nghiệm khi tìm mua đất vườn ở quê, bạn nên tìm hiểu kỹ càng về vấn đất đai, mảnh đất bạn định mua là đất thổ cư hay nông nghiệp, để tránh các rắc rối về giấy tờ khi xây dựng tại địa phương.
"Mỗi người đều chỉ sống một lần, vì thế hãy làm những việc mà mình thích, kể cả việc ấy có thể điên rồ trong mắt người khác nhưng miễn là mình cảm thấy thoải mái và vui vẻ là được.
Hãy thử một lần đừng để ý đến những lời mà người khác nói gì về mình, mình sống cho chính cuộc đời mình chứ họ có sống giúp mình được đâu.
Hãy thử một ngày làm việc tốt, việc đó vừa giúp đỡ được mọi người vừa khiến tâm hồn mình cảm thấy thảnh thơi và nhẹ nhõm, mặc dù chuyện ấy có thể bé tí tẹo tèo teo trong mắt người nhưng lại lớn lao đối với mình", Úc Trinh tâm sự.
Ảnh: NVCC
1 gương mặt Forbes 30 bước ra từ "Đường lên đỉnh Olympia" dù không lọt vào chung kết, hiện là CEO của loạt công ty Tuy không đạt được vị trí cao trong chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" nhưng thí sinh này đã gặt hái được nhiều thành tựu trên con đường sự nghiệp sau này. Năm 2005, tại "Đường lên đỉnh Olympia" thứ 6, cậu học sinh Lê Vũ Hoàng đến từ THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình là người đã đạt được vòng nguyệt...