Thu giữ 50 chiếc ĐTDĐ lậu trong căn hộ chung cư tại TP Hồ Chí Minh
Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh mới thu giữ 50 chiếc điện thoại di động Iphone 11, 12 và 9 cái Ipad ( máy tính bảng), 5 cái đồng hồ đeo tay thông minh là hàng ngoại nhập, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại nơi ở của 1 cá nhân thuộc địa chỉ Cao ốc B Chung cư Ngô Gia Tự, số 29 Hòa Hảo, Phường 3, Quận 10, TP Hồ Chí Minh.
Số hàng hóa được lực lượng Quản lý thị trường thu giữ. Ảnh: QLTT.
Sáng ngày 4/11/2020, Đội QLTT số 3 – Cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đội 7 – Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) và Công an Phường 3, Quận 10, TP Hồ Chí Minh tiến hành khám 1 ba lô của ông Nguyễn Kim Na theo Quyết định đã được phê duyệt tại bãi giữ xe tầng hầm Cao ốc B Chung cư Ngô Gia Tự. Kết quả phát hiện, trong ba lô chứa 24 chiếc điện thoại di động chưa qua sử dụng. Ông Nguyễn Kim Na trình bày số hàng trên thuộc sở hữu của ông Ngô Nguyễn Hoàng Vân. Ông Na được ông Vân yêu cầu đến phòng 8.14 Cao ốc B Chung cư Ngô Gia Tự nhận cái ba lô có chứa điện thoại nêu trên để giao cho khách hàng.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Vân khẳng định là chủ sở hữu của toàn bộ số điện thoại chứa trong ba lô nêu trên. Số hàng này được lấy từ phòng 8.14 Cao ốc B Chung cư Ngô Gia Tự giao cho ông Nguyễn Kim Na để giao cho khách hàng thì bị kiểm tra. Xét thấy có dấu hiệu nghi vấn tại địa điểm trên, đoàn kiểm tra đề xuất Đội trưởng Đội QLTT số 3 tiến hành khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính tại phòng 8.14 Cao ốc B Chung cư Ngô Gia Tự.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện thêm 26 chiếc điện thoại di động, 9 chiếc Ipad (máy tính bảng) và 5 chiếc đồng hồ thông minh chưa qua sử dụng là hàng ngoại nhập, không có hóa đơn chứng từ đều do ông Ngô Nguyễn Hoàng Vân là chủ sở hữu.
Qua quá trình khám, ông Ngô Nguyễn Hoàng Vân thừa nhận toàn bộ 24 chiếc điện thoại di động trong ba lô và 26 cái điện thoại di động, 9 chiếc Ipad (máy tính bảng) và 5 chiếc đồng hồ thông minh tại phòng 8.14 Cao ốc B Chung cư Ngô Gia Tự đều do ông Vân là chủ sở hữu. Do điều kiện tại nơi khám không thuận lợi để kiểm đếm chủng loại, số imei nên ông Vân thống nhất với đoàn kiểm tra và cơ quan phối hợp, tạm giữ niêm phong toàn bộ hàng hóa nêu trên chuyển về Đội QLTT số 3 để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT TP HCM đã kiểm tra 12 vụ, tạm giữa 603 chiếc điện thoại các loại (chưa qua sử dụng và đã qua sử dụng) nhập lậu, trị giá gần 4,2 tỷ đồng; đã xử lý 9 vụ và thu phạt hành chính 292 triệu đồng. Đồng thời đang áp dụng biện pháp nghiệp vụ để xử lý các đối tượng nhập lậu từ nước ngoài về, tổ chức phân phối tại các điểm kinh doanh trên địa bàn.
Minh bạch dạy thêm học thêm
Bộ GDĐT vừa có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Video đang HOT
Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều băn khoăn đang được đặt ra, liệu "luật" hóa việc dạy thêm học thêm có giảm được tình trạng học sinh bị "ép" học thêm tự nguyện như hiện nay? Nếu phát hiện có sai phạm thì chế tài xử lý có đủ mạnh để răn đe hay không? Từ số này, Báo Đại Đoàn kết đăng loạt bài với mong muốn minh bạch dạy thêm học thêm.
Bài 1: Để học thêm không thành bắt buộc
Với những HS tiểu học, học bán trú cả ngày trên lớp cũng đã là quá tải.
Trong văn bản vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ GDĐT cho rằng: Việc dạy thêm học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Bộ GDĐT đánh giá, nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Khó xử lý?
Theo Bộ GDĐT, quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay chưa có trong danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Với mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này, Bộ GDĐT cũng sẽ rà soát, ban hành văn bản thay thế Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm cho phù hợp với tình hình thực tế, sau khi được bổ sung hoạt động về dạy thêm, học thêm vào danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư.
Khi dạy thêm, học thêm được đưa vào luật, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện dạy thêm, học thêm trái quy định.
Trước đó, năm 2019 Bộ GDĐT đã ban hành văn bản về việc công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư 17/2012 quy định về dạy thêm học thêm. Theo đó, chiều theo quy định thì cho đến thời điểm này nhiều địa phương vẫn ngưng việc cấp phép dạy thêm học thêm.
Đơn cử như TP Hồ Chí Minh, năm 2019, theo thống kê của Sở GDĐT trên cổng thông tin điện tử, thành phố có 282 đơn vị được cấp giấy phép dạy thêm, học thêm tại 338 địa chỉ. Và địa phương này cũng đã ngưng tiếp nhận cấp phép dạy thêm, học thêm với những trường hợp mới do một số điều của Thông tư 17/2012 quy định về dạy thêm, học thêm đã hết hiệu lực.
Trước đề xuất "luật" hóa việc dạy thêm, học thêm mới đây của Bộ GDĐT, nhiều người có chung câu hỏi: Liệu việc quản lý hoạt động này có thực sự tốt lên như kỳ vọng hay không?
Những băn khoăn ấy không phải không có cơ sở, bởi thực trạng dạy thêm học thêm tràn lan đã tồn tại nhiều năm qua. Việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường thì được ràng buộc bằng "đơn tự nguyện" học thêm. Và gần như đại đa số phụ huynh viết đơn "tự nguyện" với mong muốn con mình được thầy/cô quan tâm hơn.
Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, hiện việc nhiều giáo viên mở lớp dạy "chui" tại nhà gần như là phổ biến, từ bậc tiểu học tới bậc THCS. Ở một số khu vực tại Hà Nội, nơi tập trung nhiều các KĐT mới như quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy... do trường lớp quá tải, học sinh phải nghỉ học luân phiên, nên cung- cầu học thêm đã trở thành đương nhiên. Đa phần phụ huynh mang tâm lý thời gian học tập ở trường bị rút ngắn, cần cho con đến học thêm ở nhà cô để được bổ sung kiến thức. Trong khi đó, thường niên Sở GDĐT đều có những văn bản "siết" quản lý dạy thêm học thêm trong dịp hè...
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều
Cũng trong năm 2019, nhân câu chuyện ngưng cấp giấy phép về dạy thêm học thêm thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên tiếp tục ngưng cấp vĩnh viễn giấy phép dạy thêm, học thêm này không?
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Dục Quang- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, Chương trình, sách giáo khoa (SGK) được viết cho giáo dục phổ thông (GDPT), dành cho số đông học sinh ở khắp các vùng miền trên cả nước. Còn những em có khả năng hơn thì gia đình cần đầu tư thêm bằng các cách khác nhau như tăng cường các tiết học nâng cao, học thêm...
Trường chuyên lớp chọn chỉ dành cho một số ít học sinh nên không thể yêu cầu giáo dục đại trà ôm đồm cả các kiến thức hàn lâm, vì số đông học sinh sẽ khó tiếp thu được cũng như tính ứng dụng trong thực tế không nhiều.
Còn GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là Phó Giám đốc kỹ thuật Dự án Chương trình và SGK mới (Bộ GDĐT), cho biết: Phương pháp giáo dục của mỗi gia đình là khác nhau. Mỗi giáo viên cũng có cách truyền đạt riêng và mỗi học sinh cũng có mức độ nhận thức khác nhau nên ở trên lớp, giáo viên cần cố gắng truyền đạt hết các kiến thức mà chương trình và sách giáo khoa yêu cầu. Đảm bảo nhận thức chung tất cả các em đều cần phải đạt được về kiến thức, kỹ năng.
Tuy nhiên, thời gian học tập trên lớp có hạn với số lượng học sinh khá đông nên không thể yêu cầu vừa kèm cặp cho học sinh yếu khá hơn, vừa dạy kiến thức nâng cao cho học sinh khá giỏi. Cũng tương tự như việc giao bài tập về nhà cần phù hợp với lứa tuổi nhận thức và trình độ của học sinh. Nguyên tắc chung là không nên quá nặng nề chuyện bài tập về nhà, khiến con cái mỗi ngày đều ngập trong núi bài tập, sách vở đến mức... sợ học.
Xung quanh đề xuất về "luật" hóa dạy thêm học thêm, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay chưa có trong danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Bộ GDĐT đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình GDPT vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường quản lý hoạt động này.
Học thêm là nhu cầu chính đáng của một bộ phận phụ huynh và học sinh. Song để việc dạy thêm không trở thành gánh nặng hay nỗi ám ảnh của phụ huynh và học sinh, của xã hội thì việc đi học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của chính người học chứ không phải từ người dạy. Trách nhiệm của các cấp quản lý là phải kiểm tra được chất lượng dạy học của giáo viên đứng lớp đối với học sinh? Liệu có tình trạng cố tình bớt giờ dạy hay không? Cố tình không giảng hết cho học sinh để buộc học sinh phải đi học thêm không? Bao giờ thì chấm dứt nạn phải làm đơn tự nguyện xin học thêm? Câu hỏi này cần ngành giáo dục sớm trả lời.
(Còn nữa)
Nhập nhằng tư vấn tuyển sinh Thay vì nhận được các thông tin khách quan, trung thực và cần thiết trước kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) quan trọng thì hiện nay, thí sinh, phụ huynh gần như chỉ nhận được những lời mời chào, quảng cáo của các trường ĐH. Ảnh minh họa Đặc biệt với nhiều trường THPT ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa thường...