Thu hồi hơn 9,6 triệu m2 đất vi phạm
Diện tích đất dự án được thu hồi năm 2013 của TP Hà Nội đạt tới con số kỷ lục hơn 9,6 triệu m2. Trong đó, riêng một khu đô thị không còn phù hợp với quy hoạch nên bị thu hồi đã chiếm tới hơn 9,4 triệu m2, rộng gần gấp đôi quận Hoàn Kiếm.
Một khu đất “treo”, sử dụng sai mục đích mặt đường Lê Văn Lương (Hà Nội)
Thu hồi nguyên một khu đô thị
Điểm lại tình hình xử lý vi phạm đất đai trong 4 năm gần đây, Sở TN-MT Hà Nội cho biết, các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tổng số 936 dự án. Trong đó, riêng 9 tháng đầu năm 2013 là 226 dự án. Qua đó, Sở TN-MT phát hiện 41 dự án chưa triển khai do quyết định hết hiệu lực, các chủ đầu tư không liên hệ với địa phương để thực hiện. Sở TN-MT đang thực hiện kiểm tra, đề xuất xử lý thu hồi theo quy định.
Với các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai, Chánh Thanh tra Sở TN-MT đã xử phạt hoặc trình UBND TP xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền 14 quyết định với tổng số tiền 122 triệu đồng, yêu cầu các tổ chức khắc phục các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, cũng trong 9 tháng qua, UBND TP Hà Nội đã quyết định thu hồi đất đối với 11 tổ chức, ra 13 quyết định thu hồi đất. Tổng diện tích thu hồi lên tới 9.678.406,5 m2 đất. Ngoài ra, Sở TN-MT đã có kết luận thanh tra và UBND TP đang xem xét chỉ đạo việc lập hồ sơ thu hồi đất đối với 3 dự án, diện tích dự kiến thu hồi 33.921 m2 đất. Đây là con số diện tích đất thu hồi trong 1 năm lớn nhất từ trước tới nay của TP Hà Nội. Năm ngoái, con số thu hồi chỉ xấp xỉ 8 triệu m2 đất.
Video đang HOT
Tuy nhiên, số diện tích thu hồi “phình” quá nhanh không phải do TP thu hồi số lượng lớn dự án có vi phạm mà do một khu đô thị không còn phù hợp quy hoạch, chủ đầu tư cũng không còn mặn mà nên TP đã thực hiện thu hồi đất. Đó là khu đô thị Tây Quốc Oai (huyện Quốc Oai, Hà Nội), theo Quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu đô thị này nằm trong khu vực hành lang xanh không phát triển đô thị, nên chủ đầu tư đã làm việc với các sở, ngành và đơn vị liên quan, đề xuất với UBND TP Hà Nội được giao lại khu đô thị theo đúng quy định.
Cương quyết xử lý dự án “treo”
Nói về đô thị Tây Quốc Oai vừa được UBND TP thu hồi, ông Nguyễn Hồng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, khu đô thị rộng tới 940 ha, bao phủ 8 xã của huyện. Qua rà soát, các cơ quan chức năng cho biết, dự án không còn phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050. Do đó, UBND TP có ý kiến chỉ đạo dừng dự án này, không thực hiện. Ông Nguyễn Hồng Lâm nói: “Việc dừng dự án hay thu hồi đất không ảnh hưởng tới người dân. Huyện vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa để bà con sản xuất một cách bình thường…”.
Lý giải nguyên nhân số dự án “treo”, bỏ hoang đất chưa thể giảm, Sở TN-MT Hà Nội cho biết, thị trường bất động sản đóng băng nên nhiều doanh nghiệp không vay được vốn từ ngân hàng, không huy động được vốn từ đối tác đầu tư, người mua nhà ở nên không thực hiện được dự án theo tiến độ. Một số doanh nghiệp chỉ sử dụng một phần diện tích đất được giao đúng quy định, phần còn lại đem cho thuê nhà xưởng, mặt bằng, liên doanh, liên kết trái qui định…
Sở TN-MT nhấn mạnh, thực tế thanh tra cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc dù TP luôn yêu cầu xử lý triệt để các vi phạm. Đa số các đơn vị sử dụng đất không hợp tác khi cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ. Tình trạng trốn tránh, không có mặt, chậm cung cấp tài liệu hồ sơ, tự ý thay đổi địa điểm trụ sở hoạt động mà không thông báo… xảy ra như “cơm bữa”.
Thể hiện thái độ tập trung cương quyết xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng, UBND TP Hà Nội yêu cầu, đối với dự án đã được gia hạn, phải nhanh chóng khắc phục vi phạm. UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có đất) phải đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Khi hết thời hạn, nếu doanh nghiệp không hoàn thành theo tiến độ, quận, huyện, thị xã phải báo cáo UBND TP và phối hợp với Sở TN-MT lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định. TP cũng giao Sở KH-ĐT rà soát ngay các dự án đã được giao chủ đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện theo tiến độ, chủ động thanh tra, kiểm tra và làm các thủ tục thu hồi việc giao chủ đầu tư, GCN đầu tư đối với những vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo ANTD
Thu hồi "đất treo" xây trường học
Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh vừa ra quyết định thu hồi gần 12.633 m2 đất thuộc 2 dự án bất động sản chậm triển khai để ưu tiên đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa.
Nhiều trường học nội thành phải tận dụng cả vỉa hè cho học sinh vui chơi
Thu hồi 2 dự án treo hơn 14 năm
Hai dự án bất động sản bị UBND TP Hà Nội thu hồi đất lần này cùng nằm trên địa bàn quận Ba Đình. Cụ thể, TP thu hồi 9.771m2 đất tại khu vực ao Út Tu, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình do Công ty Xây dựng phát triển nhà Ba Đình nay là Công ty CP Tập đoàn đầu tư Ba Đình triển khai. Khu đất này đã được UBND TP giao cho doanh nghiệp này từ đầu tháng 3-1998 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán, nhưng chậm triển khai thực hiện, vi phạm các quy định của Luật Đất đai.
Khu đất thứ 2 bị thu hồi có diện tích 2.862m2 đất tại khu vực hồ Thương Binh, phường Kim Mã, quận Ba Đình cũng do Công ty trên triển khai, được UBND TP giao đất từ tháng 2-1999 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở bán. UBND TP nêu rõ, lý do thu hồi là cả 2 dự án này đều chậm triển khai thực hiện, vi phạm Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 quy định về các trường hợp thu hồi đất.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã giao diện tích đất nói trên cho UBND quận Ba Đình quản lý, tổ chức GPMB và lập dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Vũ Hồng Khanh yêu cầu: "Ưu tiên sử dụng làm trường học, trường mầm non, nhà văn hóa". UBND quận Ba Đình phải có báo cáo, đề xuất với UBND TP Hà Nội trong thời hạn 6 tháng kể từ 26-9-2013 (ngày ký quyết định thu hồi).
Ngày 3-10, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về hai trường hợp thu hồi đất nói trên, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở TN-MT Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện kiểm tra, phát hiện và đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Đây là việc làm cần thiết, thường xuyên để đảm bảo trật tự kỷ cương đô thị. Ông Nguyễn Trọng Đông nói: "Việc thu hồi các diện tích đất vi phạm pháp luật đất đai, bỏ hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả... để chuyển sang phục vụ các mục đích công cộng (như trường học, nhà văn hóa) là chủ trương hết sức đúng đắn, đáp ứng yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí".
Một khu đất bỏ hoang ở quận Tây Hồ trong khi quận này đang đề xuất xây mới 7 trường học
Đang xem xét nhiều địa chỉ khác
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, bà Phạm Thị Hồng Nga cho biết, tổng hợp nhu cầu từ 12 quận, huyện cho thấy, cần xây dựng mới 290 trường học (mầm non, tiểu học và THCS) trong những năm tới. Trong đó, nhiều quận nội thành như Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy đều đề xuất xây mới từ 12 tới 29 trường học. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là tại các quận nội thành, bởi quỹ đất gần như không còn.
Để giải quyết bức xúc việc thiếu quỹ đất xây dựng trường học, đầu tháng 8-2013, một số quận nội thành đã đề nghị thu hồi nhiều diện tích đất ở vị trí đắc địa để xây dựng trường học. Đáng chú ý, nhiều khu đất trong diện đề xuất đang bị bỏ hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật đất đai. Đơn cử, UBND quận Tây Hồ đề xuất 10 địa điểm, trong đó, có một số khu đất khá rộng như 3.158m2 đất tại số 4 ngõ 108 An Dương, phường Yên Phụ; 2.133m2 đất tại số 17-19 Thụy Khuê đang để hoang hóa, sử dụng không hiệu quả. UBND quận Tây Hồ đề xuất thu hồi để mở rộng xây dựng trường mầm non Chu Văn An. UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất 7 địa điểm để xây mới một số trường công lập mầm non và THCS như 1.800m2 phố Hàng Khoai; 1.000m2 tại số 88 Hàng Buồm... Quận Hai Bà Trưng cũng đưa ra 13 địa điểm cần thu hồi để xây trường học như khu đất diện tích 2.500m2 tại số 114 Mai Hắc Đế, phường Bùi Thị Xuân; 4.000m2 đất tại 67 Ngô Thì Nhậm, phường Ngô Thì Nhậm; 465m2 đất tại 60 Ngô Thì Nhậm...
Với các đề xuất trên, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, Sở TN-MT sẽ phối hợp với các quận, huyện để xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu xác định đủ căn cứ, Sở TN-MT sẽ lập hồ sơ, trình UBND TP xem xét, quyết định thu hồi với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, nhằm sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, trong đó, ưu tiên các công trình công cộng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Chính Trung
Theo ANTD
Không chốt được đền bù GPMB, dự án nằm im Hà Nội đã và đang đầu tư nhiều dự án nông nghiệp để có những nông sản sạch, song đến nay, vẫn chưa dự án nào ra đầu ra đũa. Từ dự án hoa công nghệ cao Tây Tựu đến đề án sản xuất rau an toàn, đặc biệt, dự án sản xuất rau an toàn tại Đan Phượng với diện tích lên...