Thu hút khách du lịch nhờ ‘Cụ gạo’ di sản gần 750 tuổi
Sức hút của cây gạo di sản cùng câu chuyện về ‘Bà chúa Mõ’ giúp xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng đón hơn 30.000 lượt du khách mỗi năm.
“Cụ gạo” gần 750 năm tuổi vẫn tươi tốt
Bao thế hệ người dân địa phương, cây gạo cổ thụ trước cửa đền Mõ như người thân, được họ gọi bằng cái tên trìu mến “cụ gạo”. Hằng năm, cứ đến dịp đầu Xuân, cây lại nở hoa đỏ rợp trời thu hút nam thanh, nữ tú dập dìu tìm đến chụp ảnh giữ lại khoảnh khắc thanh xuân.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Minh Việt – Phó Ban Khánh tiết đền Mõ ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, cây gạo do chính tay “Bà chúa Mõ” là Quỳnh Trân công chúa thời Trần trồng một năm sau ngày bà về đây lập am tu hành (năm 1284).
Trải qua thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, dưới bao mưa bom bão đạn của kẻ thù cũng như thiên tai, bão lũ, “cụ gạo” vẫn hiên ngang đứng đó, sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đến nay, cây có chiều cao hơn 30 mét, đường kính gốc hơn 2,5 m, tán lá bao phủ trên diện tích hàng trăm m2. Nhìn “cụ gạo” đền Mõ bốn mùa xanh tốt, ít người nghĩ cây đã gần 750 tuổi.
“Cụ gạo” gần 750 tuổi ở đền Mõ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, vẫn tươi tốt quanh năm.
Video đang HOT
Từ khoảng cách 2 – 3 km, vẫn quan sát thấy cây gạo. Lại gần, cây có thân chính và thân phụ giống hình ảnh người mẹ đang ôm ấp, vỗ về con nhỏ. Vì thế, người dân trong vùng tin rằng, những cặp vợ chồng hiếm muộn đường con cái, chỉ cần cũng nhau đến chạm vào phần vỏ nơi gốc hay khấn xin “Bà chúa Mõ” và lấy một chút vỏ cây về đem gối đầu giường, sẽ nhanh chóng thụ thai như ý.
Còn một điều cũng kỳ lạ không kém, gần 750 năm qua, cây gạo liên tục phát triển, cành lá xum xuê tỏa ra tứ phía, nhưng tịnh không có một cành, một lá nào phạm phải một viên ngói nơi đền Mõ gần đó. Nếu có cành nào đó “nghịch ngợm” mọc tràn ra phía trên mái đền, tự nhiên sẽ bị khô héo, mục nát.
Năm 2011, cây gạo đền Mõ được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam (xếp thứ 65 trong 70 cây được tổ chức này vinh danh và là cây gạo duy nhất trong danh sách đến thời điểm đó). Năm 2012, cây gạo này tiếp tục được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận và tôn vinh là cây gạo nhiều năm tuổi nhất Việt Nam.
Ghi ơn “Bà chúa Mõ”
Lý do nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến thăm quan và vãn cảnh ở đền Mõ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, ngoài cây gạo gần 750 năm tuổi, còn có tục lệ “cầu đảo” (cầu mưa) độc đáo.
Theo các bậc cao niên trong vùng, xưa kia, mỗi khi trời hạn hán, đất ngoài đồng nứt nẻ, cây cối khô héo, vạn vật ủ rũ, người dân địa phương lại chọn ngày 12/2 Âm lịch hò nhau khênh long đình bát biểu và bài vị của vị phúc thần được thờ trong đền Mõ ra trường đảo (đàn cầu mưa) mà phơi nắng. Mục đích chính của việc làm này là để các ngài thấu hiểu nỗi khổ vì hạn hán của trăm họ mà ban mưa.
Người dân nơi đây kể rằng, năm nào cũng vậy, nhanh thì vài giờ sau, chậm thì dăm ba hôm sau khi cầu đảo, trời lập tức mưa. Có năm mưa như trút nước, nhiều năm lất phất mưa phùn dù trước đó bầu trời chẳng có dấu hiệu báo trước có mưa. Đến nay, tục lệ này đã được bỏ trong lễ hội đền Mõ.
Đền Mõ thờ công chúa Quỳnh Trân thời Trần có nhiều công lao với địa phương.
Theo cuốn “Trần triều A Nương Thiên Thính Quỳnh Trân Thượng đẳng thần ngọc phả lục” (Thần tích đền Mõ) do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn, được Nhà sử học Ngô Đăng Lợi dịch, vị phúc thần được thờ trong đền Mõ là công chúa Quỳnh Trân nổi tiếng xinh đẹp, hiền đức dưới thời nhà Trần.
Do chán cảnh cung cấm, dù sống trong nhung lụa, nhưng đầy nỗi cô đơn, phiền muộn, công chúa Quỳnh Trân thường cùng người hầu cải trang đến nhiều vùng, tìm thú vui nơi cuộc sống dân dã.
Một hôm, khi qua vùng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là gồm các xã: Du Lễ, Kiến Quốc và Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng), thấy mảnh đất “địa linh nhân kiệt” hình con nhạn đang bay, có núi non, sông nước mênh mông, công chúa Quỳnh Trân liền xin với vua cha cho lập am tu hành. Thương con chẳng nỡ xa, nhưng trước sự quyết tâm của công chúa, vua cha ngậm ngùi mà gật đầu đồng ý.
Cùng với việc lập am tu hành, công chúa Quỳnh Trân còn cho lập điền trang, thái ấp, cấp lương thực, tiền bạc cho kẻ nghèo đói, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Để điều hành công việc hằng ngày, công chúa Quỳnh Trân nghĩ ra cách dùng tiếng mõ. Nếu trong ngày, hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc, mọi người cứ theo tiếng mõ mà làm.
Bắt nguồn từ đó, những địa danh như chợ Mõ, làng Mõ, chùa Mõ, đền Mõ ở xã Ngũ Phúc đã ra đời và truyền đến ngày nay. Công chúa Quỳnh Trân được mọi người trong vùng gọi với tên trìu mến “Bà chúa Mõ”. Khi mất, bà được người dân trong vùng lập đền Mõ để thờ phụng, hương khói quanh năm. Năm 1992, đền Mõ được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Sỹ Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, cho biết, Lễ hội đền Mõ tưởng nhớ, tri ân công chúa Quỳnh Trân được tổ chức vào 3 ngày, từ 12 đến 14/2 Âm lịch hằng năm thu hút rất đông du khách trong và ngoài huyện. Dự kiến năm 2023, Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia đền Mõ thu hút hơn 30.000 lượt khách du lịch, người dân địa phương đến vãn cảnh, thắp hương, dâng lễ.
Để bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích đền Mõ cũng như cây gạo di sản gần 750 năm tuổi, trên cơ sở đề xuất của xã, UBND huyện Kiến Thụy đang nghiên cứu, xem xét kế hoạch mở rộng khuôn viên khu di tích từ hơn 1,2 ha hiện tại lên hơn 2,8 ha. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo du khách gần xa để phát triển hơn nữa loại hình du lịch văn hóa – tâm linh.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh 'níu chân' du khách (Bài 3): Lam Kinh và những câu chuyện ly kỳ
Di tích lịch sử Lam Kinh không chỉ hấp dẫn du khách bởi sự cổ kính, tôn nghiêm của những công trình kiến trúc đồ sộ; mà nơi đây còn 'níu chân' du khách bằng những câu chuyện ly kỳ, đầy bí ẩn...
Cây đa - thị (phía sau sân khấu thực cảnh) được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi
Về với Lam Kinh, khi bước qua Cầu Bạch, nhìn sang trái Ngọ Môn, du khách sẽ thấy một cây đa - thị cổ thụ. Xưa kia chỗ cây đa đang án ngữ là một cây thị. Cây thị ra hoa kết trái, chim chóc thường về ăn quả thị vô tình mang theo hạt đa đến. Hạt đa rơi xuống đất mọc thành cây phát triển xanh tốt. Bộ rễ phụ của cây đa rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa khác, mà ôm trọn cây thị rồi hóa thành "một gốc hai ngọn". Bởi, sự cộng sinh đặc biệt này, Nhân dân trên đất Lam Sơn gọi đây là cây đa - thị. Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, mỗi năm đều ra quả, tuy nhỏ, chát nhưng thơm lừng một góc. Đến năm 2007, theo quy luật sinh tồn của tạo hóa, cây thị già chết khô. Cây đa vẫn luôn ôm cây thị chết trong lòng. Điều bất ngờ, là cây thị phần thân đã chết, nhưng phần rễ vẫn "ôm ấp" dần phát triển sinh sôi nảy nở. Chính vì thế đến năm 2015, một cây thị khác đã mọc lên xanh tốt như bây giờ.
Sự tồn tại độc đáo của cây đa - thị, đặc biệt, với sự hồi sinh của cây thị như khẳng định sức sống dẻo dai, sự gắn kết bền chặt không chỉ của cảnh vật nơi đây. Hơn thế, là khẳng định sức mạnh "hồi sinh" từ những tro tàn, sự trường tồn, linh thiêng của vùng đất Lam Kinh trước bao biến động của lịch sử. Cùng với đó, là một trong những cây cổ thụ lớn nhất ở Lam Kinh, cây đa - thị còn là chứng nhân lịch sử về sự tồn tại đầy thăng trầm của Lam Kinh. Với tầm vóc hàng trăm năm cùng sự độc đáo hiếm có cùng những giá trị lịch sử văn hóa vô giá, năm 2013, cây đa - thị được vinh danh là Cây di sản Việt Nam.
Từ Ngọ Môn nhìn vào, Lam Kinh nổi bật với tòa chính điện đồ sộ, bề thế. Tòa Chính điện Lam Kinh hiện nay được phỏng dựng lại theo đúng quy mô, kích thước và kiến trúc xưa. Vào thời điểm, UBND tỉnh quyết định phỏng dựng Tòa Chính điện Lam Kinh, một câu chuyện trùng hợp đến kỳ lạ đã xảy ra ở đây. Đó là câu chuyện cây lim hiến thân. Trong rừng Lam Kinh có cây lim cổ thụ khoảng 600 năm tuổi đang xanh tốt, khỏe mạnh bình thường bất ngờ trút hết lá, dần trở thành cây khô không còn sức sống nữa. Cô hướng dẫn viên tại Di tích lịch sử Lam Kinh, Lê Thị Thức giới thiệu, cây lim hiến thân có rất nhiều điều trùng hợp mà chưa có lời lý giải. Đó là, thời điểm cây trút lá trùng với thời điểm dự án phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt, và cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành. Khi làm lễ hạ xuống thì càng khiến nhiều người tin rằng cây lim này đã tự nguyện "hiến thân" để phục dựng tòa chính điện.
Thông thường cây lim càng già càng rỗng ruột, nhưng cây lim hiến thân này từ gốc đến ngọn đều đặc ruột. Và điều đặc biệt đến kinh ngạc đó là khi đẽo phần vỏ của cây lim đi, thì gốc của cây lim có bán kính khoảng 82 cm vừa khít với chân tảng đá của cột cái chính điện xưa để lại. Và gốc lim hiến thân ấy được làm cột cái đặt ở hậu điện (nơi nghỉ ngơi của vua xưa kia). Ngoài ra, các phần thân, nhánh của cây lim cũng vừa khít để làm cột quân, cột hiên, thượng lương tại cả 3 tòa: tiền điện, trung điện, hậu điện. Điều này khiến nhiều người tin rằng hơn nửa thiên niên kỷ trước cây lim được sinh ra để "hiến thân" làm nhiệm vụ phỏng dựng tòa chính điện, để lại một di sản vô giá cho hậu thế.
Thêm một điều thú vị, hấp dẫn du khách khi về với Lam Kinh đó là, cây ổi "cười". Cây ổi nằm trong khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái tổ - nơi huyệt đạo linh thiêng, quan trọng. Tương truyền, xưa kia có một người đàn ông rất giàu có nhưng hiếm muộn có con trai. Ông đã cung tiến đắp tượng quan ngoài cổng, trồng cây nhãn, ổi bày tỏ lòng thành với vua Lê. Sau đó ông đã có một cậu con trai. Cây ổi cạnh lăng mộ vua Lê Thái tổ năm nào cũng sai quả. Nhưng điều khiến cây ổi trở nên khác lạ, độc đáo, chính là khi có người lấy ngón tay xoa nhẹ vào mắt, vùng lõm trên thân cây thì đầu lá sẽ rung lên từng hồi từng nhịp, cả khi trời lặng gió. Và khi không xoa nữa thì lá sẽ đứng yên. Người ta gọi hiện tượng lá rung là cây ổi đang "cười" chào đón du khách về Lam Kinh, về thăm lăng mộ Vua. Còn nếu du khách nắm tay vào cành cây ổi và nhắm mắt tĩnh tâm, thì sẽ có cảm giác khác nhẹ nhõm, thanh thản, giống như có một luồng năng lượng, sinh khí được truyền qua cây ổi vào người. Rất nhiều người đã thử khám phá cây ổi "cười" và đều bất ngờ trước hiện tượng lạ này. Với sự đặc biệt của mình, cây ổi "cười" đã được nghiên cứu, trồng thử nơi khác nhưng đều không có hiện tượng "cười" và chưa có lời giải cho hiện tượng này.
Phải chăng Lam Kinh tọa lạc trên vùng đất Lam Sơn linh thiêng, là "kinh đô tưởng niệm" của nhà Hậu Lê, nên tự thân cảnh vật, cây cối nơi đây cũng có "thần", có "hồn" để tăng thêm sự linh thiêng và độc đáo hiếm có của di tích quốc gia đặc biệt này. Câu chuyện về cây ổi "cười", cây đa - thị, cây lim "hiến thân" chỉ là 3 trong số nhiều câu chuyện ly kỳ gắn với Di tích lịch sử Lam Kinh. Về với Lam Kinh, chúng ta sẽ được tìm hiểu và khám phá thêm nhiều điều thú vị mà hiếm nơi nào có được. Hơn thế, chúng ta sẽ được ngược dòng về với quá khứ, được sống trong không gian linh thiêng, hào hùng của một thời kỳ hưng thịnh trong lịch sử Việt Nam để thêm yêu quê hương, đất nước, trân trọng lịch sử và có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Hải Phòng: Khu du lịch Cát Bà đón hơn 2,4 triệu lượt du khách Chỉ trong 9 tháng năm 2023, Khu du lịch Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng đón lượng khách du lịch bằng cả năm 2022. Theo thông tin từ UBND huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, hết tháng 9/2023, Khu du lịch Cát Bà đón hơn 2,4 triệu lượt du khách, hoàn thành 80% kế hoạch năm (đón 3 triệu lượt du khách), bằng...