Thư gửi mẹ
Thưa Mẹ, yêu người thì có thể bị người phản bội, nhưng yêu nghề và gắn bó sống chết với nghề thì nghề sẽ không bao giờ phản bội mình…
Thưa Mẹ, trong hàng trăm, hàng nghìn nghề trên Thế giới này, trừ nghề trộm cắp, giết hiếp thì con nghĩ nghề nào cũng là nghề chân chính. Và trong những nghề chân chính ấy, con đã chọn nghề Báo dẫu con hiểu những hiểm nguy, khó khăn luôn rình rập vây quanh. Con viết lá thư này, như một lời tâm sự, về sự lựa chọn, về sự dấn thân mà con sẽ đi trong suốt cuộc đời mình.
Mấy ngày qua, chỉ vì viết rõ sự thật về một cuộc thi chứa rất nhiều những bất cập mà con bị chính người thân, anh em, gia đình mình giận dữ, trách móc, la hét om sòm… Mọi người cho rằng con không nên viết đúng sự thật như vậy và có lẽ nào mọi người đang hướng con chối bỏ sự thật, làm ngơ trước sự thật và quay lưng với sự thật tồi tệ đó.
Cho đến bây giờ, con vẫn chưa hiểu tại sao con chọn nghề Báo? Tại sao con lại nhảy từ khối A sang thi khối C và chỉ làm một bộ hồ sơ duy nhất vào Học viện Báo chí Tuyên truyền? Con đã từng rất hãnh diện, và cũng thật hạnh phúc khi có Bố Mẹ động viên con theo đuổi con đường làm Báo từng ngày, và con cũng hết sức buồn rầu khi chỉ vì người ta chèn ép, uy hiếp và dọa dẫm con khi con vạch trần những điều sai trái thì Bố Mẹ lại trách mắng con và hướng con xa rời sự thật.
Bố nói với con: “Hãy viết về cái đẹp”. Thưa Bố Mẹ, Báo chí là viết nên sự thật của trái tim, Báo chí là vạch mặt những điều bất cập, xấu xa, tội ác, tệ nạn. Báo chí là ngợi ca, là sẻ chia, là đồng cảm. Còn nếu chỉ luôn viết về cái đẹp thì đấy không phải là Nhà báo mà là Nhà văn, Nhà văn với cách nhìn thiển cận.
Video đang HOT
V.I.Lê-nin cũng đã từng khẳng định: “Sự thật đẹp đẽ nhất, là sự thật nói đúng sự thật”. Tức là thuyết phục công chúng bằng chính sự thật. Sự thật bản thân nó đã là cách mạng. Lẽ thường, lời thề danh dự của bất kỳ Nhà báo nào khi bước chân vào tòa soạn là tôn trọng sự thật. Báo chí sợ sự thật là Báo chí xa rời bản chất cách mạng của nó; Báo chí làm ngơ trước lợi ích của nhân dân, của đất nước bị xâm hại, và có nhã ý bảo vệ lợi ích nhóm là xa lạ, thậm chí phản bội sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Thưa Mẹ, con đã rong ruổi từ Bắc vào Nam, con đã đi suốt chiều dài đất nước mình bằng ô tô chứ không phải bằng máy bay, con đã thử đi bộ những quãng đường dài và ngồi trên xe bus chứ không phải taxi, con đã đi như vậy để tự thấy mình biết chịu khó và sống bình dị như bao người khác. Con cũng đi khắp những nẻo đường để tự thắp thêm ngọn lửa cho con tim mình và tiếp thêm động lực cho những chuyến đi sau, cho những bài viết thấm đẫm chất nhân văn của Báo chí cách mạng.
Và thưa Mẹ, con không đi để làm trái với sự thật, con không đi để khi trở về là trái tim và tâm hồn nhỏ hẹp. Con không đi để học cách luồn cúi trước những tội ác, trước những mưu mô xảo quyệt, con lại càng không đi để bao che, để a dua với những giá trị rẻ mạt trên đời.
Suốt những tháng năm qua, con đã sống với trái tim tràn đầy nhiệt huyết của một cô gái trẻ giàu lòng yêu nghề và yêu cuộc sống. Con đã biến những đau thương thành hành động, con đã luôn có trách nhiệm với những gì chính bản thân con gây ra. Chưa bao giờ có bất cứ ai đứng ra chịu tội thay con, chưa có ai trải qua những hiểm nguy cùng con, chưa có ai thức cùng con những đêm dài không ngủ… nên vì thế không có ai được phép ngăn cản tình yêu dành cho nghề Báo của con.
Thưa Mẹ, con đã viết thật nhiều về cái đẹp ở đời, con cũng trải lòng mình với những khổ đau, mất mát, và dĩ nhiên con cũng nói lên rất nhiều sự thật. Nhưng lẽ nào sự thật luôn xấu xa??? Con rất buồn phiền, vì chính con đang lăn xả vào cuộc đời đang rất nhạy cảm này để nhìn nhận mọi việc sâu sắc hơn, chín chắn hơn thì lại có quá nhiều những nỗi cản ngăn từ chính những người thân của mình.
Thưa Mẹ, yêu người thì có thể bị người phản bội, nhưng yêu nghề và gắn bó sống chết với nghề thì nghề sẽ không bao giờ phản bội mình. Con vẫn đi trên con đường mà mình đã chọn, dẫu da có sạm đi, tóc có rối đi, dẫu bao nhiêu lời đe dọa, uy hiếp thì con vẫn chỉ viết sự thật mà thôi. Con đã lớn lên trong vòng tay và tình yêu thương vô bờ bến của Bố Mẹ, Bố Mẹ đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để con đến với ước mơ của mình thì hà cớ gì chỉ vì con viết sự thật và những kẻ vô học thức dùng nó để dọa dẫm con thì Bố Mẹ lại sợ những hiểm nguy đó và không để con nuôi dưỡng ước mơ của mình?
Con mong một ngày, con sẽ lớn hơn bây giờ, ít ra thì sẽ mạnh mẽ hơn, sức chịu đựng bền bỉ và dẻo dai hơn. Để con có thể vững tin vào chính mình, với cây bút sắc sảo, với tấm lòng trong và không bao giờ bị bẻ cong bởi đồng tiền, bởi dư luận và bởi cả sức mạnh uy hiếp khác. Nhưng dù có như thế nào đi nữa, con vẫn cần sự ủng hộ, niềm tin và tình yêu thương của Bố Mẹ. Cảm ơn Mẹ đã sinh ra con, và con tự cảm ơn lấy chính mình vì cho đến giây phút này chưa có bất cứ lời đe dọa nào ngăn cản được ngọn lửa sục sôi cháy trong trái tim con.
Và thưa Mẹ, con vẫn sẽ làm Báo và sẽ tiếp tục nói sự thật bởi cây ngay không sợ chết đứng!
Theo Guu
Tận tâm với trẻ khuyết tật miền núi
Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Hải Sâm, trường tiểu học Eatrol (xã Eatrol, huyện Sông Hinh, Phú Yên) đã hết lòng giúp đỡ học sinh khuyết tật hòa nhập.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Sâm sinh năm 1974, tại xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên, cô Sâm được phân công về trường tiểu học Eatrol. Từ năm 2011 đến nay, cô tham gia công tác giáo dục, hòa nhập cho học sinh khuyết tật.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Sâm trong giờ lên lớp.
Cô Sâm chia sẻ: "Các em không được may mắn như những bạn bình thường nên tôi nghĩ mình phải hết lòng thương yêu các em. Đầu tiên là mong các em biết đọc, biết viết, sau đó rèn cho các em những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày".
Dạy học cho trẻ khuyết tật đã khó, đối với học sinh khuyết tật ở địa phương miền núi như Eatrol lại càng khó khăn hơn. Các em có nhiều dạng khuyết tật, em bị câm, em bị thiểu năng trí tuệ. Bên cạnh đó, khả năng tiếng Việt của các em cũng rất yếu. Để học sinh khuyết tật hòa nhập với các bạn, cô Sâm đã dành giờ ra chơi, những lúc nghỉ trưa, để trò chuyện, động viên và chơi cùng các em. Trong mỗi trang giáo án của mình, cô soạn thêm phần dành riêng cho học sinh khuyết tật. Khi học sinh bỏ học, cô lại tìm đến động viên, đưa đón các em đến lớp. Chính sự tận tâm của cô Sâm đã giúp các em học sinh khuyết tật ở đây học được con chữ.
Hờ Rai (bị câm) và K'So Hờ Bin (bị thiểu năng trí tuệ) đều là những học trò mà cô Sâm từng dạy và chủ nhiệm từ lớp 1. Năm nay, các em đã lên lớp 4 và hòa nhập với những học sinh khác. K'So Hờ Bin cho biết: "Cô Sâm dạy em biết đọc, biết viết. Em rất yêu cô Sâm, em thích đến trường và cảm thấy rất là vui".
Thầy Lê Thành Tâm, Hiệu trưởng trường tiểu học Eatrol cho biết: "Cô Sâm là một giáo viên tâm huyết với nghề. Nhiều năm cô được phân công dạy lớp 1, cô Sâm có rất nhiều biện pháp, nhiều tình cảm dành cho học sinh nên những học sinh khuyết tật được học lớp của cô đều có kết quả học tập rất đáng mừng. Có thể nói, tình cảm và tâm huyết của cô dành cho những học sinh khuyết tật là rất lớn".
Những gì mà cô giáo Nguyễn Thị Hải Sâm đã làm được cho những học trò khuyết tật ở vùng miền núi Eatrol không chỉ là trách nhiệm, mà còn xuất phát từ trái tim nhân hậu của một nhà giáo.
Theo baotintuc.vn