Thu hồi tiền thất thoát trong vụ PVN góp vốn vào OceanBank thế nào?
Dư luận hiện đang rất quan tâm đến khả năng thu hồi số tiền khổng lồ đã bị thất thoát trong vụ góp vốn vào OceanBank sẽ như thế nào?
PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank ra sao? Nguồn: Zing
Phiên xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm làm thất thoát 800 tỷ đồng đã kết thúc. Số tiền mà các bị cáo phải bồi thường theo bản án này là rất lớn, riêng ông Đinh La Thăng là 600 tỷ đồng. Tất nhiên, chúng ta phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng dư luận hiện đang rất quan tâm đến khả năng thu hồi số tiền khổng lồ sẽ như thế nào?
Theo luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An (Hà Nội), khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển sang cơ quan thi hành án, theo đó nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự sẽ được cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án theo quy định chung.Theo luật sư Lê Văn Quý đánh giá, khả năng thi hành án trong các vụ án này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo quy định hiện hành, quy trình thi hành án sẽ bao gồm: thụ lý thi hành án, tổ chức thi hành án, thẩm tra lưu trữ hồ sơ thi hành án. Theo quy trình đó, giai đoạn tổ chức thi hành án là giai đoạn quan trọng quyết định tính khả thi trong quá trình thi hành bản án hình sự có phát sinh nghĩa vụ dân sự của bị cáo. Trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, cưỡng chế, thẩm định tài sản, bán đấu giá tài sản.
Hầu hết các vụ án vi phạm về quản lý kinh tế, tham nhũng đều được dư luận đặc biệt quan tâm chính là khả năng thi hành án đối với nghĩa vụ dân sự phát sinh. Theo luật sư Lê Văn Quý đánh giá, khả năng thi hành án trong các vụ án này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ vì số tiền thi hành án lớn, mà bởi đối tượng bị thi hành án từng là những người có chức vụ, quyền hạn trước đó tác động nhiều đến quá trình xác minh, thi hành án của cơ quan thi hành án. Đồng thời, việc xác minh nguồn tài sản của các bị cáo trong khi giai đoạn điều tra không tiến hành kê biên và một thực trạng ai cũng nhìn thấy rõ là tài sản thường đứng tên người khác mà không đứng tên bị cáo.
Tuy rằng, cơ quan thi hành án sẽ phải xác minh nguồn tài sản từ những người liên quan đến bị cáo, không chỉ nguồn tài sản riêng mà bao gồm cả tài sản chung vợ chồng nếu có, hoặc tài sản đứng tên người thân nhưng có nguồn gốc hoặc có căn cứ xác định nguồn gốc hình thành từ nguồn tài chính của bị cáo thì cơ quan thi hành án vẫn tiến hành xử lý theo quy định.
Trên thực tế, việc xác minh không có nhiều khả thi. Không riêng việc xác minh tài sản mà chính tại cơ chế kiểm soát, thực thi của cơ quan thi hành án. Trong khi quy định hiện hành không thiếu những chế tài, không chỉ quy định trong quá trình xác minh, xử lý tài sản của bị cáo (tịch thu, kê biên, đấu giá) mà còn cả quá trình xét giảm án theo quy định trong quá trình chấp hành bản án hình sự.
Theo Hương Giang (CAND)
Chưa bị kê biên tài sản, ông Thăng sẽ bồi thường 630 tỷ đồng thế nào?
Ông Đinh La Thăng bị tuyên buộc bồi thường dân sự 630 tỷ đồng qua hai bản án sơ thẩm.
Ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí) nhận hai bản án sơ thẩm cách nhau chỉ hai tháng. Tại bản án thứ hai (chiều 29.3), ông Thăng bị TAND Hà Nội phạt 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). Ngoài ra, ông còn bị tuyên buộc bồi thường thiệt hại 600 tỷ đồng cho PVN.
Toà Hà Nội kết luận, ông Thăng đã ký thỏa thuận góp 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) vào cuối năm 2008 mà không thông qua HĐQT. Từ cuối năm này tới giữa năm 2011, ông chỉ đạo thuộc cấp ba lần góp vốn mà chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, trái quy định của pháp luật. Hậu quả, PVN bị mất 800 tỷ đồng khi lãnh đạo Oceanbank mắc hàng loạt sai phạm.
Trước đó, ở phiên tòa diễn ra tháng 1, ông Thăng cùng ông Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT PVC) và 20 người bị TAND Hà Nội xét xử về hai tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999).
Ông Thăng bị kết tội đã chỉ định thầu và cấp tiền tạm ứng trái luật cho Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong thi công Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Chỉ đạo của ông Thăng bị cho rằng đã tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh cùng thuộc cấp sử dụng sai mục đích hơn 1.000 tỷ của nhà nước mà cụ thể là PVN, gây thiệt hại 119 tỷ đồng. Tại vụ án này, ông Thăng bị phạt 13 năm tù, buộc bồi thường 30 tỷ đồng.
Sau hai phiên tòa, tổng số tiền ông Thăng phải bồi thường là 630 tỷ đồng.
Ông Đinh La Thăng ở phiên tòa cuối tháng 3.2018. Ảnh: TTXVN
Vì sao ông Đinh La Thăng chưa bị kê biên tài sản?
Dù bị tuyên buộc bồi thường với số tiền nêu trên song tài liệu được công bố của hai vụ án không thể hiện ông Đinh La Thăng bị kê biên tài sản.
Trong vụ án xảy ra ở PVN và PVC khi thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, kết luận điều tra cũng như cáo trạng thể hiện quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản của nhiều bị cáo. Điển hình là khối tài sản gồm bất động sản, ôtô, tài khoản ngân hàng, chứng khoán của ông Trịnh Xuân Thanh cùng vợ con ông này. Nhiều bị cáo là sếp tại PVC cũng đã nộp hoặc bị tạm giữ hàng chục tỷ đồng.
Tại vụ án thứ hai gây thiệt hại 800 tỷ của PVN, cáo trạng cũng thể hiện trong quá trình điều tra cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh đã bị cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 20 tỷ đồng. Số tiền này là kết quả của việc kê biên nhiều tài sản như sổ tiết kiệm, bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ, tiền mặt, tài khoản ngân hàng...
Theo một chuyên gia pháp lý, luật hiện hành chỉ quy định cơ quan tố tụng "có quyền" kê biên tài sản của bị can chứ không bắt buộc "có nghĩa vụ" làm việc này. Việc kê biên nhằm đảm bảo khắc phục được những thiệt hại mà bị can đó gây ra và thường được cơ quan tố tụng thực hiện khi xác định có hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì thế, theo chuyên gia này, việc "lựa chọn kê biên tài sản của ai phụ thuộc đánh giá của các cơ quan tố tụng".
Mặt khác, việc kê biên tài sản (nếu có) thường được thực hiện ở quá trình điều tra. "Nếu không thì dù bản án sơ thẩm tuyên người phạm tội phải bồi thường số tiền lớn, việc kê biên cũng không được tiến hành. Chờ khi bản án cuối cùng có hiệu lực, chuyển sang giai đoạn thi hành án, khi đó nhà chức trách mới được kê biên", vị này nói.
Luật sư: Khó thu hồi 630 tỷ đồng
Ông Thăng kháng cáo bản án liên quan sai phạm tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tuyên và đang chờ mở phiên phúc thẩm. Với vụ án thứ hai liên quan tới việc làm mất 800 tỷ đồng vốn của PVN, ông Thăng hiện còn hơn 10 ngày để quyết định có kháng cáo hay không (theo luật có quyền kháng cáo trong 15 ngày kể từ khi toà tuyên án).
Theo một luật sư, giả sử diễn ra phiên phúc thẩm thì một trong những căn cứ để TAND Cấp cao xem xét giảm nhẹ hình phạt với ông Thăng là việc khắc phục thiệt hại. Luật quy định như vậy song không nói rõ bồi thường với tỷ lệ bao nhiêu so với phần tuyên buộc của bản án sơ thẩm thì mức giảm án tương ứng sẽ thế nào. Do vậy, nếu ông Thăng chủ động bồi thường trước khi mở phiên phúc thẩm thì việc đánh giá mức độ khắc phục thiệt hại để xét có giảm nhẹ hình phạt hay không sẽ phụ thuộc vào đánh giá của HĐXX.
Theo nhiều luật sư, trong trường hợp, cả hai bản án đều tuyên giữ nguyên hình phạt và mức bồi thường của bản án sơ thẩm thì việc tuyên ông Thăng phải bồi thường 630 tỷ đồng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, tính khả thi của việc thu hồi số tiền này, nhiều luật sư đánh giá sẽ "cực kỳ khó", thậm chí "không tưởng".
Theo phân tích của luật sư, việc không kê biên tài sản của ông Thăng trong quá trình điều tra có thể sẽ gây khó khăn trong thi hành án. Nếu người bị kết tội không tự nguyện bồi thường thì trách nhiệm xác minh, kê biên tài sản sau này thuộc về cơ quan thi hành án.
Trong khi đó, một cán bộ thi hành án với nhiều năm kinh nghiệm cho hay, khi thi hành phần dân sự các đại án hình sự, việc thu hồi tiền bồi thường gặp "vô vàn khó khăn". Với tài sản không kê biên trước đó, công việc lại càng khó.
Số liệu từ Tổng cục Thi hành án dân sự cho thấy, bản án phúc thẩm ra ngày 30.8.2012 tuyên cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình cùng 8 đồng phạm phải bồi thường hơn 1.100 tỷ đồng, riêng ông Bình phải thi hành án hơn 500 tỷ đồng. Hai năm sau, số tiền thi hành án mới thu được 2,4 tỷ đồng.
Trong vụ án Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan ông Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines), toà tuyên các bị cáo phải bồi thường hơn 360 tỷ đồng, song đến tháng 2.2016 cơ quan thi hành án mới thu được hơn 19 tỷ.
Theo Bảo Hà (VNE)
Tuyên án vụ ông Đinh La Thăng: Đâu là quyết định khó khăn nhất? Chiều nay (29.3), sau 4 ngày nghỉ nghị án, Hội đồng xét xử TAND TP. Hà Nội sẽ tuyên án vụ ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 6 đồng phạm. Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại tòa (ảnh PV). Tính bồi thường thiệt hại ra sao? Theo...