Thủ đoạn mới của Trung Quốc mở rộng kiểm soát ngư trường ở Biển Đông
Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng TQ đang âm mưu tạo ra các khu vực đánh cá mới nhằm hiện thực hóa tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía nam Biển Đông.
Tàu cá của Trung Quốc rầm rộ tiến vào Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã
- Hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3, Trung Quốc điều các tàu hải giám tới bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ông, âm mưu thực chất của hành động này là gì?
- Trong những tháng gần đây, tàu thuyền đánh cá Trung Quốc với sự hỗ trợ của các tàu hải giám đã thâm nhập sâu vào các vùng đánh cá truyền thống của các nước ven Biển Đông. Ngày 2/3, ít nhất 4-5 tàu tuần dương và cảnh sát biển Trung Quốc tới bãi san hô Hải Sâm do Philippines kiểm soát.
Hành động này nằm trong chủ trương của Trung Quốc, tạo ra các khu vực đánh cá mới thông qua hành động lấn biển và mở rộng quyền kiểm soát trên thực tế tại Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc chủ trương mở rộng việc đánh cá, xử lý cá tại các ngư trường ở Trường Sa.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan. Hiện ông là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế. Ảnh: Hồng Duy
Bên cạnh đó, tàu Trung Quốc cũng được phát hiện đang di chuyển xung quanh bãi Cỏ Mây do Philippines kiểm soát. Đầu tháng 2 vừa qua, tàu hải quân Trung Quốc quấy rối tàu BRP Laguna của Philippines gần bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa.
- Ông có thể nói rõ hơn mức độ nguy hiểm từ chủ trương này của Trung Quốc?
- Theo một số ngư dân Philippines, kể từ khi Trung Quốc hoàn thành việc san lấp tôn tạo 7 điểm đảo nhân tạo ở Trường Sa, họ chỉ có thể đánh cá gần bờ và thu hoạch các loại cá nhỏ. Các tàu cá Trung Quốc cũng nhiều lần xâm phạm sâu vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam thuộc Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Các hành động của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa phụ thuộc rất ít vào động thái của các nước khác, kể cả Mỹ, ở Biển Đông. Chúng xuất phát từ những phác thảo chiến lược dài hạn, mỗi bước tiến được triển khai khi thời cơ chín muồi.
Bên cạnh chủ trương mở rộng vùng đánh cá và khai thác hải sản sâu trong các vùng đặc quyền kinh tế của các nước tại Biển Đông, Trung Quốc đang thiết lập hệ thống căn cứ trực thăng và điểm tiếp nhiên liệu rải khắp khu vực này, khiến cho các loại trực thăng như loại Z-18F có thể tiếp cận được bất cứ vị trí nào trên biển trong vòng hai giờ.
Nhiều ngư dân Philippines cho biết, từ khi Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, họ chỉ có thể đánh cá trong vòng 20 km gần bờ, nơi chỉ có cá nhỏ. Tàu cá Trung Quốc đã áp sát đảo Lý Sơn của Việt Nam.
Video đang HOT
Trong tương lai, khi các bãi đỗ trực thăng được Trung Quốc xây dựng rải rác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đi vào hoạt động, máy bay trực thăng của Trung Quốc chỉ trong 2 tiếng đồng hồ có thể tiếp cận bất cứ địa điểm nào ở các vùng biển này để hỗ trợ cho các tàu thuyền của Trung Quốc đánh bắt cá và khai thác hải sản phi pháp, phục vụ cho cơn khát hải sản của người Trung Quốc.
Việt Nam hay Philippines cần đặc biệt cảnh giác trước thủ đoạn mới này của Trung Quốc.
- Lý do nào khiến Trung Quốc rút tàu khỏi bãi Hải Sâm sau một thời gian hiện diện ở khu vực này. Nó có liên quan tới việc Mỹ đưa đội tàu sân bay tới Biển Đông hay không?
- Ngày 1/3, Mỹ đưa tàu sân bay USS John C. Stennis, các tàu khu trục, tuần dương hạm và soái hạm của Hạm đội 7 tới làm nhiệm vụ ở Biển Đông. Ngày 3/3, Trung Quốc rút các tàu ở bãi Hải Sâm. Theo tôi, không hẳn là Mỹ điều hàng không mẫu hạm vào Biển Đông để cứu Philippines trong vụ bãi Hải Sâm.
Sự việc diễn ra vào lúc Trung Quốc đã chiếm giữ bãi Hải Sâm hơn một tháng. Khi đó, Philippines cũng đang băn khoăn không biết liệu Trung Quốc đang thực hiện ý đồ chiếm giữ lâu dài hay tạm thời.
Việc Washington đưa đội tàu sân bay tới vùng biển này cho thấy Mỹ muốn biểu dương thực lực, thể hiện quyết tâm vì an toàn hàng hải, bảo vệ đồng minh là Philippines bằng hành động. Rõ ràng, Mỹ đang dứt khoát ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông trên thực tế.
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
- Từ những diễn biến tại Biển Đông thời gian qua, có thể thấy Mỹ và Trung Quốc đang “ăn miếng, trả miếng” nhau. Ông bình luận như thế nào về nhận xét này?
- Có những hành động chiến thuật trả đũa trong thời gian qua ở Biển Đông. Trung Quốc kéo tên lửa, đáp máy bay tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Mỹ đưa hàng không mẫu hạm rất mạnh tới khu vực.
Mỹ đang đưa ra những phản ứng mang tầm chiến lược, thể hiện rằng họ đang khởi động giai đoạn hai của chiến lược xoay trục sang châu Á. Giai đoạn một bắt đầu từ năm 2010 – khi Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố đưa Biển Đông vào “lợi ích cốt lõi” và hoàn chỉnh triển khai chính sách xoay trục từ cuối năm 2011-2012.
Năm 2016 sẽ chứng kiến những nỗ lực của Mỹ chống lại việc Trung Quốc kiểm soát Biển Đông trên thực tế. Phản ứng của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc vừa trên phương diện chiến thuật (tuần tra Biển Đông, hỗ trợ vụ kiện của Philippines, tập hợp lực lượng như Mỹ-ASEAN tại Sunnylands…) vừa trên phương diện chiến lược – triển khai, mở rộng “xoay trục”.
- Tuần trước, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry B. Harris, nói họ có kế hoạch tập trận 3 bên cùng Nhật Bản và Ấn Độ, đồng thời đề xuất liên minh hàng hải 4 nước (Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ). Liệu có phải Mỹ đang hình thành liên minh đáp trả Trung Quốc ở Biển Đông hay không?
- Mỹ luôn muốn làm điều đó. Họ không muốn một mình đứng ra cản Trung Quốc. Do vậy, Mỹ kéo Nhật Bản, Australia tham gia tuần tra Biển Đông.
Về chiến thuật, Hải quân Mỹ, có sự tham gia ở thời điểm nào đó của Nhật Bản và Australia, sẽ thực hiện các hoạt động tuần tra tại các khu vực Biển Đông, cả trên không và trên biển. Các hoạt động này nhằm bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải, quyền qua lại tự do trên biển và trên không, kể cả tàu chiến và máy bay quân sự, mà không bị ngăn chặn hoặc quấy nhiễu, đồng thời, cũng thách thức những tuyên bố chủ quyền của các thực thể nhân tạo.
Đề xuất lập liên minh hàng hải là một ý tưởng độc đáo. Có thể nó không diễn ra ngay, nhưng nếu một khi Trung Quốc leo thang ở Biển Đông, ép buộc các nước khác tuân theo luật lệ đơn phương của mình, ví dụ như các tàu, máy bay di chuyển qua Biển Đông phải xin phép Trung Quốc, liên minh hàng hải sẽ hoạt động. Điều này có lợi cho các nước nhỏ ở Biển Đông.
Nếu có liên minh như vậy hoặc cuộc tập trận đa bên, nó hoàn toàn phù hợp với quốc tế hóa Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tiếp tục gia cố các quan hệ đồng minh và đối tác ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Hải Anh (thực hiện)
Theo Zing News
Giải mã ngân sách quốc phòng Trung Quốc
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc 954,35 tỉ nhân dân tệ (146,67 tỉ USD) chỉ bằng 1/4 của Mỹ năm 2016 (573 tỉ USD) nhưng vẫn gây nhiều lo ngại.
Reuters đưa tin ngày 5-3, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (TQ) khóa 12 chính thức thông báo tăng 7,6% chi tiêu quân sự năm 2016. Đây là mức tăng thấp nhất trong sáu năm qua. Sự kiện TQ chọn mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp có ý nghĩa gì?
Kinh tế suy giảm, lo ngại xã hội
Báo The Washington Post ghi nhận GDP TQ tăng chưa đầy 7% năm 2015, mức tăng thấp nhất trong 25 năm gần đây, do đó nhà cầm quyền TQ không còn lạc quan nữa.
GS Nghê Lạc Hùng ở ĐH Thượng Hải (TQ) nói với báo The Washington Post mức tăng ngân sách quốc phòng thấp có lý do vì kinh tế TQ thực sự tồi tệ.
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự nói với báo New York Times Bắc Kinh hiểu rõ chi tiêu quân sự có thể nhấn chìm một quốc gia và lấy Liên Xô làm ví dụ. Những người khác như GS Kim Xán Vinh ở ĐH Nhân dân Bắc Kinh nhận định sự kiện TQ giảm tập trung vào chi tiêu quân sự có thể do có nhiều lo ngại về xã hội.
Ông nói với báo Mỹ các vấn đề kinh tế đã biến phúc lợi xã hội trở thành vấn đề ưu tiên đối với chính phủ TQ. Tướng về hưu Từ Quang Dụ nhận định mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp cũng có thể là hậu quả của tình hình hiện đại hóa giảm tốc.
Một số ý kiến cho rằng quyết định kéo giảm mức tăng chi tiêu quốc phòng là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh TQ đang gia tăng bành trướng quân sự ở biển Đông. Chẳng hạn, GS Nghê Lạc Hùng đã dự đoán mức tăng phải gấp hai lần con số được công bố hôm 5-3.
Tuy nhiên, TQ chắc chắn không giảm khả năng quân sự. GS Andrew Erickson ở ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ nói với báo Wall Street Journal rằng quyết định về ngân sách của Bắc Kinh chỉ đơn giản thể hiện mong muốn cân bằng giữa vấn đề chi bạo và duy trì kiểm soát đối với quân đội.
Ông lưu ý: "Con số chi tiêu quốc phòng mới nhất của TQ cho thấy nước này quyết tâm tránh bành trướng quân sự kiểu Liên Xô nhưng vẫn tập trung tăng cường khả năng thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền hàng hải và đảo ở biển Đông và biển Hoa Đông".
Tàu sân bay USS John C. Stennis hiện diện ở biển Đông. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên gân
Thời Báo Hoàn Cầu vốn là tờ báo hiếu chiến của TQ cho rằng với nhiều người dân TQ, mức tăng chi tiêu quốc phòng vừa được công bố "có một chút thất vọng". Trong khi đó, ngày 5-3, Bộ Quốc phòng TQ đã mô tả mức tăng ngân sách quốc phòng đã công bố là phù hợp.
Bộ Quốc phòng cho rằng "đó chắc chắn không có nghĩa giấc mơ của người TQ về một quốc gia và quân đội hùng mạnh sẽ bị tác động" và dự thảo kế hoạch năm năm đến năm 2020 của TQ khẳng định TQ sẽ củng cố năng lực chấp pháp trên biển.
Giới quan sát nhận định điều đó đồng nghĩa với việc căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang ở biển Đông.
Trước đây, trước dư luận lên án hành động quân sự hóa của TQ ở biển Đông, Thời Báo Hoàn Cầu đã từng nói Mỹ "phóng đại sự việc" khi chỉ trích TQ bố trí tên lửa, radar, xây đường băng ở biển Đông là thay đổi môi trường hành động của quân đội Mỹ.
Báo cho rằng biển Đông không phải là nơi Mỹ giữ bá quyền và truyền thông Mỹ làm quá như khúc dạo đầu dư luận để Mỹ thị uy leo thang quân sự ở biển Đông.
Báo đổ lỗi Mỹ là quốc gia ngoài khu vực đã can thiệp quân sự ở biển Đông, quân đội Mỹ trình diễn cơ bắp ở biển Đông và Mỹ đưa căng thẳng có sức tác động toàn cục từ bên ngoài vào, từ đó biển Đông mới bị một số người coi là "thùng thuốc nổ" để bàn tán.
Báo còn hù dọa nếu Mỹ muốn biến biển Đông thành vũ đài quân sự và càng gia tăng áp lực quân sự ở biển Đông, phương thức quân sự của TQ sẽ càng mạnh hơn.
Báo răn đe nếu Mỹ có hành động uy hiếp các đảo thì phải chuẩn bị tư tưởng sẽ bị radar hỏa lực của TQ khóa chặt, biển Đông chỉ có thể là hải vực quân đội Mỹ đi qua vô hại chứ không phải khu vực thích hợp để Mỹ cân đo bá quyền.
Ấn Độ: Trang web Defence News ngày 4-3 đưa tin, phản ứng với đề nghị của Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, về thành lập liên minh hải quân bốn nước Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ để hợp tác tuần tra ở biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tuyên bố bác bỏ đề nghị của Mỹ. Ông nói với báo giới: "Chúng tôi sẽ nêu quan điểm sau khi xem xét. Còn hiện thời Ấn Độ không tham gia bất kỳ cuộc tuần tra chung, vấn đề tuần tra chung không được đặt ra... Nếu chúng tôi có quyết định, Bộ Quốc phòng sẽ giải thích rõ". Nhật: Báo Asahi Shimbun đưa tin lực lượng phòng vệ biển Nhật sẽ đưa một tàu ngầm và hai tàu khu trục đến vịnh Subic (Philippines) vào đầu tháng 4 tới. Báo nhận định chuyến thăm Philippines của đội tàu chiến Nhật bên ngoài thuần túy là nhiệm vụ thiện chí nhưng mục tiêu thực sự là tín hiệu rõ ràng trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa ở biển Đông. Lần gần nhất tàu ngầm Nhật đến Philippines cách đây 15 năm. Dù vậy, Nhật chưa tham gia thực thi tự do hàng hải ở biển Đông như Mỹ đề nghị.
HUY NGUYỄN - CHU TÂM
Tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập bãi Hải Sâm Trung Quốc vừa điều 7 tàu hải cảnh xâm nhập trái phép bãi Hải Sâm nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Bãi Hải Sâm nhìn từ vệ tinh - Ảnh: NASA Ngày 2.3, Reuters dẫn lời giới chức Philippines cho biết trong thời gian gần đây, đã có ít nhất 7 tàu đến bãi đá Hải Sâm, chặn đường...