Thu hồi “đất treo” xây trường học
Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh vừa ra quyết định thu hồi gần 12.633 m2 đất thuộc 2 dự án bất động sản chậm triển khai để ưu tiên đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa.
Nhiều trường học nội thành phải tận dụng cả vỉa hè cho học sinh vui chơi
Thu hồi 2 dự án treo hơn 14 năm
Hai dự án bất động sản bị UBND TP Hà Nội thu hồi đất lần này cùng nằm trên địa bàn quận Ba Đình. Cụ thể, TP thu hồi 9.771m2 đất tại khu vực ao Út Tu, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình do Công ty Xây dựng phát triển nhà Ba Đình nay là Công ty CP Tập đoàn đầu tư Ba Đình triển khai. Khu đất này đã được UBND TP giao cho doanh nghiệp này từ đầu tháng 3-1998 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán, nhưng chậm triển khai thực hiện, vi phạm các quy định của Luật Đất đai.
Khu đất thứ 2 bị thu hồi có diện tích 2.862m2 đất tại khu vực hồ Thương Binh, phường Kim Mã, quận Ba Đình cũng do Công ty trên triển khai, được UBND TP giao đất từ tháng 2-1999 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở bán. UBND TP nêu rõ, lý do thu hồi là cả 2 dự án này đều chậm triển khai thực hiện, vi phạm Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 quy định về các trường hợp thu hồi đất.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã giao diện tích đất nói trên cho UBND quận Ba Đình quản lý, tổ chức GPMB và lập dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Vũ Hồng Khanh yêu cầu: “Ưu tiên sử dụng làm trường học, trường mầm non, nhà văn hóa”. UBND quận Ba Đình phải có báo cáo, đề xuất với UBND TP Hà Nội trong thời hạn 6 tháng kể từ 26-9-2013 (ngày ký quyết định thu hồi).
Video đang HOT
Ngày 3-10, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về hai trường hợp thu hồi đất nói trên, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở TN-MT Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện kiểm tra, phát hiện và đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Đây là việc làm cần thiết, thường xuyên để đảm bảo trật tự kỷ cương đô thị. Ông Nguyễn Trọng Đông nói: “Việc thu hồi các diện tích đất vi phạm pháp luật đất đai, bỏ hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả… để chuyển sang phục vụ các mục đích công cộng (như trường học, nhà văn hóa) là chủ trương hết sức đúng đắn, đáp ứng yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí”.
Một khu đất bỏ hoang ở quận Tây Hồ trong khi quận này đang đề xuất xây mới 7 trường học
Đang xem xét nhiều địa chỉ khác
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, bà Phạm Thị Hồng Nga cho biết, tổng hợp nhu cầu từ 12 quận, huyện cho thấy, cần xây dựng mới 290 trường học (mầm non, tiểu học và THCS) trong những năm tới. Trong đó, nhiều quận nội thành như Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy đều đề xuất xây mới từ 12 tới 29 trường học. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là tại các quận nội thành, bởi quỹ đất gần như không còn.
Để giải quyết bức xúc việc thiếu quỹ đất xây dựng trường học, đầu tháng 8-2013, một số quận nội thành đã đề nghị thu hồi nhiều diện tích đất ở vị trí đắc địa để xây dựng trường học. Đáng chú ý, nhiều khu đất trong diện đề xuất đang bị bỏ hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật đất đai. Đơn cử, UBND quận Tây Hồ đề xuất 10 địa điểm, trong đó, có một số khu đất khá rộng như 3.158m2 đất tại số 4 ngõ 108 An Dương, phường Yên Phụ; 2.133m2 đất tại số 17-19 Thụy Khuê đang để hoang hóa, sử dụng không hiệu quả. UBND quận Tây Hồ đề xuất thu hồi để mở rộng xây dựng trường mầm non Chu Văn An. UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất 7 địa điểm để xây mới một số trường công lập mầm non và THCS như 1.800m2 phố Hàng Khoai; 1.000m2 tại số 88 Hàng Buồm… Quận Hai Bà Trưng cũng đưa ra 13 địa điểm cần thu hồi để xây trường học như khu đất diện tích 2.500m2 tại số 114 Mai Hắc Đế, phường Bùi Thị Xuân; 4.000m2 đất tại 67 Ngô Thì Nhậm, phường Ngô Thì Nhậm; 465m2 đất tại 60 Ngô Thì Nhậm…
Với các đề xuất trên, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, Sở TN-MT sẽ phối hợp với các quận, huyện để xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu xác định đủ căn cứ, Sở TN-MT sẽ lập hồ sơ, trình UBND TP xem xét, quyết định thu hồi với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, nhằm sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, trong đó, ưu tiên các công trình công cộng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Chính Trung
Theo ANTD
Không chốt được đền bù GPMB, dự án nằm im
Hà Nội đã và đang đầu tư nhiều dự án nông nghiệp để có những nông sản sạch, song đến nay, vẫn chưa dự án nào ra đầu ra đũa. Từ dự án hoa công nghệ cao Tây Tựu đến đề án sản xuất rau an toàn, đặc biệt, dự án sản xuất rau an toàn tại Đan Phượng với diện tích lên tới 76ha. Tất cả đến nay, vẫn chỉ nằm trên giấy dù đã qua cả gần chục năm.
Công viên hoa Tây Tựu đã gần 10 năm chưa thành hình. Ảnh: PHÚ KHÁNH
Công viên hoa gần 10 năm chưa thấy
Trước tiên, phải kể đến dự án công viên hoa chất lượng cao Tây Tựu. Vào năm 2004, UBND TP đã phê duyệt dự án khu trồng hoa chất lượng cao với diện tích khoảng hơn 500ha nằm trên địa bàn xã Tây Tựu và Liên Mạc (Từ Liêm). Đặc biệt, dự án dành ra 10ha để thực hiện phần quan trọng nhất, được coi là điểm nhấn để nâng tầm cho cả vùng hoa, biến Tây Tựu trở thành "công viên hoa" giữa lòng thành phố, là tiểu dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa. Tiểu dự án này do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) là chủ đầu tư. Mục tiêu của tiểu dự án nhằm hình thành khu công nghệ cao để sản xuất hơn 50 triệu cây hoa giống với công nghệ tiên tiến từ quy trình trồng đến thu hoạch và bảo quản. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ cho cả vùng hoa về cây giống, kỹ thuật, đào tạo nghề và xúc tiến tiêu thụ. Dự án được chọn là dự án quan trọng, kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, dự án đã lỡ hẹn Đại lễ. Đến nay, dịp kỷ niệm Đại lễ đã qua 3 năm, nhưng công viên hoa vẫn chưa thể hoàn thành.
Ông Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Hadico cho biết, đến nay vẫn còn khoảng 1ha diện tích đất thu hồi của các hộ dân chưa thể giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, mặc dù ban đầu khi phê duyệt có quy định, công ty sẽ được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển TP nhưng đã qua ngần ấy năm, công ty nhiều lần đệ đơn vay vốn song không được duyệt. Về chậm trễ GPMB, theo ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu là do sự ra đời của các chính sách về giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư điều chỉnh trong những thời điểm giao nhau. Bởi vậy, đã tạo ra sự không đồng nhất trong mức đền bù cho người nông dân bị thu hồi, dù trên cùng 1 dự án, 1 chủ đầu tư... nhưng lại có những mức chênh lệch khác nhau.
Dự án rau an toàn nằm chờ
Dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn tập trung tại Đan Phượng với diện tích hơn 776ha thuộc 3 xã Phương Đình, Đồng Tháp, Song Phượng chính thức được phê duyệt vào tháng 8-2012. Tổng mức đầu tư của dự án là 47,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2013-2014. Mục tiêu dự án hướng tới tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật và quy trình công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ trong sản xuất, bảo quản, tiêu thụ rau sạch, hình thành vùng sản xuất rau an toàn tập trung, cung cấp khoảng 6.000 tấn rau quả an toàn/năm cho nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô và xã hội. Trong đó, sản lượng rau là 200 tấn/năm, sản lượng củ quả là 3.600 tấn/năm, sản lượng rau ăn lá 1.200 tấn/năm. Dự án sẽ đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ quá trình sản xuất của nông dân hiện nay trên địa bàn triển khai dự án. Dự án được giao cho Hadico thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm nhưng gần như dự án chưa triển khai được hạng mục nào. Sau nhiều mô hình sản xuất rau an toàn thất bại, người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ về một dự án sản xuất rau an toàn lớn tại Đan Phượng cũng theo vết xe đổ.
Lý giải về sự chậm trễ ở dự án này, ông Phan Minh Nguyệt cho rằng, chủ yếu sự chậm trễ cho việc thay đổi cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, dự án cần thu hồi khoảng 5.000m2 đất làm nhà sơ chế, và thu hồi diện tích đất để làm đường nội đồng. Song đến nay, những đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt. Vào tháng 1-2013, Sở TN-MT Hà Nội có văn bản đề nghị Công ty tự thỏa thuận với người dân. Nhưng lãnh đạo Hadico cho rằng, việc thỏa thuận về việc thu hồi đất với người dân là rất khó khăn, vì dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn Đan Phượng là dự án được thành phố hỗ trợ vốn đầu tư GPMB và hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào. Hơn nữa, sau khi thuê đất, Công ty phối hợp với UBND xã Song Phượng, UBND huyện Đan Phượng tiến hành dồn điền đổi thửa để sản xuất. Tuy nhiên, công tác dồn điền đổi thửa vẫn không thực hiện được do người dân có ruộng trong khu vực dự án đã không phối hợp để đổi thửa và chính quyền địa phương cũng chưa quyết liệt trong vấn đề này.
Trả lời về tiến độ của dự án rau an toàn tại Đan Phượng liệu có chậm như dự án hoa Tây Tựu, ông Phan Minh Nguyệt cũng phải nhìn nhận, bản thân Công ty Hadico là chủ đầu tư thực hiện nhưng cũng không dám khẳng định, dự án bao giờ cán đích.
Tuyết Nhung
Theo ANTD
Quyết liệt dành đất xây trường học Chiều 5-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã trả lời chất vấn về vấn đề đưa nước sạch sinh hoạt về nông thôn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời về việc bố trí đất xây dựng trường học tại quận Hai Bà Trưng. Nhà máy Rượu Hà Nội sẽ sớm được...