Thứ hạt đỏ đẹp mê hoặc ví như ngọc trời trên đỉnh Ngọc Linh
Tại Quảng Nam, sâm sinh trưởng và phát triển tốt nhất tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Mùa sâm ra hoa thường từ tháng Tư đến tháng Bảy và mùa kết trái vào khoảng tháng Chín đến tháng Mười.
Sau hai tháng quả bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ cam với một chấm đen không đều ở đỉnh quả. Quả sâm chín nhìn tựa viên ngọc lấp lánh sắc màu. Mỗi quả chứa một hạt, một số quả chứa 2 hạt và số quả trên cây bình quân khoảng 10 đến 30 quả.
Niềm vui của một thanh niên Xê Đăng khi tìm thấy cây sâm tự nhiên trong rừng già Ngọc Linh. Trước đây, đồng bào đã phát hiện ra loại dược liệu này và gọi là cây “thuốc giấu”. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào đã chỉ cho Ban Dân y Khu 5 nơi phát hiện cây thuốc quý này và từ đó gọi là Sâm Khu 5.
Đồng bào Xê Đăng, ngoài việc tìm cây giống mọc tự nhiên còn biết thu hoạch hạt giống từ hạt cây sâm trồng tại vườn, gieo hạt, nảy mầm thành cây con chừng một năm tuổi rồi mang đi trồng dưới tán rừng, hình thành những vườn sâm trên núi Ngọc Linh.
Nhờ những hạt sâm giống quý giá này nên đến nay, hàng trăm ha sâm Ngọc Linh được trồng và nhân rộng ở huyện Nam Trà My. Việc trồng sâm làm cho bà con dân tộc Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh từ bỏ đốt nương làm rẫy, giữ được rừng đầu nguồn, thoát khỏi đời sống nghèo khó và vươn lên làm giàu.
Cây sâm Ngọc Linh được bảo tồn và phát triển, trở thành sản phẩm nổi tiếng của xứ Quảng, thành “bảo vật” quốc gia. Nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Sâm Ngọc Linh, chính quyền và người dân địa phương đã tổ chức phiên chợ sâm hằng tháng và lễ hội sâm vào tháng Tám hằng năm, thu về tiền tỷ.
Một cây sâm Ngọc Linh cho hạt.
Một cô gái Xê Đăng nâng niu một cây sâm vừa kết trái còn non xanh.
Một góc vườn sâm của ông Bùi Như Chương được bao bọc bằng bao lưới với nhiều màu sắc khác nhau và giỏ tre nhỏ để bảo vệ hạt sâm không bị chuột cắn phá. Người trồng sâm đợi những quả sâm vừa chín thì tháo bao lưới ra để chuẩn bị thu hái chùm hạt làm giống.
Sâm chín rộ ở một góc vườn trồng sâm trên núi Ngọc Linh.
Video đang HOT
Những chùm sâm chín đỏ mọng như những viên ngọc đang còn nằm giữa giỏ tre nhỏ làm giá đỡ cho bao lưới Chùm hạt sâm chín vừa được tháo khỏi bọc lưới để chuẩn bị thu hoạch làm giống.
Những trái sâm chín được thu nhặt, nâng niu bảo quản, gìn giữ cẩn thân để chuẩn bị mang gieo ở vườn ươm.
Công nhân chăm sóc cây sâm con tại vườn sâm Tăk Ngo, xã Trà Linh, thuộc quản lý của UBND huyện Nam Trà My. Khi cây sâm cứng cáp – khoảng một năm tuổi, sẽ mang ra trồng tại vườn sâm. Từ vườm ươm này, nhiều hộ nông dân ở xã Trà Linh cung cấp sâm giống trồng tại vườn riêng của mình, nhờ đó, người nông dân duy trì được vườn sâm, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Những cây sâm con nảy mầm từ hạt giống để chuẩn bị trồng ra vườn rừng.
Những củ sâm Ngọc Linh đủ tuổi để bán ra thị trường, đạt tiêu chuẩn về khối lượng, chất lượng, tạo hình, màu sắc…
Các sản phẩm sâm Ngọc Linh, gốm lá sâm, cũ sâm, rượu sâm đang được bày bán tại phiên chợ sâm Ngọc Linh vào những ngày đầu hàng tháng tại huyện Nam Trà My.
Theo Trần Tấn Vịnh (Báo Quảng Nam)
Quảng Nam: Lập chốt giữ sâm trồng giấu kín trong rừng sâu
Những điểm trồng sâm giấu kín ở rừng sâu được cư dân Xơ Đăng ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) gọi là "chốt" giờ đây có thể gọi là những trại sâm với quy mô nhân trồng, những tiến bộ kỹ thuật, những cách bảo vệ hết sức nghiêm ngặt được họ áp dụng...
Giữa đại ngàn núi cao rừng rậm, những cư dân Xơ Đăng ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) sau hàng chục năm âm thầm với việc nhân trồng cây sâm Ngọc Linh nay đã tạo nên nhiều mô hình làm ăn vững chắc với loại cây dược liệu thượng đẳng này.
Nhờ thổ nhưỡng thích hợp, chăm trồng hợp tự nhiên, những cây sâm 3 tuổi của anh Thái bắt đầu cho hạt từ năm 2018.
Trồng sâm Ngọc Linh ở địa điểm bí mật trong rừng sâu, người trồng sâm ở Trà Linh không cho một ai - trừ người trong nhà biết chỗ trồng sâm của mình. Giờ đây, khi củ sâm lên giá - một ký sâm tươi loại 2 (với khoảng 20 củ) có giá 85 triệu đồng ở phiên chợ sâm Ngọc Linh hồi tháng 8.2018, và đang lên giá hơn nữa trong dịp cuối năm này, người trồng sâm ở đây càng nghiêm ngặt trong việc giữ sâm. Bởi vậy tôi rất may khi được anh Hồ Văn Thái cho đến thăm trại sâm của gia đình.
Những hàng rào sâm kiên cố
Dù quen đi rừng, tôi cũng khá vất vả khi cố giữ cho kịp bước của ông chủ trại sâm 32 tuổi có vóc dáng vạm vỡ. Theo lối đi nhỏ giữa rừng già chừng một giờ, Thái tách vào một cung rừng theo một lối mòn rất khó nhận ra với người lạ. Sau non một giờ theo đường rẽ qua nhiều khe, ghềnh hiểm hóc, Thái bước chậm trên thảm lá mục rồi nói khẽ: "Tới chốt sâm của nhà mình rồi!".
Giữa trưa vẫn có sương mù sà xuống từng đợt, rừng âm u như lúc sẫm tối, nghe chớm lạnh. "Nhờ cái mù, cái mát lạnh, cái hơi nước khe ở rừng già tỏa ra nên mới trồng được cây sâm. Ngó cái rêu dài mọc kín thân cây thì biết ở đây rất là mát lạnh, giữa mùa nắng cũng vậy" - Thái giải thích.
Chốt sâm hiện nay được rào chắn công phu, tốn kém với vật liệu hiện đại. Trong ảnh: Một góc chốt sâm của gia đình anh Hồ Văn Thái với hàng rào bằng lưới kẽm B40, có cả chuông báo động, hào chông .
Trại sâm hiện ra với cánh cổng hẹp, chung quanh được rào bằng lưới kẽm B40 và tôn tấm chắn ở bên ngoài. Khu trồng sâm chiếm một vùng rừng nguyên sinh khá rộng. Nhà trại có mái tôn, vách ván nằm ở giữa. Những luống sâm nằm dưới tàn cây kín bưng phủ đầy lá mục, từ ngoài rào nhìn vào rất khó nhận ra đâu là cây sâm.
"Mùa sâm năm nay mình chỉ trồng thêm chừng hơn 1.000 cây sâm Ngọc Linh" - Thái nói khi dừng lại bên những luống sâm vừa mới tỉnh ngọn. "Năm nay mình trồng không được nhiều sâm như dự tính là vì có nhiều cây sâm con trong luống ươm bị chết hồi còn nhỏ. Cũng có một ít cây sâm con tự mọc trong luống từ những hạt của cây sâm mẹ rụng xuống" - anh tiếp lời.
Phần sâm Ngọc Linh trồng của vợ chồng Thái cũng như của vợ chồng người em trai Thái nằm chung trong trại sâm của cha mẹ Thái. "Trại sâm ni của gia đình mình có lâu lắm rồi. Khi cha mình thôi làm công nhân trồng sâm ở Trại dược liệu Trà Linh trở về là tìm đến đây lập chốt trồng sâm. Hồi đó mình còn nhỏ" - Thái kể.
Trước đây, khi tìm ra chỗ trồng sâm Ngọc Linh giấu kín giữa rừng sâu nhiều hộ phải làm chung với nhau, mỗi hộ trồng một số luống ở một cụm để cùng chung nhau canh giữ, do vậy nên được gọi là chốt sâm. Nhưng cha mẹ Thái lại tự làm, tự bảo vệ. Qua nhiều năm, chốt sâm của cha mẹ Thái được mở rộng lần ra. Rồi con cái lớn lên, có gia đình, làm riêng ra từng cụm, nay trở nên là một chốt sâm gia đình khá lớn.
Bảo vệ sâm là phần việc quan trọng với người trồng sâm hiện nay. "Giữ sâm chừ phải làm thiệt kỹ. Ngoài rào chông, bẫy, mình còn phải giăng lưới kẽm B40, giăng dây kẽm gai dựa vô trụ sắt, trụ xi măng, cây rừng, dùng tôn bao vòng quanh chốt, đặt các loại chuông báo động. Rào một cái chốt sâm tốn 200 - 300 triệu đồng, còn cái chốt lớn hơn thì tốn cả tỷ đồng chớ không ít" - Thái nói.
Sống ở trại sâm
"Ai ở những làng trồng được cây sâm Ngọc Linh ở Trà Linh nay cũng mở rộng trồng sâm" - Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Thể cho biết. Mở rộng, là làm thêm chốt trồng sâm mới, là xây dựng lại, củng cố lại chốt sâm từ việc mở rộng diện tích trồng sâm cũng như sửa lại trại mạc, gia cố hệ thống hàng rào chống trộm, chống thú rừng, côn trùng hại sâm bằng các loại vật liệu tân tiến, bền chắc.
"Mình bỏ ra hơn 300 triệu đồng để mở một cái chốt mới, cách chỗ cái chốt cũ chừng một giờ lội rừng" - anh Thái nói và cho biết phiên chợ sâm Ngọc Linh hồi tháng 8.2018 thu được 330 triệu đồng tiền bán sâm. "Hiện có 15 người trong làng đang làm cho mình ở cái chốt mới này. Mình phải tính toán mấy năm, đến chừ mới làm được đó" - anh Thái nói.
Cũng như Thái, hầu hết những người trồng sâm Ngọc Linh ở Trà Linh giờ ai cũng coi mái nhà ở trại sâm như là chỗ ở thứ hai, nhưng lại sống ở đó nhiều hơn là sống ở mái nhà ở làng của họ.
"Chừ dân mình trồng nhiều sâm Ngọc Linh thì phải sống dài ngày ở chốt sâm để chăm sóc, để bảo vệ cây sâm được tốt hơn. Đã đầu tư tiền của, công sức vô cái chốt sâm thì phải trụ bám với nó mới được chớ" - anh Trương Văn Dỗi - Trưởng thôn 3 (xã Trà Linh) nói.
Anh Dỗi cho hay một số chủ trại sâm ở thôn 3 đã đưa cả nhà vào sống ở chốt/trại sâm, thỉnh thoảng mới đưa một người từ chốt sâm về ở nhà vài hôm. "Như anh Hồ Văn Hình đang làm cái nhà lầu lớn nhưng cả nhà vô ở hết ở chốt sâm trong núi. Mà cái chốt sâm của Hình chừ mở rộng ra, cái trại cũng lớn, nhà ảnh sống ở chốt sâm cũng thoải mái lắm" - anh Dỗi cho biết.
Những người cùng làm ở một chốt/trại sâm ở Trà Linh rời làng đến trực gác ở trại sâm của mình ở sâu trong núi.
Chốt sâm nay trở thành một tên gọi quen thuộc, phổ biến; nó chỉ định một cơ sở làm ăn, một nơi ở mới của dân làng trồng sâm Ngọc Linh ở Trà Linh.
Theo ông Hồ Văn Thể, ở Trà Linh hiện nay có 2 mô hình chốt sâm là chốt sâm gia đình và chốt sâm tập thể. Chốt sâm tập thể, như đã nói, do một nhóm hộ trong làng lập nên để cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ươm trồng, chăm sóc cũng như hợp lực để xây dựng hệ thống rào chắn, cùng canh giữ ngày đêm để giữ gìn, bảo vệ phần sâm trồng trong chốt của nhau.
Chốt sâm gia đình quy tụ nhiều thành viên gồm những con cái đã trưởng thành, đã có gia đình cùng với cha mẹ hợp tác trồng sâm. Nhờ dồn góp được nguồn vốn khả quan từ tiền bán sâm để làm hệ thống hàng rào kiên cố, có đủ nhân lực để chăm sóc - và quan trọng là để canh gác, bảo vệ, chốt sâm gia đình đang là mô hình được người trồng sâm ở Trà Linh phát triển.
Cũng có những chốt sâm gia đình chỉ có một hộ, đó là những hộ có đủ năng lực cả về vốn xây dựng và nhân lực bảo vệ. "Nhà mình thiếu người, 5 năm nay mình phải thuê 18 người trong làng vừa làm, vừa canh giữ cho chốt sâm của mình quanh năm. Mình trả lương cho họ đàng hoàng, họ làm cho mình cũng đàng hoàng, mình tin tưởng được họ" - chủ trại Hồ Văn Đu nói. Anh Đu cũng bỏ ra gần 1 tỷ đồng để làm hàng rào, chuông báo động.
Những kỹ thuật nâng cao
"Người trồng sâm ở đây nay đã tiến bộ nhiều về kỹ thuật" - Chủ tịch Hồ Văn Thể cho biết. Đó là đúc kết qua kết quả thu được từ người trồng sâm ở Trà Linh trong nhiều năm qua, rõ nhất là từ vài năm lại đây.
Khó kể ra hết những gì họ đã tìm tòi học hỏi hay tự thân mò mẫm trong quá trình ươm trồng, chăm sóc loại cây dược quý nhưng cũng hết sức "khó tính" này. Thu hoạch được những củ sâm lớn tưởng chừng khó thể có được - đã cho người trồng sâm tự xác tín được những kỹ thuật trồng trọt hợp với tự nhiên nhất cho cây sâm mà họ đã có được qua nhiều năm lăn lộn với công việc.
Đáng nói là nay bà con đã giảm rất nhiều tình trạng bán sâm non vốn rất phổ biến trước đây. Nhờ vậy củ sâm đến tuổi khai thác (6 - 7 năm) và cả đến vượt tuổi khai thác, đã cho người trồng có được nhiều hạt sâm để ươm cây con để trồng, để bán ra mỗi năm, đến khi khai thác lại có được củ sâm lớn, có chất lượng hơn nên giá cả cũng cao hơn.
Việc nhân trồng cây sâm ở Trà Linh được thuận lợi là nhờ địa phương có được nguồn cây giống sâm Ngọc Linh an toàn từ những chốt sâm của người dân. "Vài năm nay có người mỗi vụ ươm được 20 - 30 nghìn cây sâm Ngọc Linh giống. Việc trồng sâm ở Trà Linh sẽ được mở rộng hơn nữa là nhờ địa phương làm chủ được nguồn cây sâm giống ổn định" - ông Thể khẳng định.
Theo Hoàng Minh (Báo Quảng Nam)
Giàu nhất vùng, tỷ phú Cadong trồng 10ha sâm Ngọc Linh trên rừng Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2 Nguyễn Văn Lượng đã mạnh dạn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Cũng nhờ trồng sâm Ngọc Linh mà gia đình anh Lượng từng bước thoát nghèo và vươn lên trở thành một trong những nông dân tỷ phú của xã Trà Linh, huyện...